Điểm báo hoạt động ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch ngày 9/8/2021
09/08/2021 | 16:00Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam phát động cuộc thi phòng chống dịch Covid-19; Bế mạc Olympic Tokyo 2020; Doanh nghiệp du lịch tại TP.HCM góp sức nhỏ cho việc lớn là thông tin đáng chú ý trên báo ngày hôm nay.
1.Lĩnh vực Văn hóa
-TTXVN ngày 9/8 đưa tin:
Tranh đồ họa về chất độc da cam Việt Nam lần đầu được triển lãm tại Pháp
Theo phóng viên TTXVN tại Pháp, nhân dịp kỷ niệm 60 năm thảm họa da cam ở Việt nam (10-8/1961 – 10/8/2021), ngày 7/8 tại trụ sở Hội người Việt Nam tại Pháp (UGVF) ở Paris, Hội thanh niên Việt Nam tại Pháp (UJVF) phối hợp với tổ chức Collectif Vietnam Dioxine khai mạc triển lãm tranh đồ họa về chất độc da cam do họa sĩ Trâm Anh thực hiện. Đây là lần đầu tiên chủ đề da cam được thể hiện bằng hình thức này và triển lãm tại Pháp. Toàn cảnh vấn đề chất độc da cam ở Việt Nam, từ lịch sử đến hiện tại, từ nguyên nhân đến hậu quả, từ khắc phục đến trợ giúp, tất cả được phản ánh trong 10 bức tranh đồ họa của cô gái trẻ mang tên Võ Trâm Anh, một Việt kiều Pháp.
Nghệ thuật truyền thống không đứng ngoài 'cuộc chiến' chống COVID-19
Dịch COVID-19 bùng phát, nhiều văn nghệ sỹ đã có những tác phẩm văn học nghệ thuật về đề tài phòng chống COVID-19 được viết bằng nhiều loại hình nghệ thuật cả truyền thống và hiện đại, cùng chung tay với các lực lượng trên cả nước chống dịch bệnh. Không để mình đứng ngoài cuộc, tác giả Lê Thế Song đã soạn lời, chuyển thể âm nhạc và phát hành gần 20 bài ca thuộc hai loại hình nghệ thuật sân khấu chèo và cải lương về đề tài phòng, chống COVID-19 với ca từ thấm đẫm tính nhân văn, tạo nên xúc cảm đẹp và lan tỏa trong cộng đồng.
Phát huy 'sức mạnh mềm' trong phòng, chống dịch COVID-19 tại Hà Nội
Những ngày này, ngay từ sáng sớm, người dân Hà Nội đã nghe thấy tiếng loa phát thanh phát ra từ những chuyến xe lưu động tuyên truyền về phòng, chống dịch COVID-19 trên khắp các tuyến đường, ngõ ngách của Thủ đô. Hà Nội đang đẩy mạnh công tác tuyên truyền với nhiều hình thức nhằm nâng cao ý thức cho người dân trong công tác phòng, chống dịch bệnh, bảo vệ sức khỏe cho bản thân, gia đình và cộng đồng. Đó chính là "sức mạnh mềm" được phát huy hiệu quả trong thời điểm này.
Tổ chức nhiều chương trình nghệ thuật cổ vũ tinh thần nhân dân vượt qua đại dịch
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch vừa ban hành kế hoạch về việc tổ chức các chương trình nghệ thuật đặc sắc cổ vũ, nâng cao sức mạnh tinh thần nhân dân vượt qua đại dịch COVID-19. Mục đích của kế hoạch là xây dựng chuỗi chương trình nghệ thuật nhằm cổ vũ, nâng cao đời sống tinh thần nhân dân trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp; khơi dậy và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt Nam, cùng nhau vượt qua đại dịch; khơi dậy ngọn lửa đam mê, sự nhiệt huyết, sáng tạo của các nghệ sỹ để sáng tác các tác phẩm mới về đề tài phòng, chống dịch COVID-19, lan tỏa trong cộng đồng những thông điệp sâu sắc về tình yêu quê hương, đất nước, con người Việt Nam.
-Báo Nhân Dân ngày 8/8 đưa tin:
Phổ biến phim đặt hàng trên nền tảng trực tuyến
Sự việc Viện Phim Việt Nam (đơn vị thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) đưa các bộ phim Nhà nước đặt hàng phổ biến trên kênh Youtube của viện này đang thu hút sự quan tâm của các đơn vị chức năng và khán giả. Ðây là việc thực hiện chủ trương của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH-TT-DL) về đẩy mạnh tuyên truyền, khai thác, phổ biến những tác phẩm điện ảnh Nhà nước đặt hàng đến đông đảo công chúng trên các kênh thông tin, nền tảng trực tuyến... Từ ngày 16/7, Viện Phim Việt Nam đưa lần lượt chín bộ phim lên kênh Youtube, gồm: Nguyễn Ái Quốc ở Hồng Kông, Nhìn ra biển cả, Mùa ổi, Lương tâm bé bỏng, Ðừng đốt, Chung cư, Cuộc đời của Yến, Mặt trận không tiếng súng, Dòng sông hoa trắng. Ðây đều là các bộ phim đã được cấp phép phổ biến, do hãng phim nhà nước sản xuất với 100% vốn đầu tư nhà nước.
Chương trình âm nhạc trực tuyến Chia sẻ để gần nhau hơn
Vào 20 giờ 10 phút ngày 8/8, chương trình âm nhạc trực tuyến "Chia sẻ để gần nhau hơn" được truyền hình trực tiếp trên sóng VTV1. Đây là đêm nhạc nối tiếp sự thành công từ chương trình hòa nhạc cùng tên diễn ra ngày 27/6 đã lan tỏa những năng lượng tích cực bằng âm nhạc, thu hút sự chú ý, tham gia đóng góp của đông đảo cá nhân, tổ chức trong và ngoài nước cho Quỹ vaccine phòng chống Covid-19. Đến với chương trình âm nhạc trực tuyến đặc biệt này, khán giả được thưởng thức những tác phẩm đặc sắc được sáng tác, dàn dựng ngay trong mùa dịch; đồng thời lắng nghe chia sẻ của những nghệ sĩ tham gia về ngày mai, về tình yêu thương trong nội tâm và mong muốn về thế giới sau đại dịch yên bình, hướng thiện hơn.
- Báo Văn hóa ngày 9/8 đưa tin:
Bình Định: Gần 400 triệu đồng hỗ trợ người lao động tại các di tích trọng điểm
Thông tin từ Văn phòng UBND tỉnh Bình Định cho biết, ông Lâm Hải Giang, Phó Chủ tịch UND tỉnh này vừa ký văn bản số 4651/UBND-VX truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh về việc sử dụng kinh phí hỗ trợ chi trả lương, các khoản phải nộp theo lương cho lao động hợp đồng làm bảo vệ và duy trì hoạt động tại các điểm di tích trọng điểm của tỉnh.
Đà Nẵng: Nỗ lực bảo vệ hệ thống di tích, di sản văn hóa
Thời gian qua, công tác bảo tồn, phát huy giá trị các di tích, di sản văn hóa trên địa bàn thành phố Đà Nẵng đã được quan tâm đầu tư có trọng điểm, đặc biệt là triển khai các dự án về trùng tu, tôn tạo di tích nhằm tạo điểm nhấn văn hóa đặc sắc, kết hợp với nhu cầu phát triển du lịch, đồng thời tăng tính giáo dục truyền thống cho thế hệ mai sau. Sở VHTT TP Đà Nẵng cho biết UBND TP vừa ban hành danh mục các bia, biển tưởng niệm trùng tu, tôn tạo trong giai đoạn 2021 - 2025. Theo đó, thời gian tới, ngành chức năng TP và các địa phương sẽ trùng tu, tôn tạo 6 bia, biển di tích, chiến tích.
Tạo cơ chế để ngành bảo tàng hội nhập với nền kinh tế thị trường
Khó khăn lớn nhất của ngành bảo tàng hiện nay là xã hội chưa quan tâm đến di sản, đặc biệt là di sản văn hóa. Bên cạnh đó, ngành bảo tàng chưa được tạo cơ chế để hội nhập với nền kinh tế thị trường nên còn trì trệ. Do đó cần có sự điều chỉnh về các quy định, văn bản quy phạm pháp luật để ngành Bảo tàng vừa bảo tồn, phát huy các giá trị, vừa phát triển tương xứng. Phải điều chỉnh, sửa lại các quy định, văn bản pháp luật liên quan đến bảo vệ, phát huy giá trị của di sản văn hóa; đảm bảo nhân dân phải có ý thức bảo vệ, gìn giữ phát huy di sản. Hiện nay, Việt Nam đã có luật nhưng còn có những bất cập, chưa tạo được cơ chế để bảo tàng gắn kết với kinh tế thị trường.
- Báo Người Lao động ngày 8/8 đưa tin:
Ý nghĩa chương trình "Sách trao tay, học ngày giãn cách"
Nhằm lan tỏa tinh thần và năng lượng tích cực cho người dân trong thời gian thực hiện cách ly tại các khu phong tỏa do dịch Covid-19 trên địa bàn TP HCM, Thành Đoàn phối hợp với Văn phòng phía Nam Hội Xuất bản Việt Nam cùng Sở Thông tin và Truyền thông tổ chức chương trình "Sách trao tay, học ngày giãn cách", mang hàng ngàn đầu sách hay đến các khu phong tỏa để tặng cho từng nhà.
Số hóa dữ liệu lễ hội: Chậm mà chắc
Đề án Số hóa dữ liệu lễ hội tại Việt Nam do Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch xây dựng giai đoạn 2021-2025 đã được phê duyệt. Giới nghiên cứu văn hóa dân gian phấn khởi vì đề án này sẽ là kênh dữ liệu dành cho việc tham khảo các loại hình lễ hội, gồm truyền thống, văn hóa, ngành nghề và lễ hội có nguồn gốc từ nước ngoài. PGS-TS Nguyễn Thị Minh Thái cho rằng việc làm này chậm nhưng chắc, cho thấy tính cấp bách của việc số hóa lễ hội sẽ là dịp rà soát, đánh giá thực trạng lễ hội ở nước ta phục vụ công tác quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị lễ hội Việt Nam.
-Báo Nhân Dân, báo Người Lao động, Báo SGGP ngày 9/8 đưa tin: "Phát động cuộc thi văn học nghệ thuật về chủ đề phòng, chống dịch Covid-19" cho biết: Hội nghệ sĩ sân khấu Việt Nam vừa phát động Giải thưởng sáng tác, quảng bá các tác phẩm văn học nghệ thuật về chủ đề phòng, chống dịch bệnh Covid-19. Đây là hoạt động thiết thực nhằm nâng cao ý thức, trách nhiệm cộng đồng trong thực hiện nghiêm các quy định, hướng dẫn về công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19; tôn vinh vị trí, vai trò và những đóng góp, hy sinh to lớn của lực lượng tuyến đầu chống dịch bệnh; đồng thời thể hiện trách nhiệm cao của đội ngũ nghệ sĩ sân khấu trong công tác tuyên truyền phòng chống dịch, góp phần tạo niềm tin, tinh thần đoàn kết, tương thân, tương ái trong toàn dân, quyết tâm chiến thắng, đẩy lùi dịch bệnh.
2.Lĩnh vực Du lịch
- Báo Hà Nội mới ngày 9/8 đưa tin: "Ngành Du lịch chung tay phòng, chống dịch Covid-19" cho biết: Dù gặp khó khăn trong thời gian giãn cách xã hội, nhưng ngành Du lịch thành phố Hồ Chí Minh vẫn triển khai nhiều hoạt động nhằm chung tay cùng thành phố phòng, chống dịch Covid-19. Những hoạt động thiết thực này thể hiện rõ mong muốn góp phần sớm đưa thành phố Hồ Chí Minh trở lại trạng thái bình thường mới.
- Báo Văn hóa ngày 8/8 đưa tin:
Quảng Ninh: Hơn 7.000 lao động ngành du lịch đã được tiêm vắc xin Covid-19
Đến nay, hơn 7.000 lao động ngành du lịch thuộc 9 địa phương của tỉnh Quảng Ninh đã được tiêm vắc xin phòng Covid-19 mũi 1 đảm bảo an toàn. Đây là lao động tại các cơ sở lưu trú và dịch vụ du lịch, công ty lữ hành, tàu thủy, phương tiện vận chuyển du lịch và là hướng dẫn viên của các doanh nghiệp, cơ sở du lịch trên địa bàn. Được biết, tổng số vắc xin tiêm phòng Covid-19 đợt V được tỉnh phân bổ tiêm cho lao động ngành du lịch là 6.853 liều, trong đó đã sử dụng 6.758 liều (chưa tính số liều được sử dụng từ nguồn vắc xin của địa phương).
Doanh nghiệp du lịch tại TP.HCM: Góp sức nhỏ cho việc lớn
Theo Sở Du lịch TP.HCM, có hơn 20 khách sạn ở TP.HCM đã miễn phí 100% chỗ lưu trú, ăn uống cho lực lượng tuyến đầu chống dịch và đội ngũ y - bác sĩ và nhiều khách sạn giảm giá, miễn phí cho F1 gặp khó khăn với khoảng 50.000 đêm phòng. Cùng với đó là hàng trăm chuyến xe ấm áp tình người, của các doanh nghiệp. Bà Nguyễn Thị Ánh Hoa, Giám đốc Sở Du lịch TP.HCM cho hay: "Ngành Du lịch mong muốn chia sẻ chút gánh nặng với những hoàn cảnh khó khăn và chung tay xây dựng hình ảnh "Thành phố Hồ Chí Minh nghĩa tình". Những hành động này tuy nhỏ nhưng đong đầy tình cảm, sự tri ân và sự kính trọng mà ngành du lịch dành cho đội ngũ y bác sĩ và lực lượng tuyến đầu chống dịch.
TT- Huế: Các chủ thuyền rồng chật vật mưu sinh
Từ đầu năm 2020 khi dịch Covid-19 bùng phát, hàng trăm con người dựa vào thuyền rồng du lịch để mưu sinh, chật vật kiếm ăn qua ngày. Nhiều gia đình vừa vay mượn tiền để đóng mới, nâng cấp thuyền xong thì dịch đến, món nợ chồng chất khiến họ thêm khó khăn. Từ tháng 3.2020, khi xuất hiện dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn, tỉnh Thừa Thiên Huế đã cho dừng hoạt động biểu diễn ca Huế trên sông Hương, kèm theo đó các thuyền rồng du lịch này cũng nằm bờ, tập trung về đậu đỗ ven đường Trịnh Công Sơn, phường Phú Cát. Từ đó đến nay, cũng có những đợt dịch bệnh được khống chế, hoạt động du lịch trở lại nhưng du khách rất ít, gần như các thuyền rồng du lịch không khai thác được.
-Báo điện tử VOV ngày 8/8 đưa tin:
Lao động ngành du lịch Đà Nẵng được hỗ trợ vay không thế chấp
Để giúp người lao động trong ngành du lịch vượt qua giai đoạn khó khăn trước mắt, UBND thành phố Đà Nẵng đã ban hành văn bản về việc cho vay đối với người lao động trong lĩnh vực du lịch mà không cần thế chấp. Công ty TNHH du lịch V.E.I của anh Lê Thiên Tư ở thành phố Đà Nẵng đã phải tạm ngưng hoạt động 1 năm nay do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Mới đây, anh và nhiều đồng nghiệp rất vui khi tiếp cận được gói vay 100 triệu đồng không cần thế chấp thông qua Ngân hàng Chính sách xã hội tại Đà Nẵng. Anh Lê Thiên Tư cho biết sẽ dùng số tiền này để duy trì hoạt động công ty, chờ du lịch phục hồi.
Thừa Thiên Huế hỗ trợ hướng dẫn viên ảnh hưởng bởi dịch bệnh
Dịch bệnh kéo dài khiến ngành dịch vụ du lịch, mũi nhọn trong phát triển kinh tế xã hội của tỉnh Thừa Thiên Huế bị ảnh hưởng nặng nề. Phần lớn lao động trong ngành du lịch đang không có việc làm, không có thu nhập, một số phải chuyển sang các ngành nghề khác nhưng cũng rất khó khăn. Tỉnh Thừa Thiên Huế đang triển khai thực hiện chính sách hỗ trợ hướng dẫn viên du lịch gặp khó khăn do đại dịch Covid-19.Tỉnh Thừa Thiên Huế triển khai thực hiện chính sách hỗ trợ hướng dẫn viên du lịch gặp khó khăn do đại dịch Covid-19.
-Báo điện tử Thanh Hóa ngày 8/8 đưa tin:
Tăng cường công tác phòng, chống dịch COVID-19 trong hoạt động du lịch
Trước diễn biến đặc biệt phức tạp của dịch COVID-19, tỉnh Thanh Hóa đã chủ động triển khai các biện pháp phòng, chống dịch trong hoạt động du lịch. Các khu, điểm, cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch chỉ được mở cửa đón khách nếu đảm bảo các điều kiện an toàn phòng, chống dịch COVID-19. Kể từ thời điểm cuối tháng 4-2021 đến nay, hoạt động du lịch trên địa bàn tỉnh gần như ngưng trệ, chủ yếu phục vụ khách du lịch nội tỉnh. Tuy nhiên, trước diễn biến đặc biệt phức tạp của dịch COVID-19, yêu cầu cao nhất lúc này là đảm bảo an toàn cho du khách và điểm đến. Hiện nay, ở mỗi điểm đến, ban quản lý (BQL) các khu, điểm du lịch đều có thông báo, yêu cầu du khách thực hiện nghiêm các quy định như kiểm tra thân nhiệt, đeo khẩu trang, rửa tay sát khuẩn và giữ khoảng cách an toàn trong suốt quá trình tham quan.
3.Lĩnh vực Thể thao
-Báo Nhân Dân ngày 9/8 đưa tin:
Bế mạc Thế vận hội Olympic Tokyo 2020: Ngày hội của tinh thần cao thượng, đoàn kết, hữu nghị
Sau 16 ngày thi đấu chính thức, Olympic Tokyo 2020 đã bế mạc tối 8/8 trên sân vận động quốc gia tại thủ đô Tokyo của Nhật Bản với sự tham dự của Thái tử Nhật Bản Fumihito, Thủ tướng Nhật Bản Suga Yoshihid, Chủ tịch Ủy ban Olympic quốc tế (IOC) Thomas Bach, các quan chức ngành thể thao và vận động viên các nước. Chương trình lễ bế mạc sôi động, giàu bản sắc và nhiều ý nghĩa, thể hiện tinh thần thể thao cao thượng và tình hữu nghị giữa các dân tộc. Trong ngày thi đấu cuối cùng, đoàn Mỹ đã vượt qua đoàn Trung Quốc, chiếm ngôi đầu trên bảng xếp hạng thành tích.
Nguyễn Thùy Linh lên hạng 46 thế giới sau thành tích ở Olympic
Theo bảng xếp hạng của Liên đoàn Cầu lông Thế giới (BWF), Nguyễn Thùy Linh tăng 3 bậc, lên hạng 46 thế giới với 31.506 điểm. Tay vợt 23 tuổi được cộng thêm 1.090 điểm nhờ có hai trận thắng tại vòng bảng Olympic Tokyo 2020. Với xếp hạng mới, Thùy Linh xếp ngay trên Sabrina Jaquet (Thụy Sĩ), đối thủ cô đánh bại ở trận đấu cuối vòng bảng với tỷ số 21-8 và 21-17, trước khi nói lời chia tay Olympic Tokyo.
Chung tay đưa VBA 2021 tới thành công
Ban tổ chức Giải bóng rổ chuyên nghiệp Việt Nam (VBA) đang trải qua một mùa giải thật sự đặc biệt, với những tác động khó lường của đại dịch Covid-19. Dẫu có muôn vàn khó khăn, những sự đồng lòng, thấu hiểu và sẻ chia từ chính chủ sở hữu các đội bóng cũng giúp tất cả tự tin, quyết tâm đưa "con thuyền" VBA 2021 đến thành công. "Ở thời điểm hiện tại, dù kế hoạch tổ chức Giải đấu phải thay đổi liên tục để đáp ứng diễn biến phức tạp của tình hình dịch bệnh, VBA vẫn nhận được sự ủng hộ tuyệt đối đến từ chủ sở hữu các Câu lạc bộ, Hội đồng VBA và toàn thể nhân sự của các đội bóng".
-Báo Văn hóa ngày 9/8 đưa tin: "Guồng quay" mới của bóng đá cho biết: Các đội tuyển bóng đá Việt Nam đang trong quá trình chuẩn bị cho các giải đấu châu lục và thế giới. Đội tuyển Việt Nam vừa hội quân, trước đó đội tuyển nữ và đội tuyển Futsal nam Quốc gia cũng đã tập trung, vào ngày 10.8, đội U22 Việt Nam cũng sẽ bước vào đợt rèn quân. Đã lâu lắm rồi bóng đá Việt Nam mới thật sự bận rộn như thế này, khi có đến 4 đội tuyển bước vào quá trình chuẩn bị cho các sân chơi lớn trong hai tháng 9 và 10. Đó vừa là nhiệm vụ, thách thức và cũng vừa là cơ hội để các đội tuyển ghi dấu ấn bóng đá Việt Nam trên đấu trường quốc tế.
- Báo Người Lao động ngày 8/8 đưa tin:
Paralympic Việt Nam chờ hội quân
ASEAN Para Games 2020 bị hủy bỏ và cũng không có điều kiện góp mặt tại các giải đấu quốc tế mang tính kiểm tra suốt gần 2 năm qua, thể thao người khuyết tật Việt Nam thực sự thiệt thòi trước thềm Paralympic Tokyo. Olympic Tokyo còn chưa chính thức khép lại nhưng với lực lượng thể thao người khuyết tật (TTNKT) Việt Nam, nỗi khao khát được đến với đấu trường quốc tế so tài cùng bạn bè khắp nơi ngày thêm cháy bỏng. Ngày 24-8, Paralympic Tokyo mới khai mạc nhưng có thể nói đến thời điểm này, TTNKT Việt Nam đã hoàn tất chu trình chuẩn bị, chỉ còn chờ ngày lên đường.
Tuấn Anh báo tin vui cho HLV Park Hang-seo
Sau những ngày phải tập riêng, cầu thủ Nguyễn Tuấn Anh đã trở lại tập luyện cùng đồng đội chuẩn bị cho các trận ở vòng loại cuối World Cup 2022. Chiều 8-8, đội tuyển Việt Nam đã có buổi thứ 4 tập luyện tại sân bóng Liên đoàn bóng đá Việt Nam (VFF) để chuẩn bị tham dự các trận đấu ở vòng loại cuối World Cup 2022 khu vực châu Á. Sau 3 buổi tập, đội tuyển Việt Nam đón nhận tin vui với sự góp mặt trở lại của tiền vệ Nguyễn Tuấn Anh (CLB Hoàng Anh Gia Lai). Cầu thủ gốc Thái Bình là mẫu tiền vệ cầm nhịp tốt ở giữa sân cũng như chuyển trạng thái từ phòng ngự chuyển sang tấn công rất tốt, vì vậy tiền vệ này giữ vai trò quan trọng dưới thời HLV Park Hang-seo.
Ba chấn thương ám ảnh tuyển Việt Nam
Trong ngày thứ hai đội tuyển Việt Nam tập luyện để chuẩn bị cho vòng loại thứ ba World Cup 2022 - khu vực châu Á, tiền vệ Nguyễn Tuấn Anh tiếp tục tập phục hồi. Trong khi đó, hậu vệ Đoàn Văn Hậu không thể tập luyện do chưa xác định được tình trạng chấn thương ở đầu gối. Sự vắng mặt của Văn Hậu dấy lên nỗi lo cho ban huấn luyện, nhất là HLV Park Hang-seo. Nhà cầm quân người Hàn Quốc chỉ đạo trực tuyến buổi tập và ông cũng là người đồng ý để Văn Hậu không ra sân.
Đội tuyển Việt Nam rèn chiến thuật
Chiều 7-8, Phó Chủ tịch Thường trực Trần Quốc Tuấn và Tổng Thư ký Lê Hoài Anh đã đại diện lãnh đạo VFF tới thăm, động viên và giao nhiệm vụ cho đội tuyển Việt Nam trước khi toàn đội bước vào buổi tập. Thay mặt VFF, Phó Chủ tịch Thường trực Trần Quốc Tuấn dành nhiều lời khen cho các thành viên ban huấn luyện cùng các cầu thủ vì đã thể hiện tinh thần tập trung và ý thức trách nhiệm trong công việc, trong công tác phòng chống dịch Covid-19 kể từ khi lên tập trung để chuẩn bị cho vòng loại cuối FIFA World Cup 2022 khu vực châu Á.
-Báo điện tử Dân Trí ngày 9/8 đưa tin:
Lê Quang Liêm về nhì ở giải cờ vua Chessable Masters 2021
Ở trận chung kết giải đấu diễn ra vào rạng sáng nay 9/8 (theo giờ Việt Nam), Lê Quang Liêm thua kỳ thủ người Mỹ từng giữ vị trí số hai thế giới là So Wesley. Đây là giải diễn ra theo hình thức online, nằm trong hệ thống Meltwater Champions Chess Tour, diễn ra trong suốt năm với nhiều nội dung khác nhau, có tổng giải thưởng lên đến 1,5 triệu USD.
Nhật Bản đưa ra quyết định ảnh hưởng lớn tới đội tuyển Việt Nam
Liên đoàn bóng đá Nhật Bản sẽ nộp đơn đăng cai tổ chức các trận đấu ở bảng B (trong đó có đội tuyển Việt Nam). Trong thời gian qua, nhiều quốc gia ở châu Á đang bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch Covid-19. Điều đó ảnh hưởng tới kế hoạch chuẩn bị cho các trận đấu ở vòng loại World Cup 2022 trên sân nhà của một vài đội tuyển.
4.Lĩnh vực Gia đình
- Báo Hà Nội mới ngày 8/8 đưa tin: "Tiếp tục hỗ trợ người khó khăn vượt qua dịch Covid-19" cho biết: Tiếp tục ủng hộ nguồn lực phòng, chống dịch Covid-19, ngày 8-8, Hội Chữ thập đỏ thành phố Hà Nội cùng nhóm thiện nguyện "Thương nhau sợ gì Covid-19" trao tặng 155 túi quà, mỗi túi trị giá 500.000 đồng đến các gia đình có hoàn cảnh khó khăn, gia đình bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 ở phường Phúc Tân (quận Hoàn Kiếm).
Trước đó, Hội Chữ thập đỏ thành phố Hà Nội phối hợp các tổ chức, cá nhân hảo tâm trao tặng 300 chiếc ô chống nắng trị giá 105 triệu đồng cho các chốt kiểm soát phòng, chống dịch Covid-19 tại các quận: Hoàn Kiếm, Ba Đình, Đống Đa, Thanh Xuân, Cầu Giấy, Nam Từ Liêm, Bắc Từ Liêm, Hà Đông và huyện Chương Mỹ.