Xây dựng vùng du lịch văn hóa sinh thái Tây Nguyên gắn với bảo vệ môi trường
16/11/2019 | 14:14Ngày 15/11, tại TP Buôn Ma Thuột, Viện khoa học xã hội vùng Tây Nguyên đã phối hợp với UBND tỉnh Đắk Lắk tổ chức Hội thảo khoa học cấp quốc gia "Xây dựng vùng du lịch văn hóa sinh thái Tây Nguyên - Tiềm năng và những vấn đề".
Tại hội thảo các tham luận, ý kiến của các nhà khoa học, nhà quản lý, chuyên gia, doanh nghiệp đã tập trung thảo luận về các vấn đề như: Thực trạng môi trường các địa phương trong khu vực; đánh giá tác động của du lịch đến môi trường; hoạt động bảo vệ môi trường ở một số khu du lịch, vườn quốc gia, khu du lịch cộng đồng; hoạt động bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống; các mô hình du lịch sinh thái, du lịch nông nghiệp bảo đảm các tiêu chí về môi trường; những cách làm tạo sinh kế cho cộng đồng gắn với bảo vệ môi trường; những điển hình về phát triển du lịch gắn với môi trường... Đồng thời đưa ra những đề xuất, khuyến nghị, giải pháp nhằm nâng cao nhận thức và trách nhiệm về bảo vệ môi trường, bảo tồn và phát huy giá trị bản sắc văn hóa các dân tộc đang sinh sống tại khu vực Tây Nguyên, góp phần xây dựng vùng Tây Nguyên xanh - sạch - đẹp gắn với phát triển du lịch văn hóa sinh thái bền vững.
Theo đó, nhiều ý kiến của các nhà khoa học, nhà nghiên cứu và các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực du lịch đề xuất để du lịch Tây Nguyên có sự phát triển bứt phá, các tỉnh Tây Nguyên cần thực hiện tốt các giải pháp như: ưu tiên phát triển du lịch từ khai thác lợi thế tài nguyên của Tây Nguyên, đẩy mạnh các hoạt động du lịch trên cơ sở khai thác, phát huy các lợi thế về tài nguyên du lịch thiên nhiên và tài nguyên văn hóa Tây Nguyên...
Bên cạnh đó, nâng cao chất lượng và đa dạng hóa các sản phẩm du lịch, xây dựng các sản phẩm du lịch phù hợp với tiềm năng và thế mạnh của từng địa phương trong vùng; chú trọng nâng cao chất lượng các sản phẩm du lịch đặc thù mang đậm nét Tây Nguyên. Đồng thời, du lịch Tây Nguyên cần mở rộng liên kết với các tỉnh miền Trung và vùng Đông Nam Bộ, TP Hồ Chí Minh để kết nối thành các tour, tuyến tạo ra thị trường du lịch rộng lớn, có tác dụng kích cầu du lịch nhằm thu hút khách cho du lịch vùng Tây Nguyên, đặc biệt là hướng tới thu hút lượng khách quốc tế đến với Tây Nguyên.
Ngoài ra, nhiều ý kiến cũng nhấn mạnh: Phát triển du lịch Tây Nguyên phải bảo đảm hiệu quả kinh tế và phát triển văn hóa xã hội; có cơ chế bảo tồn di sản văn hóa, bảo vệ môi trường văn hóa, khuyến khích các hình thức du lịch có trách nhiệm cùng hưởng lợi, cùng chia sẻ lợi ích từ các bên tham gia để bảo đảm xây dựng, bảo tồn và phục hồi các giá trị về môi trường sinh thái, các giá trị văn hóa và phát triển du lịch xanh, thích ứng với biến đổi khí hậu. Việc phát triển các loại hình du lịch nói chung, du lịch văn hóa sinh thái nói riêng để góp phần tăng trưởng kinh tế, xóa đói giảm nghèo là ưu tiên cần thiết, nhưng cần đặc biệt chú trọng phát triển kinh tế, tạo sinh kế cho đồng bào nhưng phải có phương án bảo vệ môi trường, không phá vỡ cảnh quan thiên nhiên, xâm hại di sản văn hóa, phá vỡ nếp sống văn hóa của mỗi tộc người ở Tây Nguyên.
Những năm qua, các tỉnh Tây Nguyên đạt được nhiều thành tựu quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội, trong đó có đóng góp của ngành du lịch dựa trên việc khai thác những yếu tố về cảnh quan thiên nhiên, các giá trị về văn hóa của các dân tộc, các giá trị về đời sống, phong tục tập quán, lễ hội... Tuy nhiên, trong quá trình phát triển, những ảnh hưởng của quá trình đô thị hóa nhanh, quá trình di dân tự do, khai thác khoáng sản… đã làm mất đi những lợi thế và tiềm năng phát triển du lịch của khu vực nói chung và từng địa phương nói riêng, nhất là tình trạng phá rừng ngày càng nghiêm trọng, nguồn nước ngày càng khan hiếm, các già trị văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc bản địa ngày càng mai một... Vì vậy, các tỉnh trong khu vực cần chú trọng phát triển du lịch văn hóa sinh thái gắn với bảo vệ môi trường.