Xây dựng tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu trở thành điểm đến tin cậy, hấp dẫn du khách
04/01/2024 | 08:59Hằng năm, ngành du lịch tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu luôn duy trì được tốc độ tăng trưởng khá cao và có đóng góp tích cực vào tăng trưởng chung của tỉnh. Lượng khách du lịch đến Bà Rịa - Vũng Tàu tăng trưởng bình quân hơn 12,9% năm; tổng thu từ khách du lịch tăng bình quân trên 15,9%/năm.
Là tỉnh nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, Bà Rịa - Vũng Tàu là tỉnh mạnh về kinh tế biển bao gồm: Phát triển công nghiệp hiện đại, thân thiện với môi trường; là Trung tâm cảng biển lớn nhất của Việt Nam, đảm nhận vai trò là cảng trung chuyển cho cả khu vực lưu vực sông Mê Kông; là Trung tâm dịch vụ hậu cần cảng; là vùng phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và đặc biệt là một trung tâm du lịch của khu vực, của Việt Nam và đang vươn ra tầm quốc tế.
Về tài nguyên thiên nhiên và tài nguyên nhân văn phục vụ du lịch, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu có hơn 305 km chiều dài bờ biển, trong đó có trên 100 km với nhiều bãi cát đẹp, hình thành nên nhiều bãi tắm biển phục vụ phát triển du lịch. Ngoài tài nguyên biển, Bà Rịa - Vũng Tàu có cả núi, có sông, có rừng nguyên sinh, rừng ngập mặn Ramsa của Thế giới; là địa phương có huyện Côn Đảo là một huyện đảo với 16 hòn đảo lớn nhỏ nằm sát đường hàng hải quốc tế tạo nên tiềm năng du lịch biển khá phong phú; có nhiều núi với địa hình và cảnh quan đẹp trên núi như: Núi Lớn, Núi Nhỏ (Vũng Tàu), Núi Dinh (Phú Mỹ), Núi Minh Đạm (Đất Đỏ) đã và đang hình thành các khu du lịch phức hợp mang tầm quốc tế; có 01 di tích lịch sử Quốc gia cấp đặc biệt (di tích nhà tù Côn Đảo), 28 di tích lịch sử cấp quốc gia, 20 di tích lịch sử cấp tỉnh và nhiều di tích lịch sử về tâm linh… Những lợi thế này nhằm phát triển đa dạng về du lịch gắn với văn hoá và tâm linh…
Bên cạnh đó còn có các làng nghề truyền thống như làm tranh sơn mài, đúc đồng, làm bánh tráng, nấu rượu, sản phẩm chế biến từ thủy sản của Làng cá Phước Hải… kết hợp với thực hiện phát triển nông nghiệp công nghệ cao tạo ra sản phẩm từ nông nghiệp như: Socola, Cacao, trà Lekima, nấm linh chi, tiêu Bàu Mây… góp phần thúc đẩy phát triển du lịch cộng đồng gắn với các làng nghề truyền thống của tỉnh.
Theo ông Trịnh Hàng, Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, là tỉnh có nhiều tiềm năng phát triển du lịch, nhất là du lịch biển, du lịch nghỉ dưỡng, Bà Rịa - Vũng Tàu là nơi hội tụ đầy đủ các yếu tố để phát triển thành trung tâm du lịch lớn vùng Đông Nam Bộ, cũng như của cả nước và quốc tế. Vì vậy, nhiều năm qua, Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân và UBND tỉnh đã triển khai quyết liệt, đồng bộ nhiều giải pháp để đầu tư các công trình hạ tầng quan trọng nhằm thúc đẩy phát triển du lịch.
Những năm qua, du lịch Bà Rịa - Vũng Tàu có bước phát triển khá tốt. Đến nay, hệ thống cơ sở vật chất ngày càng hiện đại với 1.509 cơ sở lưu trú kinh doanh phục vụ khách du lịch trên 30.623 phòng. Trong đó, 89 cơ sở lưu trú được phân loại xếp hạng từ 1 đến 5 sao với 8.522 phòng (10 khách sạn 5 sao, 17 khách sạn 4 sao, 24 khách sạn 3 sao, 17 khách sạn 2 sao, 21 khách sạn 1 sao); có 45 đơn vị lữ hành đang hoạt động, trong đó có 23 đơn vị lữ hành quốc tế, 22 đơn vị lữ hành nội địa.
Các khu du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng có thể đón tiếp du khách tham quan, trải nghiệm ngày càng nhiều, tập trung trên địa bàn thị xã Phú Mỹ, thành phố Bà Rịa và huyện Châu Đức. Các cơ sở dịch vụ, trung tâm mua sắm ngày càng đa dạng và phong phú về sản phẩm, chất lượng phục vụ tốt. Đặc biệt, nhờ tính đa dạng vùng miền của cộng đồng dân cư nên Bà Rịa - Vũng Tàu hiện có hệ thống các nhà hàng, quán ăn đặc sản mang hương vị của nhiều vùng miền trên cả nước và có chất lượng phục vụ khá đồng đều, ngày càng tạo sự quan tâm của du khách khi đến với Bà Rịa - Vũng Tàu.
Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu thông tin, hằng năm, ngành du lịch tỉnh luôn duy trì được tốc độ tăng trưởng khá cao và có đóng góp tích cực vào tăng trưởng chung của tỉnh. Lượng khách du lịch đến Bà Rịa - Vũng Tàu tăng trưởng bình quân hơn 12,9% năm; tổng thu từ khách du lịch tăng bình quân trên 15,9%/năm; sản phẩm du lịch không ngừng phát triển.
Công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện các quy hoạch, quản lý dự án đầu tư về du lịch trên địa bàn tỉnh cũng được thực hiện một cách nghiêm chỉnh và đạt được những kết quả đáng khích lệ. Tính tới nay, trên địa bàn tỉnh có 132 dự án (tổng diện tích là 2.966 ha, tổng vốn đầu tư là 57.641 tỷ đồng và 8.927 triệu USD) bao gồm: 116 dự án đầu tư trong nước, 16 dự án đầu tư nước ngoài. Trong đó có 51 dự án đã hoàn thành và đưa vào hoạt động với loại hình sản phẩm đa dạng và có tính đặc thù, phù hợp với thị trường du lịch quốc tế như: The Imperial, Sixsences Resort, The Grand - Hồ Tràm Strip, Pullman….. Các sự kiện văn hóa, thể thao, các di tích lịch sử, danh thắng bước đầu được đầu tư, khai thác để trở thành những sản phẩm du lịch phục vụ du khách. Môi trường du lịch được cải thiện rõ nét, tạo được ấn tượng, hình ảnh tốt với du khách; làm tốt công tác quản lý về giá, đảm bảo an toàn tuyệt đối cho du khách và tạo ra môi trường thân thiện với du khách khi đến Bà Rịa - Vũng Tàu.
Theo ông Trịnh Hàng, hiện nay, Bà Rịa - Vũng Tàu đang tập trung phát triển du lịch theo 5 cụm phát triển du lịch: Cụm du lịch thành phố Vũng Tàu và vùng phụ cận (Long Sơn, Gò Găng); Cụm du lịch Long Hải - Phước Hải và vùng phụ cận; Cụm du lịch thành phố Bà Rịa - Núi Dinh và vùng phụ cận (Phú Mỹ, Châu Đức; Cụm du lịch Hồ Tràm - Bình Châu; Cụm du lịch huyện Côn Đảo.
Để thu hút các nguồn lực cho đầu tư phát triển, trong thời gian tới, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu sẽ tiếp tục cải thiện mạnh mẽ hơn nữa môi trường đầu tư, kinh doanh, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, số hóa thủ tục hành chính công; tiếp tục phối hợp các ngành, các cấp đồng hành, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho hoạt động đầu tư, sản xuất kinh doanh du lịch nhằm tạo môi trường đầu tư, kinh doanh du lịch thuận lợi nhất để khai thác tốt nhất nội lực và thu hút tối đa ngoại lực cho đầu tư phát triển, xây dựng tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu trở thành điểm đến tin cậy, hấp dẫn cho khách du lịch./.
Theo Báo điện tử ĐCSVN - dangcongsan.vn