Tin tức và Sự kiện

Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

Yên Bái: Nhiều giải pháp phục hồi và phát triển du lịch

25/03/2022 | 15:46

Vận động doanh nghiệp kinh doanh du lịch tham gia chương trình kích cầu theo hướng giảm từ 10% - 50% các dịch vụ du lịch đối với du khách; củng cố chất lượng, xây dựng và phát triển sản phẩm du lịch tại các vùng du lịch trọng điểm; xây dựng mới 5 sản phẩm du lịch cộng đồng, ra mắt 2 sản phẩm OCOP du lịch đạt từ 3 - 4 sao...

Yên Bái: Nhiều giải pháp phục hồi và phát triển du lịch - Ảnh 1.

Hồ Thác Bà là điểm đến hấp dẫn du khách trong nhiều năm qua.

Là tỉnh miền núi, không có nhiều lợi thế, kinh tế còn nhiều khó khăn, tỉnh Yên Bái đã chú trọng phát triển du lịch có trọng tâm, trọng điểm, có chiều sâu. Đến nay, tỉnh đã hình thành và phát triển rõ nét 4 vùng du lịch trọng điểm: vùng du lịch hồ Thác Bà và sông Chảy; vùng du lịch thành phố Yên Bái và vùng phụ cận; vùng du lịch miền Tây gồm huyện Văn Chấn, Trạm Tấu, Mù Cang Chải và thị xã Nghĩa Lộ; vùng du lịch huyện Trấn Yên, Văn Yên.

Bên cạnh đó, hình thành và phát triển 5 dòng sản phẩm du lịch là: tham quan - nghỉ dưỡng; du lịch cộng đồng và tìm hiểu văn hóa các dân tộc; sinh thái; tâm linh và du lịch mạo hiểm. Nhờ vậy, lượng du khách đến với Yên Bái ngày một nhiều; doanh thu du lịch, dịch vụ du lịch có bước tăng trưởng mạnh và đang trở thành ngành kinh tế chủ lực.

Năm 2018, tỉnh đón 560.000 lượt khách, doanh thu đạt trên 333 tỷ đồng, tăng 23,1%. Năm 2019, đón trên 700.000 lượt khách, doanh thu đạt trên 420 tỷ đồng.

Tuy nhiên, từ năm 2020, nhất là năm 2021, do dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, nên số du khách giảm còn 793.000 lượt, đạt 88,1% kế hoạch, tăng 4,4% so cùng kỳ, doanh thu đạt 490 tỷ đồng, đạt 78,4% kế hoạch, tăng có 3,2%.

Năm 2022, tỉnh tập trung phát triển du lịch đảm bảo thực hiện mục tiêu kép vừa phòng, chống dịch vừa phát triển kinh tế và phấn đấu đón 1,1 triệu lượt khách. Trong đó, khách quốc tế đạt 250.000 lượt, doanh thu đạt trên 845 tỷ đồng.

Hai tháng đầu năm, với việc thực hiện thích ứng an toàn, linh hoạt và kiểm soát hiệu quả dịch bệnh, Yên Bái đã thu hút được 200.000 lượt khách du lịch, tăng 68% so cùng kỳ, doanh thu đạt 104 tỷ đồng.

Để đạt mục tiêu đề ra, tỉnh đã xây dựng và ban hành kế hoạch phục hồi và phát triển du lịch năm 2022. Trong đó, tập trung khai thác hiệu quả lợi thế các sản phẩm đặc trưng; nâng cao chất lượng dịch vụ thu hút du khách với các điều kiện thích ứng an toàn, linh hoạt và kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19; duy trì khẳng định thương hiệu "Yên Bái - Điểm đến an toàn”; gắn hoạt động du lịch với các hoạt động kỷ niệm các ngày lễ lớn, sự kiện lịch sử của tỉnh, của đất nước; phối hợp chặt chẽ giữa các ngành, đơn vị liên quan trong tổ chức, triển khai và thể hiện được nét đặc trưng của sản phẩm du lịch, tôn vinh bản sắc văn hóa từng dân tộc và nét độc đáo của từng sự kiện, hoạt động du lịch; đẩy mạnh xã hội hóa, tăng cường sự phối hợp tham gia của doanh nghiệp, người dân và du khách trong các sự kiện, hoạt động du lịch; đón khách tuân thủ các biện pháp áp dụng theo cấp độ dịch đối với cá nhân và tổ chức đảm bảo chu đáo, kỹ lưỡng các yêu cầu, điều kiện đón khách trên cơ sở an toàn, khoa học, hiệu quả.

Trong đó, những giải pháp đầu tiên là vận động doanh nghiệp kinh doanh du lịch tham gia chương trình kích cầu theo hướng giảm từ 10% - 50% các dịch vụ du lịch đối với du khách nhưng vẫn đảm bảo chất lượng dịch vụ, kết nối và hỗ trợ triển khai đẩy mạnh phục hồi, phát triển du lịch gắn với thực hiện Nghị quyết 128/NQ-CP.

Mặt khác, tăng cường giới thiệu, quảng bá các sản phẩm, trải nghiệm du lịch đa dạng, hấp dẫn, khôi phục niềm tin của thị trường về du lịch của tỉnh an toàn, hấp dẫn. Triển khai thực hiện có hiệu quả các chính sách, đề án về phát triển du lịch, nhất là Nghị quyết 28-NQ/TU ngày 24/2/2021 của Tỉnh ủy về phát triển du lịch giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030; Nghị quyết số 10/2021/NQ-HĐND ngày 14/4/2024 của HĐND về một số chính sách hỗ trợ phát triển du lịch…

Củng cố chất lượng, xây dựng và phát triển sản phẩm du lịch tại các vùng du lịch trọng điểm. Trong đó, vùng hồ Thác Bà và dọc sông Chảy thuộc các huyện Yên Bình và Lục Yên chú trọng nâng cao sản phẩm du lịch cộng đồng (homestay), tham quan hồ Thác Bà, du lịch trải nghiệm gắn với bảo tồn các giá trị văn hóa dân tộc…

Năm 2022, xây dựng mới 5 sản phẩm du lịch cộng đồng, ra mắt 2 sản phẩm OCOP du lịch đạt từ 3 - 4 sao. Hỗ trợ các nhà đầu tư trong khảo sát, triển khai dự án du lịch nghỉ dưỡng như dự án: công viên văn hóa, thể thao, du lịch và phụ trợ hồ Thác Bà; khu du lịch nghỉ dưỡng; khu du lịch sinh thái… của Tập đoàn Alphanam, Sun group, FLC group…

Thành phố Yên Bái và phụ cận phát triển các sản phẩm du lịch hội nghị, hội thảo, triển lãm, tổ chức sự kiện văn hóa, thể thao…; nâng cao chất lượng du lịch cộng đồng xã Vân Hội và các sản phẩm du lịch tham quan di tích lịch sử, văn hóa tâm linh; hình thành khu kinh doanh thương mại, phố ẩm thực; hỗ trợ các nhà đầu tư đẩy nhanh tiến độ thi công, triển khai các dự án trên địa bàn…

Các huyện, thị xã phía Tây, ngoài việc nâng cao hơn nữa chất lượng sản phẩm du lịch cộng đồng hiện có thì tiếp tục xây dựng mới 7 mô hình và 2 sản phẩm OCOP du lịch. Phát triển nâng cao chất lượng theo hướng chuyên nghiệp leo núi Tà Chì Nhù, Tà Xùa, Lùng Cúng, Púng Luông... và hoạt động trải nghiệm dù lượn, săn mây trên đỉnh đèo Khau Phạ. Phát triển các sản phẩm đặc trưng của địa phương, nhất là văn hóa ẩm thực của người bản địa.

Triển khai dự án Khu du lịch sinh thái nghỉ dưỡng Bản Hốc; dự án Không gian văn hóa Suối Giàng; khu nghỉ dưỡng Mù Cang Chải; thu hút dự án các điểm du lịch ngắm cảnh… Cùng đó, đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, nhất là các tuyến đường giao thông vào các khu, các điểm du lịch.

Vùng du lịch phía Bắc huyện Trấn Yên và huyện Văn Yên tiếp tục duy trì, phát triển mạnh các sản phẩm du lịch tâm linh, kết nối các di tích lịch sử tạo thành chuỗi du lịch tìm hiểu, trải nghiệm giá trị văn hóa, lịch sử mang dấu ấn riêng.

Bên cạnh phát triển các sản phẩm du lịch, tỉnh tiếp tục mở rộng hợp tác du lịch trong nước, quốc tế; tổ chức tốt lễ đón nhận Bằng của UNESCO ghi danh Nghệ thuật Xòe Thái vào danh sách Di sản Văn hóa phi vật thể đại diện nhân loại; Lễ hội Văn hóa - Du lịch Mường Lò và Khám phá Di tích Quốc gia đặc biệt Danh lam, thắng cảnh Ruộng bậc thang Mù Cang Chải (dự kiến trong tháng 9/2022); Lễ hội Quế Văn Yên; hoạt động du lịch "Mùa nước đổ” tổ chức tháng 5/2022; Festival Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Thượng ngàn gắn với Lễ hội Cơm mới đền Đông Cuông vào tháng 10/2022; Lễ hội Bưởi Đại Minh vào tháng 11/2022…

Với kế hoạch, giải pháp cụ thể, hướng đi phù hợp cả trước mắt, lâu dài cùng với sự vào cuộc tích cực của cả hệ thống chính trị, người dân, doanh nghiệp và du khách, chắc chắn du lịch Yên Bái không chỉ phục hồi sau dịch Covid- 19 mà còn khẳng định thương hiệu "Yên Bái - Điểm đến an toàn”.

Theo Báo Yên Bái

Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×