Vĩnh Long: Nâng cao văn hóa, xây dựng gia đình hạnh phúc
05/04/2023 | 14:36Bộ Tiêu chí ứng xử trong gia đình áp dụng cho mọi gia đình Việt Nam với tiêu chí ứng xử chung là tôn trọng, bình đẳng, yêu thương và chia sẻ. Tỉnh Vĩnh Long đã triển khai thí điểm đăng ký và đánh giá thực hiện bộ tiêu chí, hướng đến nâng cao văn hóa trong mỗi gia đình, xây dựng gia đình hạnh phúc bền vững.
Góp phần nâng cao văn hóa gia đình
Ngày 28/01/2022, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã có Quyết định số 224/QĐ-BVHTTDL ban hành Bộ Tiêu chí ứng xử trong gia đình. Theo ông Nguyễn Minh Hải - Phó Trưởng Phòng Quản lý Văn hóa và Gia đình (Sở VHTTDL), sự ra đời của bộ tiêu chí là cần thiết trong giai đoạn hiện nay. Gia đình luôn giữ một vai trò quan trọng trong việc giáo dục con người, bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống, chống lại các tệ nạn xã hội.
Tuy nhiên, hiện nay còn tồn đọng nhiều vấn đề khá nổi cộm về việc ứng xử chưa đúng mực giữa các thành viên trong gia đình, đây cũng chính là một trong những nguyên nhân của sự xuống cấp về đạo đức trong gia đình và xã hội. Một ví dụ như gần đây clip xuất hiện trên mạng xã hội gây bức xúc dư luận về vụ việc bé trai 3 tuổi bị nghi ép hút ma túy đá bởi cha dượng”.
Mục đích của Bộ Tiêu chí ứng xử trong gia đình nhằm xác định và từng bước đưa vào cuộc sống các chuẩn mực giá trị đạo đức, văn hóa con người Việt Nam trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế; củng cố ý thức pháp luật, đề cao đạo đức, lương tâm, trách nhiệm của mỗi người với bản thân, gia đình, cộng đồng, xã hội và đất nước; ngăn chặn sự xuống cấp về đạo đức trong gia đình và xã hội.
Đồng thời, nâng cao nhận thức về xây dựng, giữ gìn hạnh phúc bền vững của mỗi gia đình, khơi gợi tình yêu thương, chia sẻ trách nhiệm giữa các thành viên gia đình trong xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc, văn minh, làm nền tảng xây dựng cộng đồng hạnh phúc, quốc gia phồn thịnh, hạnh phúc.
Bộ tiêu chí này được phổ biến và áp dụng với mọi gia đình và các thành viên gia đình Việt Nam. Trong đó, tiêu chí ứng xử của vợ, chồng là thủy chung, nghĩa tình; tiêu chí ứng xử của cha mẹ với con, ông bà với cháu là gương mẫu, yêu thương; tiêu chí ứng xử của con với cha mẹ, cháu với ông bà là hiếu thảo, lễ phép; và giữa anh, chị, em thì hòa thuận, chia sẻ.
Từng bước lan tỏa đến từng nhà
Một trong những vấn đề đặt ra là làm thế nào để những quy định trong Bộ Tiêu chí ứng xử đến được với từng gia đình, từng thành viên để thực sự phát huy được hiệu quả. Ông Nguyễn Minh Hải cho biết, Sở VHTTDL tổ chức triển khai thí điểm đăng ký và đánh giá thực hiện bộ tiêu chí tại xã Mỹ An (Mang Thít), xã Lục Sĩ Thành (Trà Ôn).
Bên cạnh đó, sở cũng triển khai nội dung chương trình giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình; Bộ Tiêu chí ứng xử trong gia đình và một số chuyên đề về xây dựng gia đình hạnh phúc… cho người cao tuổi, học sinh, sinh viên trên địa bàn tỉnh.
Phấn đấu thực hiện hiệu quả mục tiêu tất cả các hộ gia đình trên địa bàn tỉnh đăng ký thực hiện Bộ Tiêu chí ứng xử trong gia đình. Đảm bảo địa phương triển khai thí điểm đăng ký và đánh giá thực hiện bộ tiêu chí đạt từ 95% tổng số hộ trở lên, gắn với quy trình đăng ký thi đua xây dựng danh hiệu gia đình văn hóa và bình xét, khen thưởng danh hiệu gia đình văn hóa tiêu biểu hàng năm của địa phương.
Theo ông Ngô Văn Hòa (ấp Thành Sơn, xã Thành Trung, huyện Bình Tân), những mặt trái của cơ chế thị trường, văn hóa ngoại lai đã và đang tác động không nhỏ tới đời sống xã hội, len lỏi tới từng ngõ xóm của làng quê làm ảnh hưởng đến những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc.
Đạo đức gia đình có nguy cơ xuống cấp, vẫn còn hiện tượng con cái ngược đãi cha mẹ, ông bà, cha mẹ chưa quan tâm chăm sóc con cái đúng mức, các hành vi bạo lực gia đình vẫn còn xảy ra gây nhức nhối trong xã hội.
Nhiều năm liền được tuyên dương gia đình văn hóa tiêu biểu, ông Ngô Văn Hòa chia sẻ: “Theo truyền thống của gia đình Việt Nam, ông bà chính là tấm gương sáng, lúc nào cũng thể hiện sự mẫu mực để con cháu noi theo.
Trong gia đình, cách sống, cách tổ chức gia đình, nhân cách của cha mẹ sẽ tác động trực tiếp đến lối sống của các thành viên trong gia đình. Tôi luôn cố gắng để trong gia đình mình, cha mẹ giữ vai trò trụ cột chính, sống mực thước luôn lấy chữ “tâm” làm tín, chữ “đức” làm trọng để giáo dục, động viên con cháu”.
Để thực sự đưa bộ tiêu chí vào đời sống với mục tiêu nhằm nâng cao chất lượng công tác gia đình, nâng cao danh hiệu gia đình văn hóa trong phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” cần có thời gian và lộ trình thích hợp cùng với sự vào cuộc tích cực của các cấp chính quyền, đoàn thể.
Cùng với đó là sự tăng cường phối hợp giữa gia đình, nhà trường và xã hội trong định hướng giá trị, giáo dục đạo đức, lối sống, văn hóa ứng xử cho thế hệ trẻ. Khen thưởng kịp thời cho các tập thể, cá nhân tiêu biểu có thành tích xuất sắc trong việc chỉ đạo, triển khai, thực thiện bộ tiêu chí này để từng bước nâng cao văn hóa gia đình, tạo nền tảng vững chắc giúp con người hoàn thiện nhân cách, hướng đến chân - thiện - mỹ.
Đến nay, toàn tỉnh có 97,2% xã, phường, thị trấn được duy trì, triển khai nhân rộng mô hình can thiệp phòng, chống bạo lực gia đình và Đề án Tuyên truyền, giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình. Qua tuyên truyền, vận động, giáo dục, phát hiện, xử lý kịp thời các vụ việc bạo lực gia đình, tư vấn, động viên nhiều đối tượng gây bạo lực gia đình cam kết không tái phạm, chăm lo làm ăn phát triển kinh tế gia đình, xây dựng gia đình hạnh phúc. Năm 2022, toàn tỉnh có 22 vụ bạo lực gia đình được phát hiện, xử lý (trong đó bạo lực thân thể: 10 vụ; bạo lực tinh thần: 12 vụ).