Vĩnh Long: Tạo dấu ấn riêng từ du lịch nông nghiệp
09/05/2023 | 16:04Du lịch (DL) nông nghiệp mang lại nhiều lợi ích cho cả sản xuất nông nghiệp và đời sống của người dân ở vùng nông thôn. Trong mục tiêu xây dựng các sản phẩm DL đặc thù, DL nông nghiệp góp phần phát huy lợi thế tài nguyên DL của tỉnh Vĩnh Long, tăng cường trải nghiệm các giá trị văn hóa bản địa cho du khách.
Phát huy lợi thế sông nước miệt vườn
Năm 2020, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 2998/QĐ-UBND phê duyệt Đề án Sản phẩm DL đặc thù tỉnh Vĩnh Long nhằm xác định và xây dựng sản phẩm DL mang nét đặc thù phù hợp với nhu cầu thị trường.
Ngoài ra, làm cơ sở liên kết vùng nhằm khai thác có hiệu quả lợi thế và tiềm năng cho phát triển DL, đồng thời nâng cao sức cạnh tranh cho DL tỉnh nhà.
Trong đó xác định, DL nông nghiệp là sản phẩm bổ trợ gắn với các hoạt động nông nghiệp tại địa phương, các vườn cây ăn trái, hoa màu đặc trưng Vĩnh Long giúp du khách có những trải nghiệm về cuộc sống của người dân.
Hiện nay nhiều công ty lữ hành đã xây dựng các chương trình DL gắn với những hoạt động trải nghiệm sản xuất nông nghiệp.
Khi tham gia các chương trình này, du khách sẽ được hóa thân thành một người con miền Tây với những hoạt động trải nghiệm đặc trưng như: trò chơi dân gian, bơi xuồng, tát mương bắt cá, chằm nón, dệt chiếu, đan sọt hay học nấu món ăn truyền thống Nam Bộ.
Nông nghiệp Vĩnh Long đa dạng và phong phú, mang nét đặc trưng riêng ở từng địa phương như: những cánh đồng lúa chín vàng, những vườn cam sành, cánh đồng lác, vườn bưởi năm roi, thanh trà, xà lách xoong, cánh đồng khoai lang…
Đặc biệt, ở các cù lao như An Bình (Long Hồ), cù lao Thanh Bình (Vũng Liêm), cù lao Lục Sĩ Thành (Trà Ôn) có những vườn trái cây trĩu cành quanh năm.
Trang trại SomoFarm Cửu Long (TT Cái Nhum, huyện Mang Thít) được xây dựng để du khách có thể khám phá vẻ đẹp thiên nhiên, văn hóa, ẩm thực và con người miền Tây.
Chính thức đón khách từ tháng 9/2022, trang trại có tổng diện tích 9ha, trong đó 6ha dành cho khu vườn và 3ha xây dựng dịch vụ để khách lưu trú, nhà hàng, cà phê.
Chị Nguyễn Thị Đoan Trân- thành viên HĐQT SomoFarm Cửu Long, cho biết: “Trong bối cảnh thực phẩm còn tiềm ẩn những nguy cơ thiếu an toàn, chúng tôi hướng mô hình nông nghiệp sạch “từ trang trại đến bàn ăn”, để khách trải nghiệm những hoạt động nuôi trồng hữu cơ, được chính tay gieo hạt và trồng những luống rau của riêng mình, hái và thưởng thức những trái cây chín ngoài vườn.
Chúng tôi không sử dụng phân thuốc mà dùng hợp chất sinh học làm từ gừng, sả, tỏi, ớt để chăm sóc vườn; dùng hèm rượu và mật mía làm phân bón hữu cơ. Đồng thời, tận dụng hèm rượu dùng làm thức ăn để nuôi heo rừng, vừa tiết kiệm chi phí vừa bảo vệ môi trường”.
Cũng tại Mang Thít, ông Trương Hoàng Phương (ấp Phú Thuận, xã Nhơn Phú) cũng tận dụng thế mạnh sẵn có từ cây nhà lá vườn để phát triển DL sinh thái.
Bên cạnh đầu tư vườn nhãn với hơn 600 gốc, ông cải tạo lại khuôn viên, trồng hoa thiên lý, thả nhiều loại cá dưới ao và nuôi thêm ốc bươu đen. Ông Phương cho hay: “Du khách thường có xu hướng muốn tìm đến nơi có “hương đồng gió nội”, mộc mạc, vì khí hậu trong lành, thoáng mát.
Do đó, tôi tận dụng lợi thế từng bước phát triển vườn nhãn trở thành khu DL sinh thái với thương hiệu “Vườn nhãn sinh thái Sáu Phương”. Khách đến đây có thể tìm hiểu nhiều loại nhãn, có thể thưởng thức nhãn tại chỗ và các món ăn chế biến từ cá, ốc và hoa thiên lý tôi trồng.
Thời gian qua, cũng đã có không ít đoàn khách DL tham quan vườn nhãn đến vườn nhãn của tôi và rất “mê”. Không chỉ vậy, di sản đương đại Mang Thít cũng đã có định hướng phát triển. Đó là cơ hội tốt để tận dụng phát triển. Đây là kế hoạch mà tôi ấp ủ kể từ lúc mới trồng nhãn Ido”.
Tạo điểm nhấn thu hút du khách
Lấy cảm hứng từ “Di sản đương đại” gạch gốm Mang Thít, SomoFarm Cửu Long xây dựng mô hình lò gạch ngay tại trang trại để du khách có thể tìm hiểu, chụp ảnh kỷ niệm.
Mỗi phòng lưu trú cũng được bày trí gốm đỏ và tinh tế đặt tên mang dấu ấn miền quê như: đất sét, lúa vàng, bông súng, sông nước, gốm nung, dừa xiêm…
Mỗi nhành cây, mỗi góc vườn, từng vật trang trí đều được cân nhắc thật kỹ để giữ gìn những gì chân phương nhất, thể hiện nét đặc sắc riêng có ở Mang Thít.
Góp phần giữ gìn nét đặc sắc trong văn hóa chợ nổi Trà Ôn, Khu DL chợ nổi Trà Ôn bắt đầu phục vụ du khách trong dịp lễ 30/4 vừa qua.
Với mong muốn tái hiện về không khí nhộn nhịp của chợ nổi trên sông, trên diện tích rộng hơn 3ha nằm bên bờ sông Trà Ôn, chủ cơ sở đã sưu tầm các loại tàu, ghe, xây dựng nhiều tiểu cảnh thu hút du khách.
Đến với khu DL mới này, du khách được trở lại với không gian chợ nổi cùng thưởng thức trái cây trồng tại vườn và nhiều dịch vụ khác như tham quan mê cung, bãi tắm, sân chơi cho trẻ em, đi cầu treo...
Anh Trần Minh Vẹn- Chủ Khu DL chợ nổi Trà Ôn, chia sẻ: “Chợ nổi Trà Ôn hiện nay đã mai một, không còn nhiều ghe tàu mua bán, lưu thông như trước đây nữa.
Tôi muốn dựng lại để khơi gợi nên ký ức của những người từng biết và từng sống trên chợ nổi, cùng nhớ về nét đẹp giao thương miền sông nước của tỉnh Vĩnh Long cũng như người dân Nam Bộ trước đây”.
Ông Nguyễn Bách Khoa- Chủ tịch Hiệp hội DL Vĩnh Long, cho rằng DL Vĩnh Long đã dần phục hồi sau thời gian dài chịu tác động do dịch COVID-19, từng bước khai thác hiệu quả các tài nguyên DL của địa phương.
Tuy nhiên, trong thời gian tới, ngành cần có những giải pháp hiệu quả hơn trong khai thác các tài nguyên bản địa vào DL, tạo nên sản phẩm DL đặc trưng ở địa phương, tránh trùng lắp với những tỉnh, thành khác trong khu vực.
Song song đó, ngành cần quan tâm tăng cường quản lý, kết nối để liên kết giữa các điểm DL, từ đó phát huy đặc trưng, thế mạnh của từng cơ sở, điểm DL để hỗ trợ nhau cùng phát triển.
Để loại hình DL nông nghiệp ngày càng phát triển hơn nữa và trở thành một sản phẩm DL bổ trợ hiệu quả mà mục tiêu Đề án Sản phẩm DL đặc thù đề ra, thời gian tới cần phải có sự liên kết chặt chẽ giữa cơ quan quản lý nhà nước, người dân sản xuất nông nghiệp và các doanh nghiệp lữ hành.
Bên cạnh đó, phải tăng cường công tác xúc tiến, quảng bá những sản phẩm từ DL nông nghiệp, đẩy mạnh mời gọi đầu tư về kết cấu hạ tầng, đặc biệt là hệ thống giao thông đến các vùng sản xuất.
Triển khai công tác đào tạo nguồn nhân lực cho các mô hình DL nông nghiệp được lựa chọn, tập huấn cho nông dân kiến thức cơ bản về DL để không ngừng nâng cao chất lượng phục vụ du khách. Có chính sách khuyến khích nông dân tham gia mô hình sản xuất nông nghiệp gắn với phát triển DL…