Tin tức và Sự kiện

Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

Tuyên Quang sẵn sàng cho Lễ hội Đền Hạ, Đền Thượng, Đền Ỷ năm 2025

20/02/2025 | 09:06

Ủy ban Nhân dân thành phố Tuyên Quang tổ chức Lễ hội Đền Hạ, Đền Thượng, Đền Ỷ La năm 2025 từ ngày 09 - 15/3/2025 (tức 10/02 đến 16/02 âm lịch) tại các di tích Đền Hạ, Đền Thượng, Đền Ỷ La.

Tuyên Quang được biết đến không chỉ là vùng đất giàu truyền thống lịch sử mà còn nổi tiếng với văn hóa tâm linh đặc sắc, phong phú trong đời sống văn hóa tinh thần của người dân nơi đây. Nhằm bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa, đồng thời góp phần quảng bá hình ảnh du lịch Tuyên Quang, Ủy ban Nhân dân thành phố Tuyên Quang tổ chức Lễ hội Đền Hạ, Đền Thượng, Đền Ỷ La năm 2025 từ ngày 09 - 15/3/2025 (tức 10/02 đến 16/02 âm lịch) tại các di tích Đền Hạ, Đền Thượng, Đền Ỷ La.

Tuyên Quang sẵn sàng cho Lễ hội Đền Hạ, Đền Thượng, Đền Ỷ năm 2025 - Ảnh 1.

Lễ hội Đền Hạ, Đền Thượng và Đền Ỷ La - Nơi hội tụ tinh hoa văn hoá dân tộc

Lễ hội Đền Hạ, Đền Thượng, Đền Ỷ La năm 2025 là sự kiện văn hóa đặc sắc, gắn liền với tín ngưỡng thờ Mẫu - Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, được UNESCO công nhận, khẳng định giá trị lịch sử, văn hóa của các di tích quốc gia trên địa bàn thành phố Tuyên Quang. Đây là dịp để tôn vinh truyền thống tín ngưỡng dân gian, bày tỏ lòng thành kính đối với các bậc thánh thần, thể hiện lòng tri ân với các bậc tiền nhân; đồng thời là cơ hội để cùng bảo tồn và phát huy giá trị tín ngưỡng thờ Mẫu, tạo không gian giao lưu văn hóa và thúc đẩy phát triển du lịch, góp phần quảng bá hình ảnh Tuyên Quang - vùng đất giàu truyền thống lịch sử và văn hóa đến với bạn bè trong nước và quốc tế, đưa Tuyên Quang trở thành điểm đến hấp dẫn với du khách trong và ngoài nước.

Với mong muốn mang đến một không gian văn hóa phong phú, kết nối truyền thống với đời sống đương đại, Lễ hội năm nay không chỉ tái hiện những nghi thức tín ngưỡng đặc trưng mà còn mở rộng góc nhìn về di sản văn hóa trong phát triển du lịch bền vững. Với chủ đề “Tôn vinh tín ngưỡng thờ Mẫu và bản sắc văn hóa Tuyên Quang”, Lễ hội sẽ đưa công chúng khám phá chiều sâu của đạo Mẫu - dòng chảy tâm linh quan trọng trong đời sống tín ngưỡng của người dân Việt Nam, đặc biệt là tục thờ Mẫu Thoải tại vùng đất Tuyên Quang linh thiêng.

Tuyên Quang sẵn sàng cho Lễ hội Đền Hạ, Đền Thượng, Đền Ỷ năm 2025 - Ảnh 2.

Lễ rước Mẫu linh thiêng tại Lễ hội Đền Hạ, Đền Thượng và Đền Ỷ La

Nhiều hoạt động đặc sắc được tổ chức nhằm đem lại cho người dân Tuyên Quang và du khách đến từ mọi miền tổ quốc những trải nghiệm tại một lễ hội vừa kế thừa những nét đẹp truyền thống, vừa có thêm nhiều điểm nhấn mới mẻ.

Theo đó, phần lễ sẽ tái hiện đầy đủ các nghi thức rước Mẫu đặc trưng và tế lễ trang nghiêm giúp công chúng cảm nhận sự giao thoa giữa tâm linh và nghệ thuật. Phần hội sẽ mang đến những không gian trải nghiệm văn hóa sống động và giàu ý nghĩa như trình diễn hầu đồng, không gian Trà Xứ Tuyên, không gian trưng bày khăn chầu áo ngự, giới thiệu văn hóa thờ Mẫu thông qua màn hình tương tác, các hoạt động thể thao dân gian, tọa đàm với chủ đề “Phát huy giá trị truyền thống của Đạo Mẫu và Thiền Trúc Lâm trong đời sống tín ngưỡng của người dân Tuyên Quang”... Toạ  đàm tập trung thảo luận giá trị truyền thống của Đạo Mẫu và Thiền Trúc Lâm trong đời sống tín ngưỡng của người dân Tuyên Quang - những giải pháp bảo tồn và phát huy.

Tuyên Quang sẵn sàng cho Lễ hội Đền Hạ, Đền Thượng, Đền Ỷ năm 2025 - Ảnh 3.

Khám phá các hoạt động văn hoá đặc sắc trong Lễ hội

Đặc biệt, Lễ hội năm nay nhấn mạnh vai trò của tín ngưỡng trong phát triển du lịch bền vững, khuyến khích việc bảo tồn, phát huy và khai thác giá trị di sản để tạo động lực phát triển kinh tế - văn hóa cho cộng đồng.

Bà Vũ Quỳnh Loan, Phó Chủ tịch UBND thành phố Tuyên Quang, Trưởng Ban Tổ chức lễ hội cho biết: Lễ hội là cơ hội để Tuyên Quang khẳng định vị thế của mình trên bản đồ du lịch Việt Nam, trở thành điểm đến hấp dẫn, thu hút đông đảo du khách, đồng thời góp phần bảo tồn, phát huy những giá trị văn hóa truyền thống trong dòng chảy của thời đại. “Lễ hội năm 2025 sẽ có nhiều điểm mới đáng chú ý, vừa giữ gìn những nghi lễ truyền thống, vừa được tổ chức bài bản, chuyên nghiệp hơn để phù hợp với nhu cầu của du khách trong nước và quốc tế. Đồng thời, Tuyên Quang cũng chú trọng đến việc phát triển du lịch tâm linh bền vững, tạo điều kiện để du khách không chỉ hành hương chiêm bái mà còn được trải nghiệm sâu sắc hơn về bản sắc văn hóa. Chúng tôi kỳ vọng rằng, thông qua sự kiện này, hình ảnh Tuyên Quang không chỉ là “Thủ đô Khu Giải phóng”, “Thủ đô Kháng chiến”, mà còn là một điểm nhấn trên bản đồ du lịch văn hóa của cả nước, một trong những trung tâm du lịch tâm linh tiêu biểu của Việt Nam” - bà Vũ Quỳnh Loan chia sẻ thêm.

Lễ hội Đền Hạ, Đền Thượng và Đền Ỷ La năm 2025 chào đón đông đảo du khách, nhà nghiên cứu, phật tử và cộng đồng cùng đến tham dự, trải nghiệm và lan tỏa giá trị văn hóa truyền thống trong dòng chảy đương đại.

Thờ Mẫu là tín ngưỡng bản địa cổ xưa nhất của cư dân Bách Việt. Hầu hết các ngôi đền ở Tuyên Quang đều thờ Mẫu, riêng ở thành phố Tuyên Quang và vùng phụ cận có tới 14 ngôi đền thờ Mẫu (Tam tòa Thánh Mẫu: Mẫu Thượng Thiên, Mẫu Thượng Ngàn và Mẫu Thoải). Trong số đó, đền Hạ, đền Thượng và đền Ỷ La là ba ngôi đền cổ xưa nhất (đã được công nhận di tích cấp quốc gia) và cũng nổi danh là linh thiêng bậc nhất. Ba ngôi đền được xây dựng giữa thế kỷ XVIII và thế kỷ XIX để thờ Mẫu Thoải (Mẫu Thủy) - vị Thánh Mẫu được dân gian coi như người mẹ ban phát nguồn sống cho muôn loài, và cũng gắn liền với Lễ hội rước Mẫu. Lễ hội rước Mẫu đền Hạ, đền Thượng và đền Ỷ La ra đời và tồn tại từ rất lâu đời. Thánh Mẫu được thờ ở ba ngôi đền chính là tính “thiêng”, là hạt nhân của lễ hội. Nghi thức lễ rước uy nghi, có đầy đủ già, trẻ, gái, trai và khách thập phương tham dự. Hiện ở các đền này còn lưu giữ tổng cộng hơn 10 sắc phong từ triều Lê tới triều Nguyễn đề cao công đức của nhị vị Thánh Mẫu. Lễ hội Đền Hạ, Đền Thượng và Đền Ỷ La là dịp để nhân dân các dân tộc thành phố Tuyên Quang thành kính, tỏ lòng tri ân công đức Thánh Mẫu đã chở che cộng đồng các dân tộc sinh sống trên địa bàn. Đồng thời, cũng là dịp để người dân bày tỏ khát vọng của mình, cầu cho cuộc sống ấm no, hạnh phúc, nhân cường, vật thịnh, mưa thuận, gió hòa, mùa màng tươi tốt bội thu, nhà nhà an khang, thịnh vượng.

Theo Trung tâm Thông tin, Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam

Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×