Vĩnh Phúc: Bảo tồn và phát huy giá trị di tích chiến khu Ngọc Thanh
27/11/2021 | 08:17Người Vĩnh Phúc có quyền tự hào về một Ngọc Thanh - vùng đất tích hợp được những giá trị lịch sử - thiên nhiên - văn hóa và du lịch.
Ngày 25/11, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Vĩnh Phúc phối hợp với Hội Di sản Việt Nam tổ chức hội thảo
Phát biểu tại hội thảo, ông Vũ Việt Văn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc nhấn mạnh: Người Vĩnh Phúc có quyền tự hào về một Ngọc Thanh - vùng đất tích hợp được những giá trị lịch sử - thiên nhiên - văn hóa và du lịch. Tỉnh mong muốn và tin tưởng rằng, những nghiên cứu, đóng góp của các đại biểu, nhà nghiên cứu, nhà khoa học sẽ giúp các nhà quản lý có cái nhìn cụ thể, đa chiều hơn về các giá trị di sản văn hóa, về tài nguyên thiên nhiên, các sản phẩm du lịch… để từ đó có những hướng đi và chính sách phù hợp trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, đặc biệt trong bảo vệ, phát huy giá trị di sản, phát triển du lịch bền vững ở Ngọc Thanh.
Tại hội thảo, các nhà nghiên cứu, nhà khoa học đã chỉ ra rằng, chiến khu Ngọc Thanh là cơ sở cách mạng có vị trí quan trọng trong kháng chiến chống Pháp, có vị trí chiến lược trong xây dựng phòng thủ khu vực và quốc phòng toàn dân hiện nay. Tuy nhiên, trải qua thời gian với tác động thời tiết, khí hậu khắc nghiệt cũng như sự phát triển kinh tế - xã hội, diện mạo di tích chiến khu Ngọc Thanh thay đổi nhiều.
Những dấu tích của các di tích thành phần hầu như không còn, trừ nhà bà Lý Thị Hai - nơi đặt Trạm Quân y dược còn giữ lại được giếng nước mà gia đình, cán bộ Trạm và bộ đội sử dụng trong thời gian đóng quân tại đây. Đất đai tại các điểm di tích đã được nhân dân sử dụng trồng rừng, trồng chè, hoa màu, cây ăn quả hoặc vào các mục đích khác.
Các tư liệu, tài liệu, hình ảnh, hiện vật về Chiến khu hầu như cũng không được thu thập, lưu giữ bảo quản. Việc tuyên truyền về chiến khu Ngọc Thanh chưa được quan tâm đúng mực. Vì vậy nhiều người, ngay cả người dân ở chính địa phương này cũng không biết nhiều về Ngọc Thanh.
Các nhà nghiên cứu, khoa học cũng đưa ra nhiều giải pháp, sự cần thiết xây dựng quy hoạch bảo tồn giá trị di tích cách mạng Ngọc Thanh; các biện pháp phát huy tổng thể các giá trị di sản ở Ngọc Thanh từ di tích đến di sản thiên nhiên, di sản văn hóa phi vật thể; việc phát triển hình thức du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái ở Ngọc Thanh. Trong đó, có công tác bảo vệ và phát huy giá trị phong tục tập quán, nghi lễ, nghệ thuật trình diễn, trí thức dân gian của cộng đồng người dân tộc Sán Dìu. Các nhà nghiên cứu cũng đưa ra một số đề xuất về xếp hạng di tích, xây dựng trung tâm trưng bày diễn giải thông tin, lộ trình tham quan; các giải pháp về giáo dục di sản và phát triển du lịch bền vững ở Ngọc Thanh.
Chiến khu Ngọc Thanh nằm trọn trong vùng đất xã Ngọc Thanh, thành phố Phúc Yên. Trong kháng chiến chống thực dân Pháp, Ngọc Thanh là ngã ba của con đường kháng chiến bí mật từ Hà Nội lên Việt Bắc qua đèo Nhe, đèo Khế. Nơi đây được Trung ương chọn làm chiến khu I trong Liên khu Việt Bắc, cùng dân tộc 9 năm trường kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp.
Đóng ở chiến khu là các cơ quan đầu não của Trung ương và địa phương như: Kho bạc nhà nước, Trạm Quân y dược, Xưởng Quân khí, Ủy ban hành chính kháng chiến tỉnh, huyện và một số xã, cùng một số đơn vị bộ đội chủ lực của Đại đoàn 308, Đại đoàn 312 và bộ đội địa phương luyện tập, đóng quân. Đó là những lực lượng chính trong chiến dịch Trần Hưng Đạo năm 1950 - 1951, góp phần bảo vệ vững chắc trạm tiền tiêu của chiến khu Việt Bắc, cung cấp sức người, sức của cho kháng chiến.
Ngọc Thanh là nơi sinh sống của dân tộc Sán Dìu (chiếm gần 50% cư dân hiện nay) với nhiều phong tục, tập quán, nghi lễ, nghệ thuật trình diễn dân gian. Nơi đây còn có nhiều địa danh nổi tiếng như hang Dơi, suối Nhảy Nhót, núi Tam Tương, hồ Đại Lải…
Năm 1995, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ra quyết định công nhận chiến khu Ngọc Thanh là Di tích lịch sử cấp quốc gia với 5 điểm di tích: Kho bạc nhà nước; Trạm Quân y dược; Xưởng Quân khí; Kho Quân lương; đại bản doanh của Chiến khu.
Theo TTXVN