Vi phạm bản quyền tác giả: Nguy cơ triệt tiêu sáng tạo nghệ thuật
12/08/2019 | 16:01Mặc dù, đã có quy định có thể truy tố trách nhiệm hình sự với những trường hợp vi phạm bản quyền tác giả nhưng cho đến nay, các vụ kiện vi phạm bản quyền ở Việt Nam được xử lý mới chỉ đếm trên đầu ngón tay. Phải chăng điều này dẫn đến tình trạng nhờn luật, hệ quả là hàng trăm chương trình nghệ thuật biểu diễn, trong đó có các liveshow của những nghệ sĩ tên tuổi ngang nhiên vi phạm bản quyền tác giả.
Ngang nhiên vi phạm bản quyền tác giả
Theo Trung tâm bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam (VCPMC), tình trạng xâm phạm quyền tác giả đối với các tác phẩm âm nhạc hiện nay vẫn diễn ra khá thường xuyên ở nhiều lĩnh vực có sử dụng âm nhạc, trong đó điển hình ở lĩnh vực biểu diễn nghệ thuật (biểu diễn tác phẩm một cách trực tiếp). Trong thời gian qua có hàng trăm chương trình biểu diễn vi phạm quyền tác giả. Trong đó, có những đơn vị tổ chức những show lớn, tổ chức xong xoá tên công ty và thành lập công ty mới để "lách luật".
Liveshow Câu chuyện Bằng Kiều Trái tim không ngủ yên nằm trong danh sách những chương trình vi phạm bản quyền tác giả
Đáng tiếc, trong danh sách những chương trình vi phạm bản quyền tác giả lại có những nghệ sĩ tên tuổi, được công chúng yêu mến như Lệ Quyên, Đàm Vĩnh Hưng, Quang Hà, Ưng Hoàng Phúc, Bằng Kiều….và cả những nghệ sĩ hải ngoại nổi tiếng như Chế Linh, Khánh Ly, Như Quỳnh…
Có thể kể đến các liveshow như "Liveshow giọng ca vàng hải ngoại Chế Linh "Ai cho tôi tình yêu" (ngày 5/3/2016) tại Đồng Nai; Liveshow giọng ca vàng hải ngoại Chế Linh "30 năm tái ngộ 1 lần" (ngày 19/3/2016) tại An Giang; Liveshow giọng ca vàng hải ngoại Chế Linh "Con đường xưa em đi" ngày (21/04/2018) tại Cà Mau; Dạ tiệc Liveshow Đàm Vĩnh Hưng - Lệ Quyên chủ đề "Đêm tâm sự" với 6 chương trình diễn ra tại Đà Nẵng, Gia Lai, Đắk Lắk, Thái Nguyên, Nam Định, Thanh Hóa…trong năm 2018 đều vi phạm bản quyền tác giả.
Đó chỉ là một vài trường hợp trong hàng trăm trường hợp vi phạm mà VCPMC thống kê với các chương trình biểu diễn nghệ thuật. Còn trong các sản phẩm âm nhạc của các nghệ sĩ Việt Nam, cũng không thiếu những trường hợp "vay mượn" mà các nghệ sĩ nước ngoài phải lên tiếng vì vi phạm bản quyền tác giả.
Có quy định truy tố trách nhiệm hình sự
Đã có nhiều quốc gia thực hiện truy cứu trách nhiệm hình sự với doanh nghiệp vi phạm sở hữu trí tuệ. Theo thống kê, hiện nay có 119 quốc gia đã quy định trách nhiệm hình sự với doanh nghiệp về xâm phạm sở hữu trí tuệ, trong đó riêng khu vực ASEAN cũng có 6 quốc gia gồm Singapore, Malaysia, Thái Lan, Indonesia, Philippinnes và Campuchia.
Ở Việt Nam, theo quy định trong Bộ luật Hình sự sửa đổi có hiệu lực từ ngày 1-1-2018, các doanh nghiệp vi phạm sở hữu trí tuệ, trong đó có bản quyền phần mềm có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Luật Sở hữu trí tuệ (SHTT) và các văn bản pháp lý khác tại Việt Nam cũng đã có quy định rõ về các căn cứ để xác lập quyền sở hữu trí tuệ và đối tượng bảo vệ quyền SHTT. Trong bối cảnh hội nhập kinh tế và cạnh tranh toàn cầu, vấn đề bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ nói chung, quyền tác giả âm nhạc nói riêng rất quan trọng để Việt Nam hội nhập quốc tế. Bất kỳ tổ chức, cá nhân có hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ của tổ chức, cá nhân khác thì tùy theo tính chất, mức độ xâm phạm, có thể bị xử lý bằng biện pháp dân sự, hành chính hoặc hình sự. Tuy nhiên, đối với những vụ việc liên quan đến các tổ chức quốc tế thì những điều khoản nào trong Luật SHTT của Việt Nam không có sự đồng nhất với các điều khoản quốc tế thì sẽ được áp dụng theo luật quốc tế.
Việc vi phạm bản quyền còn phổ biến và các vụ việc chưa được xử lý rốt ráo, có tính răn đe là một thực tế đã được nêu ra tại Hội thảo về thực thi quyền tác giả quyền liên quan ở Việt Nam do Cục Bản quyền tác giả tổ chức.
Tại hội thảo này, ông Nguyễn Quang Đồng, Viện trưởng Viện nghiên cứu Chính sách và Phát triển Truyền thông, Hội truyền thông số Việt Nam đánh giá, hệ thống pháp luật về thực thi bản quyền trí tuệ của Việt Nam hiện nay đã đầy đủ và không thua kém các nước trên thế giới nhưng việc thực thi pháp luật của người dân Việt Nam lại rất đáng báo động. Đa phần các vụ việc chỉ dừng lại ở xử phạt hành chính chứ không có mấy vụ được đưa ra tòa án phân xử. Chính thái độ không dứt khoát, nể nang của các đơn vị chủ quản về bản quyền đã dung dưỡng cho thói quen dùng "của chùa" của người Việt. Vì thế, về lâu dài, ông Nguyễn Quang Đồng ủng hộ việc đưa các vụ việc ra phân xử trước pháp luật để mang tính răn đe cho nhiều người.
Chung kết Hoa hậu Hoàn vũ 2018 cũng bị cho là vi phạm bản quyền tác giả âm nhạc
... Nhưng tòa án còn né xử vi phạm bản quyền?
Đáng tiếc là tình trạng "nhờn luật" diễn ra phổ biến bởi những vụ việc được phát hiện, phía đại diện các nhạc sĩ bị vi phạm bản quyền gửi hồ sơ ra tòa, nhưng tòa án đưa các vụ việc vào tình trạng "giải quyết kéo dài" và không xử lý.
Nhạc sĩ Đinh Trung Cẩn- Tổng giám đốc VCPMC chia sẻ: "Trong khi ca sĩ nổi tiếng có thể thu về 400-500 triệu đồng/show, bầu sô có thể bán hai, ba chục triệu một cặp vé, mua được nhà lầu xe hơi. Nhưng ai là người cung cấp tác phẩm để họ kiếm lời, nếu không phải là nhạc sĩ? Vậy mà khi trả tiền tác quyền thì họ tìm đủ mọi cách tránh né, thậm chí chửi bới um sùm. Thử hỏi các nhạc sĩ có đau lòng không? Chúng tôi nhận thấy vô vàn hệ lụy nếu không bảo vệ được bản quyền cho người sáng tác".
Nhạc sĩ của "Tổ quốc gọi tên mình" cũng cho biết: "VCPMC đã khởi kiện 8 chương trình biểu diễn vi phạm quyền tác giả ra tòa từ năm 2018. Nhưng đến nay chưa vụ án nào trong số này được xét xử, chưa kể một số vụ cũng chưa được Tòa án thụ lý theo thủ tục".
Rõ ràng, hành lang pháp lý đã có, nhưng ý thức và nhận thức về Luật Sở hữu trí tuệ của người dân chưa thực sự được nâng cao. Trong khi tình trạng vi phạm bản quyền chỉ thực sự được hạn chế khi người dân, người nghệ sĩ ý thức được hành động "sử dụng chùa", "xem chùa", "thưởng thức chùa" là ảnh hưởng trực tiếp đến đội ngũ sáng tác, ảnh hưởng tới lợi ích quốc gia./.