Tin tức và Sự kiện

Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

Văn hóa thành trung tâm trong chính sách phát triển của Hà Nội

12/04/2019 | 21:45

Làm việc với thành phố Hà Nội, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng đề nghị thành phố xác định xây dựng và phát triển văn hóa, con người là nhiệm vụ quan trọng, đồng thời phải chú trọng vào những vấn đề xã hội đang bức xúc như đạo đức trong gia đình, nhà trường...

Văn hóa thành trung tâm trong chính sách phát triển của Hà Nội - Ảnh 1.

Đồng chí Võ Văn Thưởng phát biểu tại buổi làm việc với Thành ủy Hà Nội

Ngày 12-4, Đoàn kiểm tra Trung ương đã làm việc với Thành ủy Hà Nội về đánh giá 5 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 33 NQ/TW (Khóa XI) về “Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước”.

Đồng chí Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương - Trưởng ban chỉ đạo và đồng chí Hoàng Trung Hải, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội đồng chủ trì buổi làm việc.

Trình bày báo cáo của Thành ủy Hà Nội, Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy Nguyễn Văn Phong cho biết, Hà Nội luôn nhận thức sâu sắc vấn đề phát triển văn hóa vừa là nhiệm vụ trước mắt, vừa là nhiệm vụ cơ bản và lâu dài. Thành ủy Hà Nội cũng không ngừng đổi mới phương thức lãnh đạo và có hẳn một chương trình công tác lớn về phát triển văn hóa, con người.

Một số kết quả nổi bật của Thủ đô Hà Nội trong việc Thực hiện Nghị quyết số 33 được Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy Nguyễn Văn Phong chỉ ra, như: giao lưu và hội nhập quốc tế ngày càng phát triển và đi vào chiều sâu, góp phần quảng bá hình ảnh Thủ đô và con người Hà Nội với bạn bè quốc tế; Công tác quy hoạch và quản lý Nhà nước về văn hóa ngày càng đi vào nền nếp; Thành phố đã xây dựng 2 bộ Quy tắc ứng xử ở cơ quan và nơi công cộng...

Dù vậy, báo cáo của Thành ủy cũng như các ý kiến phát biểu tại buổi làm việc đã thẳng thắn chỉ ra một số tồn tại, hạn chế trong công tác này ở Thủ đô và kiến nghị Hà Nội cần đẩy mạnh hơn nữa sự quan tâm của các cấp trong lĩnh vực văn hóa; đẩy mạnh thực hiện công tác xã hội hóa các hoạt động văn hóa nghệ thuật...

Phát biểu kết luận tại buổi làm việc, đồng chí Võ Văn Thưởng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương - Trưởng đoàn kiểm tra nhấn mạnh, Đảng ta luôn coi trọng xây dựng và phát triển văn hóa, xem đây là mục tiêu bao trùm của sự nghiệp giải phóng dân tộc, xây dựng chủ nghĩa xã hội.

Văn hóa thành trung tâm trong chính sách phát triển của Hà Nội - Ảnh 2.

Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải phát biểu tại buổi làm việc

Ghi nhận và đánh giá cao những kết quả mà Hà Nội đã đạt được trong sự nghiệp xây dựng, phát triển văn hóa và con người Thủ đô, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng cho rằng, Hà Nội với bề dày truyền thống nghìn năm văn hiến, là Thủ đô của cả nước, nên mỗi nhiệm vụ thực hiện đều đặt ra những yêu cầu, đòi hỏi Đảng bộ và nhân dân phải nỗ lực phấn đấu cao hơn.

Theo đồng chí Võ Văn Thưởng, để thực hiện tốt hơn nữa Nghị quyết 33-NQ/TW và để tiếp tục xứng đáng là trung tâm văn hóa hàng đầu của cả nước, là nơi hội tụ, kết tinh, lan tỏa những giá trị cao quý nhất của dân tộc Việt Nam, thời gian tới Hà Nội cần kịp thời khắc phục một số tồn tại, yếu kém đã được chỉ ra.

Đồng thời, cần tăng cường phối hợp với các cơ quan Trung ương, giữa các ngành, các cấp, xác định xây dựng và phát triển văn hóa, con người là nhiệm vụ thường xuyên, quan trọng; chú trọng vào những vấn đề xã hội đang bức xúc như vấn đề con người, đạo đức xã hội, đạo đức trong gia đình, đạo đức trong nhà trường... Trước mắt, cần tăng cường đầu tư xây dựng đội ngũ cán bộ, nâng cao chất lượng quản lý, phát huy hiệu quả hoạt động của các thiết chế văn hóa các cấp…

Tiếp thu ý kiến của đoàn kiểm tra, Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải một lần nữa nhấn mạnh, văn hóa đang trở thành trung tâm trong chính sách phát triển của Hà Nội với quan điểm đảm bảo phát triển hài hòa giữa kinh tế và văn hóa, phát triển văn hóa vì sự hoàn thiện nhân cách con người và xây dựng con người để phát triển văn hóa. Tới đây, thành phố sẽ tiếp tục đổi mới và quyết tâm thực hiện Nghị quyết số 33 đạt kết quả cao hơn nữa.

Theo đó, Hà Nội sẽ tăng cường công tác xã hội hóa, thu hút đầu tư vào văn hóa - xã hội; Tăng cường đầu tư kinh phí cho các hoạt động, ưu tiên đầu tư xây dựng trường chuẩn quốc gia, nhất là tại những địa phương có chỉ tiêu trường chuẩn quốc gia đạt tỷ lệ thấp. Đồng thời, cần tăng cường kiểm tra, giám sát; tích cực đấu tranh ngăn chặn sự xâm nhập của các sản phẩm văn hóa độc hại, gây hủy hoại đạo đức xã hội.

“Thành ủy Hà Nội nghiêm túc tiếp thu ý kiến chỉ đạo của đoàn kiểm tra để bổ sung, hoàn thiện, cũng như xây dựng mới các văn bản chỉ đạo phù hợp với thực tiễn, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ của Trung ương, để xây dựng và phát triển văn hóa, con người Thủ đô xứng đáng với sứ mệnh lịch sử và vai trò tiêu biểu cho cả nước...” – Bí thư Thành ủy Hoàng Trung Hải nêu rõ.

Theo An ninh Thủ đô

Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×