Tuyên Quang: Phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng
13/08/2021 | 09:367 tháng đầu năm 2021, do ảnh hưởng của Covid-19 nên một số chỉ tiêu kế hoạch phát triển sự nghiệp văn hóa, thể thao và du lịch của Tuyên Quang đạt thấp so với kế hoạch; nhiều giải thể thao chưa tổ chức. Hoạt động dịch vụ du lịch bị đứt gãy do dịch bệnh bùng phát…
Một số nhiệm vụ được giao trong chương trình công tác của Tỉnh ủy, UBND tỉnh như: lập Quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi và phát huy giá trị đối với Khu di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Kim Bình; quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi và phát huy giá trị danh lam thắng cảnh quốc gia đặc biệt Khu bảo tồn thiên nhiên Na Hang - Lâm Bình chậm tiến độ do chưa được bố trí kinh phí để triển khai. Việc lập Hồ sơ di sản thiên nhiên Ba Bể (Bắc Kạn) - Na Hang (Tuyên Quang) trình UNESCO công nhận là di sản thiên nhiên thế giới còn gặp khó khăn do chưa thống nhất được với tỉnh Bắc Kạn về kinh phí triển khai thực hiện.
Để khắc phục hậu quả do dịch Covid-19 gây ra và thúc đẩy phát triển thời gian tới, tỉnh Tuyên Quang sẽ thực hiện Đề án phát triển du lịch thông minh và Đề án phát triển du lịch tâm linh, triển khai Quỹ phát triển du lịch; nâng cao chất lượng hoạt động đón khách tại các khu điểm du lịch; xây dựng các sản phẩm quà tặng; hỗ trợ người lao động hoạt động trong lĩnh vực du lịch vượt qua đại dịch; đẩy nhanh triển khai công tác tiêm phòng Covid-19 cho hướng dẫn viên du lịch, nhân viên phục vụ các cơ sở kinh doanh lữ hành, lưu trú; thực hiện quy chế khen thưởng vận động viên tham gia các nội dung của các bộ môn thể thao thành tích cao…
Tại buổi làm việc giữa Thường trực tỉnh ủy với Sở VHTTDL Tuyên Quang mới đây, Bí Thư Tỉnh ủy Chẩu Văn Lâm đề nghị ngành và các đơn vị, địa phương liên quan tập trung tham mưu cho Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện hiệu quả, sâu rộng những định hướng, chỉ đạo của Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Chính phủ và Bộ VHTTDL về văn hóa, thể thao và du lịch, nhất là về phát triển văn hóa, con người đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững. Trọng tâm là nâng cao hơn nữa nhận thức của cấp ủy, chính quyền, các tổ chức chính trị, xã hội và cán bộ, đảng viên và nhân dân về vai trò, ý nghĩa to lớn của văn hóa, thể thao và du lịch trong phát triển kinh tế - xã hội bền vững.
Ngành khẩn trương xây dựng, triển khai các chương trình, kế hoạch về phát triển văn hóa, thể thao và du lịch mà Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Nghị quyết đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII và các Nghị quyết, kết luận, chương trình đề án của BCH Đảng bộ tỉnh, Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đề ra. Tham mưu và triển khai các nhiệm vụ, giải pháp, tạo bước đột phá về phát triển văn hóa trên địa bàn tỉnh; triển khai sâu rộng và hiệu quả hơn nữa công tác bảo tồn, phát huy giá trị di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh, văn hóa truyền thống các dân tộc trong tỉnh gắn với phát triển du lịch. Trong đó, lập phương án phát huy giá trị lịch sử Khu di tích quốc gia đặc biệt Tân Trào (Sơn Dương), Kim Bình (Chiêm Hóa), xây dựng các khu di tích này là một trong những trung tâm tham quan, giáo dục truyền thống, lịch sử cách mạng quan trọng cho nhân dân.
Đồng thời, đẩy mạnh phát triển phong trào thể dục, thể thao; khẩn trương xây dựng chương trình, kế hoạch cụ thể hóa Nghị quyết 29 của BCH Đảng bộ tỉnh về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng của tỉnh. Chú trọng nâng cao chất lượng các sản phẩm du lịch hiện có, xây dựng các sản phẩm du lịch mới, tập trung vào các sản phẩm lợi thế, đặc trưng của địa phương. Khuyến khích thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào phát triển du lịch; nâng cao hiệu quả xúc tiến, quảng bá tiềm năng, thế mạnh phát triển du lịch của tỉnh bằng nhiều kênh thông tin, chú trọng tuyên truyền qua mạng xã hội, có cơ chế để doanh nghiệp và những người thành danh có ảnh hưởng lớn tham gia tuyên truyền, quảng bá hình ảnh con người và mảnh đất Tuyên Quang…