Tin tức và Sự kiện

Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

Việt Nam tham dự Hội nghị Du lịch núi quốc tế và thể thao ngoài trời năm 2024

26/09/2024 | 16:50

Ngày 26/9, tại thành phố Hưng Nghĩa, tỉnh Quý Châu, Trung Quốc, Phó Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam Nguyễn Lê Phúc dẫn đầu đoàn Việt Nam tham dự Hội nghị Du lịch núi quốc tế và thể thao ngoài trời năm 2024 do Liên minh Du lịch núi quốc tế (IMTA) tổ chức.

 

Việt Nam tham dự Hội nghị Du lịch núi quốc tế và thể thao ngoài trời năm 2024  - Ảnh 1.

Các đại biểu cắt băng khai mạc Triển lãm Nhiếp ảnh Văn hóa và Thiên nhiên Núi Thế giới

Hội nghị năm nay được tổ chức với chủ đề “Hội nhập Văn hóa, Thể thao và Du lịch - mang lại cuộc sống chất lượng cao”. Trong khuôn khổ sự kiện, lễ khai mạc, Hội thảo xúc tiến du lịch núi Châu Á năm 2024, các hoạt động thường niên của IMTA và các sự kiện chính sẽ được tổ chức, cũng như các hoạt động hỗ trợ khác bao gồm Triển lãm thiết bị du lịch & văn hóa, thể thao, sức khỏe và du lịch quốc tế Trung Quốc 2024; Cuộc thi ý tưởng và Triển lãm Nhiếp ảnh Văn hóa và Thiên nhiên Núi Thế giới.

Đây là diễn đàn để đại diện các tổ chức quốc tế, đại sứ quán, cơ quan quản lý du lịch và doanh nghiệp du lịch ở các quốc gia, các chuyên gia và học giả chia sẻ các phương pháp phát triển sáng tạo để phát triển du lịch miền núi bền vững và chất lượng cao trong bối cảnh thời đại mới, tích cực ứng phó với những thách thức và tranh thủ cơ hội, đồng thời đề xuất các giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả phát triển du lịch miền núi với năng suất, chất lượng.

Liên minh Du lịch Núi Quốc tế (IMTA) là một tổ chức quốc tế phi chính phủ, phi lợi nhuận có trụ sở tại Thành phố Quý Dương, tỉnh Quý Châu (Trung Quốc). IMTA được thành lập vào ngày 15/8/2017, với mục tiêu du lịch bền vững và sứ mệnh bảo vệ tài nguyên núi, bảo tồn nền văn minh núi, thúc đẩy kinh tế núi vì lợi ích của người dân sống ở các vùng núi. Tổ chức cam kết bảo tồn và sử dụng tài nguyên du lịch núi, tham gia xây dựng hệ thống quản lý du lịch núi, tạo điều kiện cho trao đổi du lịch quốc tế và hợp tác kinh doanh, chia sẻ kinh nghiệm phát triển du lịch núi, thúc đẩy kinh tế núi và phát triển bền vững.

 Trong đó, Hội thảo Xúc tiến Du lịch núi châu Á 2024 có chủ đề “Học hỏi và hợp tác lẫn nhau - Chung tay nắm bắt hành trình mới của du lịch núi châu Á”, với sự tham dự của đại diện các cơ quan quản lý du lịch, đại sứ quán, cơ quan quản lý điểm đến du lịch miền núi, doanh nghiệp du lịch có liên quan.

Tại hội thảo, các nước châu Á, các chuyên gia và học giả đã thảo luận về chủ đề “Đổi mới du lịch miền núi và hợp tác xây dựng cộng đồng”, thảo luận về chiến lược phát triển du lịch miền núi chất lượng cao theo mô hình mới. Các quốc gia cũng đã có các hoạt động xúc tiến du lịch dưới chủ đề “Thực tiễn châu Á về phát triển du lịch vùng núi” nhằm trao đổi kinh nghiệm định hướng xây dựng các điểm đến du lịch núi đẳng cấp thế giới, củng cố sự đồng thuận giữa các quốc gia, chia sẻ kinh nghiệm phát triển và thành tựu của du lịch miền núi ở các vùng địa lý khác nhau.

Việt Nam tham dự Hội nghị Du lịch núi quốc tế và thể thao ngoài trời năm 2024  - Ảnh 3.

Phó Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam Nguyễn Lê Phúc chia sẻ về kinh nghiệm phát triển du lịch vùng núi của Việt Nam tại Hội thảo Xúc tiến Du lịch núi châu Á 2024

Tiềm năng phát triển du lịch vùng núi của Việt Nam rất lớn

Chia sẻ về kinh nghiệm phát triển du lịch vùng núi của Việt Nam tại hội thảo, Phó Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam Nguyễn Lê Phúc nhấn mạnh, Việt Nam có địa hình đa dạng, núi non trùng điệp gắn với cảnh quan thiên nhiên hấp dẫn, sông, suối đến những cánh rừng nguyên sinh, hệ thống hang động kỳ vĩ. Việt Nam có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển du lịch vùng núi và những hoạt động ngoài trời. Trong chiến lược phát triển du lịch của Việt Nam, các dòng sản phẩm dựa trên khai thác các giá trị thiên nhiên và văn hóa được ưu tiên đầu tư khai thác, trong đó các sản phẩm du lịch vùng núi kết hợp với các hoạt động thể thao ngoài trời được chú trọng khai thác.

Việt Nam tham dự Hội nghị Du lịch núi quốc tế và thể thao ngoài trời năm 2024  - Ảnh 4.

Phó Cục trưởng Nguyễn Lê Phúc tham dự Hội nghị Du lịch núi quốc tế và thể thao ngoài trời năm 2024 do Liên minh Du lịch núi quốc tế (IMTA) tổ chức

Phó Cục trưởng cho biết sản phẩm du lịch núi ở Việt Nam đang chủ yếu khai thác tại khu vực trung du và miền núi phía Bắc với 2 vùng Đông Bắc và Tây Bắc Việt Nam (khu vực có đường biên giới Việt Nam - Trung Quốc, tập trung những đỉnh núi cao của Việt Nam) có Tour thể thao mạo hiểm (chinh phục đỉnh Fansipan - Nóc nhà Đông Dương cao 3.143m; đỉnh Kỳ Quan San - Bạch Mộc Lương Tử (Lào Cai - Lai Châu) cao 3.046 m; đỉnh Tây Côn Lĩnh (Hà Giang) cao 2.431 m; đỉnh Gia Lan (Hà Giang) ở độ cao 1.458 m). Tour du lịch leo núi/ trekking & hiking walking tour khám phá các đỉnh núi cao; thám hiểm hang động, rừng nguyên sinh tại Vườn quốc gia Ba Bể (Bắc Kạn), Vườn Quốc gia Hoàng Liên Sơn (Lào Cai)… Trải nghiệm, khám phá cảnh đẹp thác Bản Giốc (Cao Bằng), công viên địa chất toàn cầu Cao Bằng, Hà Giang. Trải nghiệm văn hóa, sinh thái, du lịch cộng đồng với hàng trăm bản làng người dân tộc thiểu số với văn hóa đặc sắc. Photography tour (săn mây, chụp ảnh mùa hoa nở…).

Khu vực đồng bằng sông Hồng và duyên hải Đông Bắc Việt Nam với địa hình núi xen kẽ đồng bằng hoặc thung lũng, vùng núi, ven biển, có quần thể danh thắng Tràng An, di sản thiên nhiên thế giới Vịnh Hạ Long. Khu vực có tiềm năng rất phong phú và đa dạng và có sức hấp dẫn rất đối với khách du lịch, có khả năng đáp ứng các yêu cầu của nhiều loại hình du lịch với các loại đối tượng khác nhau và có khả năng tiếp nhận số lượng lớn khách du lịch.

Khu vực Bắc Trung Bộ Việt Nam, tiêu biểu là Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng - quần thể được UNESCO công nhận Di sản thiên nhiên thế giới theo tiêu chí địa chất, địa mạo và đa dạng sinh học. Trong đó, nổi bật với các đặc trưng: cửa hang cao và rộng nhất, bãi cát đá ngầm đẹp nhất, sông ngầm đẹp nhất, hồ nước ngầm đẹp nhất, thạch nhũ kỳ ảo và tráng lệ nhất, hang khô rộng và đẹp nhất, hang nước dài nhất. Sản phẩm tour điển hình là du lịch mạo hiểm khám phá hang động. Hang Sơn Đoòng được Đội thám hiểm hang động Anh - Việt (The British Vietnam Caving Expedition Team) đánh giá là hang động lớn nhất thế giới, đồng thời đã phát hiện một hố sụt karst sâu hơn 255 m, có thể sâu nhất Đông Nam Á.

Việt Nam tham dự Hội nghị Du lịch núi quốc tế và thể thao ngoài trời năm 2024  - Ảnh 5.

Việt Nam tham dự Hội nghị Du lịch núi quốc tế và thể thao ngoài trời năm 2024  - Ảnh 6.

Phó Cục trưởng Nguyễn Lê Phúc thông tin về tình hình phát triển du lịch Việt Nam tại Hội thảo Xúc tiến Du lịch núi châu Á 2024

Khẳng định tiềm năng phát triển du lịch núi ở Việt Nam rất lớn, Phó Cục trưởng bày tỏ Việt Nam mong muốn các quốc gia châu Á chia sẻ kinh nghiệm, hỗ trợ trong quy hoạch, quản lý nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch núi, du lịch mạo hiểm; hỗ trợ xây dựng, áp dụng tiêu chuẩn quản lý chất lượng sản phẩm du lịch núi, sản phẩm du lịch mạo hiểm. Hợp tác trong đào tạo nguồn nhân lực phát triển du lịch núi, du lịch mạo hiểm: đào tạo nhân lực cho các công ty tổ chức tour du lịch mạo hiểm chuyên nghiệp; đào tạo và cấp chứng chỉ cho huấn luyện viên, hướng dẫn viên du lịch một số loại hình du lịch mạo hiểm. Hỗ trợ nghiên cứu thị trường du lịch núi và hợp tác triển khai hoạt động xúc tiến quảng bá du lịch núi.

Việt Nam - Điểm đến hấp dẫn hàng đầu đối với du khách quốc tế

Bên cạnh đó, Phó Cục trưởng Nguyễn Lê Phúc cũng đã thông tin về tình hình phát triển du lịch Việt Nam. Những năm gần đây, Việt Nam được đánh giá là điểm đến hấp dẫn với nhiều điều kiện thuận lợi để thu hút khách quốc tế: tiếp cận điểm đến thuận lợi, chính sách visa cởi mở, đa dạng về sản phẩm du lịch.

Việc kết nối hàng không phục vụ khách du lịch giữa Việt Nam với thị trường khách du lịch nói chung và Trung Quốc nói riêng đã thuận lợi và khôi phục trở lại. Hiện nay từ Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh của Việt Nam đã có đường bay trực tiếp tới nhiều thành phố của Trung Quốc như: Quảng Châu, Thượng Hải, Trùng Khánh, Thâm Quyến, Thành Đô. Nhiều hãng cũng thực hiện nối  chuyến giữa Việt Nam với một số điểm trung chuyển, thuận lợi cho khách từ Trung Quốc đi du lịch Việt Nam.

Chính phủ Việt Nam đã ban hành chính sách visa thuận lợi cho việc thu hút khách quốc tế đến Việt Nam. Từ 15/8/2023, Việt Nam đã nâng thời hạn lưu trú tại Việt Nam cho công dân các quốc gia được miễn thị thực lên đến 45 ngày. Áp dụng chính sách e-visa với thời hạn lên đến 90 ngày cho tất cả các quốc gia và vùng lãnh thổ.

Sản phẩm du lịch Việt Nam phong phú đáp ứng nhu cầu đa dạng của thị trường khách trong nước và quốc tế. Trong đó 4 dòng sản phẩm chính là du lịch biển đảo, du lịch văn hoá, di sản, du lịch thiên nhiên sinh thái, du lịch thành phố. Bên cạnh đó là các sản phẩm bổ trợ đáp ứng nhu cầu của du khách như: MICE, chăm sóc sức khoẻ, golf, thể thao, mạo hiểm, ẩm thực, du thuyền, du lịch lễ cưới, trăng mật…

Thương hiệu du lịch Việt Nam ngày càng được nâng cao, thể hiện với nhiều giải thưởng, nhiều bình chọn mà du lịch Việt Nam nhận được. Điển hình là Việt Nam đã được Tổ chức giải thưởng du lịch thế giới (World Travel Awards) trao tặng danh hiệu là Điểm đến hàng đầu Châu Á và thế giới về: tự nhiên, ẩm thực, di sản, du lịch golf.

Việt Nam tham dự Hội nghị Du lịch núi quốc tế và thể thao ngoài trời năm 2024  - Ảnh 7.

Thông tin về sự phục hồi của du lịch Việt Nam, Phó Cục trưởng cho biết, năm 2019 là giai đoạn bùng nổ của du lịch Việt Nam, đạt 18 triệu lượt khách quốc tế, phục vụ 85 triệu lượt khách nội địa, tổng thu du lịch đạt 32 tỷ USD, đóng góp 9,2% GDP nền kinh tế. Hoạt động du lịch Việt Nam đã từng bước phục hồi sau đại dịch Covid -19. Năm 2023, Việt Nam đón được 12,6 triệu lượt khách quốc tế, 108,2 triệu lượt khách nội địa, tổng thu du lịch đạt 26,6 tỷ USD. Tính đến hết tháng 8/2024, khách quốc tế đạt 11,4 triệu lượt, khách nội địa đạt 89,5 triệu lượt, tổng thu du lịch đạt 23,4 tỷ USD.

Trung Quốc là thị trường nguồn quan trọng của Việt Nam trong nhiều năm liên tục. Năm 2019, khách Trung Quốc đến Việt Nam đạt trên 5,8 triệu lượt, chiếm khoảng 30% trong tổng lượng khách quốc tế đến Việt Nam, xếp vị trí số 1. Năm 2023, Việt Nam đón trên 1,7 triệu lượt khách Trung Quốc, khôi phục 30% so với thời điểm 2019. 8 tháng đầu năm 2024, Việt Nam đón hơn 2,4 triệu lượt khách Trung Quốc, khôi phục hơn 75% so với cùng kỳ 2019, đứng thứ 2 trong số các thị trường gửi khách đến Việt Nam.

Trong khuôn khổ chuyến công tác tham dự Hội nghị quốc tế về du lịch núi và thể thao ngoài trời năm 2024, ngày 25/9, Phó Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam Nguyễn Lê Phúc đã có buổi làm việc với chính quyền, cơ quan quản lý du lịch Quý Châu bàn về triển vọng hợp tác du lịch, tăng cường trao đổi khách du lịch giữa hai bên. Tại đây, hai bên đã trao đổi về việc thúc đẩy hợp tác du lịch thông qua chia sẻ kinh nghiệm quản lý phát triển du lịch, trao đổi thông tin, số liệu thống kê về lượng khách hai bên, nhu cầu thị trường khách. Hợp tác xúc tiến du lịch, liên kết phát triển sản phẩm, hỗ trợ nhau tổ chức xúc tiến quảng bá, phối hợp tổ chức mời các đoàn famtrip khảo sát sản phẩm du lịch. Cũng như khuyến khích các hãng hàng không của hai nước tiếp tục tăng tần suất chuyến bay, mở đường bay thẳng kết nối các trọng điểm du lịch của Việt Nam tới Quý Châu và ngược lại.

Theo Trung tâm Thông tin, Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam

Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×