Vĩnh Phúc: Quy hoạch các khu, điểm du lịch để tạo đà phát triển
01/07/2023 | 17:13Phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế của tỉnh, những năm qua, Vĩnh Phúc không ngừng đầu tư, xây dựng cơ sở hạ tầng du lịch, đặc biệt chú trọng công tác quy hoạch, phát triển các sản phẩm du lịch. Đây là tiền đề để giúp ngành Du lịch của tỉnh “cất cánh”, góp phần đưa Vĩnh Phúc trở thành một trong những địa phương có nền kinh tế phát triển, có môi trường “đáng sống”.
Được vinh danh là thị trấn du lịch hàng đầu thế giới, hiện nay, du khách đến thị trấn Tam Đảo có thể trải nghiệm đủ các loại hình du lịch từ di tích lịch sử, văn hóa tâm linh đến khám phá du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng và mạo hiểm. Năm 2022, Tam Đảo đã được cải tạo, nâng cấp các tuyến đường; chỉnh trang, khôi phục các điểm, khu du lịch, với tổng mức đầu tư hơn 1.500 tỷ đồng. Đến nay, hệ thống giao thông kết nối các khu du lịch trọng điểm cơ bản được hoàn thiện, tạo thuận lợi cho các tour, tuyến, phát triển du lịch.
Phát huy những lợi thế về khí hậu, cảnh quan thiên nhiên, đến nay, huyện Tam Đảo đã triển khai quy hoạch chung thị trấn Tam Đảo, Khu di tích lịch sử và danh thắng Tây Thiên, khu vực ven chân núi Tam Đảo, thị trấn Hợp Châu và thị trấn Đại Đình.
Quy hoạch phân khu D1, quy hoạch chung và chi tiết Trung tâm văn hóa lễ hội Tây Thiên, khu vực Bảo Tháp Tây Thiên; khu du lịch sinh thái Tam Đảo I, Tam Đảo II, khu du lịch sinh thái nghỉ dưỡng hồ Làng Hà, hồ Xạ Hương, hồ Vĩnh Thành, hồ Đồng Mỏ, Bản Long.
Theo định hướng của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện Tam Đảo lần thứ IV, đến năm 2025, huyện Tam Đảo cơ bản đạt tiêu chí đô thị loại IV để thành thị xã Tam Đảo. Đây là cơ sở để du lịch Tam Đảo nói riêng, ngành Du lịch của tỉnh nói chung ngày càng khởi sắc.
Với sự quan tâm, tạo điều kiện của các cấp, các ngành, đặc biệt là sự nỗ lực của các cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch, đến nay, Vĩnh Phúc có 544 cơ sở lưu trú du lịch, 16 đơn vị hoạt động kinh doanh dịch vụ lữ hành.
Hệ thống nhà hàng, khách sạn được đầu tư, nâng cấp ngày càng hiện đại và tiện nghi, đáp ứng nhu cầu các du khách nội địa và quốc tế.
Nhờ đó, doanh thu từ dịch vụ, du lịch của tỉnh những năm gần đây đều tăng, đóng góp không nhỏ vào cơ cấu GRDP toàn tỉnh, góp phần bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống, bảo vệ và khai thác hiệu quả nguồn tài nguyên các di tích lịch sử, văn hóa của địa phương.
Phấn đấu đến năm 2025, Vĩnh Phúc trở thành tỉnh công nghiệp phát triển, một trong những trung tâm công nghiệp, dịch vụ, du lịch của vùng và cả nước, đồng thời đóng góp quan trọng vào mục tiêu “Phát triển toàn diện, nhanh và bền vững”, tại Quy hoạch tỉnh Vĩnh Phúc thời kỳ 2021- 2030, tầm nhìn đến 2050, tỉnh đã đặt ra mục tiêu đến năm 2030, thu hút 150.000 lượt khách quốc tế, 15,6 triệu lượt khách nội địa, doanh thu đạt 479 triệu đô la, giải quyết việc làm hơn 25 nghìn lao động.
Đến năm 2050, thu hút 550 nghìn lượt khách quốc tế, 50 triệu lượt khách nội địa, doanh thu đạt 1.500 triệu USD và giải quyết việc làm hơn 80 nghìn lao động.
Theo đó, Vĩnh Phúc đưa ra những giải pháp phát triển như: Xây dựng thương hiệu du lịch của tỉnh với 6 nhóm sản phẩm chủ đạo gồm du lịch nghỉ dưỡng, sinh thái; du lịch lễ hội, tín ngưỡng, tâm linh - thiền; du lịch tìm hiểu văn hóa, lịch sử; du lịch thể thao; du lịch hội nghị, hội thảo; du lịch bổ trợ kết hợp với mục đích thương mại.
Đồng thời, định hướng tổ chức không gian phát triển du lịch bao gồm các vành đai phát triển du lịch, đô thị nghỉ dưỡng phía Bắc; các trung tâm du lịch như thành phố Vĩnh Yên, khu du lịch Tam Đảo, khu danh thắng Tây Thiên và khu du lịch Đại Lải.
Đây là không gian du lịch trung tâm, với vai trò thu hút, kết nối và lan tỏa luồng khách đi các không gian du lịch khác trên địa bàn. Cùng với đó, xây dựng các tuyến, vùng du lịch bổ trợ bao gồm tuyến du lịch Vĩnh Yên - Phúc Yên - Đại Lải - Hương Canh; tuyến du lịch Vĩnh Yên - Lập Thạch; tuyến du lịch Vĩnh Yên - Vĩnh Tường; tuyến Vĩnh Yên - Yên Lạc; tuyến phía Bắc tỉnh (Vĩnh Yên - Tam Đảo - Lập Thạch); tuyến phía Nam tỉnh (Vĩnh Yên - Vĩnh Tường - Yên Lạc - Đại Lải).
Đặc biệt, hình thành tuyến du lịch đường ven sông là trọng điểm du lịch, gắn kết với Hà Nội bằng đường thủy, tạo thu hút du lịch nghỉ dưỡng ven sông trung tâm du lịch và vùng du lịch bổ trợ.
Tính riêng 6 tháng đầu năm 2023, du lịch Vĩnh Phúc đã đón trên 5 triệu lượt khách, tăng 23% so với cùng kỳ. Trong đó, khách quốc tế gần 41 nghìn lượt khách, khách nội địa trên 5 triệu lượt khách, tổng doanh thu đạt hơn 2 nghìn tỷ đồng, tăng 16% so với cùng kỳ.
Thời gian tới, Sở Văn hóa, thể thao và du lịch sẽ tiếp tục xây dựng các kế hoạch quảng bá, xúc tiến du lịch. Trong đó, đẩy mạnh quảng bá du lịch trên nền tảng công nghệ số. Tăng cường kiểm tra, giám sát chất lượng các cơ sở, lưu trú du lịch trên địa bàn. Tuyên truyền, nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành, cộng đồng dân cư về vị trí, vai trò của ngành du lịch đối với sự phát triển KT - XH trên địa bàn.
Theo Báo Vĩnh Phúc