Vĩnh Long: Nhiều chuyển biến tích cực trong công tác quản lý, thiết lập trật tự kỷ cương đối với các hoạt động văn hóa
05/09/2020 | 14:49Thực hiện Chỉ thị số 814/CT-TTg ngày 12/12/1995 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường quản lý, thiết lập trật tự kỷ cương trong các hoạt động văn hóa và dịch vụ văn hóa, đẩy mạnh bài trừ một số tệ nạn xã hội nghiêm trọng, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) Vĩnh Long đã triển khai nghiêm túc công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật cũng như công tác quản lý nhà nước, góp phần tạo sự chuyển biến tích cực về nhận thức trong các tầng lớp nhân dân.
Về công tác tuyên truyền, vận động các tầng lớp nhân dân tự giác bài trừ, tiêu hủy các văn hóa phẩm độc hại, chấp hành quy định của pháp luật: Quán triệt Chỉ thị số 814/CT-TTg ngày 12/12/1995 của Thủ tướng Chính phủ, các ngành, các cấp đã xây dựng Chương trình hành động, lồng ghép trong thực hiện nhiệm vụ chuyên môn của đơn vị để triển khai thực hiện công tác tuyên truyền.
Các nội dung Chỉ thị số 814/CT-TTg được tuyên truyền, quán triệt bằng nhiều hình thức, trên các phương tiện thông tin đại chúng, thông qua các hoạt động cổ động trực quan, văn hóa, văn nghệ, thể thao; phổ biến trong các cuộc hội nghị, họp chi bộ, chuyên môn, đăng tải trên trang thông tin điện tử của đơn vị; kết hợp, lồng ghép triển khai các văn bản, chủ trương của Đảng có liên quan về văn hóa... Cụ thể, các ngành, các cấp tổ chức trên trên 8.000 cuộc, hơn 6 triệu lượt người nghe tuyên truyền. Bên cạnh đó, còn thực hiện tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, các trạm phát thanh 109 xã, phường, thị trấn và qua hệ thống các thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở bằng nhiều hình thức phong phú, đa dạng.
Công tác tuyên truyền Chỉ thị số 814/CT-TTg được tỉnh Vĩnh Long thực hiện thường xuyên, sâu rộng có tác dụng thiết thực, đảm bảo hiệu quả thông tin rộng khắp trên địa bàn tỉnh. Qua triển khai, quán triệt các cấp ủy đảng, cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, người lao động và quần chúng nhân dân đã nhận thức đúng đắn và sâu sắc, đặc biệt là thấy rõ vai trò, vị trí của văn hóa đối với sự phát triển kinh tế - xã hội và những tiêu cực để chung tay đấu tranh, bài trừ các loại văn hoá độc hại, văn hoá phẩm có nội dung đồi trụy, khiêu dâm, kích động bạo lực... Từ đó, tạo được sự thống nhất trong tư tưởng, hành động, có nhiều chuyển biến tích cực trong lãnh đạo và thực hiện nhiệm vụ xây dựng, phát triển văn hóa ở địa phương.
Công tác quản lý xuất bản, lưu hành phim ảnh, băng đĩa hình, băng đĩa nhạc, sách, báo, lịch, tranh, ảnh, ấn phẩm văn hóa được tăng cường, thực hiện tốt các giải pháp ngăn ngừa các ấn phẩm văn hóa có nội dung độc hại, sai trái, đồi trụy, khiêu dâm, kích động bạo lực... Tính đến nay, trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long có trên 20 điểm bán băng đĩa phim, ca nhạc, 04 cơ quan báo chí; 03 cơ quan đại diện báo chí Trung ương; 211 nhà báo đã được Bộ Thông tin và Truyền thông cấp thẻ; 240 hội viên Hội Nhà báo Việt Nam; 08 Đài Truyền thanh cấp huyện, 1.594 cụm loa truyền thanh không dây ấp, khóm, xã phường, thị trấn; 32 cơ quan ban, ngành cấp tỉnh và cấp huyện, thị xã, thành phố có bản tin chuyên ngành và trang tin điện tử; 01 phân hội nhiếp ảnh (38 hội viên).
Giai đoạn 1997-2008, Đội kiểm tra liên ngành 814 cấp tỉnh và cấp huyện đã kiểm tra, tịch thu, tiêu hủy trên xử lý trên 62.000 đĩa VCD in, nhân bản lậu và chưa được phép phát hành, có nội dung đồi truỵ, khiêu dâm, kích động bạo lực; 400 quyển sách tuyên truyền mê tín dị đoan.
Tỉnh Vĩnh Long cũng luôn tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân trong và ngoài tỉnh tham gia đầu tư, kinh doanh các hoạt động văn hóa và kinh doanh dịch vụ văn hóa công cộng, góp phần xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có trên 20 điểm bán băng đĩa phim, ca nhạc; 76 cơ sở viết, đặt biển hiệu, quảng cáo; 185 điểm kinh doanh karaoke, trên 200 điểm trò chơi điện tử; 01 quán bar, 01 phòng chiếu phim,…
Đi đôi với công tác xây dựng đời sống văn hóa, phát triển các dịch vụ văn hóa công cộng để góp phần phục vụ nâng cao đời sống tinh thần của người dân, công tác quản lý nhà nước trong hoạt động "văn hóa và dịch vụ văn hóa, đẩy mạnh bài trừ một số tệ nạn xã hội nghiêm trọng" theo tinh thần Chỉ thị số 814/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ và các văn bản của Đảng, Nhà nước có liên quan đã được ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức thực hiện và phối hợp với các sở, ngành, địa phương thực hiện chặt chẽ, nền nếp, đảm bảo đúng quy định chủ trương của Đảng, pháp luật Nhà nước.
Công tác quản lý nhà nước của các loại hình nêu trên được ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch các cấp phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan thực hiện nghiêm, đúng quy định Nghị định 103/2009/NĐ-CP của Chính phủ về ban hành Quy chế hoạt động văn hóa và kinh doanh dịch vụ văn hóa công cộng; và các văn bản Luật, quy phạm pháp luật của trên các lĩnh vực quản lý (văn hóa, mại dâm, ma túy,…). Đồng thời, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp Công an tỉnh ban hành Quy chế số 195/QCPH-SVHTTDL-CAVL ngày 04/10/2016 về phối hợp công tác bảo vệ an ninh quốc gia và đảm bảo trật tự, an toàn xã hội trong lĩnh vực văn hóa, gia đình, thể dục, thể thao và du lịch; Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Công an tỉnh, Sở Tài nguyên và Môi trường ban hành Quy chế phối hợp số 51/QCPH-SVHTTDL-STNMT-CA ngày 27/3/2017 về tăng cường công tác quản lý việc cưới, việc tang, lễ hội; hoạt động văn hóa, văn nghệ gây tiếng ồn, mất an ninh trật tự trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long.
Về công tác phối hợp liên ngành, tổ chức lực lượng trong xử lý vi phạm: Công tác kiểm tra, giám sát việc triển khai thực hiện Chỉ thị số 814/TTg là một nhân tố quan trọng, bảo đảm cho Chỉ thị được thực hiện nghiêm, có hiệu quả. Xác định được tầm quan trọng đó, ngày 25/10/1997, UBND tỉnh Vĩnh Long ban hành Quyết định số 1350/QĐ-UBND về việc thành lập Đội kiểm tra Liên ngành thực hiện Chỉ thị số 814/TTg của Thủ tướng Chính phủ. Đội kiểm tra liên ngành thực hiện chức năng kiểm tra xử lý các vi phạm trong hoạt động văn hoá, dịch vụ văn hoá, phòng chống một số tệ nạn xã hội, nhằm lập lại trật tự kỷ cương trong lĩnh vực hoạt động văn hoá...
Giai đoạn 1997-2008, Đội kiểm tra liên ngành 814 đã tổ chức trên 770 cuộc kiểm tra tại 7.700 lượt cơ sở kinh doanh hoạt động văn hóa và dịch vụ văn hóa, phát hiện trên 1.700 vụ việc vi phạm; tịch thu trên 12.000 đĩa VCD, 400 quyển sách tuyên truyền mê tín dị đoan. Ngoài ra, Đội kiểm tra liên ngành 814 cấp huyện tổ chức trên 19.800 lượt kiểm tra, phát hiện trên 3.300 vụ vi phạm, tịch thu trên 50.000 đĩa VCD...
Nhìn chung, từ khi triển khai thực hiện Chỉ thị số 814/CT-TTg đã góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước về tăng cường quản lý, thiết lập trật tự kỷ cương trong hoạt động văn hóa, đẩy mạnh bài trừ một số tệ nạn xã hội nghiêm trọng, góp phần loại trừ những sản phẩm văn hóa độc hại, ổn định an ninh văn hóa - xã hội trên địa bàn./.