Tuyên truyền, cổ động trực quan kỷ niệm các ngày lễ lớn của đất nước
26/04/2020 | 12:50Tuyên truyền, cổ động trực quan kỷ niệm các ngày lễ lớn của đất nước; Tổ chức các hoạt động kỷ niệm 130 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh; Nâng cấp, đầu tư hệ thống thư viện… là những thông tin văn hóa nổi bật trên địa bàn thành phố Hà Nội trong những ngày qua.
Tuyên truyền kỷ niệm 45 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước
UBND quận Hai Bà Trưng vừa ban hành Kế hoạch số 74/KH-UBND về Tổ chức các hoạt động trang trí, tuyên truyền kỷ niệm 45 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2020); 134 năm Ngày Quốc tế lao động (01/5/1886 - 01/5/2020) và 66 năm Ngày chiến thắng Điện Biên Phủ (07/5/1954 - 07/5/2020).
Theo đó, quận sẽ tuyên truyền, trang trí, cổ động trực quan tại các khu trung tâm trên địa bàn quận, các tuyến đường chính, trụ sở các công sở, cơ quan, xí nghiệp, trường học, đơn vị lực lượng vũ trang, các điểm văn hóa - thể thao - du lịch gồm các hình thức: các cụm panô, banner, cờ phướn, biểu ngữ,... theo nội dung, makét mỹ thuật đã được Thành phố phê duyệt, làm đẹp cảnh quan đô thị tạo nên không khí sôi nổi của ngày hội trong những ngày kỷ niệm.
Biên soạn và cung cấp tài liệu tuyên truyền kỷ niệm 45 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4), 134 năm Ngày Quốc tế lao động (1/5), 66 năm Ngày chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ (7/5) phục vụ sinh hoạt của nhân dân tại các địa bàn dân cư, tổ dân phố.
Tổ chức điểm thông tin tuyên truyền và đoàn xe cổ động, giáo dục truyền thống kỷ niệm 45 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4), 134 năm Ngày Quốc tế lao động (1/5), 66 năm Ngày chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ (7/5).
Ngoài ra, quận cũng tổ chức các hoạt động giáo dục truyền thống thông qua các hình thức văn hoá, văn nghệ, TDTT phù hợp, trong điều kiện cho phép tuyên truyền ý nghĩa của các Ngày chiến thắng 30/4 và 7/5, đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước, hưởng ứng cuộc vận động "Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh", xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh.
Tổ chức các hoạt động kỷ niệm 130 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh
Mới đây, Huyện ủy Phú Xuyên đã ban hành Kế hoạch số 227-KH/HU tổ chức triển khai, thực hiện các hoạt động kỷ niệm 130 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890-19/5/2020).
Theo đó, Huyện ủy yêu cầu các cấp, các ngành đẩy mạnh tuyên truyền sâu rộng trong cán bộ, đảng viên và Nhân dân về tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; thân thế, cuộc đời, sự nghiệp cách mạng vẻ vang của Người; tôn vinh và tri ân sâu sắc công lao, cống hiến vĩ đại của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với cách mạng Việt Nam; những kết quả nổi bật trong 5 năm thực hiện Nghị quyết đại hội Đảng các cấp, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XXIV, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Thành phố lần thứ XVI và Nghị quyết Đại hội XII của Đảng. Thể hiện lòng thành kính tưởng nhớ, tri ân sâu sắc của Nhân dân huyện, Thủ đô, đất nước và tình cảm yêu mến, kính trọng của Nhân dân các nước trên thế giới đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Khẳng định giá trị lý luận, thực tiễn sâu sắc, sức sống trường tồn của tư tưởng Hồ Chí Minh; phân tích làm rõ sự vận dụng và phát triển sáng tạo tư tưởng của Người trong công cuộc đổi mới, CNHHĐH huyện, Thủ đô, đất nước và hội nhập quốc tế.
Để thực hiện tốt công tác tuyên truyền, Huyện ủy Phú Xuyên đã giao Ban Tuyên giáo Huyện ủy tham mưu triển khai thực hiện Kế hoạch, có trách nhiệm hướng dẫn, chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc các địa phương, đơn vị triển khai thực hiện Kế hoạch của Ban Thường vụ Huyện ủy. Chỉ đạo triển khai công tác thông tin, tuyên truyền trong toàn Đảng bộ, định hướng tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng; chỉ đạo các cơ quan, đơn vị tổ chức giao lưu, tọa đàm,...
Ngoài ra, chỉ đạo các cơ quan thông tin, tuyên truyền của huyện xây dựng các tiết mục, tổ chức biên soạn, đăng tải bài viết tuyên truyền về các hoạt động kỷ niệm 130 năm Ngày sinh của Bác. Căn cứ kế hoạch của Huyện ủy, chủ động xây dựng hướng dẫn cụ thể triển khai thực hiện. Chỉ đạo công tác tuyên truyền, sinh hoạt chính trị, tổ chức hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao; hội nghị, giao lưu, tọa đàm...; tôn tạo, tu sửa các di tích lịch sử, cách mạng, khu lưu niệm liên quan đến hoạt động của Chủ tịch Hồ Chí Minh, thiết thực kỷ niệm 130 năm Ngày sinh của Người.
Nâng cấp, đầu tư hệ thống thư viện
Để phát triển hơn nữa văn hóa đọc trong nhân dân, xây dựng một nếp sống tinh thần lành mạnh trên địa bàn quận, mới đây, UBND quận Đống Đa đã ban hành Kế hoạch số 105/KH-UBND về việc phát triển văn hóa đọc trên địa bàn quận đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.
Theo kế hoạch, đến năm 2025 quận Đống Đa sẽ nâng cấp, đầu tư hệ thống thư viện từ quận đến phường, đến thư viện của các cơ quan, đơn vị, trường học; tăng cường các hình thức tiếp cận, sử dụng thông tin, tri thức, đặc biệt là nâng cao hiệu quả văn hóa đọc; phấn đấu đạt 80% học sinh, học viên tại các cơ sở giáo dục sử dụng hệ thống thư viện thường xuyên.
Việc nâng cao kỹ năng đọc sẽ được triển khai thông qua tuyên truyền, tập huấn, hướng dẫn kỹ năng tiếp nhận và sử dụng thông tin, tri thức, vận động xây dựng văn hóa đọc từ mỗi gia đình, dòng họ, khu dân cư, tổ dân phổ, nhà trường… Khuyến khích phát triển thư viện tư nhân, tủ sách dòng họ, tủ sách gia đình, tủ sách khuyến học.
Phấn đấu mỗi cơ quan, doanh nghiệp, chung cư, khách sạn có ít nhất 01 tủ sách hoặc thư viện. Phấn đấu 40 -50% người dân có kỹ năng tiếp nhận và sử dụng thông tin, tri thức thông qua việc đọc. Phấn đấu 85% người sử dụng thư viện có kỹ năng tiếp cận và sử dụng thông tin, tri thức thông qua việc đọc để phục vụ học tập, lao động, nghiên cứu và giải trí.
Quận Đống Đa đặt mục tiêu tăng cường các hoạt động thư viện, phấn đấu đạt 01 bản sách/người dân trong hệ thống thư viện công cộng; mỗi người dân trung bình đọc 04 cuốn sách/năm. Phấn đấu 100% cơ sở giáo dục ở các bậc, cấp học có thư viện với vốn tài liệu phù hợp, trong đó, 100% trường ở cấp Tiểu học, 90% trường ở cấp Trung học cơ sở và Trung học phổ thông có thư viện đạt tiêu chuẩn theo quy định; 90% thư viện công cộng có vốn tài liệu tổng hợp đủ khả năng phục vụ cho mọi đối tượng, trong đó có bộ phận phục vụ thiếu nhi, người khuyết tật được quan tâm, tạo điều kiện để tiếp cận các xuất bản phẩm với hình thức phù hợp.
Hàng năm, quận Đống Đa sẽ tổ chức các hoạt động, sự kiện nhằm lan tỏa văn hóa đọc như: ngày hội đọc sách, các cuộc thi tìm hiểu về sách, kể chuyện sách, tham gia các sự kiện sách của thành phố… tạo điều kiện để mọi tầng lớp nhân dân có cơ hội tiếp cận với nhiều thể loại sách.
Mục tiêu quận Đống Đa đặt ra từ nay đến năm 2030: Tạo cho mỗi người dân có thói quen đọc và kỹ năng tiếp cận, sử dụng thông tin phục vụ học tập, giải trí; đẩy mạnh công tác tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành, các tổ chức xã hội và tầng lớp nhân dân về ý nghĩa và tầm quan trọng của việc phát triển văn hóa đọc. Đầu tư phát triển, nâng cao chất lượng hệ thống thư viện quận, phường để trở thành các trung tâm thông tin, văn hóa, giáo dục phục vụ cộng đồng. Xây dựng thói quen, trang bị kỹ năng và phương pháp đọc cho người dân.
Bên cạnh đó, đẩy mạnh xã hội hóa các hoạt động phát triển văn hóa đọc. Bồi dưỡng, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực phục vụ hoạt động văn hóa đọc, cụ thể là những người làm công tác thư viện sẽ được bồi dưỡng, tập huấn, nâng cao nghiệp vụ. Rà soát, đầu tư nâng cao chất lượng hệ thống thư viện trường học và nâng cao hiệu quả hoạt động của thư viện, phòng đọc sách cộng đồng tại các Trung tâm học tập cộng đồng, nhà sinh hoạt cộng đồng… Đẩy mạnh hoạt động luân chuyển sách, báo, tài liệu từ Quận tới cơ sở phục vụ cộng đồng.