Tin tức và Sự kiện

Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

Vĩnh Phúc: Phát triển du lịch phù hợp với tình hình thực tiễn của địa phương

21/03/2024 | 08:49

Mới đây, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch về nhiệm vụ phát triển du lịch giai đoạn 2024-2025, trong đó xác định các nhiệm vụ trọng tâm ưu tiên phát triển du lịch Vĩnh Phúc trong giai đoạn này gắn với nội dung định hướng mục tiêu phát triển du lịch Vĩnh Phúc đến năm 2030 phù hợp với tình hình thực tiễn của địa phương.

Vĩnh Phúc: Phát triển du lịch phù hợp với tình hình thực tiễn của địa phương - Ảnh 1.

Tam Đảo lần thứ 2 liên tiếp được Tổ chức du lịch thế giới World Travel Awards vinh danh là “Thị trấn điểm đến hàng đầu thế giới”

Vĩnh Phúc được biết đến với nhiều điểm du lịch hấp dẫn, nổi tiếng như Tam Đảo, Tây Thiên, Đại Lải cùng hệ thống di tích các đền, đình, chùa, làng nghề và lễ hội truyền thống.

Hiện trên địa bàn tỉnh có hơn 1.300 di tích, trong đó có 521 di tích được Nhà nước xếp hạng, đặc biệt nhiều di tích có kiến trúc tiêu biểu như Tháp Bình Sơn, đình Thổ Tang, đình Hương Canh, đình Bích Chu, đền Phú Đa… cùng với các di tích có giá trị như Khu di tích danh thắng Tây Thiên, di tích khảo cổ học Đồng Đậu, các di tích lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh…

Mỗi điểm di tích, danh lam thắng cảnh đều có ý nghĩa lịch sử và gắn với cảnh quan thiên nhiên độc đáo, kết tinh và tỏa sáng bề dày lịch sử, văn hóa, truyền thống của đất và người Vĩnh Phúc.

Thời gian qua, hoạt động du lịch của tỉnh đã có chuyển biến rõ rệt, đặc biệt, công tác xúc tiến, quảng bá đã bước đầu thu hút được du khách và các nhà đầu tư đến với Vĩnh Phúc. Năm 2023, số lượng khách tới Vĩnh Phúc đạt hơn 9,2 triệu lượt người, tăng 13% so với năm 2022; tổng doanh thu đạt 3.610 tỷ đồng, tăng 10% so với cùng kỳ năm 2022.

Toàn tỉnh có 563 cơ sở lưu trú du lịch, trong đó có 4 khách sạn 5 sao, 2 khách sạn 4 sao, 9 khách sạn 3 sao, 44 khách sạn 2 sao, 16 khách sạn 1 sao và 488 sơ sở lưu trú đạt tiêu chuẩn theo Tiêu chuẩn quốc gia TCVN 7799:2017 về nhà nghỉ du lịch và Tiêu chuẩn quốc gia TCVN 7800:2017 về nhà ở có phòng cho khách du lịch thuê. Các cơ sở lưu trú đã tăng cường bảo dưỡng trang thiết bị, chất lượng dịch vụ ở các cơ sở lưu trú được nâng lên, bước đầu mang lại sự hài lòng cho khách du lịch.

Ngành Du lịch đã tập trung phát triển các nền tảng số du lịch làm cơ sở hình thành hệ sinh thái du lịch thông minh trên phạm vi toàn tỉnh. Du lịch Vĩnh Phúc đã có những bước tiến lớn khi ứng dụng phần mềm du lịch thông minh trên cả hai nền tảng Android và IOS; triển khai ứng dụng công nghệ 3D trong thông tin, quảng bá du lịch, đem đến cho du khách những trải nghiệm thú vị một cách trực quan, sinh động.

Đồng thời, hệ thống dữ liệu số hóa của hơn 60 điểm du lịch trên địa bàn đã được thống nhất và liên kết với nhau, trên cổng thông tin khách du lịch có thể tiếp cận thông minh đa phương tiện vừa xem, vừa nghe, vừa đọc để khai thác trọn vẹn tiềm năng, thế mạnh di sản văn hóa Vĩnh Phúc.

Bên cạnh đó, xây dựng, ban hành kế hoạch triển khai các hoạt động xúc tiến quảng bá và liên kết hợp tác phát triển du lịch với phương châm “Sản phẩm đặc sắc - Dịch vụ chuyên nghiệp - Giá cả cạnh tranh - Môi trường vệ sinh sạch đẹp - Điểm đến an toàn, văn minh, thân thiện” nhằm phát huy, khai thác hiệu quả, tiềm năng, lợi thế du lịch của mỗi địa phương.

Theo dữ liệu từ công cụ theo dõi xu hướng thị trường của trang tìm kiếm du lịch Agoda cho thấy, lượng tìm kiếm về du lịch Vĩnh Phúc tăng 297% so với cùng kỳ năm 2022. Tam Đảo của Vĩnh Phúc dẫn đầu trong top 6 điểm đến nổi bật mới của Việt Nam và lần thứ 2 liên tiếp được Tổ chức du lịch thế giới World Travel Awards vinh danh là “Thị trấn điểm đến hàng đầu thế giới”.

Với mục tiêu phát triển du lịch thực sự trở thành động lực thúc đẩy sự phát triển các ngành và lĩnh vực khác, góp phần quan trọng hình thành cơ cấu kinh tế hiện đại, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 66 về nhiệm vụ phát triển du lịch giai đoạn 2024-2025, trong đó đẩy mạnh công tác tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành và toàn xã hội về vị trí, vai trò của du lịch đối với sự phát triển kinh tế - xã hội.

Xây dựng cơ chế, chính sách phù hợp và đột phá để phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, đáp ứng yêu cầu, tính chất của ngành kinh tế tổng hợp, hoạt động theo cơ chế thị trường, định hướng xã hội chủ nghĩa.

Chỉ đạo xây dựng cơ chế, chính sách huy động tối đa nguồn lực xã hội để đầu tư phát triển du lịch. Trước mắt, tập trung thu hút các nhà đầu tư chiến lược phát triển du lịch theo Đề án thu hút các nhà đầu tư chiến lược đến đầu tư tại tỉnh Vĩnh Phúc đến năm 2030; triển khai thực hiện Nghị quyết số 06 của HĐND tỉnh ban hành quy định một số chính sách đặc thù hỗ trợ xây dựng Làng văn hóa kiểu mẫu trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2023-2030; Nghị quyết số 08 của HĐND tỉnh, thông qua Đề án xây dựng Làng văn hóa kiểu mẫu trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2023-2030; Đề xuất các chính sách để tháo gỡ khó khăn cho các dự án như khu Tam Đảo 2…

Vĩnh Phúc: Phát triển du lịch phù hợp với tình hình thực tiễn của địa phương - Ảnh 2.

Lượng tìm kiếm về du lịch Vĩnh Phúc tăng cao trong năm 2023

Xây dựng các sản phẩm du lịch gồm du lịch văn hóa, du lịch thể thao, du lịch nghỉ dưỡng, du lịch hội nghị, hội thảo. Ban hành các chính sách khuyến khích, hỗ trợ đầu tư du lịch và đào tạo, phát triển nguồn nhân lực du lịch.

Tiếp tục rà soát, điều chỉnh, bổ sung quy hoạch các khu, điểm du lịch trên địa bàn tỉnh làm cơ sở đầu tư thu hút phát triển du lịch và đề ra những ưu tiên trong quá trình tái cơ cấu ngành Du lịch, gồm có phát triển kết cấu hạ tầng du lịch; liên kết chuỗi giá trị đầu vào của các ngành; tập trung phát triển các dòng sản phẩm chủ đạo có sức hấp dẫn và khả năng cạnh tranh cao; mở rộng không gian phát triển du lịch, gắn phát triển du lịch với phát triển các ngành kinh tế khác như nông nghiệp; nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ du lịch, phát triển sản phẩm du lịch mới như du lịch thể thao, du lịch sinh thái, du lịch trải nghiệm, du lịch làng nghề... tạo sự hấp dẫn đối với khách du lịch, quan tâm phát triển làng nghề truyền thống với hoạt động du lịch.

Phát triển nguồn nhân lực du lịch đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới; tạo môi trường thuận lợi cho doanh nghiệp và cộng đồng phát triển du lịch, cải thiện môi trường du lịch; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về du lịch, tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ, triển khai ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số, hướng đến xây dựng và phát triển hệ sinh thái du lịch thông minh.

Kết nối các khu, điểm du lịch, các sản phẩm du lịch, mở rộng không gian phục vụ khách du lịch, nhất là các điểm dừng chân, mua sắm, khu vực cắm trại, đi bộ, du lịch thể thao golf… có chất lượng, đa dạng, có giá trị gia tăng cao và tăng trải nghiệm cho khách du lịch dựa trên lợi thế về tài nguyên của tỉnh.

Tập trung nguồn lực đầu tư kết nối hạ tầng một số cụm du lịch, trung tâm nghỉ dưỡng cao cấp, có thương hiệu mạnh trên thị trường du lịch trong nước và quốc tế.

Tin tưởng rằng, với những nhiệm vụ trọng tâm được đặt ra cùng việc tổ chức thực hiện bài bản, du lịch Vĩnh Phúc sẽ có bước đi vững chắc và là điểm đến ấn tượng của du khách trong nước và quốc tế.

Theo Báo Vĩnh Phúc

Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×