Tin tức và Sự kiện

Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

Vĩnh Phúc: Thúc đẩy các ngành công nghiệp văn hóa phát triển

11/06/2024 | 13:47

Hiện nay, các ngành công nghiệp văn hóa (CNVH) của tỉnh bước đầu được hình thành nhưng quy mô còn nhỏ lẻ, sức cạnh tranh yếu, việc thu hút nguồn lực đầu tư xã hội hóa và nguồn lao động chất lượng cao để phát triển dịch vụ văn hóa còn hạn chế. Trước thực tế đó, các cấp, ngành, địa phương trong tỉnh đã triển khai nhiều giải pháp thúc đẩy các ngành CNVH phát triển, góp phần phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập cho người dân.

Vĩnh Phúc: Thúc đẩy các ngành công nghiệp văn hóa phát triển - Ảnh 1.

Nghề sản xuất gốm mỹ nghệ ở thị trấn Hương Canh, huyện Bình Xuyên được gìn giữ, phát triển. Ảnh: Kim Ly

Trong số 12 ngành CNVH chủ chốt được xác định trong Chiến lược phát triển các ngành CNVH Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 của Chính phủ, Vĩnh Phúc có lợi thế, tiềm năng ở các ngành du lịch văn hóa, thủ công mỹ nghệ, mỹ thuật, nhiếp ảnh, triển lãm…

Trong lĩnh vực du lịch, tỉnh đầu tư xây dựng, nâng cấp, phát triển kết cấu hạ tầng du lịch; lập quy hoạch chi tiết các khu, điểm du lịch trên địa bàn tỉnh; tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân tham gia đầu tư phát triển du lịch; chú trọng khai thác, đưa các giá trị văn hóa thành các sản phẩm văn hóa, hàng hóa, dịch vụ để thu hút du khách, tạo ra giá trị kinh tế, có đóng góp đáng kể vào ngân sách của tỉnh.

Năm 2023, toàn tỉnh đón gần 9,3 triệu lượt du khách, trong đó, có 81 nghìn lượt khách quốc tế, tổng doanh thu du lịch ước đạt 3.610 tỷ đồng. Lĩnh vực quảng cáo có nhiều khởi sắc, toàn tỉnh có 42 bảng quảng cáo thương mại tấm lớn có kiểu dáng đẹp, hiện đại, được cấp phép theo đúng quy hoạch.

Hoạt động quảng cáo đáp ứng tốt nhiệm vụ tuyên truyền các sự kiện lớn của tỉnh và nhu cầu quảng bá sản phẩm, thương hiệu của các tổ chức, cá nhân.

Lĩnh vực mỹ thuật, nhiếp ảnh có nhiều thành tựu mới, nhiều tác giả đạt giải cao tại các cuộc thi mỹ thuật, nhiếp ảnh trong nước và quốc tế. Các lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn, xuất bản, kiến trúc, truyền hình và phát thanh… có bước phát triển nhất định, dần trở thành các ngành kinh tế quan trọng của tỉnh.

Tuy nhiên, hiện nay, Vĩnh Phúc chưa khai thác hiệu quả tiềm năng, thế mạnh để phát triển các ngành CNVH. Việc thu hút nguồn lực đầu tư xã hội hóa và nguồn lao động chất lượng cao để phát triển CNVH còn hạn chế.

Các sản phẩm CNVH của tỉnh còn nghèo nàn, thiếu sự độc đáo, sáng tạo, chưa thể hiện sống động̀ bản sắc văn hóa, chưa đáp ứng được nhu cầu hưởng thụ và tiêu dùng văn hóa ngày càng cao của người dân.

Một số ngành, lĩnh vực như thiết kế, thời trang, phần mềm và trò chơi giải trí… còn mang tính tự phát, chưa có quy hoạch, chiến lược phát triển cụ thể.

Việc đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, ứng dụng khoa học - công nghệ, nền tảng truyền thông số cho các ngành CNVH còn hạn chế. Thị trường văn hóa phát triển manh mún, tự phát, chưa chuyên nghiệp, sức cạnh tranh kém. Do đó, đòi hỏi cần có giải pháp gỡ bỏ rào cản để đưa các ngành CNVH phát triển.

Nghị quyết số 15 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XVII về xây dựng, phát triển văn hóa, con người Vĩnh Phúc đáp ứng yêu phát triển bền vững xác định một trong những nhiệm vụ quan trọng là nghiên cứu, từng bước xây dựng ngành CNVH có trọng tâm, trọng điểm trên cơ sở khai thác những tiềm năng, lợi thế về văn hóa của tỉnh.

Vĩnh Phúc: Thúc đẩy các ngành công nghiệp văn hóa phát triển - Ảnh 2.

Mô hình nông nghiệp kết hợp du lịch trải nghiệm thu hút nhiều du khách tới tham quan. Ảnh: Kim Ly

Để làm được điều này, tỉnh cần xây dựng, hoàn thiện các cơ chế, chính sách nhằm cải thiện điều kiện kinh doanh dịch vụ văn hóa, thu hút những doanh nghiệp có uy tín, kinh nghiệm đầu tư phát triển các ngành CNVH của tỉnh.

Phát triển nguồn nhân lực có trình độ cho các ngành CNVH; ứng dụng khoa học - công nghệ trong sáng tạo, sản xuất, phổ biến, lưu giữ các sản phẩm văn hóa và nâng cao chất lượng dịch vụ văn hóa; xây dựng kế hoạch bảo tồn, phát triển các nghề, làng nghề truyền thống.

Đẩy mạnh phát triển thị trường CNVH thông qua các hoạt động giới thiệu, quảng bá các sản phẩm, dịch vụ văn hóa; mở rộng giao lưu, hợp tác trong nước và quốc tế về văn hóa…

Hiện nay, việc triển khai Đề án xây dựng Làng văn hóa kiểu mẫu trên địa bàn tỉnh với nhiều chính sách hỗ trợ góp phần thúc đẩy các ngành CNVH phát triển như hỗ trợ xây dựng mô hình điểm du lịch cộng đồng, homestay, farmstay; hỗ trợ kinh phí tu bổ, tôn tạo và phát huy giá trị di tích được xếp hạng; hỗ trợ kinh phí phục dựng, bảo tồn, phát huy các lễ hội truyền thống…

Cùng với đó, việc trưng bày, giới thiệu, bán các sản phẩm làng nghề thủ công, sản phẩm nông nghiệp đặc trưng của địa phương tại nhà văn hóa góp phần quảng bá rộng rãi các sản phẩm đặc trưng của địa phương, thúc đẩy phát triển du lịch văn hóa, du lịch trải nghiệm.

Việc triển khai chính sách hỗ trợ sẽ tạo động lực thúc đẩy phát triển nhanh, bền vững các ngành CNVH, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân.

Theo Báo Vĩnh Phúc

Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×