Tin tức và Sự kiện

Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

Xây dựng và phát triển thương hiệu điểm đến nâng tầm vị thế du lịch Ninh Bình

29/03/2024 | 08:52

Ninh Bình đã kết hợp khá tốt giữa việc xây dựng thương hiệu điểm đến bằng chất lượng sản phẩm dịch vụ , sự thân thiện, hiếu khách của người dân, môi trường du lịch văn minh, an toàn…

Xây dựng và phát triển thương hiệu điểm đến nâng tầm vị thế du lịch Ninh Bình - Ảnh 1.

Di sản Văn hóa và Thiên nhiên thế giới Quần thể danh thắng Tràng An góp phần định vị điểm đến du lịch Ninh Bình.

Sức hấp dẫn từ điểm đến

Ninh Bình đã được nhiều chuyên trang du lịch có uy tín trong nước và quốc tế đánh giá và bình chọn là điểm đến hấp dẫn hàng đầu Việt Nam. Nhiều sản phẩm du lịch đặc thù đã được khẳng định trên thị trường trong nước và quốc tế, trở thành những sản phẩm đặc trưng, trụ cột của tỉnh, góp phần tạo dựng thương hiệu du lịch Ninh Bình như: Khu du lịch sinh thái Tràng An; Khu du lịch Tam Cốc-Bích Động; Cố đô Hoa Lư; Chùa Bái Đính; Vườn Quốc gia Cúc Phương; Khu du lịch sinh thái Thung Nham; Hang Múa… Hình ảnh, thương hiệu của các sản phẩm này gắn liền với hình ảnh, thương hiệu du lịch Ninh Bình, gắn kết, bổ trợ hiệu quả cho nhau.

Xác định môi trường du lịch là yếu tố quan trọng tạo nên sức hấp dẫn của điểm đến, tỉnh đã chỉ đạo tổ chức tập huấn, đào tạo, bồi dưỡng nâng cao kỹ năng giao tiếp, ứng xử văn hóa, văn minh với khách du lịch, hoạt động du lịch có trách nhiệm, bảo vệ di sản cho người dân địa phương tham gia hoạt động du lịch; người lao động, các doanh nghiệp kinh doanh du lịch.

Từ năm 2010 đến nay đã tổ chức hơn 100 lớp bồi dưỡng, tập huấn cho hơn 11.000 lượt học viên. Đồng thời xây dựng, ban hành và triển khai thực hiện đề án đảm bảo an ninh, an toàn trong hoạt động du lịch và Bộ Quy tắc ứng xử trong hoạt động du lịch trên địa bàn tỉnh; thường xuyên tổ chức các đoàn kiểm tra liên ngành để phát hiện, chấn chỉnh, xử lý kịp thời các sai phạm trong kinh doanh du lịch. Do vậy, Ninh Bình luôn nằm trong nhóm các tỉnh là điểm sáng về an ninh, an toàn, bảo đảm tốt vệ sinh môi trường tại các khu, điểm du lịch.

Xây dựng và phát triển thương hiệu điểm đến nâng tầm vị thế du lịch Ninh Bình - Ảnh 2.

Khu du lịch sinh thái Thung Nham xây dựng thương hiệu điểm đến với các sản phẩm du lịch văn hóa đặc sắc.

Đồng chí Nguyễn Văn Minh, Giám đốc Trung tâm Thông tin xúc tiến du lịch, Sở Du lịch cho biết: Công tác truyền thông quảng bá hình ảnh, thương hiệu luôn được Ninh Bình quan tâm, chú trọng thực hiện thông qua nhiều cách thức, phương tiện, kết hợp cả truyền thống và hiện đại, từ việc quảng cáo trên báo chí, các kênh truyền hình, bộ phim, các nền tảng số, mạng xã hội, trang tin điện tử, tham gia hội chợ, triển lãm, tổ chức các chương trình xúc tiến, famtrip, presstrip đến tổ chức các sự kiện. Hàng năm ngành tham gia nhiều hội chợ: Hội chợ VITM Hà Nội, ITE Hồ Chí Minh, Hội chợ Du lịch quốc tế Việt Nam VITM tại Hà Nội, Hội chợ Du lịch quốc tế Nhật Bản, Thái Lan, Singapore, ITB Berlin - Đức, Hội chợ du lịch quốc tế tại London (Anh); tổ chức các chương trình xúc tiến du lịch tại tỉnh Lào Cai, Khánh Hòa, thành phố Hồ Chí Minh, Cần Thơ, Đà Lạt, Thanh Hóa…

Thương hiệu nâng tầm vị thế

Với những giải pháp, định hướng cụ thể, có trọng tâm, trọng điểm, việc xây dựng và phát triển thương hiệu điểm đến du lịch Ninh Bình đã đạt những kết quả rõ nét, đáng ghi nhận. Song, theo kết quả khảo sát đề tài của Sở Du lịch, nhận diện thương hiệu du lịch Ninh Bình vẫn chưa thể hiện được tầm vóc và vị thế của vùng đất giàu tiềm năng du lịch. Cụ thể, kết quả khảo sát có 71,8% đơn vị kinh doanh dịch vụ du lịch trên địa bàn tỉnh được phỏng vấn trả lời Hệ thống nhận diện thương hiệu điểm đến du lịch tỉnh Ninh Bình chưa nổi bật, chưa thể hiện tính riêng có; 77% chưa biết đến biểu trưng logo du lịch của tỉnh. Đây có thể coi là hạn chế, nguyên nhân làm giảm sự nhận biết của thương hiệu du lịch Ninh Bình trong môi trường cạnh tranh điểm đến trong nước và khu vực.

Theo đồng chí Hà Văn Siêu, Phó Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam: Việc xây dựng và phát triển thương hiệu điểm đến du lịch phải gắn với phát triển sản phẩm du lịch đặc thù của tỉnh. Do vậy, Ninh Bình cần quan tâm đầu tư xây dựng, hoàn thiện hệ thống nhận diện hình ảnh, thương hiệu du lịch Ninh Bình. Đây là công cụ quảng bá thương hiệu một cách hữu hiệu; phải đảm bảo biểu trưng (logo), thông điệp (slogan) và hệ thống nhận diện thương hiệu du lịch Ninh Bình thể hiện được 4 tiêu chí: Về sản phẩm du lịch đặc trưng (du lịch văn hóa - lịch sử, tâm linh, du lịch sinh thái, du lịch nghỉ dưỡng, giải trí và du lịch cộng đồng); Truyền tải được thông điệp (slogan) về giá trị của vùng đất, giá trị mang đến cho du khách, giá trị mang đến cho người dân; Thể hiện được tầm nhìn, sứ mệnh phát triển trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, trung tâm du lịch của cả nước; Phù hợp với xu hướng thiết kế sáng tạo mới, dựa trên hai yếu tố "Nhìn thấy và Cảm nhận".

Xây dựng và phát triển thương hiệu điểm đến nâng tầm vị thế du lịch Ninh Bình - Ảnh 3.

Khu du lịch Động Thiên Hà đã khai thác lợi thế văn hóa Mường để xây dựng các sản phẩm du lịch đặc thù

Cùng với đó, tỉnh cần tập trung các nguồn lực để tiếp tục xây dựng và hoàn thiện các sản phẩm du lịch đặc thù, có thương hiệu mạnh của tỉnh. Trước hết là khai thác các giá trị Di tích lịch sử văn hóa Cố đô Hoa Lư, Di sản Văn hóa văn hóa và Thiên nhiên thế giới Tràng An làm nền tảng xây dựng các sản phẩm du lịch chủ lực có chất lượng và mang chiều sâu văn hóa. Đi đôi với việc này là xây dựng hình ảnh văn hóa, con người Ninh Bình thân thiện, hiếu khách và văn minh trên nền tảng có lịch sử văn hóa lâu đời, nơi phồn hoa đô thị, nơi đã từng là kinh đô của cả nước, hướng tới văn minh, hội nhập quốc tế.

Một yếu tố không thể thiếu để cấu thành nên thương hiệu điểm đến du lịch Ninh Bình đó là khai thác thế mạnh ẩm thực đa dạng, làng nghề thủ công truyền thống, các sản phẩm nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp phong phú của tỉnh để hình thành sản phẩm du lịch độc đáo. Tích cực đưa các loại hình nghệ thuật dân tộc (hát chèo, hát xẩm, hát văn...) phục vụ ở các khu, điểm du lịch; phát triển các sản phẩm du lịch sinh thái thành những dòng sản phẩm riêng biệt, mang tính chuyên đề như: du lịch thể thao, khám phá, nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí, giáo dục...

Để xây dựng thương hiệu du lịch Ninh Bình, theo đồng chí Giám đốc Sở Du lịch Bùi Văn Mạnh: Tỉnh cần tiếp tục có chính sách để thu hút các nhà đầu tư chiến lược đầu tư, nâng cấp hoàn thiện cơ sở hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ phát triển du lịch. Ưu tiên các dự án xây dựng khách sạn nghỉ dưỡng, khách sạn thương mại cao cấp (với tiêu chuẩn từ 3 sao trở lên). Chú trọng hệ thống lưu trú sinh thái, homestay; ưu tiên đầu tư xây dựng các công trình vui chơi giải trí, thể thao tổng hợp; các cơ sở y tế, chăm sóc sức khỏe hiện đại, chất lượng cao… để đáp ứng nhu cầu của khách du lịch, đặc biệt là thị trường khách du lịch có nhu cầu cao về các dịch vụ vui chơi giải trí, thể thao; dịch vụ y tế, chăm sóc sức khỏe.

Song song với đó, cần xây dựng và triển khai chiến lược hoặc kế hoạch truyền thông xây dựng và quảng bá thương hiệu một cách chuyên nghiệp, dài hạn, bài bản và nhất quán. Thực hiện hiệu quả hơn nữa việc kiểm soát chất lượng dịch vụ du lịch; bảo đảm môi trường, an toàn và an ninh cho khách du lịch, đặc biệt là khách du lịch quốc tế, tạo sự tin tưởng, bình yên cho du khách khi đi tham quan ở các tuyến, điểm du lịch của Ninh Bình...

Việc xây dựng và phát triển thương hiệu là một quá trình lâu dài, đòi hỏi sự bền bỉ, nỗ lực và trách nhiệm. Đồng thời cần có sự phối hợp chặt chẽ và vào cuộc của cả hệ thống chính trị trong toàn tỉnh, của cộng đồng địa phương và doanh nghiệp để triển khai thực hiện đồng bộ, hiệu quả các giải pháp, từng bước xây dựng Ninh Bình trở thành điểm đến du lịch "An toàn - thân thiện - chất lượng - hấp dẫn", đưa Ninh Bình trở thành trung tâm du lịch lớn của cả nước và khu vực Đông Nam Á.

Theo Báo Ninh Bình

Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×