Yên Bái phát huy nguồn sức mạnh văn hóa trong phát triển
03/06/2022 | 08:15Yên Bái là tỉnh miền núi, nằm ở cửa ngõ Tây Bắc, nơi hội tụ của hơn 30 dân tộc với nhiều sắc thái văn hóa tạo cho tỉnh một nền văn hóa giàu bản sắc. Trong giai đoạn phát triển mới, Yên Bái xác định mục tiêu phát triển nhanh, bền vững theo hướng "xanh, hài hòa, bản sắc, hạnh phúc", đưa tỉnh trở thành tỉnh khá của vùng trung du và miền núi phía bắc vào năm 2025.
Trong đó, coi trọng phát huy giá trị văn hóa, thiết thực nâng cao chất lượng cuộc sống và chỉ số hạnh phúc cho nhân dân là mục tiêu có ý nghĩa và giá trị cốt lõi.
Tỉnh Yên Bái luôn xác định phát triển văn hóa, bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, xây dựng con người là một trong những nhiệm vụ chính trị thường xuyên và quan trọng trong quá trình lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành và tổ chức thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội.
Từ chủ trương đến hành động
Văn hóa đã trở thành nội dung quan trọng trong các hoạt động của cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, đoàn thể và cả hệ thống chính trị tỉnh. Xây dựng văn hóa trong chính trị và kinh tế ở tỉnh được triển khai gắn với việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI, khóa XII, Kết luận số 21-KL/TW của Ban Chấp hành Trung ương Ðảng khóa XIII về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Ðảng và hệ thống chính trị; kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" và thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị về "Ðẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh".
Nghị quyết Ðại hội Ðảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2020-2025, xác định: Phát huy giá trị văn hóa, xây dựng con người Yên Bái "thân thiện, nhân ái, đoàn kết, sáng tạo, hội nhập". Theo đó, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Kế hoạch số 37-KH/TU về xây dựng con người Yên Bái "thân thiện, nhân ái, đoàn kết, sáng tạo, hội nhập", nhằm bồi dưỡng và làm sâu sắc các đặc trưng cơ bản của con người Yên Bái, lan tỏa giá trị truyền thống trở thành nếp nghĩ, lối sống bền vững trong mỗi công dân.
Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Nguyễn Minh Tuấn trao đổi: Với tiềm năng, lợi thế từ nền văn hóa truyền thống đậm đà bản sắc của tỉnh, thông qua thực hiện Ðề án "Bảo tồn, phát triển văn hóa các dân tộc thiểu số Việt Nam đến năm 2020" của Chính phủ và các chính sách văn hóa dân tộc, công tác bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa dân tộc tỉnh Yên Bái có bước phát triển mới.
Phát huy sức mạnh nội sinh
Từ quá trình nêu trên, nhiều di sản văn hóa vật thể và phi vật thể trên địa bàn tỉnh được triển khai nghiên cứu, nhận diện, bảo vệ và phát huy giá trị đã góp phần giáo dục truyền thống yêu nước, khơi dậy lòng tự hào và nhận thức bảo vệ di sản trong nhân dân. Các nghệ nhân văn hóa được quan tâm và tôn vinh, được hưởng các chính sách hỗ trợ của Nhà nước và của tỉnh, công tác xã hội hóa được tăng cường và thu hút được đông đảo các tổ chức, cá nhân tham gia giữ gìn và phát huy văn hóa truyền thống.
Ðến nay, toàn tỉnh có 123 di tích lịch sử-văn hóa được xếp hạng các cấp; 714 di sản văn hóa phi vật thể. Hằng năm, tỉnh tiến hành đầu tư bảo tồn từ hai đến ba di sản văn hóa phi vật thể của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch. Ðược biết, nhiều địa bàn trong tỉnh đã coi trọng phục dựng, bảo tồn sinh hoạt văn hóa truyền thống cộng đồng.
Kết hợp khai thác tiềm năng của văn hóa với phát triển du lịch là một trong những hướng đi được tỉnh Yên Bái quan tâm thực hiện những năm gần đây.
Năm 2005, hình thức du lịch cộng đồng tại Yên Bái chỉ có duy nhất một mô hình tại bản Ðều, xã Nghĩa An, thị xã Nghĩa Lộ; đến nay, phát triển lên 119 cơ sở kinh doanh du lịch cộng đồng. Các địa phương trong tỉnh đã chủ động xây dựng kế hoạch, đa dạng hóa các sản phẩm du lịch cộng đồng gắn với văn hóa các dân tộc. Nhiều mô hình du lịch cộng đồng bước đầu mang lại hiệu quả thiết thực. Lượng khách và tỷ trọng tăng trưởng kinh tế của ngành du lịch tăng dần qua các năm. Tốc độ tăng trưởng bình quân khách du lịch hằng năm đạt 10,3%. Doanh thu từ hoạt động du lịch bình quân hằng năm tăng gần 20%, góp phần tăng thu nhập cho người dân và thu ngân sách địa phương. Tỉnh Yên Bái được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đánh giá là một điển hình tiên tiến về bảo tồn, phát triển nền văn hóa dân gian của các dân tộc thiểu số.
Cùng sự chỉ đạo của các cấp ủy, chính quyền, sự phối hợp giữa các ngành, các đoàn thể, đã huy động được các tầng lớp nhân dân, cộng đồng dân cư cùng đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa, nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho nhân dân.
Qua nhiều năm phát động, phong trào đã phát triển rộng khắp có sức lan tỏa trong đời sống xã hội. Ðến nay, toàn tỉnh có 80% số hộ gia đình văn hóa, 66,5% thôn, bản, tổ dân phố văn hóa, 86,1% cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa; 71 xã đạt chuẩn văn hóa nông thôn mới; 14 phường, thị trấn đạt chuẩn văn minh đô thị. Phong trào đã mang lại hiệu quả thiết thực, làm thay đổi bộ mặt nông thôn, phát triển kinh tế, đời sống của nhân dân được nâng cao, các thiết chế văn hóa được quan tâm xây dựng, tình làng nghĩa xóm được củng cố, thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội ngày càng tiến bộ; các hủ tục lạc hậu dần được xóa bỏ..., góp phần ổn định chính trị, trật tự và an toàn xã hội, phát huy bản sắc văn hóa, khơi dậy ý chí tự lực, tự cường, khát vọng vươn lên xóa đói, giảm nghèo, phát triển kinh tế địa phương.
Hiện tỉnh đang triển khai nghiên cứu nhân rộng mô hình "trường học hạnh phúc" để trường học thật sự là môi trường văn hóa "yêu thương, an toàn và tôn trọng", cùng với gia đình và xã hội - trở thành môi trường gắn kết chặt chẽ trong giáo dục đạo đức, văn hóa, lối sống, hình thành nhân cách cho thế hệ trẻ.
Hoạt động văn học, nghệ thuật trong tỉnh đã nắm bắt được dòng mạch chính là chủ nghĩa yêu nước và nhân văn, gắn bó với quê hương, đất nước. Nhiều lễ hội tín ngưỡng dân gian truyền thống tiêu biểu của đồng bào được bảo tồn, phục dựng phục vụ phát triển kinh tế, phát triển du lịch, rộng hơn là nhiệm vụ chính trị của địa phương, đơn vị.
Thực tế cho thấy, sự nghiệp phát triển văn hóa của tỉnh Yên Bái những năm qua đã có bước phát triển cả về quy mô lẫn chiều sâu, đạt được những kết quả quan trọng, toàn diện, góp phần tích cực phát triển kinh tế-xã hội, tạo nên sức mạnh nội sinh đưa tỉnh Yên Bái phát triển nhanh, bền vững.
Tuy nhiên, trong lĩnh vực này Yên Bái còn những vấn đề mang tính thách thức đòi hỏi tỉnh tập trung giải quyết trong những năm tiếp theo, nổi bật như: Mức hưởng thụ văn hóa giữa các vùng, miền còn có khoảng cách; hoạt động văn hóa, nghệ thuật, sưu tầm, bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa và thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội còn có mặt hạn chế, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số; nguồn lực đầu tư của Nhà nước xây dựng thiết chế văn hóa và huy động nguồn lực xã hội hóa đầu tư cho phát triển văn hóa còn hạn chế, chưa đáp ứng yêu cầu; một bộ phận cán bộ, đảng viên chưa phát huy vai trò gương mẫu trong tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, lối sống, chạy theo lợi ích cá nhân, làm giảm lòng tin của nhân dân vào Ðảng và chính quyền.
Giai đoạn 2020-2025, Tỉnh ủy Yên Bái đã ban hành những chủ trương, giải pháp nhằm thực hiện tốt mục tiêu về xây dựng và phát triển văn hóa theo Nghị quyết Ðại hội lần thứ XIII của Ðảng; Nghị quyết Ðại hội Ðảng bộ tỉnh Yên Bái nhiệm kỳ 2020-2025.
Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Yên Bái Lê Thị Thanh Bình trao đổi: Tỉnh đang triển khai nhiều chương trình, giải pháp nhằm xây dựng hình ảnh con người Yên Bái với những phẩm chất tốt đẹp "thân thiện, nhân ái, đoàn kết, sáng tạo, hội nhập" giúp người dân hiểu biết sâu sắc, tự hào về truyền thống và văn hóa của các dân tộc trong tỉnh; phát triển toàn diện về nhân cách, trí tuệ, đạo đức, thể chất, tâm hồn, năng lực sáng tạo, trách nhiệm xã hội, nghĩa vụ công dân… Ðây cũng là mục tiêu phát huy tốt hơn nữa vai trò là nguồn sức mạnh nội sinh to lớn và là động lực phát triển xã hội, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu đưa Yên Bái phát triển nhanh, bền vững theo hướng "Xanh, hài hòa, bản sắc và hạnh phúc".