Yên Bái tăng cường công tác quản lý và tổ chức lễ hội năm 2020
10/01/2020 | 09:41UBND tỉnh Yên Bái đã ban hành Công văn số 31/UBND-VX ngày 07/01 về tăng cường công tác quản lý và tổ chức lễ hội năm 2020.
Theo đó, UBND tỉnh yêu cầu gửi các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh tập trung thực hiện một số nhiệm vụ sau:
Tiếp tục quán triệt và thực hiện Nghiêm Chỉ thị số 41-CT/TW ngày 05/02/2015 của Ban Bí thư (khóa XI) về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý và tổ chức lễ hội; Nghị định số 110/2018/NĐ-CP ngày 29/8/2018 của Chính phủ quy định về quản lý và tổ chức lễ hội; Chỉ thị số 40-CT/TW ngày 10/12/2019 của Ban Bí thư về việc tổ chức Tết năm 2020; Công văn số 4890/BVHTTDL-VHCS ngày 06/12/2019 của Bộ VHTTDL về tăng cường quản lý và tổ chức lễ hội năm 2020… Thực hiện nghiêm kỷ cương, kỷ luật lao động, tuyệt đối không đi lễ hội trong giờ hành chính, không sử dụng xe công đi lễ hội trừ trường hợp thực thi nhiệm vụ.
Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì, phối hợp với Sở Nội vụ (Ban Tôn giáo tỉnh) hướng dẫn, chỉ đạo, kiểm tra tại các địa phương việc thực hiện nghiêm các quy định về quản lý, tổ chức lễ hội, các quy định về thực hiện nếp sống văn minh; không tổ chức các lễ hội có hành vi phản cảm, các nghi lễ có tính bạo lực, mê tín dị đoan; kiên quyết xử lý các hành vi tranh cướp, hoạt động mê tín dị đoan, cờ bạc, cờ bạc trá hình, ăn mày, ăn xin, dịch vụ đổi tiền lẻ hưởng chênh lệch diễn ra trong lễ hội; không cấp phép tổ chức lễ hội có mục đích thương mại, trục lợi.
Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố tiếp tục chỉ đạo các cơ quan chuyên môn thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật về công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động lễ hội tại địa phương. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về lễ hội; tuyên truyền giới thiệu, quảng bá về nguồn gốc, quy trình thực hành và giá trị của lễ hội, danh thắng, di tích và các nhân vật được thờ phụng, tôn vinh; bảo tồn có chọn lọc những ph ong tục tập quán tốt đẹp của dân tộc theo xu hướng lành mạnh, tiến bộ, tiết kiệm, phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của địa phương, đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng của nhân dân. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát trước, trong và sau khi tổ chức lễ hội, kịp thời ngăn chặn và xử nghiêm các vi phạm, đặc biệt là các hành vi lợi dụng di tích, lễ hội để trục lợi, kích động bạo lực, lưu hành, kinh doanh văn hóa phẩm trái phép; không để các đối tượng lợi dung, lôi kéo đông người tại lễ hội để tuyên truyền, quảng bá các hoạt động có dấu hiệu tà đạo, mê tín dị đoan, trái với thuần phong mỹ tục, vi phạm quy định về thực hiện nếp sống văn minh. Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND tỉnh nếu để các tổ chức, cá nhân vi phạm các quy định quản lý, tổ chức lễ hội tại địa bàn…