Tuyên Quang: Phát huy các di tích lịch sử trong phát triển du lịch
16/08/2024 | 10:51Hiếm có địa phương nào trong cả nước như đất Tuyên Quang - nơi được coi là trái tim của chiến khu Việt Bắc, Thủ đô Khu Giải phóng - Thủ đô Kháng chiến trong thời kỳ chống thực dân Pháp xâm lược. Mỗi tên đất, tên làng ở đây đều gắn với lịch sử cách mạng hào hùng, anh dũng của dân tộc.
Bảo tàng cách mạng của cả nước
Theo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, toàn tỉnh hiện có 660 di tích lịch sử, văn hóa và danh lam thắng cảnh, trong đó có 271 di tích cấp tỉnh, 182 di tích quốc gia, 3 di tích Quốc gia đặc biệt, 1 bảo vật quốc gia. Nếu tính theo loại hình thì có 474 di tích lịch sử, 78 di tích kiến trúc nghệ thuật, 51 di tích khảo cổ, 57 danh lam thắng cảnh.
Tỉnh có 3 di tích quốc gia đặc biệt là Khu di tích Quốc gia đặc biệt Tân Trào (Sơn Dương), Khu di tích Quốc gia đặc biệt Kim Bình (Chiêm Hóa), Danh thắng quốc gia đặc biệt Khu bảo tồn thiên nhiên Na Hang - Lâm Bình. Ở Tuyên Quang có nhiều loại hình du lịch, song tỉnh chú ý đặc biệt đến du lịch về nguồn, phát huy giá trị các di tích lịch sử cách mạng. Đây có lẽ là loại hình du lịch nổi trội, đặc sắc bậc nhất mà Tuyên Quang có được.
Với vị thế chiến lược quan trọng trong suốt chiều dài dựng nước và giữ nước của dân tộc, tỉnh Tuyên Quang được ví như một “bảo tàng cách mạng” của cả nước, là kho tư liệu vô giá của lịch sử Đảng và cách mạng Việt Nam. Trong lịch sử đấu tranh, bảo vệ và xây dựng đất nước của dân tộc, tỉnh Tuyên Quang vinh dự được Trung ương Đảng và Bác Hồ hai lần chọn làm Thủ đô lãnh đạo cách mạng, đó là: “Thủ đô Khu Giải phóng” lãnh đạo thành công cuộc Cách mạng Tháng Tám năm 1945; “Thủ đô Kháng chiến” lãnh đạo thành công cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, đỉnh cao là chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”.
Tuyên Quang cũng là nơi Bác Hồ đã sống, làm việc gần 6 năm; có 65 Bộ, Ban, ngành, cơ quan Trung ương (13/14 bộ và cơ quan ngang Bộ) đóng trụ sở trong thời kỳ kháng chiến. Tại đây, nhiều sự kiện lịch sử trọng đại của cách mạng, của dân tộc đã diễn ra, nổi bật là: Hội nghị toàn quốc của Đảng và Quốc dân Đại hội Tân Trào, tiền thân của Quốc hội hiện nay, tán thành chủ trương tổng khởi nghĩa, thành lập Ủy ban Giải phóng dân tộc, tức Chính phủ lâm thời do đồng chí Hồ Chí Minh làm Chủ tịch, thông qua Mười chính sách lớn của Việt Minh; quyết định Quốc kỳ, Quốc ca của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, nay là nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Dưới bóng đa Tân Trào lịch sử, đồng chí Võ Nguyên Giáp đọc Bản Quân lệnh số 01 chỉ huy đơn vị Giải phóng quân tiến về Hà Nội, mở đầu cho thắng lợi Cách mạng Tháng Tám năm 1945 của dân tộc.
Tỉnh Tuyên Quang tự hào là nơi tổ chức Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ II của Đảng tại xã Kim Bình, huyện Chiêm Hóa. Đây là đại hội đầu tiên của Đảng được tổ chức ở trong nước sau khi thành lập và đến nay là đại hội duy nhất được tổ chức ngoài Thủ đô Hà Nội; Đại hội thống nhất Việt Minh - Liên Việt; Đại hội chiến sĩ thi đua và cán bộ gương mẫu toàn quốc lần thứ nhất... Những địa danh, sự kiện lịch sử trọng đại mãi mãi là niềm tự hào của Nhân dân các dân tộc tỉnh Tuyên Quang cũng như đồng bào cả nước.
Biến di tích lịch sử thành nguồn lực
Nhận thấy rõ tiềm năng, lợi thế riêng có của tỉnh, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh những nhiệm kỳ vừa qua xác định, phát triển du lịch thành 1 trong 3 khâu đột phá, trở thành ngành kinh tế quan trọng của tỉnh. Các địa phương trong tỉnh tập trung khai thác, phát huy di tích lịch sử cách mạng thành nguồn lực cho phát triển du lịch.
Để có định hướng rõ ràng, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Quy hoạch tổng thể bảo quản, tu bổ, tôn tạo và phát huy giá trị di tích gắn với phát triển du lịch đến năm 2025; Quy hoạch tổng thể phát triển Khu du lịch Quốc gia Tân Trào, tỉnh Tuyên Quang đến năm 2030. Trên cơ sở đó, tỉnh đã triển khai Dự án bảo quản tu bổ, phục hồi và phát huy giá trị khu di tích với nhiều hạng mục công trình có giá trị lịch sử, văn hóa: Khu tưởng niệm các vị tiền bối cách mạng, Bảo tàng Tân Trào, Quảng trường Tân Trào. Ngoài ra bằng nguồn vốn Trung ương, địa phương nhiều hạng mục của Khu di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt Kim Bình (Chiêm Hóa), Di tích lịch sử Quốc gia cách mạng Lào (Yên Sơn) đã và đang được tôn tạo, phục dựng lại. Mục tiêu đến năm 2030, hoàn thiện các tiêu chí Khu du lịch Quốc gia Tân Trào là Khu du lịch quốc gia.
Đồng chí Nguyễn Văn Hòa, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch khẳng định, tỉnh mong muốn đưa Tân Trào và Kim Bình trở thành địa chỉ đỏ về nguồn, trung tâm giáo dục truyền thống cách mạng, lòng yêu nước, tinh thần tự tôn dân tộc, đoàn kết, ý chí, khát vọng vươn lên của các tầng lớp Nhân dân, nhất là thế hệ trẻ, tạo động lực, nguồn lực kế tiếp sự nghiệp cách mạng vẻ vang của Đảng, của dân tộc. Các hoạt động, chương trình về nguồn, dâng hương, báo công, giao lưu văn hóa, văn nghệ, trải nghiệm tại các khu di tích lịch sử thời gian qua đã tạo thành phong trào sâu rộng, thường xuyên đối với các tổ chức, cơ quan, đơn vị, địa phương trong tỉnh và Nhân dân cả nước. Tuyên Quang tập trung đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, công nghệ số trong xây dựng cơ sở dữ liệu quản lý, bảo tồn, khai thác, phát huy giá trị các di tích lịch sử cách mạng tạo thành sản phẩm du lịch hấp dẫn và xây dựng tua tuyến, tăng cường quảng bá để thu hút khách du lịch.
Năm 2023, toàn tỉnh đón trên 2,6 triệu lượt khách du lịch, trong đó khách du lịch về nguồn tham quan các di tích lịch sử cách mạng chiếm gần một nửa. Điều đó cho thấy, du lịch lịch sử cách mạng là thế mạnh của Tuyên Quang. Hiện nay tỉnh đang tiếp tục xây dựng các dịch vụ, sản phẩm du lịch phụ trợ, như quy hoạch làng homestay, bảo tồn kiến trúc quần thể nhà sàn, lễ hội, cảnh quan rừng đặc dụng tại vùng lõi hai Khu di tích lịch sử cách mạng Tân Trào và Kim Bình. Chắc chắn với sự quan tâm của Chính phủ, sự vào cuộc của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, tỉnh Tuyên Quang sẽ quyết tâm phát triển du lịch lịch sử cách mạng xứng tầm với vị thế của nó.