Xây dựng và phát triển thương hiệu du lịch thành phố Đà Nẵng
29/08/2022 | 13:16Du lịch là ngành kinh tế tổng hợp, liên quan đến các ngành khác nhau. Để phát triển du lịch theo hướng chuyên nghiệp, chất lượng, bền vững thì các sở ngành, địa phương cần phối hợp định kỳ rà soát các nhóm giải pháp, đảm bảo thực hiện những mục tiêu.
Đó là chỉ đạo của Phó Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng Trần Phước Sơn tại cuộc họp nghe báo cáo tình hình triển khai "Đề án định hướng phát triển du lịch thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045" ngày 26/8 vừa qua.
"Đề án định hướng phát triển du lịch thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045" đặt mục tiêu tổng quát đến năm 2030, Đà Nẵng trở thành trung tâm du lịch và dịch vụ chất lượng cao, điểm đến sáng tạo của Việt Nam và khu vực Đông Nam Á. Tầm nhìn đến năm 2045, Đà Nẵng trở thành điểm đến du lịch hàng đầu châu Á, là một trong những Trung tâm du lịch nghỉ dưỡng biển, sinh thái cao cấp, sáng tạo và tổ chức hội nghị, sự kiện lễ hội mang tầm quốc tế.
Đề án bám sát chủ trương tại Nghị quyết số 43-NQ/TW ngày 24/01/2019 của Bộ Chính trị về phát triển thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Quyết định số 359/QĐ-TTg ngày 15/3/2021 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Điều chỉnh Quy hoạch chung thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và các định hướng về phát triển du lịch của Trung ương phù hợp với quy hoạch thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn 2050.
Theo đó, Đà Nẵng tập trung vào 12 định hướng phát triển lớn gồm định hướng không gian phát triển du lịch; định hướng phát triển kết cấu hạ tầng phục vụ du lịch; định hướng phát triển sản phẩm du lịch; định hướng phát triển thị trường du lịch; định hướng phát triển nguồn nhân lực; định hướng phát triển doanh nghiệp du lịch; định hướng phát triển nguồn lực đầu tư du lịch; định hướng về công tác xúc tiến và quảng bá du lịch; định hướng về liên kết, hợp tác phát triển du lịch; định hướng về chuyển đổi số; định hướng về quản lý rủi ro, thiên tai, dịch bệnh, xử lý khủng hoảng; định hướng về tổ chức và quản lý du lịch.
Để đạt được các mục tiêu của đề án, thành phố sẽ tập trung vào thực hiện 11 nhóm giải pháp gồm: giải pháp quản lý nhà nước đối với hoạt động du lịch; giải pháp hình thành văn hóa du lịch; giải pháp về xây dựng cơ chế chính sách để phát triển du lịch; giải pháp quy hoạch và đầu tư phát triển du lịch; giải pháp phát triển và quản lý kết cấu hạ tầng phục vụ phát triển du lịch; giải pháp về phát triển sản phẩm du lịch; giải pháp về xúc tiến, quảng bá, phát triển thị trường du lịch; giải pháp đẩy mạnh chuyển đổi số trong hoạt động du lịch; giải pháp về đào tạo, phát triển nguồn nhân lực; giải pháp về liên kết, hợp tác phát triển du lịch; giải pháp khôi phục hoạt động du lịch hậu COVID-19.
Tại buổi làm việc, đại diện Sở Du lịch đề xuất ý kiến thành phố đẩy nhanh tiến độ đầu tư các dự án dòng sông ánh sáng, đầu tư cảnh quan 2 bên bờ sông Hàn, đầu tư cải tạo cảnh quan, tạo điểm nhấn khu vực vỉa hè và bãi cát tuyến biển đường Hoàng Sa - Võ Nguyên Giáp - Trường Sa. Sở Kế hoạch và Đầu tư hỗ trợ các nhà đầu tư tháo gỡ khó khăn, vướng mắc nhằm khói thông nguồn lực, sớm đầu tư hoàn thành các dự án trọng điểm phục vụ du lịch như Khu Tổ hợp pháo hoa quốc tế, Khu nghỉ dưỡng và giải trí tổng hợp làng Vân, Khu du lịch sinh thái Nam Ô.
Bên cạnh đó, UBND các quận huyện có biện pháp đẩy nhanh tiến độ triển khai các đề án phát triển du lịch cộng đồng tại địa phương đã được phê duyệt. UBND huyện Hoà Vang đẩy nhanh tiến độ triển khai thí điểm khai thác dịch vụ du lịch kết hợp phát triển nông nghiệp, lâm nghiệp... trên địa bàn. UBND quận Ngũ Hành Sơn đẩy nhanh tiến độ đầu tư dự án Phố du lịch An Thượng và bổ sung một số hoạt động dịch vụ văn hoá nghệ thuật phục vụ du lịch vào ban đêm tại khu phố.
Để đảm bảo nhân lực triển khai nhiệm vụ quản lý nhà nước về du lịch và triển khai Đề án định hướng phát triển du lịch, các địa phương cũng đề nghị thành phố tiến hành cân đối, phân bổ hợp lý và đảm bảo đủ nhân lực tại các quận huyện.
Về phía các doanh nghiệp du lịch lữ hành, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng Cao Trí Dũng cho rằng, du lịch Đà Nẵng đang ở giai đoạn vàng. Thành phố ghi nhận sự phục hồi du lịch rất mạnh mẽ từ các nguồn khách, đặc biệt là thị trường khách trong nước. Theo ông Cao Trí Dũng, thương hiệu Đà Nẵng được quảng bá rộng rãi sẽ mở ra cơ hội lớn. Thành phố cần tiếp tục xúc tiến truyền thông thường xuyên trên các nền tảng số, các kênh trực tuyến online; cùng với đó hình thành vùng đô thị du lịch kết nối 3 địa phương Đà Nẵng - Thừa Thiên Huế - Quảng Nam.
Phát biểu tại cuộc họp, Phó Chủ tịch Trần Phước Sơn đánh giá cao nỗ lực của ngành du lịch thành phố cũng như các sở ngành, địa phương đồng hành trong triển khai các nhiệm vụ, giải pháp phục hồi du lịch hậu COVID-19. Hiện các hoạt động du lịch trên địa bàn thành phố cơ bản được khôi phục, đóng góp rất lớn vào tăng trưởng của thành phố.
Xác định du lịch là ngành kinh tế tổng hợp, Phó Chủ tịch yêu cầu Sở Du lịch là cơ quan đầu mối theo dõi, rà soát, phối hợp với các sở ngành, đơn vị liên quan đôn đốc triển khai Đề án, báo cáo UBND thành phố về tình hình triển khai, đề xuất tháo gỡ khó khăn vướng mắc. UBND các quận huyện triển khai các đề án tạo sản phẩm du lịch tại địa phương để sớm hình thành các điểm đến, sản phẩm mới, phát triển du lịch đường thủy nội địa... Sở Du lịch phối hợp với quận Ngũ Hành Sơn đẩy mạnh khai thác hiệu quả hoạt động bãi biển đêm, phố du lịch An Thượng thông qua việc đa dạng hoá, nâng cao chất lượng dịch vụ.
Tại cuộc họp, Phó Chủ tịch UBND thành phố Trần Phước Sơn cũng thống nhất chủ trương với đề xuất của Sở Du lịch về việc bố trí dự toán ngân sách hàng năm để triển khai các hoạt động xúc tiến quảng bá du lịch Đà Nẵng tại thị trường nội địa và quốc tế trọng điểm tiềm năng, xúc tiến mở các đường bay quốc tế trực tiếp, khôi phục khách đường biển, tổ chức lễ hội sự kiện văn hoá du lịch.
Phó Chủ tịch UBND thành phố đề nghị của các sở, ngành, UBND các quận huyện phối hợp Sở Du lịch tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động du lịch, nâng cao năng lực quản lý nhà nước về du lịch cho các sở ngành, địa phương. Bên cạnh đó, tiếp tục hoàn thiện các quy định của pháp luật trong hoạt động du lịch, đảm bảo môi trường du lịch, xây dựng thương hiệu thành phố du lịch với hệ thống tiêu chuẩn chất lượng cao.