Tin tức và Sự kiện

Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

Xây dựng sản phẩm du lịch đặc trưng ở Trà Vinh

15/06/2019 | 11:50

Xây dựng sản phẩm du lịch đặc trưng nhằm khai thác và phát triển du lịch gắn với không gian văn hóa miền biển, kết hợp du lịch và nông nghiệp xanh, du lịch bằng xe đạp với hoạt động tham quan, trải nghiệm ẩm thực truyền thống, lễ hội là một trong những thế mạnh để phát triển du lịch của huyện cầu Ngang nói riêng và tỉnh Trà Vinh nói chung.

Ngày 13/6, Sở Văn hoá Thể thao và Du lịch tỉnh Trà Vinh phối hợp với Viện Nghiên cứu Phát triển Kinh tế và Du lịch, UBND huyện Cầu Ngang, tổ chức Toạ đàm “Kết nối và phát triển du lịch huyện Cầu Ngang năm 2019”.

Tham dự buổi tọa đàm có lãnh đạo Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch tỉnh Trà Vinh, Viện Nghiên cứu Phát triển Kinh tế và Du lịch, Hiệp hội Du lịch Đồng bằng Sông Cửu Long, UBND huyện Cầu Ngang, cùng các nhà khoa học, doanh nghiệp du lịch, lữ hành trong và ngoài tỉnh Trà Vinh.

Xây dựng sản phẩm du lịch đặc trưng ở Trà Vinh - Ảnh 1.

Buổi toạ đàm "Kết nối và phát triển du lịch huyện Cầu Ngang năm 2019" (Ảnh: Phạm Cường)

Du lịch mang đặc trưng của vùng sông nước và đồng bào Khmer Nam Bộ

Tại buổi tọa đàm, giới thiệu sơ nét về tiềm năng du lịch của tỉnh Trà Vinh, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Trà Vinh Dương Hoàng Sum đã cho biết, Trà Vinh là tỉnh có vị trí rất đặc biệt của Đồng bằng Sông Cửu Long, nằm giữa hai con sông Tiền và sông Hậu, cùng với 65 km bờ biển, tỉnh có nguồn tài nguyên du lịch rất phong phú với nhiều cù lao, cồn nổi mang đặc trưng của vùng sông nước Nam Bộ với những đặc sản miền biển và trái cây quanh năm.

Đặc biệt, tỉnh có nhiều di tích lịch sử, kiến trúc, di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia cùng với nhiều loại hình văn hóa, văn nghệ, lễ hội, làng nghề truyền thống. Trong đó nổi bật là các điểm du lịch gồm: Khu du lịch sinh thái rừng ngập mặn biển Ba Động, khu du lịch sinh thái Hàng Dương (xã Mỹ Long Nam, huyện Cầu Ngang); khu du lịch cù lao Long Trị (xã Long Đức, thành phố Trà Vinh); khu du lịch cù lao Tân Qui (xã An Phú Tân, huyện Cầu Kè); làng du lịch nông nghiệp Cồn Chim (xã Hòa Minh, huyện Châu Thành)… Trong đó phải kể đến điểm di tích lịch sử Ao Bà Om, Chùa Âng, Làng Văn hóa du lịch Khmer, Bảo tàng Văn hóa dân tộc Khmer gắn liền với hoạt động tham quan, trải nghiệm ẩm thực truyền thống, lễ hội đua Nghe Ngo, lễ hội Ok Om Bok của đồng bào Khmer Trà Vinh… Ngoài ra, với nhiều ngôi chùa đồng bào người Hoa, Khmer cổ kính với nét kiến trúc độc đáo, cùng với nhiều lễ hội đặc sắc và các điểm du lịch khác đang khai thác vừa mang tính hiện đại vừa giữ được nét hoang sơ, giúp du khách có nhiều trải nghiệm thú vị.

Xây dựng sản phẩm du lịch đặc trưng ở Trà Vinh - Ảnh 2.

Khung cảnh làng du lịch nông nghiệp Cồn Chim, huyện Châu Thành (Ảnh: Phạm Cường)

Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Trà Vinh Dương Hoàng Sum cho biết, để khai thác các tiềm năng to lớn về du lịch, tỉnh Trà Vinh đã quan tâm chỉ đạo, ban hành nhiều chính sách thu hút, đẩy mạnh phát triển du lịch của địa phương, trong đó năm 2018 lần đầu tiên HĐND tỉnh đã ban hành hỗ trợ chính sách toàn diện cho các hoạt động đầu tư du  lịch trên địa bàn; cùng với đó là hàng loạt hoạt động xúc tiến đầu tư du lịch; tuần lễ văn hóa du lịch gắn liền với liên hoan ẩm thực gắn liền với lễ hội Om Ok Bok (2018) với quy mô tầm khu vực thu hút hơn 100 nghìn lượt khách tham quan…

Từ những kết quả đó, tốc độ tăng trưởng du lịch của Trà Vinh giai đoạn 2017-2018 tăng bình quân 20%/năm. Trong đó, tổng lượng khách đến thăm quan Trà Vinh năm 2018 đạt gần 800 nghìn lượt người, doanh thu đạt 275 tỷ đồng. Riêng trong 6 tháng đầu năm 2019, có 580 nghìn lượt khách đến tham quan với tổng doanh thu hơn 200 tỷ đồng…

Đẩy mạnh phát triển du lịch sinh thái miền biển

Giới thiệu tiềm năng du lịch của huyện Cầu Ngang, Chủ tịch UBND huyện Cầu Ngang Tô Ngọc Bình cho biết, huyện Cầu Ngang nằm về phía Đông Nam tỉnh Trà Vinh, bên bờ sông Cổ Chiên và cửa Cung Hầu, một trong chín nhánh đổ ra biển của sông Cửu Long. Với lợi thế gần cửa biển, Cầu Ngang có nhiều tiềm năng để phát triển du lịch nhất là du lịch sinh thái biển, du lịch làng nghề và nằm trong không gian tuyến điểm du lịch của tỉnh Trà Vinh. Trong đó, Cồn Nghêu xã Mỹ Long Nam là một cồn cát độc đáo, hiện là bãi nuôi nghêu cho năng suất cao với mệnh danh là “mỏ nghêu” Trà Vinh. Đến du lịch Cồn Nghêu, du khách được trải nghiệm chuyền hành trình mò nghêu đầy thú vị và được thưởng thức hương vị tươi ngon của nghêu ngay tại chỗ hoặc có thể mua về làm quà.

Chủ tịch UBND huyện Cầu Ngang chia sẻ, cùng với các hoạt động du lịch sinh thái biển, ở huyện Cầu Ngang còn có khu di tích lịch sử cách mạng chùa Dơi được công nhận là di tích cấp quốc gia; lễ hội nghinh Ông cúng biển Mỹ Long là di sản vi phật thể cấp quốc gia gắn liền với di tích Miếu bà chúa Xứ có lịch sử 100 năm; có nhà thờ Vinh Kim cổ kính với lịch sử 105 năm mang đậm phong cách phương Tây… Đặc biệt, ở Cầu Ngang còn có các làng nghề, đặc sản nổi tiếng đại diện cho đặc trưng của tỉnh Trà Vinh như làng nghề bánh tét Trà Cuôn, xã Kim Hòa, nghề sản xuất tôm khô Vinh Kim, làng nghề sản xuất cốm dẹt Ba So, Nhị Trường… “Tất cả những yếu tố trên là điệu kiện lý tưởng để Cầu Ngang kêu gọi và chào đón các nhà đầu tư, các công ty lữ hành, du lịch tìm hiểu và phát triển du lịch ở huyện Cầu Ngang”, Chủ tịch UBND huyện Cầu Ngang Tô Ngọc Bình mong muốn.

Xây dựng sản phẩm du lịch đặc trưng ở Trà Vinh - Ảnh 3.

Nghi thức Tống tàu ra khơi trong Lễ hội cúng biển Mỹ Long, Cầu Ngang năm 2018 (Ảnh: Đình Cảnh)

Tại buổi tọa đàm, các ý kiến đóng góp từ các chuyên gia, các doanh nghiệp du lịch, lữ hành, các cơ quan quản lý nhà nước đã góp ý xây dựng một số sản phẩm du lịch đặc trưng của địa phương, nhằm khai thác và phát triển du lịch gắn với không gian văn hóa miền biển, lộ trình phát triển du lịch sinh thái Cầu Ngang… Trong đó, kết hợp du lịch và nông nghiệp xanh, homestay, du lịch bằng xe đạp, phát triển du lịch sinh thái cộng đồng, du lịch gắn với các di tích, lễ hội, tâm linh, phát huy tiềm năng của các nhánh sông, nhất là cửa Cung Hầu trong phát triển du lịch trải nghiệm…

Bên cạnh đó, các ý kiến đã chia sẻ kinh nghiệm để phát huy thế mạnh các sản phẩm đặc sản địa phương để vừa tạo sản phẩm du lịch của vùng miền, vừa thu hút sự quan tâm của du khách. Đặc biệt, các ý kiến đã góp ý những cách làm du lịch mới hiện nay, như việc đưa ứng dụng điện thoại thông minh vào phát triển quảng bá du lịch; xây dựng chuỗi sản phẩm du lịch của không gian hiện tại, chuỗi giá trị văn hoá, bởi có những đoàn khách du lịch nước ngoài thích khám phá vùng đất, con người và văn hóa nơi họ đến chứ không nhất thiết phải là toà nhà cao tầng, khách sạn sang trọng ở những điểm du lịch đó…

Phát biểu tại buổi toạ đàm, Bí thư Huyện uỷ Cầu Ngang Trần Quốc Tuấn bày tỏ cảm ơn các đại biểu, các nhà khoa học, đại diện các công ty du lịch lữ hành đã chia sẻ nhiều cách làm du lịch mới, cách làm du lịch bền vững phù hợp với điều kiện của địa phương, trong đó có những vấn đề nhỏ nhất nhưng thu hút được khách du lịch và phát huy được tiềm năng, thế mạnh của Cầu Ngang.

Bí thư Huyện uỷ Cầu Ngang Trần Quốc Tuấn hy vọng thời gian tới, các đơn vị, các doanh nghiệp du lịch, lữ hành và địa phương có sự hợp tác chặt chẽ nhằm tạo điều kiện cho du lịch Trà Vinh và huyện Cầu Ngang phát triển hơn nữa, góp phần phát triển kinh tế - xã hội địa phương vừa giữ gìn những giá trị văn hóa vốn có của địa phương…/.


Theo Cpv

Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×