Vĩnh Long: Hướng đi mới liên kết các hợp tác xã tham gia phát triển du lịch cộng đồng
02/12/2022 | 16:55Tận dụng tiềm năng, lợi thế và những sản phẩm sẵn có, với thiên nhiên sông nước miệt vườn cây trái quanh năm, trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long có các hợp tác xã được thành lập ở các huyện trên địa bàn tỉnh. Thực hiện Quyết định số 1657/QĐ-UBND ngày 16/8/2022 của Ủy ban nhân dân tỉnh Vĩnh Long về việc phê duyệt Đề án cơ cấu lại ngành du lịch tỉnh Vĩnh Long, đáp ứng yêu cầu phát triển thành ngành kinh tế quan trọng đến năm 2025, Vĩnh Long hiện nay đã có nhiều mô hình hợp tác xã đạt hiệu quả nhờ ứng dụng công nghệ cao có tổng cộng 185 hợp tác xã, thuộc các lĩnh vực nông nghiệp - thủy sản; công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp…
Đây là thế mạnh cho Vĩnh Long khai thác phát triển du lịch cộng đồng điều kiện để từng bước thu hút khách du lịch đến tham quan, trải nghiệm, từ đó góp phần gia tăng giá trị cho sản phẩm địa phương và tạo thêm việc làm cho nông dân trong hợp tác xã và bà con nơi địa phương nơi đó có thêm thu nhập với việc tham gia phục vụ khách du lịch. Điển hình là hợp tác xã nông nghiệp Thuận Thới ở huyện Trà Ôn, tỉnh Vĩnh Long. Được thành lập vào năm 2018 với 17 thành viên, sau 4 năm hoạt động, hợp tác xã này đã nâng vốn điều lệ từ 450 triệu đồng lên gần 1 tỷ đồng. Là hợp tác xã hoạt động theo hướng nông nghiệp xanh, sạch, chuyên cung ứng các sản phẩm phân trùn quế và sản xuất rau sạch cung ứng cho thị trường.
Theo đó, trong 7 tháng đầu năm 2022, Ngành nông nghiệp tỉnh phối hợp trường Đại học Cần Thơ mở 3 lớp tập huấn “Nâng cao năng lực quản lý, kỹ năng điều hành cho HĐQT, các thành viên hợp tác xã nông nghiệp”; 2 lớp tập huấn về quản trị tài chính, hướng dẫn chuyển đổi số trong hợp tác xã. Phối hợp với thành phố Hồ Chí Minh tổ chức Tuần lễ trái cây “Trên bến dưới thuyền” trưng bày, giới thiệu những sản phẩm đặc trưng của tỉnh như bưởi 5 Roi; thanh long, cam sành, sầu riêng, gạo hữu cơ… tổ chức hội nghị kết nối cung cầu tiêu thụ nông sản, hàng công nghiệp giữa Vĩnh Long và thành phố Hồ Chí Minh.
Ngoài ra tỉnh còn hỗ trợ 3 dự án: “Quản lý và phát triển nhãn hiệu tập thể chôm chôm cù lao Long Hồ” cho hợp tác xã chôm chôm Bình Hòa Phước với kinh phí 360 triệu đồng; dự án: “Xây dựng và phát triển mô hình hợp tác xã kiểu mới ở Vĩnh Long” với tổng kinh phí 737 triệu đồng và dự án:“Xây dựng hệ thống quản lý truy xuất nguồn gốc sản phẩm hàng hóa tỉnh Vĩnh Long” với tổng kinh phí hơn 900 triệu đồng; hỗ trợ ứng dụng máy móc, thiết bị tiên tiến vào sản xuất trái cây chiên chân không cho hợp tác xã sầu riêng Chánh An, huyện Mang Thít với kinh phí gần 200 triệu đồng…Hiện nay nhu cầu về vấn đề an toàn thực phẩm của người dân nói chung và khách du lịch đến Vĩnh Long thì rất cần thiết hơn bao giờ hết, những mặt hàng trái cây, nông sản, sản phẩm được chế biến có nguồn gốc đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm là một vấn đề quan trọng có thể thu hút khách du lịch đến Vĩnh Long ngày càng nhiều hơn.
Tại Phường Trường An qua nghiên cứu thị hiếu người tiêu dùng và nắm bắt định hướng của thành phố trong việc phát triển ngành nông nghiệp xanh, sạch, thân thiện với môi trường, chị Lê Ngọc Hiền đã mạnh dạn đầu tư nhà màng xây dựng mô hình nông nghiệp công nghệ cao. Lúc đầu, chị đầu tư xây dựng mô hình với nhà màng cây dưa lưới. Sau thời gian đúc kết kinh nghiệm và nghiên cứu thị trường, năm 2022, chị đã mạnh dạn phát triển mô hình này kết hợp với du lịch, mở rộng trồng thêm các loại rau màu có hình dáng đẹp, bắt mắt phục vụ khách du lịch đến tham quan.
Qua thực hiện, mô hình nông nghiệp công nghệ cao của chị Hiền mang lại hiệu quả thiết thực, đáp ứng thị hiếu người tiêu dùng nên trong năm 2022, chị mở rộng diện tích lên 2.000 m2 để trồng thêm các loại rau quả hữu cơ kết hợp tham quan du lịch, tạo cảnh quan và phục vụ đa dạng các mặt hàng sản phẩm nông nghiệp với tên gọi Cơ sở sản xuất Peace Farm cung cấp rau quả hữu cơ. Khi đến tham quan Peace Farm khách có thể check-in, chụp ảnh, mua sản phẩm, nước uống và các loại thực phẩm mà nơi đây chế biến từ nông sản mình trồng ra như nước ép dưa lưới, nước ép dưa leo,…
Cùng với các thương hiệu trái cây nổi tiếng từ lâu như: cam sành, bưởi 5 roi, khoai lang Bình Tân, chôm chôm Bình Hòa Phước, sầu riêng Chánh An … là cây trồng chủ lực mang lại thu nhập chính và tạo điểm nhấn tham quan cho du khách đến với Vĩnh Long những sản phẩm được công nhận đạt OCOP 3 sao cấp tỉnh. Tận dụng cơ hội này, các cấp các ngành cần hợp lực với hợp tác xã và bà con cùng quảng bá sản phẩm tạo thêm điểm nhấn thu hút du khách đến trải nghiệm.
Vào vụ thu hoạch cam sành, bưởi 5 roi, chôm chôm, sầu riêng… thì các hợp tác xã ngoài thu hoạch thì cần được đón khách du lịch đến tham quan, trải nghiệm và mua sản phẩm. Đây là cơ hội để các sản phẩm của hợp tác xã được nhiều người biết đến thì sản lượng sẽ cung cấp cho thị trường nhiều hơn. Mặc dù đang trong xu hướng sản phẩm du lịch trải nghiệm ở hợp tác xã còn mới nhưng nhìn chung, đây vẫn là hình thức du lịch mới mẻ cần được quan tâm hỗ trợ của các cấp, ngành chức năng giúp để phát triển mảng du lịch cộng đồng, du lịch trải nghiệm một cách bài bản.
Trên địa bàn Vĩnh Long hiện có 13 di tích lịch sử cấp quốc gia và các di tích cấp tỉnh, có các điểm được công nhận là khu du lịch tiêu biểu của Đồng Bằng Sông Cửu Long…nếu được kết nối với những điểm tham quan sinh thái, trải nghiệm sẽ tạo ra những tour du lịch hấp dẫn, ý nghĩa hơn với các hợp tác xã nếu được tham gia liên kết với đơn vị lữ hành, công ty du lịch trong và ngoài tỉnh để quảng bá đến đông đảo khách du lịch, góp phần đẩy mạnh hoạt động sản xuất, kinh doanh của hợp tác xã, cũng như phát triển du lịch của địa phương, vì sản phẩm của hợp tác xã sẽ có quanh năm, tạo thuận lợi cho khách hàng, khách du lịch đến tham quan, trải nghiệm, chụp ảnh. Nếu điều kiện thuận lợi, thì tạo ra thêm một kênh thông tin cho hợp tác xã tham gia cung cấp các dịch vụ trải nghiệm cho du khách, liên kết với các nhà vườn để có thêm điểm dừng chân phong phú cho du khách lựa chọn khi đi du lịch Vĩnh Long.
Với những tiềm năng, lợi thế về cảnh quan thiên nhiên, về văn hóa, truyền thống lịch sử, cây trái quanh năm Vĩnh Long có rất nhiều tài nguyên để phát triển du lịch cộng đông.Tỉnh xác định cần xây dựng các sản phẩm du lịch nông thôn, du lịch cộng đồng đặc thù của địa phương; hình thành các tour, tuyến du lịch nông thôn, du lịch cộng đồng; kêu gọi hỗ trợ nguồn lực để khai thác tối đa các tiềm năng thế mạnh về du lịch của địa phương; có chính sách hỗ trợ, khuyến khích và định hướng cho các tổ chức, cá nhân, cộng đồng dân cư tham gia đầu tư phát triển đa dạng hóa sản phẩm du lịch ở nơi họ sinh sống. Trong đó, huyện, xã cũng xác định nếu phát huy tốt vai trò của các hợp tác xã sẽ tạo đà cho phát triển du lịch cộng đồng, du lịch trải nghiệm của địa phương./.