Tin tức và Sự kiện

Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

Vấn đề bản quyền trong sáng tạo văn học - nghệ thuật ở Nam Định

17/06/2022 | 14:50

Nam Định là vùng đất văn hiến, sản sinh ra nhiều danh nhân văn hóa có tác phẩm, công trình nghiên cứu văn học - nghệ thuật (VHNT) nổi tiếng, có sức sống lâu bền và sự lan tỏa mạnh mẽ trong lịch sử văn hóa dân tộc và trên thế giới. Đến nay toàn tỉnh có 9 văn nghệ sĩ đạt Giải thưởng Hồ Chí Minh về VHNT, 26 văn nghệ sĩ đạt Giải thưởng Nhà nước về VHNT.

Bên cạnh các tác giả đạt giải, mỗi năm có hàng trăm tác phẩm, công trình nghiên cứu VHNT của các tác giả Nam Định được sáng tác, xuất bản và công bố. Khi dân trí được nâng cao, nhất là sự bùng nổ thông tin thời đại 4.0, việc khai thác đối tượng sáng tác, sự giao lưu, giao thoa các nguồn tư liệu sáng tác VHNT là nhu cầu tất yếu mang tính khách quan, phức tạp. Việc đăng ký bản quyền, bảo hộ quyền tác giả và tăng cường kiểm soát thực thi pháp luật về tác quyền để ngăn ngừa, chống xâm phạm bản quyền là hết sức quan trọng.

Vấn đề bản quyền trong sáng tạo văn học - nghệ thuật ở Nam Định - Ảnh 1.

Tác phẩm ảnh nghệ thuật “Hoa cót” của NSNA Đinh Duy Quang (Giao Thủy) đã được đăng ký bảo hộ quyền tác giả. Ản

Luật Sở hữu trí tuệ quy định rõ đối tượng quyền tác giả bao gồm: tác phẩm VHNT, khoa học. Đối tượng quyền liên quan đến quyền tác giả bao gồm: cuộc biểu diễn, bản ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng… Trong đó, khái niệm về bản quyền được khẳng định là hình thức bảo hộ của luật pháp đối với các tác phẩm gốc của tác giả, gồm các tác phẩm: văn học, sân khấu, âm nhạc, điện ảnh, mỹ thuật, báo chí, khoa học và các tác phẩm trí tuệ khác. Chủ sở hữu tác phẩm có toàn quyền thực hiện và cho phép người khác thực hiện: Tái sản xuất tác phẩm dưới dạng bản sao hoặc bản lưu giữ âm thanh; sáng tạo tác phẩm phát sinh dựa trên tác phẩm đó; phân phối bản sao hoặc bản lưu giữ âm thanh của tác phẩm tới công chúng dưới hình thức bán, chuyển nhượng quyền sở hữu hoặc cho thuê mướn; trình diễn, trưng bày công khai tác phẩm. Từ năm 2021 đến nay, Sở VH, TT và DL đã hỗ trợ, hướng dẫn các đơn vị nghệ thuật, các văn nghệ sĩ trong tỉnh thực hiện thủ tục đăng ký bản quyền tác giả và quyền liên quan đảm bảo công khai, minh bạch, góp phần nâng cao hiệu lực thực thi và bảo hộ các hoạt động sáng tạo, nâng cao chất lượng sáng tác, biểu diễn, quảng bá, giới thiệu các sản phẩm văn hóa, văn học, nghệ thuật tại địa phương. Hiện tại, Sở VH, TT và DL đang triển khai Dự án “Tuyên truyền nâng cao nhận thức và hỗ trợ đăng ký, phát triển quyền sở hữu trí tuệ đối với bản quyền tác giả, quyền liên quan trên địa bàn tỉnh”. Dự án đã nhận được sự tham gia của đông đảo tác giả ở các lĩnh vực: văn học, nhiếp ảnh, âm nhạc, báo chí… với hàng trăm tác phẩm đã được bảo hộ quyền tác giả và quyền liên quan.

Thạc sĩ  Nguyễn Công Thành, Chủ tịch Hội VHNT tỉnh cho biết: Trong những năm qua, Đảng, Nhà nước đặc biệt quan tâm đến vấn đề bảo hộ quyền tác giả và quyền liên quan đến các tác phẩm, công trình nghiên cứu VHNT nhằm bảo vệ thành quả lao động, sáng tạo của các tác giả. Chính vì vậy, VHNT trong cả nước nói chung, tỉnh ta nói riêng phát triển lành mạnh, góp phần xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Nhận thức về văn hóa của các văn nghệ sĩ, những người làm công tác văn hóa ngày càng rõ nét, toàn diện và sâu sắc trên các lĩnh vực, các loại hình VHNT. Sản phẩm văn hóa ngày càng đổi mới, đa dạng, phong phú, đáp ứng yêu cầu của xã hội trong tình hình mới. Giá trị văn hóa truyền thống được kế thừa, bảo tồn và phát huy. Các hình thức và phương tiện chuyển tải VHNT ngày càng hiện đại, phổ biến. VHNT có tác động không nhỏ đến chính trị, kinh tế - xã hội, trở thành món ăn tinh thần không thể thiếu của các tầng lớp nhân dân. Tuy nhiên, hoạt động thực thi bảo hộ quyền tác giả và quyền liên quan trong lĩnh vực văn hóa, VHNT ở nước ta trong những năm qua còn bộc lộ một số hạn chế, bất cập; các hành vi vi phạm bản quyền vẫn diễn biến phức tạp. Tình trạng chuyển thể từ tác phẩm văn học thành phim điện ảnh vi phạm quyền tác giả như: không xin phép tác giả, không đề tên tác giả kịch bản ở một số đơn vị sản xuất, phát hành phim vẫn diễn ra phổ biến; trong đó có tác phẩm truyện ngắn, tiểu thuyết của các nhà văn Nam Định. Một số tác phẩm thơ được công bố, sao in không đúng tên người sáng tác, gây bức xúc cho tác giả… Sự việc điển hình như ca khúc “Tiến Quân Ca” - Quốc ca, sáng tác của cố nhạc sĩ Văn Cao, quê xã Liên Minh (Vụ Bản). Ca khúc này được thu thanh trước năm 1975, được tác giả và gia đình hiến tặng cho nhân dân và Tổ quốc nhưng lại bị Công ty Cổ phần Thương mại và dịch vụ truyền thông BH Media xác nhận sở hữu bản quyền trên nền tảng số năm 2021. Sự việc này đã gây bức xúc trong dư luận xã hội thời gian qua. Không riêng ở Nam Định, hiện nay vấn đề bản quyền trong VHNT trên cả nước chủ yếu là vi phạm bản quyền trực tuyến. Tình trạng sử dụng ghi âm, ghi hình các tác phẩm thuộc quyền sở hữu ngày càng tinh vi. Nhờ ứng dụng công nghệ thông tin và các phần mềm chuyên dụng, các sản phẩm công nghiệp văn hóa đều được số hóa nên khả năng bị sao chép rất cao. Các đĩa in sao lậu được bày bán tràn lan, phim lậu được số hóa lưu truyền phổ biến trên internet. Hiện tượng những cuốn sách bán chạy, ngay lập tức bị các nhà in tư nhân sao chép bằng hình thức scan, photo, ấn bản e-book bán ra thị trường với chất lượng kém hơn rất nhiều so với sách chính thống nhưng do giá rẻ hơn nên vẫn có nhiều người mua.

Để phát huy sự sáng tạo của các tác giả trong sáng tác, biểu diễn, giới thiệu, quảng bá VHNT thời kỳ phát triển “ngành công nghiệp văn hóa”, thời gian tới, ngành VH, TT và DL tiếp tục quan tâm đến việc bảo vệ quyền tác giả và quyền liên quan; tăng cường kiểm soát thực thi pháp luật về tác quyền trong lĩnh vực văn hóa. Trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0, các sản phẩm liên quan đến thương hiệu, nhãn hiệu, uy tín, phát minh, sáng chế… là những “đứa con tinh thần” và là tài sản “vô hình” của các tác giả, Những sáng tạo gắn với cá nhân và quyền lợi phải được quan tâm, coi trọng. Việc thực thi bảo hộ quyền tác giả sẽ góp phần gia tăng động lực sáng tạo, đem lại sự công bằng trong đãi ngộ thành quả lao động của đội ngũ văn nghệ sĩ sáng tác. Đây là “yếu tố nội sinh” đóng vai trò quan trọng trong sự nghiệp phát triển văn hóa thời kỳ mới. Cùng với đó, lợi ích từ việc khai thác bản quyền là rất lớn khi thương mại hóa những tác phẩm đã được bảo hộ tác quyền. Tác giả sẽ có thu nhập từ việc bán, chuyển nhượng quyền sở hữu với những tác phẩm mình sáng tạo ra. Sự sáng tạo trong VHNT phần lớn mang dấu ấn cá nhân của các văn nghệ sĩ nhưng đã kết tinh thành các tác phẩm, công trình VHNT có giá trị, được sản xuất, giới thiệu, tuyên truyền rộng rãi đến công chúng. Thực thi tốt việc bảo hộ quyền tác giả và quyền liên quan sẽ giúp các văn nghệ sĩ nâng cao tư duy, quan niệm và triết lý sáng tạo VHNT, góp phần xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, văn minh phù hợp với nền kinh tế số và sự phát triển xã hội bền vững./.

Theo Báo Nam Định

Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×