Tin tức và Sự kiện

Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

Xây dựng công viên địa chất toàn cầu Ninh Bình: Hướng đi vì sự phát triển bền vững

14/08/2024 | 08:27

Ninh Bình sở hữu nhiều giá trị địa chất, địa mạo, cảnh quan thiên nhiên cùng các di sản, di tích lịch sử độc đáo. Đây là tiềm năng, lợi thế quan trọng để tỉnh hướng tới xây dựng một công viên địa chất toàn cầu, góp phần bảo tồn, phát huy giá trị của các loại hình di sản, đồng thời thúc đẩy kinh tế-xã hội phát triển.

Xây dựng công viên địa chất toàn cầu Ninh Bình: Hướng đi vì sự phát triển bền vững - Ảnh 1.

Di sản Văn hóa và Thiên nhiên thế giới Quần thể danh thắng Tràng An là lợi thế quan trọng để Ninh Bình hướng tới xây dựng công viên địa chất toàn cầu UNESCO. (Trong ảnh: Một góc Tràng An nhìn từ trên cao). Ảnh: Ngọc Linh

Biến tiềm năng thành lợi thế

Công viên địa chất toàn cầu là danh hiệu có ý nghĩa quốc tế do Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hiệp quốc (UNESCO) công nhận, bảo trợ và khuyến khích phát triển. Tại Việt Nam, UNESCO đã vinh danh 3 công viên địa chất toàn cầu, đó là: Công viên địa chất toàn cầu cao nguyên đá Đồng Văn, Hà Giang; Công viên địa chất toàn cầu Non Nước Cao Bằng và Công viên địa chất toàn cầu Đắk Nông.

Theo PGS.TS Trần Tân Văn, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản-người có thâm niên làm các hồ sơ Di sản thế giới và Công viên địa chất toàn cầu UNESCO trong đó có hồ sơ Di sản Quần thể danh thắng Tràng An: Việc xây dựng một công viên địa chất toàn cầu ở Ninh Bình là một hướng đi hợp lý, phù hợp với xu hướng phát triển và hoàn toàn có thể thực hiện được. Bởi lẽ Ninh Bình có đầy đủ các lợi thế, ưu thế phù hợp với các tiêu chí. Trong đó nổi bật là Di sản Văn hóa và Thiên nhiên thế giới Tràng An là di sản địa chất mang tầm quốc tế, đáp ứng 3 tiêu chí về địa chất địa mạo (tiêu chí VIII), cảnh quan (tiêu chí VII) và còn đáp ứng tiêu chí V-tương tác giữa con người với những thay đổi không thể đảo ngược của môi trường. Như vậy, Ninh Bình đã đáp ứng được một yêu cầu tiên quyết của UNESCO là phải có ít nhất một di sản địa chất có ý nghĩa quốc tế.

Công viên địa chất Ninh Bình có thể bao gồm một số khu bảo tồn như chính bản thân Di sản thế giới Quần thể Danh thắng Tràng An, Vườn Quốc gia Cúc Phương, Khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Vân Long. Ngoài ra, Công viên địa chất Ninh Bình có thể bao gồm thêm thành phố Ninh Bình với rất nhiều di tích văn hóa, lịch sử, khảo cổ học khác, điển hình như núi Non Nước. Công viên địa chất Ninh Bình có thể còn được mở rộng hơn nữa ra các huyện xung quanh, để bao gồm thêm nhiều di tích, danh thắng khác như suối nước nóng Kênh Gà, nhà thờ đá Phát Diệm, khu vực phòng tuyến Tam Điệp, cửa biển cổ Thần Phù, một phần của Khu dự trữ sinh quyển thế giới Kim Sơn… Đan xen giữa những khu bảo tồn, di tích, danh thắng kể trên là những vùng phát triển bền vững. Quy mô, phạm vi, ranh giới của Công viên địa chất Ninh Bình sẽ được xác định sau khi điều tra, khảo sát, đánh giá tổng thể tiềm năng di sản của vùng công viên địa chất dự kiến, kết hợp với cân nhắc các phương án phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh và của các huyện, thành phố khác.

Ông Paul Dingwall, chuyên gia tư vấn quốc tế UNESCO chia sẻ: Kinh nghiệm quốc tế cho thấy rằng biện pháp hữu hiệu nhất để bảo vệ và gìn giữ các di sản địa chất là thành lập các công viên địa chất và thúc đẩy du lịch địa chất cùng các dịch vụ hỗ trợ đi kèm. Công viên địa chất là một tập hợp các di sản địa chất, được đặt trong một hệ thống, một tổng thể thống nhất, là nơi du khách có thể đến tham quan, nghỉ ngơi, học hỏi-nơi có thể phát triển du lịch địa chất. Đây là một loại hình du lịch văn hóa sinh thái mới, có thể phát triển ở những khu vực có các đặc điểm, giá trị địa chất quan trọng, được khai thác nhằm nâng cao chất lượng du lịch nói chung và đặc biệt là thu hút những du khách quan tâm đến những đặc điểm, giá trị này. Du lịch địa chất là sợi dây kết nối giữa tự nhiên và văn hóa của một vùng, một khu vực, có thể đáp ứng những xu hướng cũng như nhu cầu mới của du khách, qua đó góp phần vào công cuộc phát triển bền vững của nhiều vùng lãnh thổ.

Vì sự phát triển bền vững

Theo các chuyên gia, việc xây dựng thành công công viên địa chất toàn cầu ở Ninh Bình có nhiều ý nghĩa quan trọng, góp phần giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa bảo tồn và phát triển, giữa bảo vệ các giá trị tài nguyên thiên nhiên, di sản với việc thúc đẩy kinh tế-xã hội. Khi được công nhận là công viên địa chất toàn cầu sẽ mở ra những cơ hội để nâng cao vị thế của Quần thể Danh thắng Tràng An và tỉnh Ninh Bình. Đồng thời góp phần cải thiện phương thức sống và sinh kế của cộng đồng địa phương; mở rộng sự công nhận và vị thế quốc tế ở một số khu bảo tồn, di tích, di sản khác. Qua đó, tăng thêm vị thế kinh tế-xã hội của tỉnh Ninh Bình ở Việt Nam và trên trường quốc tế, đặc biệt là trong lĩnh vực bảo tồn và du lịch.

PGS.TS Trần Tân Văn, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản cho biết thêm: Lộ trình ngắn nhất để Ninh Bình có thể được UNESCO công nhận là công viên địa chất toàn cầu khoảng 3 năm. Vì vậy, muốn thực hiện được mục tiêu này, Ninh Bình cần triển khai đồng thời nhiều nhiệm vụ quan trọng.

Trước hết là đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức cộng đồng về các giá trị của công viên địa chất gắn với phát triển kinh tế-xã hội của địa phương, làm cho công viên địa chất toàn cầu trở nên gần gũi hơn, trở thành mục tiêu, động lực phấn đấu của Đảng bộ, Chính quyền và Nhân dân trong tỉnh.

Thứ hai, địa phương cần phối hợp với các đơn vị, tổ chức, chuyên gia trong nước và quốc tế thực hiện công tác xác lập, khoanh vùng bảo tồn và phát huy giá trị di sản trong khu vực dự kiến trở thành công viên địa chất toàn cầu UNESCO Ninh Bình. Chú trọng khôi phục, tôn tạo, xếp hạng và làm sống lại các giá trị di sản địa chất, di sản văn hóa vật thể và phi vật thể, tri thức bản địa, sự đa dạng sinh học đã bị mai một, biến đổi hoặc xâm hại để bảo tồn và phát huy giá trị di sản. Quan tâm phục dựng một số ngành nghề thủ công, tập tục, lễ nghi truyền thống, di tích lịch sử; cải tạo, phục hồi cảnh quan môi trường cần được chú trọng.

Ngoài ra, tỉnh cần ưu tiên quy hoạch và chuyển đổi mục đích sử dụng đất đáp ứng nhu cầu phát triển du lịch gắn với các di sản của công viên địa chất toàn cầu. Tích cực mời gọi đầu tư, đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất phục vụ phát triển du lịch tại các khu vực có nhiều tiềm năng phát triển du lịch trong vùng. Đồng thời tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản, xây dựng các chương trình nâng cao năng lực chống biến đổi khí hậu, giảm nhẹ thiên tai, nâng cao ý thức cho chính quyền địa phương, cộng đồng dân cư, khách du lịch về công tác bảo tồn giá trị di sản. Một điều đáng lưu ý là danh hiệu công viên địa chất toàn cầu UNESCO được định kỳ tái đánh giá và công nhận lại 4 năm/lần. Do đó, một khi Ninh Bình quyết tâm theo đuổi thì cần cam kết và trách nhiệm trong việc giữ vững danh hiệu.

Trong Quy hoạch tỉnh Ninh Bình thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, Ninh Bình tiếp tục kiên định các mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội theo hướng "Xanh, Bền vững và Hài hòa"; phát triển kinh tế đi đôi với công bằng và tiến bộ xã hội trên cơ sở phát huy tối đa tiềm năng nổi trội, giá trị độc đáo và lợi thế riêng có của địa phương, cốt lõi là lấy bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa-lịch sử, truyền thống tốt đẹp của con người, vùng đất Cố đô và giá trị nổi bật toàn cầu của Di sản hỗn hợp Quần thể danh thắng Tràng An làm nền tảng, nguồn lực và động lực phát triển, để trở thành trung tâm văn hóa-lịch sử, du lịch của quốc gia và quốc tế; phát triển đô thị và nông thôn theo hướng văn minh, hiện đại, trọng tâm là "Đô thị Di sản thiên niên kỷ".

Việc xây dựng công viên địa chất toàn cầu UNESCO Ninh Bình sẽ là một giải pháp "vẹn cả đôi, ba đường", vừa góp phần giảm tải cho Quần thể Danh thắng Tràng An, vừa bảo tồn, khai thác, phát huy giá trị của Di sản thế giới này một cách bài bản, hiệu quả hơn, lại vừa bảo tồn và phát huy giá trị tổng thể của nhiều loại hình di sản trên một khu vực rộng lớn hơn nhiều. Qua đó, đưa Ninh Bình thực hiện thắng lợi các mục tiêu mà Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã đề ra.

Theo Báo Ninh Bình

Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×