Tin tức và Sự kiện

Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

Vĩnh Phúc: Phát triển du lịch nhanh, toàn diện và bền vững

22/03/2024 | 15:31

Những năm gần đây, du lịch Vĩnh Phúc có sự phục hồi ấn tượng, giữ vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội (KT - XH) của tỉnh. Để du lịch phát triển toàn diện, nhanh và bền vững, đòi hỏi ngành du lịch và cộng đồng doanh nghiệp phải thực sự đổi mới tư duy, cách tiếp cận và cách làm.

Vĩnh Phúc: Phát triển du lịch nhanh, toàn diện và bền vững - Ảnh 1.

Các khu du lịch của tỉnh ngày càng thu hút nhiều du khách đến tham quan, nghỉ dưỡng. Ảnh: Nguyễn Lượng

Vượt qua giai đoạn bị đình trệ do tác động bởi dịch Covid - 19, sau khi Chính phủ cho phép mở cửa du lịch trở lại, công tác quản lý Nhà nước về du lịch trên địa bàn tỉnh đã có sự phối hợp thường xuyên, chặt chẽ giữa các cấp, ngành, địa phương, doanh nghiệp và đạt hiệu quả cao.

Hoạt động tuyên truyền, quảng bá du lịch có nhiều đổi mới, đa dạng, đồng thời ứng dụng hiệu quả các nền tảng số, mạng xã hội, có sự kết nối, phối hợp chặt chẽ với các địa phương trong cả nước.

Cùng với đó, cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ du lịch ngày càng được quan tâm đầu tư, cơ bản đáp ứng được nhu cầu của du lịch tỉnh nhà. Toàn tỉnh hiện có trên 560 cơ sở lưu trú du lịch với gần 10 nghìn phòng nghỉ; đặc biệt, có 4 khách sạn 5 sao; 2 khách sạn 4 sao; 9 khách sạn 3 sao... Nhờ đó, du lịch đã có nhiều khởi sắc, thu hút được du khách và các nhà đầu tư đến với Vĩnh Phúc.

Năm 2023, lượng tìm kiếm về du lịch Vĩnh Phúc tăng 297% so với cùng kỳ năm 2022. Trong năm, toàn tỉnh đón hơn 9 triệu lượt khách đến tham quan, nghỉ dưỡng, tăng 13%, tổng doanh thu du lịch ước đạt hơn 3,6 nghìn tỷ đồng, tăng 10% so với cùng kỳ năm 2022. Công suất sử dụng phòng đạt 40% - 45%.

Bên cạnh những kết quả đạt được, du lịch Vĩnh Phúc vẫn còn nhiều tồn tại, bất cập, chất lượng sản phẩm dịch vụ còn hạn chế, chưa có nhiều sản phẩm dịch vụ chất lượng cao, nhất là các cơ sở lưu trú 4 - 5 sao, thiếu các dịch vụ vui chơi giải trí, mua sắm; các sản phẩm hàng lưu niệm, quà tặng còn đơn điệu, không mang đặc trưng, dấu ấn riêng của tỉnh…

Công tác quản lý, bảo vệ di sản, tài nguyên du lịch ở một số địa phương còn chưa chặt chẽ, còn nhiều trường hợp xây dựng trái phép, tự ý san lấp, chuyển đổi đất nông nghiệp để xây dựng các cơ sở dịch vụ du lịch gây ảnh hưởng đến cảnh quan, môi trường du lịch mà chưa được xử lý ngăn chặn kịp thời.

Mặt khác, hoạt động du lịch còn mang tính thời vụ nên chưa thu hút được lao động có chất lượng cao. Một số doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ du lịch chưa quan tâm đến công tác đào tạo, bồi dưỡng trình độ chuyên môn cho cán bộ quản lý, nghiệp vụ cho người lao động.

Hiện nay du lịch Việt Nam cũng như du lịch Vĩnh Phúc đang phải đối mặt với không ít khó khăn, thách thức do xu thế toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế sâu rộng; nhu cầu du lịch thế giới đang có sự thay đổi và sự cạnh tranh trong khu vực và quốc tế ngày càng gay gắt...

Điều này đòi hỏi ngành du lịch và cộng đồng doanh nghiệp phải thực sự đổi mới tư duy, cách tiếp cận và cách làm. Đây cũng là vấn đề đã được đưa ra trong Chỉ thị số 08 của Thủ tướng Chính phủ về phát triển du lịch toàn diện, nhanh và bền vững trong thời gian tới.

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu UBND các tỉnh, thành phố theo thẩm quyền và nhiệm vụ được giao, tăng cường công tác quản lý Nhà nước về du lịch trên địa bàn, thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy phát triển du lịch toàn diện, nhanh, bền vững.

Trong đó, tập trung vào các nhiệm vụ trọng tâm như tạo môi trường kinh doanh thuận lợi, khuyến khích đổi mới, khởi nghiệp sáng tạo, phát triển lực lượng doanh nghiệp, hình thành nhiều doanh nghiệp du lịch có thương hiệu mạnh; bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa bản địa đặc sắc, cảnh quan tự nhiên độc đáo cho phát triển du lịch bền vững; đẩy mạnh liên kết vùng, liên kết giữa các địa phương để hình thành các động lực tăng trưởng theo phương châm “một cung đường - nhiều điểm đến”, hình thành sản phẩm chuỗi sản phẩm du lịch đặc thù của từng địa phương…

Thực hiện Chỉ thị 08 của Thủ tưởng Chính phủ, mới đây, UBND tỉnh đã có văn bản yêu cầu thủ trưởng các cơ quan, đơn vị, Chủ tịch UBND các huyện, thành phố tổ chức tuyên truyền, phổ biến, quán triệt sâu rộng đến đội ngũ công chức, viên chức, người lao động tại cơ quan, đơn vị, địa phương nội dung Chỉ thị số 08 bằng các hình thức phù hợp, đảm bảo thiết thực hiệu quả.

Đồng thời giao Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan nghiên cứu, xây dựng dự thảo và trình UBND tỉnh xem xét, thống nhất ban hành văn bản của UBND tỉnh chỉ đạo, cụ thể hóa nội dung, triển khai thực hiện Chỉ thị số 08 của Thủ tướng Chính phủ tại Vĩnh Phúc nhằm sớm hoàn thành mục tiêu đến năm 2030, phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh.

Theo Báo Vĩnh Phúc

Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×