Xây dựng Vĩnh Phúc trở thành trung tâm thể dục-thể thao mạnh của vùng và cả nước
08/08/2024 | 08:30Hiện thực hóa mục tiêu xây dựng Vĩnh Phúc trở thành một trong những trung tâm thể dục-thể thao (TDTT) mạnh của vùng và cả nước, tỉnh đã triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp phát triển sự nghiệp TDTT trong giai đoạn mới.
Phong trào TDTT quần chúng diễn ra sôi nổi ở khắp các địa phương trong tỉnh. Mỗi người dân đã lựa chọn cho mình một môn thể thao và hình thức tập luyện thể thao thích hợp. Nhiều câu lạc bộ TDTT được thành lập tại các cơ quan, đơn vị, trường học, doanh nghiệp, các thôn, tổ dân phố, thu hút đông đảo người dân tham gia luyện tập thường xuyên.
Các hình thức tập luyện TDTT ngày càng phong phú, đa dạng, gồm các môn thể thao truyền thống như vật dân tộc, kéo co, bơi chải, cờ tướng… và các môn thể thao hiện đại như bóng bàn, cầu lông, bóng đá, bóng chuyền, yoga, gym, dancesport…
Hệ thống nhà tập, sân bãi, trang thiết bị phục vụ tập luyện, thi đấu thể thao không ngừng được cải tạo, đầu tư xây dựng khang trang, đồng bộ, hiện đại, đáp ứng nhu cầu luyện tập và thi đấu TDTT của nhân dân.
Hằng năm, các cấp, ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị… tổ chức nhiều giải thể thao gắn với các ngày kỷ niệm lớn của đất nước, địa phương, của ngành… Qua đó tạo sân chơi lành mạnh, bổ ích cho nhân dân, góp phần thúc đẩy phong trào TDTT quần chúng phát triển ngày càng sâu rộng.
Công tác xã hội hóa TDTT quần chúng có nhiều chuyển biến tích cực. Một số giải thi đấu thể thao cấp xã, liên xã đã được các doanh nghiệp tài trợ; nhiều cá nhân, tổ chức đầu tư xây dựng sân bãi luyện tập TDTT với quy mô vừa và nhỏ như sân bóng đá mini cỏ nhân tạo, sân bóng chuyền, cầu lông, bể bơi, phòng tập thẩm mỹ - thể hình… góp phần mở rộng và nâng cao hiệu quả hoạt động TDTT quần chúng ở các địa phương.
Cùng với phong trào TDTT quần chúng, thể thao thành tích cao (TTC) của tỉnh cũng có những bước tiến đáng kể. Hiện nay, Vĩnh Phúc đang duy trì 11 đội thể thao gồm bắn súng, karatedo, pencak silat, vật, wushu, quần vợt, bóng chuyền, bóng đá, đua thuyền, bắn cung, xe đạp với tổng số 214 vận động viên (VĐV), tham gia thi đấu ở 2 tuyến, tuyến tuyển 122 VĐV và tuyến trẻ.
Tỉnh tập trung đầu tư phát triển các môn thể thao trọng điểm, chất lượng đào tạo VĐV thể thao TTC không ngừng được nâng lên. Các VĐV thể thao TTC tham gia nhiều giải đấu trong nước và quốc tế, đem về nhiều huy chương danh giá.
6 tháng đầu năm, VĐV các đội thể thao của tỉnh đã tham gia thi đấu 16 giải thể thao quốc gia, quốc tế, giành được 108 huy chương các loại, trong đó, có 35 Huy chương Vàng, 23 Huy chương Bạc, 50 Huy chương Đồng. Đặc biệt, VĐV Nguyễn Thị Hương trở thành VĐV đua thuyền Canoeing đầu tiên của Việt Nam giành vé dự Olympic Paris 2024.
Tiếp tục phát triển sự nghiệp TDTT của tỉnh, mới đây, Tỉnh ủy đã ban hành kế hoạch triển khai thực hiện Kết luận số 70 của Bộ Chính trị về phát triển TDTT trong giai đoạn mới.
Theo đó, các cấp, ngành, địa phương trong tỉnh tăng cường sự lãnh đạo đối với hoạt động TDTT; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, nâng cao nhận thức của người dân về vị trí, vai trò của TDTT đối với sức khỏe con người; nâng cao hiệu quả, hiệu lực quản lý Nhà nước về phát triển sự nghiệp TDTT; củng cố, kiện toàn tổ chức bộ máy, nâng cao chất lượng cán bộ làm công tác TDTT.
Khuyến khích phát triển và tổ chức đa dạng các hoạt động TDTT quần chúng; phát triển thể thao chuyên nghiệp, thể thao TTC; tăng cường nguồn lực và đẩy mạnh xã hội hóa đầu tư cho TDTT.
Mục tiêu đến năm 2030, số người luyện tập TDTT thường xuyên đạt hơn 60%; số gia đình thể thao đạt hơn 55%; 100% huyện, thành phố và xã, phường, thị trấn có Trung tâm Văn hóa - Thể thao với quy mô hiện đại của vùng đồng bằng sông Hồng; hơn 90% thôn, tổ dân phố có nhà văn hóa, khu luyện tập thể thao cơ bản; 100% khu công nghiệp có quỹ đất để xây dựng thiết chế văn hóa-thể thao phục vụ công nhân, lao động.
Giai đoạn 2026 - 2030, tỉnh tập trung đào tạo 15 môn thể thao; hằng năm duy trì từ 330 - 500 VĐV tuyến đội tuyển, đội tuyển trẻ thi đấu các giải thể thao trong nước và quốc tế, đạt tối thiểu 280 huy chương các loại/năm. Phấn đấu đến năm 2030, xây dựng Vĩnh Phúc trở thành một trong những trung tâm TDTT mạnh của vùng và cả nước.
Việc triển khai nhiều giải pháp phát triển sự nghiệp TDTT góp phần thực hiện mục tiêu nâng cao sức khỏe, tầm vóc, thể lực, xây dựng con người Vĩnh Phúc phát triển hài hòa, toàn diện về đức - trí - thể - mỹ; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước trong giai đoạn mới.