Yên Bái: Đẩy mạnh phát triển du lịch nông thôn, du lịch cộng đồng trong Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới
19/04/2021 | 14:19Những năm qua, việc phát triển du lịch nông thôn, du lịch cộng đồng tại tỉnh Yên Bái là một trong những hướng đi quan trọng, được tỉnh ưu tiên thực hiện, góp phần phát huy những nét văn hóa độc đáo của các dân tộc địa phương, kinh tế và nâng cao đời sống của người dân nông thôn. Du lịch nông thôn đã và đang từng bước phát triển hoàn thiện, góp phần bảo tồn và phát huy văn hóa truyền thống dân tộc cũng như phát triển kinh tế, nâng cao đời sống cho đồng bào cũng như phục vụ du khách thập phương.
Yên Bái là vùng đất có lịch sử lâu đời với nhiều di tích lịch sử - văn hóa, khảo cổ học, có nhiều tiềm năng, lợi thế về tài nguyên thiên nhiên, cảnh quan sinh thái và các giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể đặc sắc, tạo điều kiện thuận lợi để phát triển du lịch.
Để thúc đẩy, hỗ trợ phát triển du lịch nông thôn, du lịch cộng đồng, tỉnh đã triển khai thực hiện hiệu quả nhiều chủ trương, chính sách hỗ trợ phát triển du lịch. Nhờ vậy trong quá trình triển khai thực hiện, địa phương đã nâng tầm quy mô tổ chức các sự kiện văn hóa du lịch, lễ hội truyền thống, phát triển được các sản phẩm du lịch đặc thù, đầu tư phát triển được các sản phẩm du lịch cộng đồng; tăng cường các hoạt động quảng bá, xúc tiến và liên kết phát triển du lịch, thu hút nguồn lực đầu tư cho phát triển du lịch; tăng cường công tác đào tạo nguồn nhân lực và đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trong phát triển du lịch. Thông qua các chương trình giới thiệu, quáng bá tiềm năng của tỉnh, cơ hội đầu tư, kinh doanh của tỉnh được triển khai đã thu hút nhiều dự án đầu tư phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh; hình thành và phát triển được 04 vùng du lịch trọng điểm của tỉnh với các sản phẩm du lịch đặc trưng thu hút đông đảo du khách trong và ngoài nước đến với Yên Bái, như: Du lịch sinh thái - nghỉ dưỡng; du lịch mạo hiểm leo núi, dù lượn; du lịch tâm linh, tham quan di tích lịch sử, lễ hội ... trong đó chú trọng đến phát triển sản phẩm du lịch cộng đồng tìm hiểu văn hóa các dân tộc gắn với nông nghiệp...
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 23 điểm du lịch cộng đồng tại các huyện Yên Bình, Lục Yên, Văn Chấn, Trạm Tấu, Mù Cang Chải, Văn Yên, Trấn Yên và thị xã Nghĩa Lộ. Tỉnh có một số tuyến du lịch cộng đồng được đẩy mạnh trong thời gian gần đây, tập trung ở khu vực miền Tây của tỉnh và phía Đông hồ Thác Bà trên cơ sở kết nối các điểm du lịch cộng đồng, như: Sơn Thịnh - Suối Giàng - Sà Rèn (Nghĩa Lợi) - Tú Lệ - La Pán Tẩn - Thị trấn Mù Cang Chải; Sơn Thịnh - Nghĩa An - Trạm Tấu; Phúc An - Vũ Linh - Cẩm Nhân - Ngọc Chấn; Khai Trung - Mường Lai.
Tại mỗi địa phương, du khách được thưởng thức các món ăn đặc sản như: xôi ngũ sắc, các món ăn được chế biến từ cá suối, rau rừng, măng sặt, rêu đá, thịt lợn muối chua, thịt trâu khô, thịt lợn sấy, cơm nương, hoa chuối rừng nộm, thịt gà nấu măng chua... rất đặc trưng; tìm hiểu văn hóa của các dân tộc Thái, Mông, Tày, Dao, Cao Lan tại các địa phương như: Du lịch cộng đồng ở thôn Ngòi Tu (xã Vũ Linh), thôn Đồng Tý (xã Phúc An), huyện Yên Bình; du lịch cộng đồng ở bản Đêu (xã Nghĩa An), bản Sà Rèn (xã Nghĩa Lợi), thị xã Nghĩa Lộ; tại bản Thái (thị trấn Mù Cang Chải), bản Mông (xã La Pán Tẩn), huyện Mù Cang Chải; trải nghiệm đời sống lao động sản xuất nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, các nghề thủ công truyền thống, trải nghiệm văn hóa, trải nghiệm phong tục tập quán,... Hàng năm, các bản du lịch cộng đồng trên địa bàn tỉnh thu hút được khoảng gần 200.000 lượt khách...
Trong những năm qua, tỉnh Yên Bái luôn quan tâm đến phát triển ngành nghề nông thôn, làng nghề gắn với phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh. Đến năm 2020, đã công nhận 15 làng nghề, nghề truyền thống, như: làng nghề tranh đá quý, đá cảnh thị trấn Yên Thế, huyện Lục Yên; làng nghề đan rọ tôm, thôn Đồng Tâm, xã Phúc An, huyện Yên Bình; làng nghề trồng, chế biến, bảo quản chè Suối Giàng. Từ đó, du lịch tham quan làng nghề, nghề truyền thống đã được hình thành. Cùng với đó tỉnh đã tập trung phát triển các sản vật, đặc sản gắn với Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) tại các địa phương thành hàng hóa để phục vụ du lịch như: chè Suối Giàng, bưởi Đại Minh, quế Văn Yên, măng tre Bát Độ Yên Bái, mật ong Mù Cang Chải, khoai sọ nương Trạm Tấu, các loại cá vùng hồ Thác Bà, gạo nếp tan Tú Lệ, gạo Bạch Hà, hồng chùm không hạt Lục Yên, cam sành Lục Yên, cam Văn Chấn, miến đao Giới Phiên... Giai đoạn 2018 - 2020, đã hỗ trợ tư vấn về thủ tục đăng ký bảo hộ nhãn hiệu hàng hóa sản phẩm, quảng bá cho 17 sản phẩm của tỉnh Yên Bái đã được bảo hộ sở hữu trí tuệ.
Việc thường xuyên tổ chức các sự kiện, lễ hội văn hóa, du lịch hàng năm với nhiều hoạt động đa dạng, mới mẻ đã có hiệu quả mạnh mẽ trong việc quảng bá hình ảnh, nét văn hóa truyền thống đặc sắc, các sản phẩm địa phương của tỉnh, thu hút đông đảo du khách trong và ngoài nước như: Lễ hội Văn hóa - Du lịch Mường Lò và khám phá Danh thang Quốc gia đặc biệt Ruộng bậc thang Mù Cang Chải; chương trình du lịch “Về miền đất Ngọc”; Lễ hội Bưởi Đại Minh và khám phá Danh thắng Quốc gia hồ Thác Bà; lễ hội đền Đại Cại; Lễ hội Đền Đông Cuông gắn với Festival thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Thượng Ngàn; Lễ hội Quế Văn Yên; Festival dù lượn Bay trên mùa nước đổ và Festival dù lượn Bay trên mùa vàng,...
Du lịch tâm linh dọc sông Hồng tại các di tích lịch sử - văn hóa, các địa điểm tâm linh nổi tiếng, như: Đền Đông Cuông, Đền Nhược Sơn, Đền Tuần Quán, Chùa Am, ... kết nối với các tỉnh Lào Cai, Phú Thọ; dọc sông Chảy với các di tích như Đền Mẫu Thác Bà, đền Đại Cại,... Các lễ hội truyền thống của các dân tộc được tổ chức thường niên như: lễ hội Gầu Tào của người Mông, lễ hội xuống đồng của người Tày, người Thái, lễ hội rằm tháng Giêng, khai hạ của người Thái...
Tỉnh cũng phát triển các sản phẩm du lịch đặc thù, như: Du lịch mạo hiểm: Bay dù lượn tại đèo Khau Phạ, huyện Mù Cang Chai (hàng năm tổ chức 02 Festival dù lượn: “Bay trên mùa vàng” và “Bay trên mùa nước đổ”); săn mây trên đỉnh Tà Xùa, đỉnh Tà Chì Nhù, huyện Trạm Tấu.
Du lịch sinh thái khám phá danh thắng quốc gia đặc biệt Ruộng bậc thang Mù Cang Chải; du lịch văn hóa gắn với di tích lịch sử và bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc thiểu số địa phương tại các huyện và thị xã Nghĩa Lộ trên địa bàn tỉnh; du lịch sinh thái vùng Hồ Thác Bà; du lịch trải nghiệm sinh thái nước khoáng nóng Trạm Tấu, Văn Chấn, ... được xác định là những sản phẩm du lịch đặc thù của địa phương.
Thời gian tới, tỉnh tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy, chính quyền về phát triển du lịch, phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể trong việc tuyên truyền, vận động, tạo sự chuyển biến căn bản về nhận thức, tư duy trong phát triển du lịch của các tầng lớp nhân dân. Thực hiện tốt công tác quy hoạch, thu hút đầu tư hạ tầng phát triển du lịch theo hướng bền vững. Chú trọng mở rộng, phát triển đa dạng hóa các sản phẩm và loại hình du lịch đặc trưng phù hợp với tiềm năng tại các vùng du lịch trọng điểm. Xây dựng cơ chế, chính sách thúc đẩy phát triển du lịch. Chuẩn hóa, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch. Nâng cao chất lượng công tác quảng bá, xúc tiến phát triển du lịch. Ứng dụng khoa học công nghệ. Liên kết hợp tác phát triển du lịch trong và ngoài nước. Tăng cường công tác quản lý nhà nước về du lịch.