Xu hướng du lịch không dùng tiền mặt
12/07/2022 | 14:17Cùng với sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ, du lịch không dùng tiền mặt đang là xu hướng được nhiều du khách lựa chọn. Qua đó, đặt ra bài toán cho ngành Du lịch về việc phát triển, đẩy mạnh ứng dụng không dùng tiền mặt cũng như quản lý loại hình thanh toán này trong tương lai.
Có thể thấy, xu hướng thanh toán không dùng tiền mặt, cụ thể là thanh toán kỹ thuật số đang trở thành xu hướng tất yếu. Thanh toán kỹ thuật số không chỉ đem lại sự thuận tiện cho khách hàng, mà còn đảm bảo độ bảo mật, tốc độ và tính hiệu quả cao. Bên cạnh đó, cơ cấu dân số trẻ với 72% đang sử dụng điện thoại thông minh và đã tiếp cận dịch vụ viễn thông đã góp phần tích cực vào xu hướng này. Người tiêu dùng dần bỏ tâm lý hoài nghi với các phương thức thanh toán mới và sẵn sàng trải nghiệm thanh toán kỹ thuật số, thanh toán không dùng tiền mặt.
Thực tế, sự phát triển công nghệ được áp dụng vào ngành Du lịch đã mang đến nhiều tiện ích. Xu hướng mới được hình thành là đặt tour, khách sạn trực tuyến, kèm theo đó là thanh toán trực tuyến. Việc thanh toán trực tuyến phát triển thể hiện một điểm đến năng động, tăng những tiện ích.
Tại Quảng Ninh, hiện nay có khá nhiều hình thức thanh toán trực tuyến đang được ứng dụng trong lĩnh vực du lịch. Có thể kể đến, thanh toán trực tuyến được sử dụng nhiều thông qua hệ thống các máy POS (máy quẹt thẻ) tại các trung tâm thương mại, điểm mua sắm và khách sạn. Gần đây, có các phần mềm thanh toán của các ngân hàng và doanh nghiệp công nghệ cũng được áp dụng nhiều trong du lịch.
Du khách hay các cơ sở kinh doanh không còn quá lạ lẫm với hình thức thanh toán này. Ở các khách sạn, du khách có thể chuyển khoản trước hoặc thanh toán qua bên trung gian là các ứng dụng đặt phòng khách sạn như Traveloka, Booking, Agoda... đều có kết nối với các ngân hàng. Bên cạnh đó, một số chuỗi cửa hàng của một số thương hiệu lớn cung cấp dịch vụ du lịch cũng đặt mã QR Code liên kết với tài khoản ngân hàng để du khách quẹt mã thanh toán. Hay đơn giản hơn, ở các nhà hàng, quán ăn, đặt sẵn các số tài khoản ngân hàng để du khách tiện giao dịch.
Việc dễ dàng thanh toán không dùng tiền mặt khiến nhiều du khách cảm thấy yên tâm và ấn tượng tốt khi sử dụng dịch vụ. Chị Trần Kiều Trinh, du khách Hà Nội cho biết: Việc thanh toán không dùng tiền mặt rất phổ biến ở các thành phố lớn, trở thành một thói quen kể cả khi đi du lịch. Đến Quảng Ninh, tôi chỉ mang theo một ít tiền mặt. Hầu hết các giao dịch được thực hiện trực tuyến ở những nơi có thể áp dụng thanh toán bằng công nghệ, tạo thuận tiện tối đa cho du khách và gia tăng trải nghiệm, ấn tượng tốt với điểm du lịch.
Không chỉ với du khách nội địa, việc thanh toán không dùng tiền mặt là “điểm cộng” vô cùng lớn đối với du khách quốc tế khi đến Quảng Ninh. Họ không cần đổi tiền mặt mà có thể thanh toán trực tuyến tại bất cứ điểm kinh doanh dịch vụ du lịch nào. Từ đó, tăng khả năng cạnh tranh cũng như gia tăng chi tiêu cho du khách khi trải nghiệm đa dịch vụ tại Quảng Ninh.
Để đáp ứng yêu cầu đó của du khách cũng như đẩy nhanh tiến độ bao phủ hệ thống thanh toán không dùng tiền mặt trong lĩnh vực du lịch, ngành Du lịch đã phối hợp với Tập đoàn Viễn thông Viettel chi nhánh Quảng Ninh triển khai mô hình Phố thông minh không dùng tiền mặt tại Khu du lịch quốc tế Tuần Châu từ 1/6-31/8/2022. Qua đó, làm cơ sở rút kinh nghiệm, nhân rộng tại các địa phương, đơn vị khác trong tỉnh. Hiện cơ bản các hộ kinh doanh tại Cảng tàu khách quốc tế Tuần Châu đã tham gia.
Tuy nhiên, việc thanh toán không dùng tiền mặt cũng đặt ra nhiều vấn đề cho các nhà quản lý để đảm bảo yếu tố “an toàn, minh bạch và tiện lợi”. Theo ông Lê Việt Hà, Phó Giám đốc Viettel Quảng Ninh, đơn vị đã sẵn sàng các nền tảng và nhân lực để hỗ trợ ngành Du lịch nói riêng và địa phương triển khai ứng dụng không dùng tiền mặt. Tuy nhiên, đơn vị cũng rất cần sự vào cuộc tích cực của chính quyền địa phương trong việc tuyên truyền, tạo cơ chế cho các đơn vị viễn thông triển khai ở các khu vực đông dân cư như chợ, khu phố. Bên cạnh đó, ngành Du lịch cũng cần đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số vào các lĩnh vực của ngành; nghiên cứu, tham mưu, đề xuất các hành lang pháp lý để tạo thuận lợi cho các hoạt động chuyển đổi số và thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt đáp ứng yêu cầu thực tiễn, đặc biệt là việc triển khai các mô hình cung ứng dịch vụ mới dựa trên nền tảng công nghệ mới.