Điểm báo

Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

Điểm báo hoạt động ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch ngày 29/7/2021

29/07/2021 | 16:12

Việt Nam có đại diện vào chung kết cuộc thi piano quốc tế Frederic Chopin; HLV Park Hang-seo trở lại Việt Nam, chuẩn bị cho hai mục tiêu mới là Vòng loại cuối World Cup 2022 khu vực châu Á và Vòng loại U23 châu Á 2022; Đảm bảo an toàn khi đón khách quốc tế đến Phú Quốc là thông tin đáng chú ý trên báo ngày hôm nay.

1.Lĩnh vực Văn hóa

- TTXVN ngày 29/7 đưa tin: "Vận động sáng tác ca khúc phòng, chống dịch COVID-19" cho biết: Hiện nay, dịch COVID-19 đang diễn biến hết sức phức tạp trên khắp cả nước, đặc biệt là ở Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh thành Nam Bộ. Chủ tịch Hội Nhạc sỹ Việt Nam Đỗ Hồng Quân vừa có thư gửi các nhạc sỹ, hội viên Hội Nhạc sỹ Việt Nam, kêu gọi các nhạc sỹ cùng sáng tác các ca khúc phòng, chống dịch COVID-19, để có thêm nhiều tác phẩm âm nhạc, nhằm góp phần cổ vũ động viên lực lượng trên tuyến đầu, tiếp thêm sức mạnh cùng cả nước phòng chống dịch.

- Báo Sài Gòn Giải Phóng ngày 26/7 đưa tin:

Xây dựng loạt tiểu phẩm sân khấu đề tài phòng chống dịch Covid-19

Ba đơn vị nghệ thuật thuộc Sở VH-TT TPHCM gồm Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang, Trung tâm Ca nhạc nhẹ và Nhà hát Kịch TPHCM đã cùng lên kế hoạch thực hiện một loạt tiểu phẩm, chương trình sân khấu đặc biệt về công tác phòng chống dịch Covid-19. Mỗi tiểu phẩm sân khấu có thời lượng 15 phút, sẽ được phát trên sóng Đài Truyền hình TPHCM, trang thông tin của Sở VH-TT. Hiện nay, các diễn viên tham gia chủ yếu tập tại nhà, trao đổi và chỉnh sửa kịch bản online, đến khi ghi hình thì chia giờ để thực hiện, làm đúng quy định giãn cách, giúp tiểu phẩm hoàn thành tốt mà vẫn tuân thủ đúng các biện pháp cần thiết trong công tác phòng chống dịch bệnh.

Nhường "đất vàng" cho văn hóa?

Những câu chuyện như nhà hát nhưng không có rạp để hát, phát triển công nghiệp văn hóa nhưng tìm đỏ mắt cũng không thấy quỹ đất ưu ái dành để xây dựng rạp chiếu phim, quảng trường, không gian văn hóa… là những tồn tại nhiều năm qua ở các đô thị lớn. Theo nhiều chuyên gia và nhà hoạch định chính sách, đây cũng chính là một trong những nút thắt làm chậm lại nhịp phát triển của văn hóa trong thời điểm này. Thực tế cho thấy, ở Hà Nội, văn hóa đang đóng góp khoảng 3,7% vào GDP của thành phố. Con số này cao hơn so với các địa phương khác, nhưng so với các thành phố ở các quốc gia khác có điều kiện tương đương thì tỷ lệ này của Hà Nội thấp hơn rất nhiều.

- Báo Hà Nội mới ngày 29/7 đưa tin: Biểu diễn chương trình nghệ thuật trực tuyến ''Tổ quốc trong tim'' cho biết: Chương trình nghệ thuật trực tuyến "Tổ quốc trong tim" do Nhà hát Ca múa nhạc Việt Nam chủ trì, phối hợp với các nghệ sĩ ba miền Bắc - Trung - Nam và nghệ sĩ ở nước ngoài biểu diễn, phát trực tuyến trên các nền tảng xã hội phổ biến lúc 20h hôm nay, 28-7. Đây là hoạt động thực hiện chỉ đạo của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch về việc triển khai các chương trình biểu diễn nghệ thuật trực tuyến phục vụ công chúng.

- Báo Văn hóa ngày 28/7 đưa tin:

Xin ý kiến góp ý về dự thảo quy định tiêu chí, trình tự, thủ tục công nhận đô thị văn minh

Dự thảo Quy định tiêu chí, trình tự, thủ tục xét công nhận đô thị văn minh vừa được Bộ VHTTDL chủ trì, phối hợp với các Ban, Bộ, ngành liên quan xây dựng và hoàn thiện. Để bảo đảm việc lấy ý kiến rộng rãi các cơ quan, tổ chức, cá nhân theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, nội dung dự thảo được đăng tải trên Cổng Thông tin điện tử, Văn phòng Chính phủ (http://chinhphu.vn) và Cổng Thông tin điện tử, Bộ VHTTDL (http://bvhttdl.gov.vn) trước khi tiếp tục chỉnh sửa, hoàn thiện và trình Thủ tướng Chính phủ ký quyết định ban hành.

Xây dựng công nghiệp điện ảnh Việt Nam từ những công việc cụ thể

Ở Việt Nam, khái niệm công nghiệp văn hóa manh nha từ đầu những năm 2000. Nhưng cột mốc quan trọng cho việc định hướng xây dựng công nghiệp văn hóa là Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2020, trong đó khẳng định phát triển công nghiệp văn hóa đang là xu thế lớn và quan trọng trong chính sách văn hóa của các nước trên thế giới, đồng thời nhận thức rõ về xu thế tất yếu phải phát triển công nghiệp văn hóa, những điều kiện phát triển công nghiệp văn hóa và nhiệm vụ tập trung xây dựng cơ chế, chính sách, môi trường kinh doanh để phát triển ngành công nghiệp văn hóa ở nước ta.

Cuộc thi Ảnh nghệ thuật quốc tế lần thứ 1 tại TP.HCM năm 2021

Ngày 28.7, Hội Nhiếp ảnh TP.HCM phát động cuộc thi Ảnh nghệ thuật quốc tế lần thứ 1 tại TP.HCM năm 2021, dành cho tất cả nhiếp ảnh gia trên toàn thế giới. Cuộc thi nhận ảnh tham dự đến ngày 15.10. Cuộc thi Ảnh nghệ thuật quốc tế lần thứ 1 tại TP.HCM năm 2021 (HOPA-1) với sự bảo trợ của Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam (VAPA), Liên đoàn Nghệ thuật nhiếp ảnh quốc tế (FIAP), Hội Nhiếp ảnh Hoa Kỳ (PSA) và Hiệp hội Hình ảnh không biên giới (ISF). Tác phẩm tham gia dự thi gồm 4 thể loại: Tự do cho ảnh màu, Tự do cho ảnh đơn sắc, ảnh du lịch (cả màu và đơn sắc), và ảnh sinh hoạt đời thường (cả màu và đơn sắc). Mỗi tác giả được gửi tối đa 4 ảnh cho mỗi thể loại; mỗi ảnh chỉ tham dự cho một thể loại.

Xây dựng công nghiệp điện ảnh Việt Nam từ những công việc cụ thể

Ở Việt Nam, khái niệm công nghiệp văn hóa manh nha từ đầu những năm 2000. Nhưng cột mốc quan trọng cho việc định hướng xây dựng công nghiệp văn hóa là Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2020, trong đó khẳng định phát triển công nghiệp văn hóa đang là xu thế lớn và quan trọng trong chính sách văn hóa của các nước trên thế giới, đồng thời nhận thức rõ về xu thế tất yếu phải phát triển công nghiệp văn hóa, những điều kiện phát triển công nghiệp văn hóa và nhiệm vụ tập trung xây dựng cơ chế, chính sách, môi trường kinh doanh để phát triển ngành công nghiệp văn hóa ở nước ta.

-TTXVN, báo điện tử Đảng Cộng Sản Việt Nam, báo Sài Gòn Giải Phóng và nhiều báo khác ngày 29/7 đưa tin: "Nghệ sỹ piano trẻ Nguyễn Việt Trung vào Chung kết cuộc thi Frederic Chopin" cho biết: Sau 40 năm kể từ ngày nghệ sĩ Đặng Thái Sơn đạt giải Nhất Cuộc thi piano quốc tế Fryderyk Chopin lần thứ 5 năm 1980, đến nay mới có nghệ sĩ Việt tiếp theo góp mặt trong vòng chung kết. Đó là nghệ sĩ piano Nguyễn Việt Trung. Ngày 28/7, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Quang Hiệu, Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài, Bộ Ngoại giao, đã có thư động viên, khen ngợi nghệ sỹ piano trẻ Nguyễn Việt Trung - người Việt Nam duy nhất có tên trong danh sách 87 thí sinh xuất sắc bước vào vòng chính thức của Chung kết cuộc thi Piano quốc tế Frederic Chopin lần thứ 18, tại Ba Lan.

Điểm báo hoạt động ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch ngày 29/7/2021 - Ảnh 1.

Nghệ sỹ piano trẻ Nguyễn Việt Trung (Ảnh: quehuongonline.vn)

Nguyễn Việt Trung sinh năm 1996, bộc lộ năng khiếu âm nhạc từ nhỏ và được mệnh danh là thần đồng piano. Anh đã nhận được nhiều giải thưởng uy tín như: Giải Nhất cuộc thi Emmy Alberg 2005 (Ba Lan), giải Nhất cuộc thi Biểu diễn các tác phẩm nhạc Chopin và giải Nốt nhạc vàng cho tay đàn trẻ thể hiện tác phẩm của Mozart xuất sắc 2006 (Ba Lan), giải Nhì cuộc thi quốc tế Ludwik Stefanski - Hanlina Czerny Stefanska tại Ba Lan (2008), giải Nhì cuộc thi Chopin quốc tế dành cho tài năng trẻ (2010)...

2.Lĩnh vực Du lịch

- TTXVN ngày 29/7 đưa tin:

Đảm bảo an toàn khi đón khách quốc tế đến Phú Quốc

Thực hiện Kết luận số 07-KL/TW ngày 11/6/2021 của Bộ Chính trị về một số nhiệm vụ trọng tâm tăng cường công tác phòng, chống dịch COVID-19 và phát triển kinh tế - xã hội, UBND tỉnh Kiên Giang đã hoàn thành dự thảo kế hoạch phục hồi và phát triển ngành du lịch tỉnh cùng với các quy trình triển khai đón khách du lịch quốc tế đến Phú Quốc trên cơ sở đảm bảo an toàn tuyệt đối sức khỏe cho người dân. Theo Dự thảo kế hoạch thí điểm đón khách quốc tế có "hộ chiếu vaccine" đến đảo Phú Quốc đang được Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch lấy ý kiến các bộ, ngành, thời gian đón khách từ tháng 10/2021, kéo dài 6 tháng.

Lào chuẩn bị mở cửa trở lại ngành du lịch trong điều kiện bình thường

Báo chí Lào số ra ngày 28/7 đưa tin chính phủ nước này đã chỉ đạo Bộ Văn hóa, Thông tin và Du lịch phối hợp với các địa phương trên cả nước chuẩn bị cho việc mở cửa trở lại ngành du lịch trong điều kiện "bình thường mới." Theo phóng viên TTXVN tại Vientiane, phát biểu tại phiên họp chính phủ thường kỳ hàng tháng ngày 26-27/7 vừa qua, Thủ tướng Lào Phankham Viphavanh yêu cầu các bộ phụ trách du lịch và vận tải phối hợp để "mở cửa lại ngành du lịch trong điều kiện mới phù hợp với tình hình từng địa phương, cũng như với tình hình đại dịch COVID-19."

- Báo Hà Nội mới ngày 28/7 đưa tin: "Doanh nghiệp du lịch chuyển đổi chờ phục hồi" cho biết: Trước tình hình dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp, khó lường trên phạm vi cả nước, hoạt động du lịch gần như "đóng băng", nhiều doanh nghiệp du lịch Thủ đô phải chuyển đổi mô hình kinh doanh để tồn tại, giữ chân lực lượng lao động. Bên cạnh đó, không ít doanh nghiệp vẫn nỗ lực xây dựng sản phẩm mới trong thời gian giãn cách xã hội để chờ thời cơ phục hồi.

-Báo Nhân Dân ngày 28/7 đưa tin: "Ứng dụng công nghệ số đưa lịch sử đến gần hơn với công chúng trẻ" cho biết: Là một trong những di tích đi tiên phong trong việc sáng tạo các sản phẩm du lịch hấp dẫn công chúng, ngày 27/7, Ban Quản lý Di tích Nhà tù Hỏa Lò đã tổ chức chương trình trưng bày "Thắp lửa yêu thương". Chương trình này được trưng bày bằng nhiều hình thức, đặc biệt có mặt trên nền tảng Spotify và Apple Podcasts. Đây là lần đầu Ban Quản lý Di tích Nhà tù Hỏa Lò ứng dụng chuyển đổi số trên nền tảng Spotify và Apple Podcasts, hai nền tảng số phát nhạc "khổng lồ" và phổ biến trong giới trẻ, nhằm nâng cao hiệu quả truyền thông, đưa lịch sử đến gần hơn với công chúng, đặc biệt là thế hệ trẻ.

-Báo Văn hóa ngày 29/7 đưa tin: "Nhân lực du lịch phải thích ứng với tình hình mới" cho biết: Trong bối cảnh tình hình dịch bệnh Covid-19 hiện nay, ngành Du lịch trong đó có đội ngũ lao động của ngành bị ảnh hưởng nặng nề, đòi hỏi cần có những chủ trương, chính sách phù hợp để phát triển nguồn nhân lực trong tình hình mới. Xây dựng và vận hành hành lang pháp lý phù hợp đối với đào tạo, sử dụng nguồn nhân lực du lịch. Cần có chế độ đãi ngộ phù hợp, khuyến khích, thu hút người tài, tạo ra thị trường lao động du lịch bền vững. Đảm bảo có sự phối hợp nhuần nhuyễn của các chủ thể liên quan trong đào tạo, sử dụng và phát triển nguồn nhân lực du lịch. Thay đổi nhận thức của các chủ thể, người lao động, doanh nghiệp và xã hội về ngành Du lịch, nghề nghiệp lĩnh vực du lịch.

- Báo điện tử VOV ngày 29/7 đưa tin:

Những điểm đến hoàn hảo để đi bộ và du lịch chậm

Đi dạo giúp con người giảm căng thẳng, cải thiện tinh thần cũng như nâng cao sức khỏe và cảm xúc tích cực. Việt Nam cũng là địa điểm hàng đầu cho để du lịch chậm và đi bộ, với rất nhiều lựa chọn từ bãi biển, ven sông hay những cảnh quan núi rừng. Theo những nghiên cứu và khảo sát của trang Booking.com, hàng triệu du khách Việt Nam quan tâm đến lựa chọn đi bộ khi tìm kiếm thông tin du lịch. Website này đưa ra những gợi ý về các điểm đến phù hợp nhất để du khách có thể thong thả dạo chơi và bình tâm khám phá cuộc sống xung quanh muôn màu muôn vẻ.

Du lịch Hy Lạp hồi phục trong sự bất an

Trong tháng 6 vừa qua, lượng khách quốc tế đến Hy Lạp tăng hơn 13 lần so với cùng kỳ năm 2020. Tuy nhiên sự bấp bênh trong đại dịch Covid-19 khiến ngành du lịch nước này tiếp tục sống trong bất an. Sau một năm thảm họa của du lịch toàn cầu, lượng khách quốc tế đến Hy Lạp vào tháng 6/2021 đã tăng hơn 13 lần so với tháng 6/2020. Tín hiệu lạc quan đã giảm bớt lo ngại về một làn sóng phá sản có thể xảy ra với các doanh nghiệp du lịch.

Du lịch Thái Lan có thể ở mức thấp kỷ lục trong năm 2021

Theo Tổng cục Du lịch Thái Lan (TAT), lượng du khách quốc tế và nội địa của Thái Lan năm 2021 có thể sẽ ở mức thấp kỷ lục nếu tình hình Covid-19 ngày càng tồi tệ, các biện pháp phong tỏa kéo dài trong 3 tháng tới. Mặc dù Thái Lan đã mở cửa trở lại cho khách du lịch quốc tế được tiêm chủng vaccine ngừa Covid-19 thông qua chương trình "hộp cát Phuket" và Mô hình Samui Plus, song Thái Lan có thể chỉ đón 1 triệu lượt khách du lịch quốc tế trong năm nay, giảm 82% so với mức 6,7 triệu lượt năm 2020, trong khi du lịch nội địa có thể giảm xuống còn 50-60 triệu lượt.

- Báo điện tử Vnexpress ngày 28/7 đưa tin:

Một vòng Hà Nội những ngày giãn cách

Giữa Covid-19, du khách vẫn có thể ngắm nhìn hồ Gươm, tham quan nhà tù Hỏa Lò, bảo tàng Mỹ thuật... qua mạng. Thành phố Hà Nội đang có nhiều trang thông tin, ứng dụng, hoạt động du lịch trực tuyến để du khách tham quan, trải nghiệm qua thiết bị thông minh. Trang thông tin điện tử được UBND quận Hoàn Kiếm ra mắt năm 2018. Truy cập vào website, ở giao diện của trang chủ là toàn cảnh quận 360 độ, người dùng có thể dễ dàng sử dụng chuột máy tính để phóng to, thu nhỏ, điều chỉnh góc nhìn. Ở mục "Điểm đến", du khách có thể lựa chọn tham quan các danh lam thắng cảnh, di tích, phố cổ...

Sức hút của quần thể dự án được Time gợi ý khi tới Phú Quốc

Phú Quốc United Center là một trong số quần thể được Time nhắc đến trong danh sách "100 điểm đến tuyệt vời nhất thế giới 2021", nhờ quy mô kỷ lục và nhiều hạng mục nghỉ dưỡng, giải trí nổi bật. Bình chọn "Top 100 điểm đến tuyệt vời nhất thế giới" của Time - tạp chí uy tín hàng đầu nước Mỹ với gần 100 năm tuổi, là bảng xếp hạng uy tín được độc giả toàn thế giới tin tưởng. Năm 2021, trong bối cảnh Covid-19 vẫn đang tiếp tục ảnh hưởng đến du lịch toàn cầu, Time công bố danh sách theo tiêu chí các thành phố du lịch đẹp, có triển vọng phục hồi và thích nghi tốt trong đại dịch.

Bali ảm đạm thời Covid-19 trong mắt khách quốc tế

Từng là thiên đường ở Đông Nam Á, nhưng kể từ đại dịch, Bali đã thay đổi theo cách mà du khách không bao giờ ngờ tới. Các dịch vụ thiết yếu được phép mở, nhưng du lịch, khách sạn và thị trường bán lẻ bị ảnh hưởng mạnh. Các cửa hàng bán đồ lướt sóng, thời trang đã đóng, tạo cho đường phố vẻ bơ phờ của một thị trấn đang vào mùa du lịch thấp điểm

3.Lĩnh vực Thể thao

- Báo điện tử Tiền Phong ngày 29/7 đưa tin:

Cuộc đua khốc liệt giành vé xem đội tuyển Việt Nam đấu Úc ở Mỹ Đình

Số lượng vé Liên đoàn bóng đá Việt Nam (VFF) dự bán ở trận đấu của đội tuyển Việt Nam và Úc ngày 7/9 trên sân Mỹ Đình chỉ khoảng 4.000. Con số này tương đương 1/10 sức chứa sân vận động quốc gia Mỹ Đình. Được biết để chuẩn bị cho trận đấu này, VFF trong tuần này đã bắt đầu có các cuộc làm việc với Ban quản lý sân Mỹ Đình để triển khai công tác chuẩn bị. Theo lịch thi đấu bảng B, Vòng loại thứ 2 World Cup 2022 khu vực châu Á, tuyển Việt Nam sẽ đá trận đầu tiên trên sân Mỹ Đình ngày 7/9, tức 5 ngày sau chuyến du đấu trước Saudi Arabia.

Rowing Việt Nam về ba phân hạng C, xếp thứ 15/18 ở Olympic Tokyo

Cặp đôi Lường Thị Thảo – Đinh Thị Hảo về đích thứ 3 ở chung kết phân hạng nhóm C và xếp thứ 15/18 chung cuộc nội dung thuyền đôi hạng nhẹ hai mái chèo ở Olympic Tokyo 2020 sáng nay. Ở 1.000m cuối, cả hai vấp phải sự cạnh tranh quyết liệt từ các đối thủ. Cặp đôi của Argentina đã bỏ xa đến khoảng 10 giây, trong khi cặp đôi của Áo bứt lên. Lường Thị Thảo và Đinh Thị Hảo về đích thứ 3 với thành tích 7 phút 19 giây 05.

Vì sao ông Park dễ dàng bỏ qua Công Phượng khi gặp Saudi Arabia?

Công Phượng có thể không phải quân bài thiết yếu cho chuyến làm khách trước Saudi Arabia của đội tuyển Việt Nam ở vòng loại thứ 3 World Cup 2022. Đây là trận mở màn vòng loại cuối World Cup 2020 khu vực châu Á của đội tuyển Việt Nam. "Đầu xuôi, đuôi lọt", HLV Park Hang-seo vì vậy có lẽ rất trông đợi các học trò sẽ giành được kết quả tốt trước đối thủ. Tuy nhiên, sự chênh lệch giữa đôi bên là khá lớn, khiến ngay cả những người lạc quan nhất cũng khó lòng nghĩ tới một kết quả có lợi cho đội tuyển Việt Nam.

- Báo Hà Nội mới ngày 29/7 đưa tin:

Tự tin trong lần đầu dự Olympic

Tại Olympic Tokyo 2020 đang diễn ra ở Nhật Bản, tay vợt nữ số 1 của cầu lông Việt Nam Nguyễn Thùy Linh đã có những màn trình diễn tự tin trước các đối thủ được đánh giá mạnh hơn rất nhiều. Mặc dù chưa thể làm nên bất ngờ tại đấu trường lớn nhất thế giới, song tay vợt sinh năm 1997 Nguyễn Thùy Linh đã thể hiện được khả năng của mình và thỏa ước mơ vươn xa.

Cầu lông, bắn cung và boxing tạm biệt Olympic Tokyo 2020 trong tư thế ''ngẩng cao đầu''

Trong ngày thi đấu 28-7, các vận động viên Việt Nam tiếp tục tranh tài tại 3 nội dung của Olympic Tokyo 2020 là cầu lông, bắn cung và boxing. Trước các đối thủ được đánh giá mạnh hơn rất nhiều, các vận động viên Việt Nam dù đã thi đấu nỗ lực, nhưng vẫn không thể làm nên bất ngờ và đã tạm biệt Olympic trong tư thế "ngẩng cao đầu". Như vậy, chỉ còn 4 vận động viên của Đoàn thể thao Việt Nam tham gia thi đấu tại Olympic gồm: Kình ngư Nguyễn Thị Ánh Viên, Nguyễn Huy Hoàng, cung thủ Nguyễn Hoàng Phi Vũ và chân chạy 400m rào Quách Thị Lan. Tuy nhiên, cơ hội đoạt huy chương của 4 vận động viên này đều thấp.

- TTXVN ngày 28/7 đưa tin:

HLV Park Hang-seo sẵn sàng cùng mục tiêu của tuyển Việt Nam, U22 Việt Nam

Thông tin từ Liên đoàn bóng đá Việt Nam (VFF), sau quãng thời gian nghỉ phép để thu xếp công việc gia đình, ngày 28/7, HLV Park Hang-seo trở lại Việt Nam, chuẩn bị cho hai mục tiêu mới là Vòng loại cuối World Cup 2022 khu vực châu Á và Vòng loại U23 châu Á 2022. Trước khi trở lại Việt Nam, HLV Park Hang-seo đã lựa chọn ra những cầu thủ tốt nhất để triệu tập vào đội tuyển Việt Nam (31 cầu thủ) và đội tuyển U22 Việt Nam (30 cầu thủ), chuẩn bị cho Vòng loại cuối World Cup 2022 và Vòng loại U23 châu Á.

Nguyễn Văn Đương không thể gây bất ngờ trước võ sỹ người Mông Cổ

Võ sĩ Việt Nam Nguyễn Văn Đương đã nhận thất bại trước đối thủ cực mạnh Erdenebat Tsendbaatar của Mông Cổ trong trận đấu chiều 28/7 tại Olympic Tokyo 2020. Sự vượt trội của Erdenebat Tsendbaatar đã giúp võ sỹ người Mông Cổ có chiến thắng chung cuộc 5-0 ở trận đấu này và chính thức giành vé vào Tứ kết hạng cân dưới 57 kg của nam.

- Báo Nhân Dân ngày 29/7 đưa tin:

Chờ đón những pha úp rổ "cháy lưới" tại VBA 2021

Với sự góp mặt của Đội tuyển bóng rổ quốc gia Việt Nam 5x5, VBA đồng thời cũng gây bất ngờ khi ban hành quy định mỗi Câu lạc bộ được sở hữu tới hai ngoại binh chất lượng. Dù đi kèm giới hạn tổng chiều cao không vượt quá 4m, thay đổi ấy chắc chắn sẽ khiến số lượng những pha úp rổ tăng cao đột biến ở mùa giải năm nay.

Dấu ấn huấn luyện viên

Đoàn Thể thao Việt Nam đang nỗ lực thi đấu tại Olympic Tokyo 2020. Thành tích thi đấu tại đấu trường thế giới của các vận động viên (VĐV) của nước ta còn khiêm tốn, nhưng cũng đã có những bước tiến nhất định trên hành trình đến với Thế vận hội, trong đó có dấu ấn không nhỏ của các huấn luyện viên (HLV), dù là người nước ngoài hay trong nước. Đoàn Thể thao Việt Nam có 18 VĐV thi đấu 11 môn thể thao tại Olympic Tokyo 2020 thì sáu môn sử dụng HLV người nước ngoài, bao gồm: điền kinh, bắn cung, Taekwondo, bơi lội, đua thuyền rowing (râu-inh), bắn súng.

4.Lĩnh vực Gia đình

-Báo Phụ nữ Việt Nam ngày 29/7 đưa tin: "Nỗi lo an sinh cho người cao tuổi" cho biết: Ông Phạm Chánh Trung, Phó Chi cục trưởng Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình TPHCM, cho biết: Hiện nay, số người cao tuổi của TPHCM cao và xếp thứ hai cả nước. Thành phố vẫn đang phải đối diện với thách thức về già hóa dân số. Tuổi thọ bình quân của người dân thành phố là 76,6 tuổi, so với cả nước là 73,6 tuổi. Trong khi đó, số con trung bình của mỗi phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ là 1,39 con. Chỉ số già hóa (tỷ số dân số từ 60 tuổi trở lên so với dân số dưới 15 tuổi) của thành phố là 49,4%. Theo ông Trung, việc tiếp cận đầy đủ dịch vụ tư vấn và chăm sóc sức khỏe của người cao tuổi ở TPHCM còn bị giới hạn. Hệ thống chăm sóc sức khỏe chưa bắt kịp với tốc độ già hóa dân số ngày càng tăng của thành phố.

Thủy Bích

Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×