Tin tức và Sự kiện

Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

Vượt khó khăn để cống hiến vì nghệ thuật

30/06/2018 | 10:14

Liên hoan Ca Múa Nhạc toàn quốc 2018 chính thức khai mạc vào tối 29/6 tại tỉnh Cao Bằng. Vượt qua nhiều khó khăn, 12 đoàn nghệ thuật các tỉnh phía Bắc đã dày công tập luyện để mang tới cho Liên hoan nhiều chương trình nghệ thuật đặc sắc.

 

Tiết mục của Đoàn Ca Múa Nhạc Hải Phòng tại Liên hoan Ca, múa, nhạc toàn quốc năm 2018. Nguồn: Ban Tổ chức


Nỗ lực vượt qua khó khăn

“Liên hoan Ca Múa Nhạc toàn quốc - 2018” (đợt1) do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với UBND tỉnh Cao Bằng giao Cục Nghệ thuật biểu diễn phối hợp với Hội Nghệ sĩ Múa Việt Nam; Hội Nhạc sĩ Việt Nam; Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Cao Bằng tổ chức từ ngày 29/6 đến 07/7/2018 tại Trung tâm Hội nghị tỉnh Cao Bằng.

Năm nay, liên hoan quy tụ 12 đơn vị nghệ thuật tham gia bao gồm: Đoàn Nghệ thuật tỉnh Cao Bằng, Nhà hát Ca Múa Nhạc tỉnh Sơn La; Đoàn Nghệ thuật dân tộc tỉnh Tuyên Quang; Đoàn Nghệ thuật Ca Múa Nhạc tỉnh Vĩnh Phúc; Đoàn Ca Múa Nhạc Hải Phòng; Đoàn Nghệ thuật tỉnh Thái Nguyên; Đoàn Nghệ thuật tỉnh Điện Biên; Nhà hát Ca Múa Nhạc dân gian Việt Bắc; Nhà hát Ca Múa Kịch Lam Sơn Thanh Hóa; Đoàn Nghệ thuật dân tộc tỉnh Lào Cai; Trung tâm Văn hóa Nghệ thuật tỉnh Yên Bái; Đoàn Nghệ thuật dân tộc tỉnh Bắc Kạn.

Trong bối cảnh hiện nay, các đơn vị nghệ thuật đang gặp rất nhiều khó khăn, việc 12 đơn vị nghệ thuật các tỉnh phía Bắc tham dự Liên hoan là thành công rất lớn của Ban Tổ chức cũng như đánh giá sự nỗ lực của các đơn vị.

Ông Chu Tâm Huy – Trưởng Đoàn Ca Múa Hải Phòng chia sẻ: “Đoàn Hải Phòng có thuận lợi lớn là nhận được sự quan tâm của lãnh đạo thành phố, lãnh đạo Sở Văn hóa và Thể thao Hải Phòng, tạo điều kiện cho anh, em tham dự Liên hoan Ca, Múa, Nhạc toàn quốc tại Cao Bằng trên nhiều góc độ, đặc biệt là vấn đề thời gian. Tỉnh cũng có kinh phí là nguồn động viên cho đoàn tham gia tập luyện và cống hiến. Khó khăn lớn với chúng tôi có lẽ là do đường xá xa xôi. Nhưng với tình cảm của người dân, của đồng nghiệp tại Cao Bằng, anh em nghệ sĩ rất phấn chấn.”

Đặc biệt hiện nay, chủ trương sáp nhập các đơn vị nghệ thuật tại địa phương theo Nghị quyết 19 tại Hội nghị Trung ương 6 đang được thực hiện tại nhiều địa phương. Đoàn Ca Múa Hải Phòng tuy không bị sát nhập tuy nhiên sẽ phải tự chủ từng phần từ nay đến năm 2021.

“Tự chủ thì có mặt tích cực là người trưởng đoàn sẽ có trách nhiệm cao hơn, và diễn viên cũng phải có trách nhiệm chuyên tâm với nghề hơn. Tuy nhiên, bước đầu còn rất khó khăn. Mong mỏi của các đơn vị làm chuyên môn làm sao thực hiện đúng được yêu cầu của Trung ương là tinh gọn, gọn nhẹ và hiệu quả” – ông Huy chia sẻ.

Ông Lê Xuân Thủy, Trưởng đoàn - Đoàn Nghệ thuật Ca Múa Nhạc tỉnh Vĩnh Phúc cho rằng đoàn Vĩnh Phúc có tương đối nhiều thuận lợi. Quan trọng nhất là cơ sở vật chất của đoàn Vĩnh Phúc được Tỉnh đầu tư, đặc biệt là Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Vĩnh Phúc rất tạo điều kiện cho anh em nghệ sĩ tham gia các cuộc Liên hoan nghệ thuật để học hỏi, trau dồi kinh nghiệm.

Tuy nhiên, ông Thủy cũng chỉ ra khó khăn lớn khi thiếu hụt lực lượng diễn viên. “Đối với lực lượng diễn viên có thể nói đây là khó khăn lớn của Đoàn Nghệ thuật Ca Múa Nhạc tỉnh Vĩnh Phúc bởi chính thức hiện nay đoàn chúng tôi có 28 biên chế. Theo tôi, đây cũng là khó khăn chung chứ không phải riêng với tỉnh Vĩnh Phúc và nhiều đoàn cũng có băn khoăn chung đó, đặc biệt trong bối cảnh hiện nay Vĩnh Phúc đang chuẩn bị vào cuộc sát nhập các đơn vị. Anh em có băn khoăn nhưng đã kịp thời chấn chỉnh, đả thông công tác tư tưởng và rất hào hứng, tập trung cho công tác chuyên môn”  – ông Thủy chia sẻ.

Một tiết mục trong Chương trình nghệ thuật sẽ tham gia Liên hoan Ca, múa, nhạc toàn quốc 2018 (đợt 1) của Đoàn Nghệ thuật tỉnh Lào Cai

Đầu tư công phu, hấp dẫn

Với sự quan tâm của lãnh đạo các địa phương, sự nỗ lực của trưởng đoàn, các diễn viên, sự nhiệt tình của Ban Tổ chức, 12 đoàn nghệ thuật đã sẵn sàng cho “Liên hoan Ca Múa Nhạc toàn quốc – 2018” (Đợt 1) với nhiều tiết mục, chương trình hấp dẫn. 

Yếu tố vùng miền với văn hóa dân gian, với các điệu múa, lời ca đã được các đoàn khai thác triệt để. Nếu Đoàn Nghệ thuật tỉnh Cao Bằng, Nhà hát Ca Múa Nhạc tỉnh Sơn La, Nhà hát Ca Múa Nhạc dân gian Việt Bắc mang đến nhiều hơi thở dân gian, thì các đoàn như Đoàn Ca Múa Hải Phòng lại mạnh về phong cách trẻ trung. Đoàn Nghệ thuật Ca Múa Nhạc tỉnh Vĩnh Phúc lại mang đến màu sắc hoàn toàn mới với chương trình có thời lượng 105 phút về chủ đề tâm linh “Hướng đến Phật, về với Mẫu”. Nhìn chung, các đoàn đã có sự đầu tư rất bài bản và kỹ lưỡng.

Không chỉ các đoàn nghệ thuật, năm nay Ban tổ chức cũng có nhiều đổi mới trong công tác tổ chức để mang lại những hiệu quả tích cực và được các trưởng đoàn đánh giá rất cao. Nổi bật là việc tổ chức đêm gala nghệ thuật “Những bông hoa núi” quy tụ nhiều nghệ sĩ tên tuổi đêm khai mạc Liên hoan. Bên cạnh đó, cơ sở vật chất và công tác truyền thông của đơn vị chủ nhà cũng khá tốt, đáp ứng yêu cầu của các đoàn tham dự liên hoan và công chúng thưởng thức.

Ông Lê Minh Tuấn – Phó Cục trưởng Cục Nghệ thuật Biểu diễn, Trưởng ban Tổ chức “Liên hoan Ca Múa Nhạc toàn quốc - 2018” (Đợt 1) cho biết, Liên hoan nhằm tạo điều kiện cho các nghệ sĩ sáng tác và biểu diễn thuộc các đơn vị Ca, Múa, Nhạc giao lưu, trao đổi, học tập kinh nghiệm trong quá trình lao động, sáng tạo nghệ thuật; tăng cường tính chuyên nghiệp, đổi mới phương thức hoạt động, xây dựng hướng đi phù hợp với cuộc sống đương đại đồng thời biểu dương, tôn vinh các tập thể, cá nhân nghệ sĩ có nhiều đóng góp cho nghệ thuật ca múa nhạc Việt Nam.

Với nhiều đổi mới và sự chuẩn bị kỹ lưỡng từ Ban tổ chức, cũng như các đơn vị nghệ thuật, mong rằng “Liên hoan Ca Múa Nhạc toàn quốc – 2018” (Đợt 1) sẽ thành công rực rỡ và cống hiến những tiết mục nghệ thuật ca múa nhạc xuất sắc tới công chúng Cao Bằng nói riêng và cả nước nói chung./.

Thùy Dương

Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×