Văn học, nghệ thuật tỉnh Long An: 50 năm phát triển toàn diện và bền vững
02/07/2025 | 09:32Suốt 50 năm qua, hoạt động văn học, nghệ thuật của tỉnh Long An (cũ) có sự phát triển toàn diện, ngày càng khẳng định vị trí, vai trò quan trọng, là lĩnh vực đặc biệt tinh tế của văn hóa.
Theo báo cáo của tỉnh Long An, suốt 50 năm qua, hoạt động văn học, nghệ thuật của tỉnh có sự phát triển toàn diện, ngày càng khẳng định vị trí, vai trò quan trọng, là lĩnh vực đặc biệt tinh tế của văn hóa. Dòng mạch chính trong sáng tác là chủ nghĩa yêu nước và nhân dân, vừa phản ánh lịch sử truyền thống của quê hương, vừa mang hơi thở cuộc sống đương đại… Sự đa dạng về nội dung và phương thức thể hiện là một bước phát triển mới của văn hóa, nghệ thuật của tỉnh.
Trong những năm qua, Tỉnh cũng đã tổ chức nhiều hoạt động sáng tạo văn học, nghệ thuật như: tổ chức các cuộc thi sáng tác, các hoạt động biểu diễn, giao lưu, quảng bá… góp phần giữ gìn truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc, địa phương, làm phong phú, sinh động và sâu sắc hơn đời sống văn học, nghệ thuật của tỉnh.
Đến nay, Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật tỉnh có hơn 520 hội viên thuộc 9 lĩnh vực, trong đó, có 1 nghệ sĩ nhân dân, 9 nghệ sĩ ưu tú, 1 nghệ nhân nhân dân và 10 nghệ nhân ưu tú.

Đoàn Nghệ thuật Cải lương Long An đã dàn dựng và biểu diễn hơn 3.600 suất diễn, khoảng 100 suất diễn mỗi năm phục vụ nhân dân
Hiện nay, tỉnh có 2 đơn vị nghệ thuật chuyên nghiệp là Đoàn Nghệ thuật Cải lương Long An và Trung tâm Văn hóa Nghệ thuật tỉnh (trong đó có Đoàn Xiếc nhân dân Long An).
Trải qua 50 năm xây dựng và phát triển, Đoàn Nghệ thuật Cải lương Long An đã dàn dựng và biểu diễn hơn 3.600 suất diễn, khoảng 100 suất diễn mỗi năm phục vụ nhân dân, chiến sĩ vùng biên giới và thường xuyên giao lưu nghệ thuật với các đơn vị nghệ thuật của các tỉnh, thành bạn, thu hút đông đảo khán giả đến xem, ủng hộ. Bên cạnh đó, trong hơn 40 năm thành lập, Đoàn Xiếc nhân dân Long An đã dàn dựng nhiều tiết mục biểu diễn hay, đoạt giải tại các kỳ liên hoan xiếc khu vực và toàn quốc, tham gia biểu diễn tại một số nước, tạo dấu ấn tốt đẹp đối với khán giả.
Song song với đó, Trung tâm Văn hóa Nghệ thuật tỉnh phối hợp biểu diễn hơn 3.800 chương trình nghệ thuật với nhiều hình thức đa dạng, phong phú, thu hút hơn 1.200.000 lượt dự xem, gặt hái được 200 huy chương vàng, gần 300 huy chương bạc cùng nhiều giải thưởng khác. Ngoài ra, hàng năm, các trung tâm văn hóa, thể thao và học tập cộng đồng xã tổ chức hơn 500 cuộc sinh hoạt văn hóa, văn nghệ; các nhà văn hóa ấp, khu phố tổ chức hơn 1.000 đêm văn nghệ tại các khu dân cư; gần 1.000 câu lạc bộ, đội, nhóm văn nghệ được thành lập, góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân ở khu dân cư, nhất là vùng biên giới, vùng sâu, vùng xa. Các loại hình nghệ thuật trình diễn dân gian như đờn ca tài tử, nhạc lễ, hát bội, múa bóng rỗi,… được chú trọng bảo tồn và phát huy….
Tuy nhiên, bên cạnh nhưng kết quả đạt được, trong quá trình xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật của tỉnh Long An vẫn còn một số hạn chế như: Một số cấp ủy, chính quyền chưa có sự quan tâm đúng mức đối với công tác lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện về lĩnh vực văn học, nghệ thuật; Đội ngũ cán bộ, lãnh đạo, quản lý về lĩnh vực văn học, nghệ thuật chưa đáp ứng tốt yêu cầu ngày càng cao trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0; Số lượng tác phẩm có giá trị về tư tưởng và nghệ thuật cao, tạo được sức lan tỏa sâu rộng còn ít…
Qua đó, để tiếp tục phát triển văn học nghệ thuật trong thời gian tới, tỉnh Long An sẽ tiếp tục nâng cao nhận thức của các cấp ủy, chính quyền về vị trí, vai trò quan trọng của văn học, nghệ thuật; Nâng cao chất lượng, hiệu quả các hoạt động văn học, nghệ thuật, trong đó chú trọng việc giữ gìn và phát huy các loại hình văn học, nghệ thuật truyền thống…; Tăng cường đầu tư cho hoạt động văn học, nghệ thuật, đẩy mạnh phong trào sáng tạo và quảng bá tác phẩm văn học, nghệ thuật; Xây dựng đội ngũ văn nghệ sĩ của tỉnh phát triển toàn diện cả về số lượng và chất lượng…./.