Vĩnh Long: Nhiều hoạt động văn hóa - giáo dục nhân lễ Xuân đinh tại di tích Văn Thánh miếu
28/02/2023 | 09:35Trong hai ngày 27-28.2, Bảo tàng tỉnh Vĩnh Long phối hợp cùng Ban quản lý Di tích Văn Thánh Miếu và Trường THCS Trần Phú tổ chức nhiều hoạt động giáo dục và Đờn ca tài tử nhân lễ Xuân đinh tại Di tích Văn Thánh miếu, phường 4, thành phố Vĩnh Long.
Hoạt động nhằm tri ân, tưởng nhớ công lao các bậc tiền nhân; bảo tồn văn hóa, biểu dương Nho học nhân dịp Lễ Xuân đinh tại di tích Văn Thánh miếu. Bên cạnh đó, chương trình còn tạo sân chơi vui tươi, lành mạnh, giúp các em học sinh tìm hiểu về di tích Văn Thánh miếu, qua đó góp phần giáo dục kiến thức về lịch sử, văn hóa địa phương, nâng cao hơn nữa tinh thần học tập, niềm tự hào về vùng đất và con người của quê hương Vĩnh Long.
Theo đó, trong hai ngày 27-28.2, chương trình đã diễn ra nhiều hoạt động giáo dục như trò chơi dân gian, thi “Tìm hiểu về di tích Văn Thánh miếu”, viết thư pháp,… Đáng chú ý, chương trình biểu diễn giao lưu Đờn ca tài tử tối ngày 27.2 với sự tham gia của các nghệ nhân đến từ CLB Đờn ca tài tử tỉnh Vĩnh Long, CLB Đờn ca tài tử Trung tâm Văn hóa và Nghệ thuật tỉnh, CLB Đờn ca tài tử phường 4, thành phố Vĩnh Long và CLB Đờn ca tài tử Văn Xương Các.
Văn Thánh miếu là một công trình văn hóa có ý nghĩa lịch sử, đề cao Nho giáo, là thiết chế văn hóa chính thống của nhà nước phong kiến. Trong Nam kỳ lục tỉnh, Văn Thánh miếu Vĩnh Long xây dựng sau cùng dưới triều Nguyễn và là công trình duy nhất còn tồn tại các yếu tố nguyên gốc cho đến hôm nay.
Văn Thánh miếu Vĩnh Long đặt tại làng Long Châu, tổng Bình Long, tỉnh Vĩnh Long, phía Đông Nam thành Vĩnh Long. Công trình được khởi công năm 1864 và hoàn thành năm 1866. Về mặt danh nghĩa, đây là công trình văn hóa đề cao Nho giáo, nhưng thực tế Văn Thánh miếu Vĩnh Long mang ý nghĩa lịch sử của một tượng đài văn hóa, chuẩn bị đương đầu với các làn sóng văn hóa ngoại xâm. Từ sau năm 1975, miền Nam hoàn toàn giải phóng thống nhất đất nước, Văn Thánh miếu cũng như nhiều di tích khác trong tỉnh, một thời gian dài thiếu quan tâm chăm sóc, di tích bị xuống cấp trầm trọng và thất thoát khá nhiều hiện vật có giá trị văn hóa.
Với những giá trị lịch sử, văn hóa đặc sắc, năm 1991 Văn Thánh miếu đã được Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ VHTTDL) công nhận là Di tích Lịch sử - Văn hóa cấp quốc gia. Từ khi ra đời đến nay, Văn Thánh miếu trải qua nhiều đợt trùng tu lớn nhỏ vào các năm 1872, 1903, 1914, 1933, 1963, 1994 và gần đây nhất là năm là vào tháng 6.2006, ngành Văn hóa Thông tin Vĩnh Long đã đầu tư 4,5 tỷ đồng tu bổ nhiều hạng mục công trình, chỉnh trang toàn bộ khuôn viên di tích. Điều đáng nói là, dù trải qua nhiều lần trùng tu của nhiều thời kỳ lịch sử khác nhau, nhưng về cơ bản Văn Thánh miếu vẫn giữ được nét riêng, nét cổ kính quý giá.
Hằng năm ở Văn Thánh miếu có bốn kỳ lễ hội chính, đó là các lễ Xuân Đinh và Thu Đinh theo truyền thống lễ trong Nho giáo để thờ phụng đức Khổng Tử cùng các học trò ưu tú; lễ giỗ các quan đại thần; lễ giỗ Kinh lược sứ Đại thần Phan Thanh Giản. Lễ tế Xuân đinh - ngày đinh đầu tháng 2 âm lịch của mùa Xuân và lễ Thu đinh - ngày đinh cuối tháng 8 âm lịch của mùa Thu là lễ Đại Thành Chí Thánh của Không Phu Tử, vị Tổ của đạo Nho. Ngoài ra còn có các vị đại đệ tử của Khổng Tử như: Tứ Phối, Thập Nhị Triết, Thập Nhị Hiền, các vị Tiên Nho có công lớn với sự ngiệp văn hóa - giáo dục ở địa phương.