Tin tức và Sự kiện

Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

Xây dựng, phát triển văn hóa, con người Quảng Ninh trong tình hình mới

16/09/2021 | 07:28

Truyền thống “Kỷ luật và Đồng tâm” gắn liền với quá trình đấu tranh cách mạng, lao động sản xuất của công nhân và nhân dân Vùng mỏ luôn được gìn giữ, phát huy, trở thành động lực, sức mạnh nội sinh để Quảng Ninh vững bước trên mỗi chặng đường phát triển. Kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế nhanh, bền vững với phát triển văn hóa, con người, xây dựng nền văn hóa giàu bản sắc Quảng Ninh, phát huy truyền thống cách mạng, văn hóa là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên, định hướng phát triển mà Nghị quyết Đại hội XV của Đảng bộ tỉnh đề ra.

Xây dựng, phát triển văn hóa, con người Quảng Ninh trong tình hình mới - Ảnh 1.

Khách du lịch tham quan, trải nghiệm tại làng nghề đan ngư cụ truyền thống Hưng Học (TX Quảng Yên), tháng 7/2020.

Văn hóa Quảng Ninh được hình thành bởi sự kết hợp hài hòa giữa những tinh hoa văn hóa truyền thống được chắt lọc từ nhiều vùng, miền trong nước và văn hóa hiện đại ra đời trong cuộc sống công nghiệp với truyền thống “Kỷ luật và Đồng tâm” của công nhân Vùng mỏ.

Nhằm xây dựng và phát triển văn hóa, con người Quảng Ninh đáp ứng yêu cầu phát triển nhanh của tỉnh và đất nước, không phải bây giờ mà từ nhiều năm qua, các cấp ủy, chính quyền trong tỉnh đã ban hành và thực hiện có hiệu quả nhiều chủ trương, chính sách thúc đẩy phát triển văn hóa, con người. Công tác bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, lịch sử được quan tâm. Hệ thống thiết chế văn hóa được tăng cường đầu tư, nâng cao chất lượng, nhiều công trình đạt tiêu chuẩn quốc tế, như Thư viện - Bảo tàng Quảng Ninh, Cung Quy hoạch, Hội chợ và Triển lãm tỉnh... đã ra đời. Cùng với đó, hoạt động sáng tạo văn học, nghệ thuật phát triển tích cực; phong trào văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao trong quần chúng nhân dân phát triển mạnh mẽ; đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân được nâng lên rõ rệt. Đặc trưng của con người Quảng Ninh từng bước được định hình rõ nét.

Trong bối cảnh toàn cầu hóa và mở rộng hội nhập quốc tế, công tác xây dựng và phát triển văn hóa, con người Quảng Ninh cần được đẩy mạnh với những nhiệm vụ cấp bách đặt ra trong tình hình hiện nay. Nhận thức rõ tầm quan trọng đó, Nghị quyết Đại hội XV của Đảng bộ tỉnh đã xác định "Xây dựng nền văn hóa giàu bản sắc Quảng Ninh gắn với thu hẹp khoảng cách giàu nghèo" là một trong 3 khâu đột phá chiến lược. Thông qua đó dành nhiều nguồn lực, huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội để tập trung thực hiện hiệu quả, thành công khâu đột phá này.

Nghị quyết đặt ra mục tiêu xây dựng, quy hoạch bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa giàu bản sắc Quảng Ninh đảm bảo đồng bộ, có trọng tâm, trọng điểm, có lộ trình cụ thể. Trước hết thực hiện tốt nhiệm vụ bảo tồn văn hóa nói chung và văn hóa truyền thống, văn hóa vật thể và phi vật thể nói riêng; giữ gìn và phát huy đặc trưng tốt đẹp của các dân tộc thiểu số; các giá trị đặc sắc về văn hóa biển đảo, văn hóa công nhân Vùng mỏ; khắc sâu, nhân rộng những truyền thống văn hóa tốt đẹp của các dân tộc. Cùng với đó chú trọng bảo tồn, tôn tạo các điểm di tích, danh thắng; bảo tồn, khôi phục các làng nghề truyền thống, đặc biệt là các di sản văn hóa của cộng đồng các dân tộc thiểu số đang có nguy cơ mai một.

Đặc biệt, Quảng Ninh xác định phát triển văn hóa phải đồng bộ với phát triển kinh tế, xã hội. Do đó, việc chăm lo xây dựng văn hóa trong Đảng, trong các cơ quan nhà nước và các tổ chức chính trị - xã hội cũng được tỉnh quan tâm đưa vào thành mục tiêu trong Nghị quyết và coi đây là nhân tố quan trọng để xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh. Đồng thời với đó thực hiện tốt các chuẩn mực đạo đức, chuẩn mực nghề nghiệp, Bộ quy tắc ứng xử để khắc sâu đặc trưng con người Quảng Ninh; tiếp tục nhân lên nét đẹp văn hóa công sở, văn hóa tổ chức, văn hóa doanh nghiệp, văn hóa doanh nhân, với ý thức thượng tôn pháp luật, dân chủ đi đôi với kỷ luật, kỷ cương, hướng đến xây dựng Quảng Ninh có "nền hành chính minh bạch, kinh tế phát triển, văn hóa đặc sắc, xã hội văn minh, nhân dân hạnh phúc”.

Để cụ thể hóa Nghị quyết, tỉnh đã xây dựng và triển khai Đề án phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030. Đồng thời nghiên cứu xây dựng quy hoạch bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa giàu bản sắc Quảng Ninh, đảm bảo đồng bộ, có trọng tâm, trọng điểm. Trong đó ưu tiên bố trí nguồn lực phát triển kinh tế, xã hội các xã vùng cao huyện Ba Chẽ; khu vực Đồng Sơn, Kỳ Thượng (TP Hạ Long), đảm bảo tính kết nối liên thông theo hướng khai thác, phát huy tối đa giá trị bản sắc văn hóa của các xã vùng cao vào phát triển du lịch, nhằm chuyển đổi cơ cấu lao động, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào dân tộc thiểu số vùng sâu, vùng xa, từng bước giảm nghèo bền vững cho các địa phương lân cận.

Xây dựng, phát triển văn hóa, con người Quảng Ninh trong tình hình mới - Ảnh 2.

Lễ hội đình Lục Nà có quy mô lớn nhất huyện Bình Liêu, được tổ chức từ ngày 16- 20 tháng Giêng hằng năm. Ảnh: Mai Linh

Tỉnh xây dựng chiến lược phát triển công nghiệp văn hóa, đưa văn hóa trở thành một thị trường tiềm năng, hướng tới “xuất khẩu văn hóa”, góp phần thúc đẩy kinh tế phát triển bền vững. Trước mắt, tiếp tục khai thác thế mạnh, tiềm năng văn hóa về cảnh quan, giá trị truyền thống, ẩm thực vùng miền; khuyến khích các hoạt động sản xuất, quảng bá các loại hình văn hóa phi vật thể, các sản phẩm thủ công, mỹ nghệ có giá trị cao, đồ lưu niệm mang thông điệp văn hóa thể hiện đặc trưng riêng có, phục vụ phát triển ngành kinh tế dịch vụ, du lịch của tỉnh.

Quảng Ninh tập trung đẩy mạnh truyền thông để quảng bá cho văn hóa bằng chiến lược cụ thể. Đầu tiên là thuyết phục nhân dân toàn tỉnh thay đổi nhận thức cùng chung sức đồng lòng thực hiện các giải pháp xây dựng và phát triển văn hóa; sử dụng truyền thông để tuyên truyền cái đẹp, bài trừ cái xấu, đồng thời tạo ra xu hướng về lối sống, hành động đẹp của người Quảng Ninh. Dùng truyền thông để quảng bá vùng đất, con người, các sản phẩm văn hóa, nghệ thuật của Quảng Ninh vươn ra thế giới. Thông qua truyền thông để kêu gọi đầu tư vào bảo tồn, khai thác các dự án văn hóa, giới thiệu các sản phẩm văn hóa của Quảng Ninh ra nước ngoài, thu hút các sự kiện văn hóa, triển lãm của các thương hiệu nổi tiếng thế giới đến tổ chức tại Quảng Ninh.

Với quyết tâm và sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, tài nguyên văn hóa của Quảng Ninh sẽ được khai thác đúng hướng, hiệu quả. Qua đó không chỉ góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội, mà còn lan tỏa, quảng bá rộng rãi hình ảnh, những bản sắc độc đáo, riêng có của con người và vùng đất Quảng Ninh tới bạn bè trong nước và quốc tế.

Theo Cổng TTĐT Quảng Ninh

Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×