"Về nguồn" tìm hiểu văn hóa truyền thống
06/08/2018 | 15:20Đây là hoạt động nằm trong khuôn khổ chương trình “Về nguồn” 2018 do Trung tâm Văn hóa Hà Nội (thuộc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội) phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức.
Theo đó, về nguồn 2018 là một bức tranh thu nhỏ về 5 loại hình nghệ thuật truyền thống của Hà Nội gồm: Múa trống bồng, hát văn, chèo, xẩm, ca trù.
Múa "con đĩ đánh bồng". Ảnh: Bảo Trung
Với mục tiêu “Giữ lại giá trị cốt lõi ở hiện tại, duy trì và phát triển ở tương lai”, chương trình về nguồn 2018 muốn gửi gắm thông điệp tới thế hệ người trẻ Việt nói riêng và những người yêu nghệ thuật truyền thống nói chung trong công cuộc bảo tồn các giá trị văn hóa của dân tộc. Xuất phát từ mục tiêu đó, năm nay Ban tổ chức hướng tới tính tập trung, kế thừa và sự phát triển bền vững thông qua việc chia sẻ và truyền dạy. 5 loại hình nghệ thuật truyền thống của Hà Nội, tương đương với 5 số trải nghiệm mà Nhân vật trải nghiệm sẽ được chọn lựa để tham gia, dựa trên sự yêu thích và phù hợp của mỗi cá nhân tại CLB ca trù Chanh Thôn, đội múa trống bồng làng Triều Khúc, các CLB xẩm, chèo tại Hà Nội…. Từ đó, truyền cảm hứng tới những người trẻ quan tam và yêu thích văn hóa truyền thống.
Dự kiến, chương trình trải nghiệm sẽ diễn ra từ 6/8 – 31/8 và mở đầu là trải nghiệm tham gia múa “Con đĩ đánh bồng” tại đội múa làng Triều Khúc.
Hội làng Triều Khúc bắt nguồn từ tích kể lại khi Bố Cái đại vương Phùng Hưng khởi nghĩa đánh đuổi giặc Đường, mỗi khi thắng trận để tổ chức ăn mừng chiến thắng và khích lệ tinh thần của nghĩa quân, ông cho trai tráng là binh sĩ đóng giả gái đeo trống nhỏ để múa hát và điệu múa trống Bồng bắt nguồn từ đó. Tham gia múa, các chàng trai sẽ được trang điểm sao cho giống con gái trong bộ quần áo mớ ba mớ bảy với má phấn, môi son, khăn đỏ mỏ quạ. Khi múa, các “con đĩ” sẽ vừa nhún nhảy, miệng cười tươi, tay vỗ trống rất cuốn hút khán giả./.
Gia Linh (t/h)