Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng: Sớm "vẽ lại bản đồ du lịch Việt Nam", đưa du lịch trở thành ngành kinh tế truyền cảm hứng
09/07/2025 | 20:09Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng cho rằng, cần sớm "vẽ lại bản đồ du lịch Việt Nam" theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ để phù hợp với tình hình mới. Bên cạnh đó, cần thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp để đưa du lịch không chỉ trở thành ngành kinh tế mũi nhọn mà còn trở thành một ngành kinh tế truyền cảm hứng.
Chiều 9/7, tại trụ sở Bộ VHTTDL, Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng đã chủ trì Hội nghị trực tuyến triển khai nhiệm vụ trọng tâm của ngành Du lịch 6 tháng cuối năm 2025. Hội nghị diễn ra đúng vào dịp kỷ niệm 65 năm ngày thành lập ngành Du lịch Việt Nam (9/7/1960 - 9/7/2025).
Hội nghị được tổ chức trực tiếp tại trụ sở Bộ VHTTDL và kết nối trực tuyến đến 34 điểm cầu của 34 địa phương trên cả nước.

Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng chủ trì Hội nghị trực tuyến triển khai nhiệm vụ trọng tâm của ngành Du lịch 6 tháng cuối năm 2025.
Sau khi nghe báo cáo của Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam về kết quả hoạt động du lịch 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm 2025 và các ý kiến tham luận của đại diện các địa phương, kết luận Hội nghị, Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng cho biết, Hội nghị diễn ra đúng vào dịp kỷ niệm 65 năm ngày thành lập ngành Du lịch Việt Nam và được tiến hành vào thời điểm chính quyền địa phương 2 cấp được đi vào vận hành.
Trong bối cảnh ngành du lịch đang nỗ lực để thực hiện mục tiêu đón từ 22-23 triệu lượt khách quốc tế, phục vụ 120-130 triệu lượt khách nội địa và đóng góp vào mục tiêu tăng trưởng GDP trên 8% năm 2025, có thể nói Hội nghị đã thực hiện "2 nội dung trong 1".

Hội nghị được kết nối trực tuyến đến 34 điểm cầu của 34 địa phương trên cả nước.
Nội dung thứ nhất: Hội nghị để chúng ta tri ân các thế hệ người làm du lịch đi trước, những người đặt viên gạch đầu tiên cho ngành du lịch Việt Nam, để hôm nay du lịch phát triển và đang vươn lên trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.
"Chúng ta trân trọng cảm ơn các thế hệ những người làm du lịch trong quá khứ, hiện tại và mong muốn nguồn nhân lực làm du lịch trong tương lai sẽ có một trái tim ấm, một đôi chân bền bỉ, bàn tay không ngại khó và một khối óc luôn luôn đổi mới, sáng tạo là hành trang để đi tiếp chặng đường sắp tới.
Chúng ta trân trọng cảm ơn lãnh đạo Đảng, Nhà nước, lãnh đạo Quốc hội, Chính phủ, các cấp ủy Đảng ở các địa phương đã luôn quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo với nhiều quyết sách quan trọng để ngành du lịch phát triển", Bộ trưởng chia sẻ.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng phát biểu kết luận Hội nghị
Nội dung thứ hai, Hội nghị đã thảo luận, đánh giá hoạt động du lịch 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm 2025 cũng như trong giai đoạn tiếp theo.
Theo Bộ trưởng, từ báo cáo của Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam và qua phát biểu thảo luận của các đại biểu ở các địa phương, có thể khái quát tinh thần chung của Hội nghị đã truyền đi thông điệp cho toàn ngành, coi đó như cẩm nang hoạt động 6 tháng còn lại của năm 2025 cũng như trong giai đoạn tiếp theo đó là: "Hợp lực, chọn điểm, bứt tốc để du lịch Việt Nam trở thành điểm đến hàng đầu châu Á".
Bộ trưởng nhấn mạnh, để thực hiện thông điệp này, có rất nhiều việc phải làm, trong đó phải đảm bảo các nhiệm vụ, định hướng lớn sau:
Thứ nhất, sau khi thực hiện chính quyền địa phương 2 cấp, phải định vị lại tài nguyên du lịch của từng địa phương và của quốc gia. Đây là yêu cầu có tính bắt buộc, Bộ trưởng đề nghị sau hội nghị hôm nay, các đơn vị phải cùng thực hiện và thực hiện trong thời gian sớm nhất. Chậm nhất hết quý III năm 2025 phải định vị được tài nguyên du lịch để "vẽ lại bản đồ du lịch Việt Nam" như chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Thứ hai, về hoàn thiện thế chế, phải rà soát lại cơ chế chính sách, các chiến lược, đề án du lịch cấp Trung ương và địa phương đã ban hành để bổ sung, hoàn thiện. Có như vậy mới có thể tháo gỡ các điểm nghẽn, khơi thông nguồn lực, tạo động lực mới cho nhà nước, doanh nghiệp và người dân.
Thứ ba, phải tái xác định lại thị trường du lịch trọng điểm từ quốc gia đến địa phương. Hiện nay chúng ta đã xác định 10 thị trường trọng điểm quốc tế bao gồm: Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản, Hoa Kỳ, Úc, EU, ASEAN, Ấn Độ, Trung Đông và Nga. Các thị trường trọng điểm, chiến lược này phải được lưu ý trong xúc tiến, quảng bá.
Bộ trưởng nhấn mạnh, những người làm du lịch phải quán triệt quan điểm: "Thị trường là trung tâm, thương hiệu là nền tảng".
Thứ tư, tiếp tục tập trung xây dựng sản phẩm du lịch Việt Nam đặc sắc theo Chỉ thị của Thủ tướng và Nghị quyết của Chính phủ.
Theo Bộ trưởng, sau khi các địa phương sáp nhập, có không gian mới cần phải tái xác lập lại các sản phẩm du lịch, các sản phẩm phải có độ lớn, có chiều sâu và đặc trưng, phù hợp với từng địa phương. Bộ VHTTDL sẵn sàng phối hợp với một số địa phương để nghiên cứu, kiến tạo sản phẩm mới.
Thứ năm, đẩy mạnh chương trình quảng bá xúc tiến, đặc biệt phải chú ý đến chủ đề đã xây dựng là "Việt Nam đi để yêu" và hướng mạnh vào địa phương. Xúc tiến, quảng bá phải trên hai yếu tố là khách quốc tế và khách nội địa. Trong đó, khách nội địa là bệ đỡ của ngành du lịch, chúng ta đã thành công trong đại dịch Covid-19 thì cần tiếp tục phát huy trong bối cảnh hiện nay.
Thứ sáu, phải tập trung triển khai hình thành hệ sinh thái du lịch thông minh, gắn với chuyển đổi số toàn diện. Yêu cầu phải có các sản phẩm số hóa cụ thể, Bộ trưởng gợi ý xây dựng "sản phẩm du lịch không có dấu chân" với việc ứng dụng khoa học công nghệ, chuyển đổi số.
Nhấn mạnh chuyển đổi số là yêu cầu bắt buộc, đã được lãnh đạo Đảng, Nhà nước đặc biệt quan tâm với những chỉ đạo, chính sách rất rõ ràng, Bộ trưởng yêu cầu các đơn vị, địa phương phải bắt tay vào triển khai, tiến hành toàn diện.
Bên cạnh đó, Bộ trưởng cũng lưu ý, trong quá trình chuyển đổi số, yếu tố con người vẫn phải được coi trọng, "số hóa không có nghĩa là vô cảm mà yếu tố con người trong đó vẫn rất quan trọng".
Thứ bảy, phải tăng cường quản lý điểm đến, kiểm tra, kiểm soát chất lượng dịch vụ, đảm bảo an toàn, văn minh, thân thiện. Đề nghị tuyên dương những tấm gương, hình ảnh đẹp trong du lịch, Bộ trưởng cũng yêu cầu kiên quyết chống và khắc phục bằng được những hình ảnh xấu như chặt chém trong du lịch.
Thứ tám, tăng cường liên kết trong du lịch. Bộ trưởng đề nghị sau khi sáp nhập và thực hiện chính quyền địa phương 2 cấp, các tỉnh, thành cần ngồi lại với nhau để đẩy mạnh liên kết, xây dựng các sản phẩm, kênh phân phối, vận hành. Đẩy mạnh liên kết nội ngành đồng thời phải tăng cường liên kết trong các lĩnh vực khác.
Thứ chín, phải nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch theo hướng chuyên nghiệp.

Các đại biểu dự Hội nghị tại điểm cầu trụ sở Bộ VHTTDL
Nhấn mạnh Hội nghị được tiến hành đúng dịp kỷ niệm 65 năm ngày thành lập ngành Du lịch Việt Nam với mong muốn làm mới sản phẩm du lịch, tính toán để thiết kế trình cấp có thẩm quyền hoạch định chính sách mới hơn cho du lịch, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng bày tỏ hy vọng những thành tựu của 65 năm qua sẽ là dấu mốc quan trọng, điểm tựa để chúng ta vững bước trong giai đoạn tới.