Việt Nam bám sát yêu cầu các cam kết quốc tế trong lĩnh vực bản quyền
30/09/2022 | 10:07Việt Nam đã và đang tích cực chủ động hội nhập quốc tế trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội, trong tiến trình này, vấn đề bảo hộ quyền tác giả ngày càng được quan tâm, chú trọng. Thực thi tốt việc này cũng sẽ góp phần quan trọng vào việc khuyến khích sáng tạo, thúc đẩy phát triển các ngành công nghiệp văn hóa của quốc gia.
Việt Nam bám rất sát các yêu cầu của các cam kết quốc tế
Luật Sở hữu trí tuệ (SHTT) được ban hành từ năm 2005, sửa đổi, bổ sung vào các năm 2009, 2019. Qua 16 năm thi hành, bên cạnh những tác động tích cực, tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho phát triển hoạt động sáng tạo, xác lập, khai thác, sử dụng và thụ hưởng các đối tượng của quyền SHTT (trong đó có quyền tác giả, quyền liên quan), đã bộc lộ những hạn chế, bất cập, không phù hợp với thực tiễn.
Gần đây, Đảng và Nhà nước ta đã đề ra một số chủ trương mới về lĩnh vực SHTT, thêm vào đó, Việt Nam nỗ lực tham gia các hiệp định thương mại - FTA (các FTA thế hệ mới như Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương CPTPP; FTA giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu EVFTA…), do đó, việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật SHTT là việc cần làm.
Nói về các chính sách sửa đổi, bổ sung về quyền tác giả, quyền liên quan đáp ứng hội nhập quốc tế, sự phát triển kinh tế xã hội hiện nay và sự tương thích với pháp luật có liên quan, TS. Đồng Ngọc Ba, Đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Định cho biết, các chính sách đã được thể chế hóa trong các quy định và một trong những việc cần quan tâm chính là hiểu sâu sắc, đầy đủ về các quy định của luật, hiểu về các chính sách lớn, tại sao cần chỉnh sửa và nội dung cốt lõi là gì, và quan trọng hơn là việc thực thi sao cho hiệu quả.
Từ kinh nghiệm sau gần 30 năm làm công tác pháp luật, TS. Đồng Ngọc Ba nhắc đến một rào cản khá lớn với những người làm chính sách pháp luật khi triển khai luật chính là việc không hiểu nhau giữa người làm chính sách pháp luật với những người làm quản lý ở lĩnh vực kinh tế- xã hội. Luật là công cụ, phương tiện nên 2 nhóm này cần phải hiểu nhau thì luật mới đi vào cuộc sống được.
Mục đích làm luật cuối cùng là để cho các quan hệ kinh tế- xã hội thuộc lĩnh vực đó phát triển tốt hơn, loại bỏ bớt những tác động tiêu cực, nhất là trong bối cảnh hội nhập toàn cầu đổi mới như hiện nay, tác động của cơ chế thị trường… Theo TS. Đồng Ngọc Ba, cái gì cũng có tính hai mặt, việc đạt được mục đích này sẽ ảnh hưởng tới mục đích khác, do đó cần tìm được điểm chung giữa người làm pháp luật, xây dựng chính sách, soạn thảo ban hành với người làm công tác quản lý.
TS. Đồng Ngọc Ba cho rằng, quá trình ban hành Luật SHTT từ 2006 đến nay là 16 năm, sửa đổi nhiều lần và mỗi giai đoạn sửa đều liên quan đến các vấn đề hội nhập sâu hơn kinh tế thế giới, trong đó có các vấn đề về SHTT. Đối với các điều ước, hiệp ước quốc tế, Việt Nam đều thực hiện tổng thể, kịp thời và nghiêm túc như các Công ước: Bern, Rome, Geneva, Brussels, Hiệp định Trips; Hiệp ước Bắc Kinh, Hiệp ước Marrakesh; tham gia cam kết CPTPP, EVFTA; 2 Hiệp ước của WIPO về quyền tác giả, quyền liên quan trên môi trường mạng là Hiệp ước về quyền tác giả (WCT) và Hiệp ước về cuộc biểu diễn và bản ghi âm (WPPT)…
Qua các giai đoạn, Việt Nam bám rất sát các yêu cầu của các cam kết quốc tế và tinh thần là sẽ tiếp tục nội luật hóa các cam kết quốc tế, TS. Đồng Ngọc Ba cho hay, những nội dung chỉnh sửa lần này đáp ứng được các cam kết quốc tế, thậm chí có những điều cao hơn trình độ Việt Nam.
Đồng quan điểm với TS. Đồng Ngọc Ba, bà Phạm Thị Kim Oanh- Phó Cục trưởng Cục Bản quyền tác giả (Bộ VHTTDL) cho rằng, những mục tiêu đề ra trong việc sửa đổi Luật SHTT đã bảo đảm chất lượng, thể chế hóa đầy đủ chủ trương của Đảng, phù hợp với các cam kết quốc tế theo các Hiệp định CPTPP, EVFTA và các điều ước quốc tế khác có liên quan mà Việt Nam là thành viên, đáp ứng yêu cầu thực tiễn, bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật, tính đồng bộ, khả thi.
Bổ sung các quy định về hành vi xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan trên môi trường số
Chia sẻ về nội dung sửa đổi, bổ sung quy định về quyền tác giả, quyền liên quan trong Luật SHTT, ThS. Phạm Thị Kim Oanh cho biết, Luật mới sửa đổi, bổ sung 104 điều/222 điều của Luật SHTT, trong đó, 12 điều chỉ sửa đổi, bổ sung về mặt kỹ thuật, bãi bỏ một số quy định tại 5 điều. Đồng thời sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giá, Luật Hải quan, Luật Khoa học và Công nghệ, Luật Quản lý, sử dụng tài sản công để bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật.
Nội dung quyền tác giả, quyền liên quan, sửa đổi, bổ sung 32 điều, trong đó, sửa đổi 27 điều, bổ sung 5 điều với 5 nhóm nội dung sửa đổi, bổ sung về quyền tác giả, quyền liên quan.
Cụ thể, sửa đổi, bổ sung nhóm quy định về thuật ngữ, quyền tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả, quyền của người biểu diễn, quyền của nhà sản xuất bản ghi âm, ghi hình, quyền của tổ chức phát sóng, chủ sở hữu quyền liên quan. Sửa đổi quy định về ngoại lệ quyền tác giả, ngoại lệ quyền liên quan, giới hạn quyền tác giả, giới hạn quyền liên quan và bổ sung trường hợp ngoại lệ không xâm phạm quyền dành cho người khuyết tật.
Sửa đổi, bổ sung quy định về tổ chức đại diện tập thể quyền tác giả, quyền liên quan phù hợp Bộ luật Dân sự và theo thông lệ quốc tế. Sửa đổi, bổ sung quy định về đăng ký quyền tác giả, quyền liên quan để thực hiện đăng ký trực tuyến theo cải cách thủ tục hành chính; quy định rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân khi thực hiện thủ tục đăng ký quyền tác giả, quyền liên quan. Bổ sung các quy định về hành vi xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan trên môi trường số và quy định về thực thi trên môi trường số.
"Việt Nam đã và đang tích cực chủ động hội nhập quốc tế trong lĩnh vực bản quyền. Trong tiến trình hội nhập quốc tế, vấn đề bảo hộ quyền tác giả ngày càng được quan tâm, chú trọng. Việc thực thi bảo hộ quyền tác giả, quyền liên quan có hiệu quả cũng sẽ góp phần quan trọng vào việc khuyến khích sáng tạo, thúc đẩy phát triển các ngành công nghiệp văn hóa của quốc gia.
Bên cạnh việc tập trung rà soát, hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật về bản quyền đáp ứng sự phát triển của khoa học, công nghệ, sự thay đổi của các điều kiện kinh tế- xã hội và hội nhập quốc tế, cần có các biện pháp đảm bảo thực thi các cam kết quốc tế về quyền tác giả, quyền liên quan", ThS. Phạm Thị Kim Oanh khẳng định.
Tại kỳ họp thứ 3 Quốc hội Khóa XV đã thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật SHTT, có hiệu lực từ 01/01/2023. Hiện Bộ VHTTDL đang xây dựng và lấy ý kiến góp ý cho Dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật SHTT về quyền tác giả, quyền liên quan nhằm tạo hành lang pháp lý hoàn chỉnh hơn cho Luật mới trước khi trình Chính phủ thông qua vào tháng 11/2022.