Tin tức và Sự kiện

Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

Xây dựng Phú Thọ trở thành địa bàn trọng điểm du lịch vùng Trung du, miền núi Bắc Bộ

10/11/2020 | 14:28

Những năm gần đây, nhất là kể từ khi UNESCO công nhận Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương và Hát Xoan Phú Thọ là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại thì Phú Thọ trở thành điểm lựa chọn không thể thiếu đối với du khách trong và ngoài nước. Đây không chỉ là niềm tự hào, thế mạnh của riêng vùng Đất Tổ mà còn là những điều kiện thuận lợi để xây dựng Phú Thọ trở thành địa bàn trọng điểm du lịch vùng Trung du, miền núi Bắc Bộ.

Xây dựng Phú Thọ trở thành địa bàn trọng điểm du lịch vùng Trung du, miền núi Bắc Bộ - Ảnh 1.

Lượng khách tham quan du lịch và thực hành tín ngưỡng trên địa bàn tỉnh duy trì ở mức 6,5 - 7,5 triệu lượt/năm (Ảnh: Giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng năm 2018 - Nguyễn Tuấn).

Đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng các khu, điểm du lịch trọng điểm

Định hướng phát triển du lịch của tỉnh giai đoạn 2015 - 2020 là ưu tiên thu hút đầu tư cho những dự án trọng điểm để hiện thực hóa tiềm năng du lịch của các địa phương. Trong đó tập trung đầu tư hạ tầng dịch vụ du lịch trọng điểm tại trung tâm thành phố Việt Trì và Khu Di tích lịch sử Đền Hùng; Khu du lịch nước khoáng nóng Thanh Thủy; Khu du lịch Vườn Quốc gia Xuân Sơn; khu vực huyện Hạ Hòa và Đền Mẫu Âu Cơ. Trên cơ sở đó, trong những năm qua tỉnh Phú Thọ đã huy động và khai thác hiệu quả các nguồn lực từ Trung ương, ngân sách tỉnh và nguồn xã hội hóa để đầu tư hệ thống hạ tầng trọng điểm phục vụ du lịch trên địa bàn tỉnh.

Với mục tiêu phấn đấu xây dựng Khu Di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Đền Hùng trở thành Khu du lịch quốc gia gắn với phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương và Hát Xoan Phú Thọ, chỉ tính riêng trong giai đoạn 2016 - 2020, đã có trên 400 tỷ đồng huy động từ ngân sách Trung ương và các nguồn xã hội hóa để đầu tư cho các dự án tu bổ, tôn tạo, mở rộng, góp phần hoàn thiện cơ sở hạ tầng, cảnh quan cho Khu Di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Đền Hùng. Cơ sở vật chất, điều kiện dịch vụ của Khu du lịch cơ bản đảm bảo công tác phục vụ với 10 nhà hàng có công suất phục vụ từ 300 - 500 người trở lên, trên 130 cơ sở lưu trú, 18 khách sạn đạt chuẩn từ 1 - 5 sao.

Tổng nguồn vốn huy động cho đầu tư kết cấu hạ tầng du lịch trong giai đoạn 2016 - 2019, ước đạt năm 2020 là trên 7.400 tỷ đồng, tăng 8,8% so với mục tiêu Đại hội. Trong đó, vốn ngân sách nhà nước trên 2.500 tỷ đồng (chiếm 34%); vốn xã hội hóa và các nguồn vốn hợp pháp khác đạt trên 4.800 tỷ đồng (chiếm 66%).
Xây dựng Phú Thọ trở thành địa bàn trọng điểm du lịch vùng Trung du, miền núi Bắc Bộ - Ảnh 3.

Cầu Ba Vì - Việt Trì được đưa vào sử dụng đã kết nối và rút ngắn thời gian di chuyển của du khách đến các khu du lịch trọng điểm của tỉnh.

Trong hệ thống hạ tầng kỹ thuật phục vụ phát triển du lịch thì giao thông là ưu tiên hàng đầu để thu hút các nhà đầu tư. Chính vì vậy, tỉnh đã ưu tiên đầu tư, nâng cấp, mở rộng các tuyến đường giao thông quan trọng có tính chiến lược, nâng cao khả năng kết nối và rút ngắn thời gian, lộ trình của du khách khi đến các khu du lịch trọng điểm của tỉnh như: Cầu Ba Vì - Việt Trì; nút IC7, IC11 đường Cao tốc Nội Bài - Lào Cai; dự án hạ tầng giao thông đường Hai Bà Trưng kéo dài đến đê sông Lô; cải tạo, gia cố và nâng cấp đường Âu Cơ (thành phố Việt Trì); cải tạo, nâng cấp đường giao thông quốc lộ 32 và đường Hồ Chí Minh với quốc lộ 70B trên địa bàn huyện Thanh Thủy…

Từ việc tập trung đầu tư cơ sở hạ tầng trọng điểm đã tạo ra cho Phú Thọ nhiều lợi thế trong công tác xúc tiến, đầu tư thương mại và du lịch. Bên cạnh đó, với quan điểm phải tiếp tục huy động mọi nguồn lực phát triển ngành công nghiệp không khói, nhiệm kỳ vừa qua tỉnh Phú Thọ đã và đang đẩy mạnh các giải pháp nhằm cải thiện môi trường đầu tư, tạo điều kiện thuận lợi nhất kêu gọi các nhà đầu tư, doanh nghiệp đầu tư vào địa bàn tỉnh. Trong giai đoạn 2016 - 2020 đã có hơn 40 lượt doanh nghiệp tiến hành khảo sát, nghiên cứu, đánh giá, tìm kiếm cơ hội đầu tư thương mại - du lịch trên địa bàn tỉnh. Trong đó, hơn 10 dự án được UBND tỉnh quyết định chủ trương đầu tư với tổng mức đầu tư gần 500 tỷ đồng. Nhiều nhà đầu tư tiềm năng, có kinh nghiệm trong lĩnh vực du lịch đã đầu tư vào tỉnh như Tập đoàn Mường Thanh, Tổng Công ty Saigontourist xây dựng các khách sạn đạt tiêu chuẩn 4 - 5 sao, đáp ứng yêu cầu chất lượng dịch vụ ngày càng cao, góp phần thu hút khách du lịch quốc tế đến với tỉnh. Đến thời điểm này, trên địa bàn tỉnh có gần 300 cơ sở lưu trú với trên 3.700 phòng, trong đó 33 khách sạn (5 khách sạn từ 3 - 5 sao), cơ bản hệ thống phòng nghỉ đáp ứng được nhu cầu của khách du lịch.

Với việc quyết liệt triển khai đồng bộ các giải pháp, huy động tối đa các nguồn lực, tận dụng mọi cơ hội, có cơ chế đặc thù thu hút đầu tư vào du lịch, xây dựng các sản phẩm du lịch đặc thù… đã mang lại kết quả khả quan cho hoạt động du lịch của tỉnh. Lượng khách tham quan du lịch và thực hành tín ngưỡng trên địa bàn tỉnh duy trì ở mức 6,5 - 7,5 triệu lượt khách/năm. Tổng lượng khách lưu trú ước đạt 2,79 triệu lượt, tăng 71% so với giai đoạn 2011 - 2015. Tổng doanh thu từ hoạt động du lịch ước đạt 15,35 tỷ đồng, tăng 82% so với giai đoạn 2011 - 2015.

Xây dựng Phú Thọ trở thành địa bàn trọng điểm du lịch vùng Trung du, miền núi Bắc Bộ - Ảnh 4.

Khu du lịch nước khoáng nóng Thanh Thủy - một trong những khu, điểm du lịch trọng điểm của tỉnh.

Tuy nhiên, trên thực tế những năm qua ngành Du lịch Phú Thọ gặp không ít khó khăn do sự tăng trưởng kinh tế còn chậm; nguồn lực đầu tư hạn hẹp; sức ép cạnh tranh về chất lượng phát triển sản phẩm du lịch ngày càng cao và trên hết du lịch Phú Thọ chưa phải là điểm đến thật sự hấp dẫn đối với nhà đầu tư có tiềm lực lớn… Tỷ lệ khách lưu trú, thời gian lưu trú và mức chi tiêu bình quân của khách du lịch còn thấp. Công tác xúc tiến đầu tư, tuyên truyền quảng bá phát triển du lịch có đổi mới nhưng hiệu quả chưa cao. Việc đào tạo, phát triển nguồn nhân lực phục vụ du lịch chưa đáp ứng nhu cầu của khách du lịch và xu hướng hội nhập quốc tế.

Xác định du lịch là một trong những mũi nhọn phát triển

Tại buổi làm việc trực tuyến với lãnh đạo tỉnh Phú Thọ ngày 28/7/2020, đồng chí Nguyễn Xuân Phúc - Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu: Phú Thọ phải xác định du lịch là một trong những mũi nhọn phát triển của tỉnh trong giai đoạn tới. Tỉnh đẩy mạnh thu hút đầu tư các dự án phát triển dịch vụ du lịch, nâng cao hơn nữa giá trị gia tăng của các tuyến, điểm du lịch, bảo tồn và phát huy các giá trị di sản, di tích lịch sử - văn hóa; đa dạng hóa các sản phẩm du lịch như du lịch lễ hội, du lịch làng nghề, du lịch tâm linh; đưa đặc sản địa phương vào phục vụ phát triển du lịch (như các loại cây ăn quả, chè, bưởi...); gắn nông nghiệp, môi trường với du lịch, dịch vụ nhằm tạo thêm việc làm, thu nhập cho người dân.

Để đạt được mục tiêu trên, ngành Du lịch Phú Thọ phải thực sự thay đổi mạnh mẽ, phát triển du lịch theo chiều sâu, có tính chuyên nghiệp, hạ tầng du lịch đồng bộ hiện đại. Theo đó, tỉnh tập trung huy động các nguồn lực đầu tư hệ thống cơ sở hạ tầng tại các trung tâm du lịch nhằm hình thành các khu, điểm du lịch quốc gia và địa phương, làm cơ sở thúc đẩy du lịch Phú Thọ phát triển nhanh và bền vững. Đặc biệt ưu tiên các nguồn lực đầu tư xây dựng thành phố Việt Trì trở thành thành phố lễ hội về với cội nguồn dân tộc Việt Nam và xây dựng Khu du lịch Quốc gia Đền Hùng.

Xây dựng Phú Thọ trở thành địa bàn trọng điểm du lịch vùng Trung du, miền núi Bắc Bộ - Ảnh 5.

Phát triển du lịch gắn liền với di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại Hát Xoan Phú Thọ (Ảnh Nguyễn Tuấn).

Bà Nguyễn Thị Thanh Hương - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) cho biết: Phú Thọ là tỉnh có nhiều tiềm năng để phát triển du lịch, trong đó Khu Di tích lịch sử Đền Hùng và thành phố Việt Trì là địa bàn phát triển du lịch trọng điểm và giữ vai trò trung tâm điều hành các hoạt động du lịch trên địa bàn tỉnh. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã công nhận Khu Di tích lịch sử Quốc gia Đền Hùng, thành phố Việt Trì là Khu du lịch quốc gia. Đây là cơ hội để tạo nên thương hiệu mạnh mẽ, bền vững cho du lịch Phú Thọ, đồng thời quảng bá mạnh mẽ hơn nữa đến đồng bào và du khách quốc tế về di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương và Hát Xoan Phú Thọ.

Việc nghiên cứu xây dựng và ban hành một số chính sách ưu đãi phát triển du lịch cũng là một trong những nhiệm vụ quan trọng tỉnh tập trung thực hiện trong thời gian tới nhằm thu hút các doanh nghiệp lớn quan tâm đầu tư vào lĩnh vực này. “Chúng tôi sẽ tham mưu với tỉnh xây dựng cơ chế khuyến khích, hỗ trợ đối với doanh nghiệp hoạt động đầu tư, kinh doanh du lịch, phát triển khu, điểm du lịch của tỉnh; hỗ trợ phát triển du lịch cộng đồng; cơ chế hỗ trợ các cơ sở sản xuất sản phẩm, sản vật đặc trưng của tỉnh, sản phẩm quà tặng lưu niệm” - Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Đắc Thủy nhấn mạnh.

Ông Trần Thanh Sơn - Tổng Giám đốc Khách sạn Sài Gòn - Phú Thọ cho biết: Cùng với các đơn vị dịch vụ lưu trú khác, Khách sạn Sài Gòn - Phú Thọ đang nỗ lực để làm tốt hơn nữa vai trò của mình trong việc cung cấp cơ sở hạ tầng đáp ứng yêu cầu chất lượng cơ sở dịch vụ ngày càng cao của khách du lịch. Đặc biệt trong thời gian tới, chúng tôi đẩy mạnh công tác quảng bá, tiếp thị, maketing trên hệ thống cả nước cũng như quốc tế thông qua Tổng Công ty du lịch Sài Gòn để giới thiệu về tỉnh Phú Thọ - vùng đất cội nguồn của dân tộc Việt Nam đến với đông đảo du khách.

Với những ưu thế về tài nguyên du lịch, quan điểm, cách nhìn mới trong xúc tiến đầu tư vào lĩnh vực du lịch, tin tưởng rằng Phú Thọ sẽ trở thành điểm đến hấp dẫn của các du khách cũng như các doanh nghiệp quan tâm đến lĩnh vực này.

Theo phutho.gov.vn

Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×