Tin tức và Sự kiện

Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

Vĩnh Phúc: Đẩy mạnh liên kết kinh tế góp phần phát triển du lịch

07/01/2022 | 15:45

Với nhiều lợi thế để phát triển du lịch, Vĩnh Phúc đã có những chủ trương, chính sách hợp lý và đi vào thực tế hiệu quả. Tuy nhiên, để phát triển xứng tầm với tiềm năng, giá trị vốn có, cần có nhiều giải pháp quyết liệt hơn, đặc biệt là đẩy mạnh liên kết kinh tế bằng nhiều hình thức để góp phần đưa du lịch Vĩnh Phúc lên tầm cao mới.

Vĩnh Phúc: Đẩy mạnh liên kết kinh tế góp phần phát triển du lịch - Ảnh 1.

Khu sinh thái Nam Tam Đảo - điểm đến mới hấp dẫn khách du lịch

Thời gian qua, nhằm khai thác tốt các thế mạnh, tiềm năng du lịch của tỉnh, Tỉnh ủy đã ban hành Nghị quyết 01 về phát triển dịch vụ, du lịch giai đoạn 2011-2020, với mục tiêu tạo bước đột phá về phát triển các ngành dịch vụ, đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh. Trên tinh thần Nghị quyết 01, nhiều chính sách, cơ chế, đề án của các ngành để phát triển du lịch được ban hành nhằm thúc đẩy phát triển dịch vụ, du lịch.

Vĩnh Phúc đã chú trọng trao đổi thông tin về quy hoạch, kế hoạch dài hạn, tình hình hoạt động du lịch theo từng năm; thông tin về các sản phẩm du lịch; thị trường khách du lịch nội địa và quốc tế; đồng thời, lựa chọn những sản phẩm du lịch đặc trưng mới để giới thiệu cho các doanh nghiệp đưa vào chương trình liên kết hợp tác nhằm tạo thành chuỗi sản phẩm du lịch.

Phát triển và tổ chức các chương trình du lịch chuyên đề như du lịch cộng đồng, du lịch làng nghề, văn hóa - lịch sử, sinh thái, nông thôn - nông nghiệp, nghỉ dưỡng, mua sắm đến các tỉnh, thành trong chương trình liên kết.

Tuy nhiên, hoạt động liên kết kinh tế ở Vĩnh Phúc chưa đáp ứng được yêu cầu và tương xứng với tiềm năng vốn có của tỉnh. Chủ yếu phát triển còn tự phát, theo mục tiêu ngắn hạn và thiếu tính bền vững; đồng thời, nội lực cho phát triển du lịch còn yếu, phụ thuộc nhiều vào các yếu tố tự nhiên vốn có; trình độ quảng bá sản phẩm còn lạc hậu, chậm được đổi mới; chất lượng sản phẩm du lịch chưa cao, chất lượng lao động trong lĩnh vực du lịch còn thấp…

Nguyên nhân chủ yếu do chính sách phát triển liên kết kinh tế có nhiều nội dung chưa sát với thực tế, thậm chí chưa phù hợp; chưa gắn kết chặt chẽ với chiến lược, quy hoạch, kế hoạch tổng thể phát triển kinh tế-xã hội của đất nước và lợi thế quốc gia; chưa xác định đúng vai trò của các chủ thể trong thực hiện chiến lược phát triển liên kết kinh tế…

Để từng bước đưa du lịch Vĩnh Phúc phát triển tương xứng với tiềm năng, lợi thế và đóng góp tích cực vào quá trình phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh, cần tập trung đẩy mạnh phát triển liên kết kinh tế trong du lịch gắn với chiến lược phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh, chiến lược liên kết phát triển với vùng Thủ đô Hà Nội và vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ; cụ thể cần nghiên cứu xây dựng bộ máy tổ chức phù hợp và cơ chế vận hành liên kết vùng, tiểu vùng và liên kết ngoại vùng.

Điển hình, xây dựng bộ máy hoạt động theo cơ chế “mềm”, linh hoạt, phối hợp liên kết (cơ chế hội nghị liên tỉnh, hội nghị định kỳ, cơ chế phối hợp giữa lãnh đạo ngành Du lịch và Hiệp hội du lịch các tỉnh). Nghiên cứu đổi mới cơ chế hoạt động của Ban Chỉ đạo du lịch, phân cấp chỉ đạo giải quyết các vấn đề về điều hành cụ thể, quản lý trực tiếp tài nguyên du lịch và phát triển theo quy hoạch ngành, phù hợp với quy hoạch chung của khu vực và quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Việt Nam.

Đối với liên kết ngoại vùng, cần thực hiện có lộ trình, chiến lược, xây dựng các tuyến điểm du lịch phù hợp, đảm bảo khai thác được lợi thế du lịch của các địa phương. Trước mắt, cần có sự liên kết chặt chẽ trong phát triển du lịch giữa Vĩnh Phúc với các tỉnh, thành lân cận.

Cùng với đó, tỉnh cần có giải pháp liên kết ngành và tiểu ngành, coi trọng việc quy hoạch phát triển các ngành giao thông, nông nghiệp, văn hóa và hệ thống cơ sở đào tạo gắn với ngành Du lịch.

Thực tế, các ngành của Vĩnh Phúc đã được quy hoạch phát triển, nhưng trong quy hoạch không đề cập đến vấn đề liên kết với ngành Du lịch. Vì vậy, thời gian tới, cần xem xét, điều chỉnh quy hoạch phát triển mạng lưới giao thông vận tải gắn với phát triển du lịch. Tại các trung tâm du lịch và vùng đô thị cần sớm thiết lập các tuyến, điểm xe buýt nội thành, các tuyến từ Vĩnh Phúc đến các điểm du lịch…

Đối với ngành Nông nghiệp, cần điều chỉnh quy hoạch phát triển trên cơ sở các điểm, vùng du lịch sinh thái, đảm bảo đủ và có chất lượng các sản phẩm nông nghiệp, thủy sản phục vụ tốt nhu cầu khách du lịch, đồng thời nghiên cứu xây dựng một số mô hình sản xuất nông nghiệp sinh thái gắn với du lịch.

Đối với ngành Văn hóa cần xác định những cụm tuyến di sản văn hóa tiêu biểu có khả năng đưa vào khai thác du lịch để tập trung nguồn lực đầu tư cho việc cải tạo, bảo tồn và gắn với phát triển du lịch.

Mặt khác, để đảm bảo nguồn nhân lực đủ về số lượng và chất lượng cần có sự liên kết chặt chẽ giữa cơ sở đào tạo du lịch, ngành du lịch và các doanh nghiệp du lịch trên địa bàn.

Các hoạt động hợp tác, liên kết du lịch Vĩnh Phúc cần được xây dựng thành chương trình hành động dài hơi với sự tham gia của nhiều ban, ngành, tập trung vào các vấn đề trong công tác quản lý phát triển du lịch.

Các chương trình hành động cũng đưa ra mục tiêu, giải pháp, nguồn lực và kết quả đạt được làm cơ sở triển khai, giám sát việc thực hiện các hoạt động du lịch, từ đó thúc đẩy hoạt động liên kết sâu rộng và hiệu quả.

Theo Báo Vĩnh Phúc

Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×