Việt Nam thúc đẩy gắn kết với lĩnh vực hợp tác chuyên môn của UNESCO
16/05/2023 | 11:04Thứ trưởng Hà Kim Ngọc cho biết Việt Nam đã đi được nửa nhiệm kỳ của Hội đồng chấp hành, được đánh giá là thành viên tích cực và có trách nhiệm, đóng góp vào các hoạt động của UNESCO.
Theo phóng viên TTXVN tại Pháp, Kỳ họp lần thứ 216 Hội đồng Chấp hành của Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) đã khai mạc ngày 15/5 tại Paris.
Thứ trưởng Ngoại giao Hà Kim Ngọc, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam, đã tham dự và phát biểu.
Trong phiên họp khai mạc kỳ họp, Tổng Giám đốc UNESCO Audrey Azoulay và nhiều quốc gia thành viên đã đánh giá cao vai trò và những kết quả đạt được của UNESCO trong việc thực hiện 4 mục tiêu của Chiến lược Trung hạn Giai đoạn 2022-2029 và các Mục tiêu Phát triển bền vững đến năm 2030 của Liên hợp quốc, với 94% công việc được triển khai đúng tiến độ, trong đó 100% đúng tiến độ trên các lĩnh vực chính như văn hóa, giáo dục và khoa học.
Đặc biệt, Công ước về giáo dục đại học đã có hiệu lực từ tháng 3/2023 sau khi được 20 nước phê chuẩn.
Các Khuyến nghị về Đạo đức trong Trí tuệ Nhân tạo, Khung Toàn cầu về Khoa học mở, Thập kỷ Khoa học Đại dương vì phát triển bền vững cũng như các sáng kiến hỗ trợ khủng hoảng tại nhiều quốc gia như Haiti, Sudan, Afghanistan, Iraq, Liban, Ukraine… đạt kết quả tích cực.
Bên cạnh đó, các phát biểu đều nhấn mạnh thế giới đang đối diện với nhiều thách thức đa chiều trong giai đoạn hậu đại dịch COVID-19, bao gồm lạm phát, xung đột vũ trang, biến đổi khí hậu…đòi hỏi vai trò lớn hơn của chủ nghĩa đa phương, trong đó UNESCO cần tiếp tục phát huy vai trò, đổi mới phương thức làm việc, vượt qua thách thức thiếu hụt vốn, đoàn kết không để xung đột và khác biệt "lấn át" tiếng nói của hòa bình và ngoại giao, như lời kêu gọi của Chủ tịch Hội đồng Chấp hành.
Phát biểu tại phiên khai mạc toàn thể, Thứ trưởng Ngoại giao Hà Kim Ngọc bày tỏ sự coi trọng hợp tác đa phương, bao gồm với cả UNESCO, trong bối cảnh hậu COVID-19 nhiều thách thức, đánh giá cao nỗ lực của Ban Thư ký và Tổng Giám đốc UNESCO trong huy động nguồn lực, tiếp cận đa chiều, triển khai hiệu quả chương trình hoạt động, hỗ trợ kịp thời cho một số quốc gia thành viên gặp khủng hoảng.
Về định hướng thời gian tới, Trưởng Đoàn Việt Nam đã đề nghị phân bổ nguồn lực thích hợp cho hai ưu tiên toàn cầu là châu Phi và bình đẳng giới, nhóm Tiểu quốc đảo đang phát triển (SIDS) và thanh niên, phân bổ nhân sự đồng đều giữa các khu vực địa lý.
Thứ trưởng cũng khẳng định cam kết của Việt Nam thúc đẩy hợp tác đa phương và sự gắn kết với các lĩnh vực hợp tác chuyên môn của UNESCO.
Thứ trưởng Hà Kim Ngọc đồng thời thông báo việc tổ chức Hội nghị Quốc tế về phát huy vai trò danh hiệu UNESCO phục vụ phát triển bền vững tại Việt Nam dự kiến vào tháng 7/2023, với mục tiêu biến các danh hiệu UNESCO thành trợ lực cho phát triển bền vững và nguồn cảm hứng cho tương lai.
Bên lề Kỳ họp lần thứ 216 của Hội đồng Chấp hành UNESCO, Thứ trưởng Hà Kim Ngọc còn có các cuộc gặp với Tổng Giám đốc UNESCO Audrey Azoulay, Phó Tổng Giám đốc UNESCO Xing Qu và Trợ lý Tổng Giám đốc phụ trách đối ngoại Firmin Edouard Matoko để thúc đẩy quan hệ song phương giữa Việt Nam và UNESCO.
Thứ trưởng cũng gặp Chủ tịch Hội đồng Chấp hành Tamarac Rastovac, Chủ tịch Đại hội đồng Santiago Irazabal Mourao, Chủ tịch Ủy ban Di sản thế giới Haifa Al Morgin cùng Thứ trưởng/Chủ tịch Ủy ban Quốc gia - Trưởng đoàn các nước như Pháp, Nga, Trung Quốc, Các tiểu Vương quốc Arab Thống nhất… để thúc đẩy hợp tác song phương và đa phương với các nước này.
Cũng trong dịp này, Thứ trưởng Hà Kim Ngọc sẽ làm việc với Giám đốc Trung tâm Di sản Thế giới Lazare Eloundou Assomo, Tổng Giám đốc ICOMOS Marie Laure Lavenir để trao đổi về tăng cường hợp tác trong công tác bảo vệ và phát huy giá trị các di sản UNESCO tại Việt Nam, cũng như thúc đẩy các hồ sơ của ta về Hoàng thành Thăng Long, Vịnh Hạ Long-Quần đảo Cát Bà, Quần thể Di tích và Danh thắng Yên Tử-Vĩnh Nghiêm-Côn Sơn, Kiếp Bạc, Khu Di tích Óc Eo Ba Thê.
Trả lời phỏng vấn phóng viên TTXVN tại Pháp, Thứ trưởng Hà Kim Ngọc cho biết Việt Nam đã đi được nửa nhiệm kỳ của Hội đồng chấp hành, được đánh giá là thành viên tích cực và có trách nhiệm, đóng góp vào các hoạt động của UNESCO.
Thứ trưởng coi đây là một cơ hội lớn đối với Việt Nam để gặp gỡ lãnh đạo Ban Thư ký và tiếp xúc với các nước thành viên vừa để tăng cường hợp tác với UNESCO, đồng thời cũng tăng cường hợp tác trong khuôn khổ song phương với các nước để cùng xử lý các vấn đề toàn cầu và song phương, trong đó có việc thúc đẩy rất nhiều đề cử danh hiệu của Việt Nam trong thời gian gần đây.
Hiện nay Việt Nam đã tham gia vào hầu hết các cơ chế quan trọng nhất của UNESCO, từ Hội đồng chấp hành, Ủy ban Liên chính phủ về Di sản Phi vật thể, Phó Chủ tịch Ủy ban Liên chính phủ về Bảo vệ và Phát huy đa dạng và Biểu đạt văn hóa.
Việt Nam đã rất chủ động, tích cực và có trách nhiệm đóng góp vào các hoạt động của các cơ chế UNESCO nói chung và đặc biệt với khóa 216 này của Hội đồng Chấp hành.
Ngoài các hoạt động cụ thể, Việt Nam còn tích cực triển khai các mục tiêu của UNESCO như tổ chức 50 năm Công ước về Bảo vệ di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới, 20 năm bảo vệ Di sản Phi vật thể, lễ kỷ niệm 10 năm các công viên địa chất dự kiến sẽ tổ chức ở Cao Bằng và đặc biệt là vào tháng 7 tới sẽ là hội nghị quốc tế nhằm phát huy vai trò của các di sản của UNESCO đóng góp vào phát triển bền vững.
Nhận định về kết quả các cuộc gặp song phương bên lề hội nghị, Thứ trưởng Hà Kim Ngọc cho biết bạn bè, từ châu Phi, châu Á, khu vực Mỹ Latinh, đều rất coi trọng vị thế và vai trò của Việt Nam, không chỉ đóng góp vào những vấn đề của UNESCO mà còn vào việc giải quyết thách thức toàn cầu.
"Các bạn đều mong muốn hợp tác với Việt Nam và coi việc hợp tác này là một nhân tố tích cực, ổn định trong một thế giới đầy biến động như hiện nay, muốn cùng phối hợp để phát huy hơn nữa vai trò ở UNESCO và các diễn đàn đa phương khác.
Nhân dịp này chúng ta cũng thúc đẩy hồ sơ trong vấn đề đa phương và việc công nhận các danh hiệu của UNESCO," Thứ trưởng bày tỏ.
Kỳ họp lần thứ 216 Hội đồng Chấp hành của UNESCO sẽ diễn ra đến ngày 25/5 tại Paris với sự tham dự của 58 quốc gia thành viên và chương trình nghị sự với gần 50 đề mục, trải rộng trên tất cả các lĩnh vực giáo dục, văn hóa, khoa học, nhân sự, quản lý, quan hệ đối ngoại, trong đó dự kiến sẽ dành nhiều thời gian thảo luận về dự thảo Chương trình và Ngân sách giai đoạn 2024-2025 trong bối cảnh ngân sách hiện nay của UNESCO không đáp ứng được các chương trình và hoạt động đề ra./.