Tin tức và Sự kiện

Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

Xây dựng Nha Trang trở thành thành phố điện ảnh

17/09/2024 | 10:13

Nha Trang (Khánh Hòa) sở hữu cảnh sắc thiên nhiên tuyệt vời, có biển đảo, đồng bằng, núi đồi cũng như tính cách con người hào sảng, phóng khoáng và hội tụ đầy đủ điều kiện để trở thành “Thành phố Điện ảnh”.

Xây dựng Nha Trang trở thành thành phố điện ảnh - Ảnh 1.

Hội nghị bàn về phát triển du lịch qua điện ảnh tại Nha Trang do Bộ VHTTDL phối hợp UBND tỉnh Khánh Hòa tổ chức

PGS.TS Đỗ Lệnh Hùng Tú, Chủ tịch Hội Điện ảnh Việt Nam đã nhận định như vậy tại Hội thảo “Điện ảnh Việt Nam từ khi đất nước thống nhất: 50 năm - Một chặng đường” vừa diễn ra tại TP Nha Trang.

Nhiều tiềm năng điện ảnh

Là một tỉnh sở hữu nhiều vịnh biển đẹp, các đảo gắn liền với đất liền có nhiều di tích, danh lam thắng cảnh, Khánh Hòa là một trong những địa danh có nhiều tiềm năng tạo cảm hứng để phát triển điện ảnh. Điều này có thể chứng minh qua dòng chảy lịch sử điện ảnh nước nhà, nhiều đạo diễn, đoàn làm phim đã chọn Nha Trang - Khánh Hòa làm bối cảnh phim chính, tạo nên những thước phim vang danh một thời. Đơn cử bộ phim Tự thú trước bình minh (1979) của đạo diễn, NSND Phạm Kỳ Nam, là bộ phim đầu tiên được quay hầu như toàn bộ tại TP Nha Trang với các ngôi sao màn bạc Thế Anh, Lê Vân, Trần Tiến,…

Hai năm sau (1981), khán giả khó quên về trảng cát trắng phau miền Cam Ranh trong Về miền gió cát của đạo diễn, NSND Huy Thành. Tiếp đó, Bãi biển đời người (1983) của đạo diễn, NSND Hải Ninh cùng bản nhạc phim Quê hương do nhạc sĩ Trịnh Công Sơn sáng tác đã đưa khán giả trải qua cảm xúc nơi bao la trời, biển, mây, cát của Đại Lãnh và Nha Trang. Các di tích lịch sử, danh thắng nổi tiếng, lâu đời ở tỉnh Khánh Hòa cũng được các nhà làm phim giới thiệu, để lại ấn tượng sâu sắc trong khán giả cả nước, với các bối cảnh chùa Long Sơn, Biệt điện Bảo Đại, Tháp Bà, Hòn Chồng,… trong bộ phim thiếu nhi nổi tiếng Sơn Ca trong thành phố của đạo diễn, NSND Trần Khánh Dư; cảnh chợ Đầm, ngã ba Mã Vòng và đường phố Nha Trang lãng mạn trong Phương án ba bông hồng (1981) của đạo diễn Văn Hòa. Bước vào giai đoạn điện ảnh hiện đại, các nhà làm phim đã mang đến một Nha Trang - Khánh Hòa sôi động, phát triển nhưng vẫn mơ mộng, bao la với Đẹp từng centimet (2009), Những nụ hôn rực rỡ (2010), Mỹ nhân kế (2013), Chàng trai năm ấy (2014),… qua đó góp phần quảng bá hình ảnh văn hóa, du lịch của Nha Trang - Khánh Hòa đến công chúng trong và ngoài nước.

PGS.TS Đỗ Lệnh Hùng Tú, Chủ tịch Hội Điện ảnh Việt Nam, cho biết Nha Trang - Khánh Hòa như “một Việt Nam thu nhỏ” khi sở hữu cảnh sắc thiên nhiên tuyệt vời, có biển đảo, đồng bằng, núi đồi cũng như tính cách con người hào sảng, phóng khoáng. Nha Trang là một thành phố biển nhiều tiềm năng để trở thành “Thành phố Điện ảnh”, cũng là lý do đây là nơi tổ chức Giải thưởng Cánh Diều ba lần vừa qua (2021, 2022, 2024). Trong khi đó nhà biên bịch Đinh Thiên Phúc cho rằng, Nha Trang là thành phố có vịnh biển đẹp nhất cả nước, và nằm trong Top vịnh biển đẹp thế giới, đây là điều kiện thuận lợi để xây dựng phát triển trở thành “Thành phố điện ảnh”. Ông Phúc lý giải, điểm chung của những liên hoan phim quốc tế nổi tiếng đều tổ chức ở các thành phố bờ biển, bởi những thành phố bờ biển có sẵn tiềm năng du lịch, khi tổ chức sự kiện sẽ kích thích sự lan tỏa, như Thứ trưởng Bộ VHTTDL Tạ Quang Đông từng nói: “Điện ảnh và du lịch là đôi cánh diệu kỳ”.

Ông Đinh Thiên Phúc nêu ví dụ về sự phát triển của Busan, trung tâm điện ảnh mới của Hàn Quốc có sự ủng hộ của Chính phủ, đồng hành của chính quyền và chung tay của doanh nghiệp. “Với tiềm năng và lợi thế của mình, Nha Trang hoàn toàn trở thành một Thành phố Điện ảnh” nếu được Chính phủ và các cấp chính quyền quan tâm.

Xây dựng Nha Trang trở thành thành phố điện ảnh - Ảnh 2.

Nha Trang có nhiều lợi thế phát triển điện ảnh.

Cần sự đồng thuận quyết tâm cao

Chủ tịch Hội Điện ảnh Việt Nam Đỗ Lệnh Hùng Tú cho rằng, để Nha Trang trở thành thành phố điện ảnh, cần sự quyết tâm và nỗ lực của ba phía gồm chính quyền, doanh nghiệp, nghệ sĩ. “Điều này chỉ có thể thực hiện được nếu có sự ủng hộ của lãnh đạo tỉnh, của các cơ quan ban ngành và sự chung tay của các doanh nghiệp tiềm năng”, ông Hùng Tú nói và mong muốn ở Nha Trang có làng sinh thái điện ảnh, bảo tàng về điện ảnh, hệ thống trường quay đặc biệt về điện ảnh và truyền hình; có hệ thống rạp chiếu hiện đại mang tên Cánh diều.

Ông Đỗ Lệnh Hùng Tú khẳng định, trong tương lai, Hội Điện ảnh Việt Nam sẽ tiếp tục tổ chức nhiều hoạt động, sự kiện điện ảnh ở địa phương như Trại sáng tác, lớp tập huấn nâng cao tay nghề cho đội ngũ làm phim, và đặc biệt là Giải thưởng Cánh diều, nơi đây sẽ là nơi hội tụ của đông đảo nghệ sĩ tên tuổi trong lĩnh vực điện ảnh, cũng như các loại hình nghệ thuật khác, từ đó sẽ hỗ trợ địa phương đẩy mạnh công tác quảng bá du lịch. Ông Nguyễn Tấn Tuân, Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa, chia sẻ với lợi thế có được, Khánh Hòa đã và đang từng bước cố gắng hiện thực hóa mọi tiềm năng thông qua các cơ chế, đột phá, sáng tạo,… trong đó phát triển du lịch bền vững trên cơ sở chất lượng và tính chuyên nghiệp là một trong các giải pháp, nhiệm vụ trọng tâm. Đây cũng là cơ sở quan trọng để Khánh Hòa cam kết đáp ứng và đảm bảo các điều kiện tốt nhất cho phát triển du lịch - điện ảnh trong thời gian tới.

“Nha Trang - Khánh Hòa cũng tự hào khi được đồng hành cùng Giải thưởng Cánh diều trong nhiều năm qua, sự kiện không chỉ tạo điều kiện để các nghệ sĩ giao lưu, học hỏi và cùng nhau phát triển, mà còn giúp quảng bá hình ảnh của Khánh Hòa đến bạn bè trong và ngoài nước, góp một phần trong quá trình thực hiện thắng lợi Nghị quyết số 09- NQ/TW của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển tỉnh Khánh Hòa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”, ông Nguyễn Tấn Tuân nói. 

Theo Báo Văn hóa

Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×