Tin tức và Sự kiện

Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

Vĩnh Phúc: Phát triển hệ sinh thái du lịch toàn diện, bền vững

03/06/2024 | 10:04

Khai thác tốt tiềm năng, lợi thế sẵn có, đa dạng hóa các sản phẩm du lịch; tăng cường đổi mới công tác quảng bá, xúc tiến và hợp tác, liên kết phát triển du lịch với các địa phương..., từ năm 2023 đến nay, ngành Du lịch của tỉnh đã có sự phục hồi mạnh mẽ, đạt mức tăng trưởng ấn tượng sau thời gian dài chịu ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 và suy thoái kinh tế toàn cầu. Đây là tiền đề quan trọng để tỉnh tiếp tục triển khai thực hiện tốt Chỉ thị số 08 ngày 23/2/2024 của Thủ tướng Chính phủ, đưa du lịch phát triển toàn diện, nhanh và bền vững trong thời gian tới.

Vĩnh Phúc: Phát triển hệ sinh thái du lịch toàn diện, bền vững - Ảnh 1.

Vĩnh Phúc: Phát triển hệ sinh thái du lịch toàn diện, bền vững - Ảnh 2.

Quan tâm đầu tư cơ sở hạ tầng, nâng cao chất lượng dịch vụ, Khu du lịch Tam Đảo ngày càng thu hút đông đảo du khách trong và ngoài nước đến tham quan, nghỉ dưỡng. Ảnh: Nguyễn Lượng

"Vùng đất vàng" cho phát triển du lịch

Nằm ở cửa ngõ Thủ đô Hà Nội, gần sân bay quốc tế Nội Bài, hệ thống giao thông thuận lợi và được thiên nhiên ưu đãi ban tặng một miền sinh thái phong phú, đa dạng với nhiều cảnh quan hấp dẫn “Núi bọc sông bao, sơn kỳ thủy tú” cùng hơn 1.400 di tích lịch sử, văn hóa, 20 làng nghề truyền thống đã được công nhận..., Vĩnh Phúc được đánh giá là “vùng đất vàng” cho phát triển du lịch.

Khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế, để phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn theo Nghị quyết số 08 của Bộ Chính trị, thời gian qua, tỉnh đã quan tâm đầu tư cơ sở hạ tầng, cơ sở vật chất; đồng thời chú trọng nâng cao chất lượng công tác quy hoạch, đơn giản hóa thủ tục hành chính, ban hành nhiều chính sách ưu đãi, thu hút các doanh nghiệp tham gia đầu tư, đưa du lịch phát triển toàn diện.

Đến nay, trên địa bàn tỉnh có 563 cơ sở lưu trú du lịch; hệ thống cơ sở hạ tầng ở các khu du lịch trọng điểm như Khu du lịch Tam Đảo, Khu danh thắng Tây Thiên, Khu du lịch Đại Lải… cơ bản được hoàn thiện và đang tiếp tục được đầu tư, nâng cấp.

Toàn tỉnh hiện có 21 doanh nghiệp kinh doanh du lịch lữ hành, trong đó, 8 doanh nghiệp kinh doanh lữ hành quốc tế và 13 doanh nghiệp kinh doanh lữ hành nội địa với tổng số hơn 6.100 lao động đang làm việc trong lĩnh vực du lịch.

Nhiều khách sạn, khu nghỉ dưỡng cao cấp hay các địa điểm du lịch nổi tiếng của tỉnh như Flamingo Đại Lải resort, khách sạn DIC Star Vĩnh Phúc, khách sạn Venus Tam Đảo hay khách sạn Crowne Plaza, Westlake Hotel & Resort Vĩnh Phúc, sân Golf Thanh Lanh… được các tạp chí du lịch, khách quốc tế đánh giá cao.

Cùng với việc đổi mới hình thức quảng bá, xúc tiến du lịch, đẩy mạnh chuyển đổi số, liên kết, hợp tác với nhiều tỉnh, thành phố trong nước, kết nối hình thành nhiều tour du lịch nội địa hấp dẫn; đa dạng hóa các loại hình du lịch, trong đó, tập trung phát triển các loại hình du lịch nghỉ dưỡng cao cấp, du lịch thể thao, du lịch MICE... du lịch Vĩnh Phúc ngày càng hấp dẫn với đông đảo du khách trong và ngoài nước.

Điều này thể hiện rõ qua doanh thu và lượng khách du lịch đến với Vĩnh Phúc không ngừng tăng qua các năm. Năm 2023, tỉnh đã đón 9,3 triệu lượt khách, tổng doanh thu du lịch đạt hơn 3.600 tỷ đồng và chỉ mới trong 4 tháng đầu năm 2024, toàn tỉnh đã đón hơn 3,6 triệu lượt khách du lịch.

Nổi bật là thị trấn Tam Đảo liên tiếp được tổ chức World Travel Awards vinh danh là "Thị trấn điểm đến hàng đầu thế giới", không chỉ góp phần nâng vị thế, hình ảnh của tỉnh trên bản đồ du lịch quốc gia mà còn từng bước vươn tầm quốc tế.

Vĩnh Phúc: Phát triển hệ sinh thái du lịch toàn diện, bền vững - Ảnh 3.

Du lịch làng nghề đang từng bước phát triển, góp phần đa dạng hóa các loại hình du lịch trên địa bàn tỉnh. Ảnh: Nguyễn Lượng

“Nhà nước, doanh nghiệp, nhân dân đồng hành phát triển du lịch”

Mục tiêu phấn đấu đến năm 2025, Vĩnh Phúc trở thành một trong những trung tâm du lịch, dịch vụ của vùng và cả nước; trước mắt, năm 2024, phấn đấu thu hút 10 triệu lượt khách du lịch, doanh thu đạt 4.000 tỷ đồng.

Để đạt các mục tiêu này và phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn theo hướng "Dịch vụ chất lượng - Sản phẩm khác biệt - Hiệu quả bền vững" theo Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, tỉnh cần phải tranh thủ thời cơ, tận dụng cơ hội để phát triển hệ sinh thái du lịch nhanh, toàn diện, bền vững, tạo động lực phát triển cho các ngành, lĩnh vực khác, đảm bảo thiết thực, hiệu quả theo tinh thần "Nguồn lực bắt nguồn từ tư duy - Động lực bắt nguồn từ sự đổi mới - Sức mạnh bắt nguồn từ nhân dân, doanh nghiệp".

Tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân, doanh nghiệp tham gia chuỗi cung ứng đầu vào của ngành Du lịch, hình thành chuỗi giá trị du lịch, liên kết du lịch, đóng góp tích cực vào phát triển KT - XH của tỉnh.

Theo đó, các sở, ban, ngành và các huyện, thành phố theo thẩm quyền và nhiệm vụ được giao tập trung chỉ đạo các tổ chức, cá nhân kinh doanh dịch vụ du lịch thực hiện nghiêm việc niêm yết giá công khai, bán đúng giá niêm yết; bảo đảm an ninh, an toàn cho khách du lịch, chú trọng vệ sinh môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm.

Tạo môi trường kinh doanh thuận lợi, hình thành nhiều doanh nghiệp du lịch có thương hiệu mạnh; hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và vừa, các hộ kinh doanh du lịch ứng dụng khoa học công nghệ, thúc đẩy chuyển đổi số và tiếp cận các nguồn vốn.

Chủ động đổi mới mạnh mẽ nội dung, phương thức xúc tiến, quảng bá du lịch; tăng cường kết nối hạ tầng dịch vụ, hỗ trợ và gia tăng trải nghiệm, giữ chân khách du lịch; chú trọng phát triển và khai thác phân khúc thị trường khách theo các sản phẩm chuyên đề mà Vĩnh Phúc có thế mạnh như du lịch golf, du lịch sinh thái, du lịch trải nghiệm, du lịch làng nghề...; phát triển du lịch theo phương châm “Nhà nước, doanh nghiệp, nhân dân đồng hành phát triển du lịch”...

Theo Báo Vĩnh Phúc

Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×