Tin tức và Sự kiện

Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

Yên Bái bảo tồn di sản văn hóa trong thời đại số

28/11/2023 | 16:28

Yên Bái không chỉ nổi tiếng với cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp mà còn là nơi có nhiều di sản văn hóa lịch sử quan trọng. Nỗ lực bảo tồn và phát triển di sản tại Yên Bái đang trở thành một điểm nhấn quan trọng trong việc du lịch và phát triển bền vững của vùng. Với sự phát triển của công nghệ, ngành văn hóa - thể thao và du lịch tỉnh cũng đã có những ứng dụng công nghệ trong bảo tồn di sản văn hóa.

Yên Bái bảo tồn di sản văn hóa trong thời đại số - Ảnh 1.

Đêm đại xòe Mường Lò.

Toàn tỉnh hiện có 132 di tích lịch sử - văn hóa được xếp hạng các cấp, nhiều di sản văn hóa phi vật thể được nghiên cứu, nhận diện, bảo vệ và phát huy giá trị. Trong đó có 1 di sản (Nghệ thuật Xòe Thái) được UNESCO ghi danh vào danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại; 7 di sản văn hóa phi vật thể được Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch đưa vào danh mục Di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia; cùng nhiều loại hình văn nghệ dân gian, các sinh hoạt, tập tục, lễ hội truyền thống được lưu truyền, phục dựng. Để bảo tồn di sản, Yên Bái đã thực hiện nhiều hoạt động như nghiên cứu, khảo cổ, phục hồi di tích, phục dựng các loại hình văn hóa dân gian...

Ngoài ra, các hoạt động giáo dục và tạo động lực cho cộng đồng địa phương tham gia bảo vệ di sản cũng được tổ chức thường xuyên. Phong trào văn nghệ quần chúng ở cơ sở được quan tâm phát triển mạnh. Đến nay, toàn tỉnh có trên 1.500 đội văn nghệ quần chúng với hàng chục nghìn diễn viên không chuyên, đáp ứng nhu cầu sáng tạo và hưởng thụ văn hóa tinh thần của nhân dân; cùng hàng chục nghệ nhân dân gian, nghệ nhân ưu tú được phong tặng...

Thời gian qua, ngành văn hóa - thể thao và du lịch tỉnh cũng đã ứng dụng công nghệ số vào công tác bảo tồn di sản như việc sao lưu hình ảnh di sản; số hóa các tài liệu cổ; phục dựng lưu giữ bằng hình ảnh, video các di sản văn hóa phi vật thể…

Với cách làm này, các bản gốc của tư liệu quan trọng như sách, tài liệu lịch sử, hình ảnh và bản ghi âm được chuyển đổi thành định dạng kỹ thuật số, nhờ đó việc truy cập đến những tư liệu này trở nên dễ dàng hơn. Ngoài ra, việc số hóa tư liệu cũng giúp bảo vệ chúng khỏi sự mất mát và hư hỏng vật lý theo thời gian.

Một phương thức khác để bảo tồn di sản văn hóa trong thời đại số là tạo ra các trải nghiệm tương tác trực tuyến. Với cách làm này, cũng đã có đơn vị triển khai công nghệ thực tế ảo, tái hiện hình ảnh ruộng bậc thang Mù Cang Chải hay đêm hội xòe Mường Lò cho du khách, người dân trải nghiệm ngay tại thành phố Yên Bái trong môi trường 3D, tương tác…

Những trải nghiệm này không chỉ giúp bảo tồn di sản văn hóa mà còn mang đến cho người dùng một trải nghiệm mới lạ.

Cùng với đó, mạng xã hội cũng đóng vai trò quan trọng trong việc bảo tồn di sản văn hóa. Các di sản văn hóa đã được chia sẻ và lan truyền nhanh chóng thông qua các nền tảng mạng xã hội. Các nhà bảo tồn và người yêu văn hóa các dân tộc ở Yên Bái đã tạo ra nội dung sáng tạo như video, bài viết và hình ảnh để giới thiệu và truyền bá giá trị của di sản văn hóa đến cộng đồng trên toàn thế giới. Tạo ra cơ hội cho sự tương tác và giao lưu giữa những người quan tâm đến di sản văn hóa Yên Bái, từ đó lan tỏa di sản văn hóa trong cộng đồng trực tuyến.

Theo các chuyên gia, bảo tồn di sản văn hóa trong thời đại số đòi hỏi sự kết hợp giữa việc sử dụng công nghệ và ý thức của mỗi cá nhân. Chúng ta có thể tận dụng công nghệ để số hóa, truyền tải và chia sẻ di sản văn hoá, từ những tác phẩm nghệ thuật đến truyền thống văn hóa dân gian. Đồng thời, cần thực hiện các biện pháp để bảo vệ và đảm bảo an toàn cho di sản văn hoá.

Cùng với đó, việc số hóa và truyền tải di sản văn hóa qua mạng cũng đi kèm với một số rủi ro như vấn đề về hiệu quả và chất lượng của việc số hóa, đôi khi, quá trình số hóa không được thực hiện cẩn thận, dẫn đến mất mát hoặc biến đổi không mong muốn về di sản văn hoá. Ngoài ra, việc bảo mật thông tin và quyền riêng tư cũng là một vấn đề quan trọng cần được quan tâm.

Mặt khác, công nghệ số đã mở ra nhiều cơ hội để bảo tồn và truyền bá di sản văn hóa một cách rộng rãi và toàn cầu. Tuy nhiên, cần có sự cân nhắc và công việc nghiên cứu kỹ lưỡng để đảm bảo rằng việc số hóa và truyền tải di sản văn hóa được thực hiện một cách trung thực và tôn trọng giá trị của di sản. Chỉ khi đó, mới đảm bảo rằng di sản văn hóa sẽ được truyền lại cho các thế hệ tương lai và thế giới sẽ tiếp tục được truyền cảm hứng và đa dạng từ những giá trị văn hóa lâu đời.

Các chuyên gia cũng khuyến cáo người dân hãy tham gia và đóng góp vào việc bảo tồn di sản văn hóa trong thời đại số. Hãy chia sẻ câu chuyện, hình ảnh và kỷ niệm về di sản văn hóa trên các nền tảng truyền thông xã hội cẩn thận và chính xác!

Theo Báo Yên Bái

Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×