Vĩnh Phúc: Bảo tồn, phát huy giá trị các loại hình dân ca, dân vũ, dân nhạc gắn với phát triển du lịch
05/03/2024 | 09:54Những năm qua, các cấp, ngành chức năng cùng nhân dân trong tỉnh Vĩnh Phúc tích cực thực hiện nhiều giải pháp để gìn giữ, bảo tồn và phát huy giá trị các loại hình dân ca, dân vũ, dân nhạc, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa, tinh thần của nhân dân các dân tộc trên địa bàn tỉnh.
Trong kho tàng di sản văn hóa phi vật thể của Vĩnh Phúc, không thể không kể đến các loại hình dân ca, dân vũ, dân nhạc do đồng bào các dân tộc trong tỉnh sáng tạo, lưu truyền và gìn giữ cho đến ngày nay.
Các loại hình dân ca tiêu biểu của Vĩnh Phúc gồm Hát trống quân Đức Bác, hát Tuồng, hát Xoan, hát Ca trù, hát Văn, hát Chầu Văn, Sình Ca (dân tộc Cao Lan), Soọng cô (dân tộc Sán Dìu), Páo Dung (dân tộc Dao).
Trong đó, hát Ca trù, Soọng cô, Trống quân Đức Bác đã được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia. Dân ca, dân vũ, dân nhạc gắn bó chặt chẽ với đời sống của người dân, phục vụ nhu cầu học tập, sinh hoạt, lao động, sản xuất, vui chơi giải trí, nhu cầu tâm linh của con người; phản ánh thế giới quan, nhân sinh quan, trình độ phát triển của cộng đồng, xã hội trong giai đoạn lịch sử nhất định.
Trên cơ sở nhận thức được giá trị của các loại hình dân ca, dân vũ, dân nhạc đối với đời sống văn hóa, tinh thần của nhân dân, Vĩnh Phúc đặc biệt quan tâm, triển khai nhiều giải pháp đồng bộ nhằm bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể này.
Nhiều câu lạc bộ (CLB) dân ca, dân vũ, dân nhạc ở các địa phương được thành lập và duy trì hoạt động thường xuyên, đều đặn. Một số CLB có sự tham gia của các nghệ nhân, người cao tuổi ở địa phương, trực tiếp truyền dạy các làn điệu dân ca, dân vũ truyền thống của dân tộc cho thế hệ trẻ.
Để tạo điều kiện cho các CLB giao lưu, học hỏi, Sở VHTTDL đã tổ chức nhiều cuộc thi, hội thi, liên hoan, giao lưu văn hóa, văn nghệ giữa các CLB. Mới đây, Liên hoan CLB dân ca, dân vũ, dân nhạc các dân tộc trên địa bàn tỉnh được tổ chức tại Bảo tàng tỉnh với sự tham gia của 30 CLB tiêu biểu trong toàn tỉnh đã đem đến cho khán giả những trải nghiệm và ấn tượng sâu sắc.
Qua đó, góp phần giới thiệu, tôn vinh, quảng bá các giá trị văn hóa truyền thống, giàu bản sắc của các dân tộc qua những làn điệu dân ca, dân vũ, dân nhạc; đồng thời, thúc đẩy phát triển, nhân rộng các mô hình CLB ở các địa phương; nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần cho nhân dân.
Bà Trần Thị Năm, Chủ nhiệm CLB Soọng cô thôn Trung Mầu, xã Trung Mỹ, huyện Bình Xuyên cho biết: “CLB Soọng cô thôn Trung Mầu có 59 hội viên. Chúng tôi đã trực tiếp truyền dạy làn điệu dân ca truyền thống của dân tộc cho 55 cháu nhỏ ở địa phương.
CLB thường xuyên sinh hoạt và tích cực tham gia các hội diễn, giao lưu văn hóa, văn nghệ với các CLB ở trong và ngoài huyện. Các thành viên đều có chung niềm đam mê hát Soọng cô và mong muốn gìn giữ điệu hát truyền thống của dân tộc cho thế hệ mai sau”.
Sở VHTTDL chỉ đạo Trung tâm Văn hóa tỉnh mở các lớp tập huấn, bồi dưỡng hát Văn, Chầu Văn cho hội viên CLB hát Văn, Chầu Văn tỉnh Vĩnh Phúc; tập huấn, truyền dạy hát Soọng cô cho đồng bào dân tộc Sán Dìu xã Trung Mỹ; tập huấn, bồi dưỡng cho các “hạt nhân” văn nghệ quần chúng huyện Vĩnh Tường; truyền dạy trực tiếp hát Trống quân Đức Bác cho học sinh các trường tiểu học và THCS trên địa bàn xã Đức Bác, huyện Sông Lô.
Việc triển khai Nghị quyết của HĐND tỉnh về hỗ trợ đối với nghệ nhân lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể và hỗ trợ kinh phí hoạt động cho các CLB dân ca tiêu biểu tỉnh Vĩnh Phúc, giai đoạn 2021 - 2025 đã góp phần động viên kịp thời các nghệ nhân loại hình nghệ thuật dân gian truyền thống, khích lệ lớp trẻ tiếp tục giữ gìn, phát huy giá trị loại hình nghệ thuật truyền thống mà cha ông để lại.
Đến nay, tỉnh đã hỗ trợ 19 CLB dân ca tiêu biểu và 11 nghệ nhân ưu tú theo quy định; giúp các nghệ nhân và các CLB có nguồn kinh phí để thực hiện việc truyền dạy, mua sắm trang thiết bị và tham gia các hoạt động liên hoan, hội diễn, hội thi, giao lưu.
Việc bảo tồn, phát huy giá trị các làn điệu dân ca, dân vũ, dân nhạc gắn với phát triển du lịch đang được nhiều địa phương triển khai, tiêu biểu như việc tổ chức Liên hoan làn điệu dân ca Soọng cô nằm trong khuôn khổ Lễ hội Tây Thiên - một trong những lễ hội lớn, thu hút nhiều du khách tham quan, chiêm bái; hay việc trình diễn làn điệu Sình ca và các điệu múa truyền thống của đồng bào dân tộc Cao Lan trong Lễ hội Xuống đồng, xã Quang Yên... góp phần quảng bá nét văn hóa truyền thống đặc sắc của các dân tộc, thu hút du khách đến với Vĩnh Phúc.
Việc triển khai đồng bộ các giải pháp đã góp phần bảo tồn, phát huy giá trị các làn điệu dân ca, dân vũ, dân nhạc của các dân tộc trong đời sống đương đại, tạo nền tảng tinh thần xã hội, thúc đẩy xã hội phát triển, hướng đến những giá trị tốt đẹp.
Theo Báo Vĩnh Phúc