Tuyên Quang: Duy trì tổ chức các lễ hội truyền thống của dân tộc thiểu số
17/04/2020 | 08:01Tuyên Quang duy trì tổ chức các lễ hội truyền thống của dân tộc thiểu số; Thái Nguyên phát huy hiệu quả của các mô hình CLB phòng, chống bạo lực gia đình; Lạng Sơn thực hiện 135 buổi tuyên truyền phòng, chống dịch Covid-19 trong tháng 4 là những thông tin văn hoá tiêu biểu tại một số tỉnh Đông Bắc Bộ.
Tuyên Quang: Duy trì tổ chức các lễ hội truyền thống của dân tộc thiểu số
Theo Báo cáo sơ kết 5 năm thực hiện Chỉ thị số 41-CT/TW ngày 5/2/2015 của Ban Bí thư (khoá XI) về việc tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý và tổ chức lễ hội, Sở VHTTDL Tuyên Quang đã chỉ đạo các cơ quan, đơn vị trực thuộc và các phòng, ban chuyên môn tổ chức tuyên truyền, quán triệt phổ biến Chỉ thị đến toàn thể cán bộ, đảng viên và người lao động trong toàn ngành thông qua các buổi sinh hoạt chi bộ, họp cơ quan, sinh hoạt chi đoàn…
Sở VHTTDL chủ trì, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, đơn vị liên quan tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát trước, trong và sau khi tổ chức lễ hội, kịp thời xử lý nghiêm các vi phạm. Hoàn thành kiểm kê di sản văn hóa phi vật thể trên địa bàn tỉnh đối với 16/26 dân tộc, kiểm kê toàn diện 40 di sản văn hóa phi vật thể, lựa chọn những di sản tiêu biểu lập hồ sơ đề nghị Bộ VHTTDL đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia; làm tốt công tác tuyên truyền động viên, khuyến khích đồng bào dân tộc thiểu số thường xuyên sử dụng trang phục truyền thống và nâng cao ý thức trong việc lưu giữ bảo tồn hệ thống nhà ở truyền thống của dân tộc mình.
Bên cạnh đó, tỉnh đã chú trọng duy trì tổ chức các lễ hội truyền thống của các dân tộc thiểu số như: Lễ hội Lồng Tông, thị trấn Na Hang, xã Đà Vị, xã Yên Hoa, xã Sơn Phú, xã Năng Khả, xã Lăng Can, xã Thượng Lâm, xã Kim Bình, xã Phú Bình; Lễ hội Cầu May đình Hồng Thái, lễ hội Cầu Mùa đình Tân Trào; Lễ hội đình Như Xuyên;…
Hoạt động biểu diễn nghệ thuật chuyên nghiệp phục vụ đồng bào dân tộc thiểu số thường xuyên được đổi mới và nâng cao chất lượng. Việc tăng cường giao lưu văn hóa mang tính chất vùng miền được chú trọng, ngành đã tham mưu tổ chức thành công Ngày hội văn hóa các dân tộc vùng Đông Bắc lần thứ VIII, Liên hoan nghệ thuật Hát Then – Đàn Tính các dân tộc Tày, Nùng, Thái Việt Nam lần thứ V, Ngày hội văn hóa dân tộc Dao toàn quốc,…thông qua đó tạo điều kiện để đồng bào các dân tộc thiểu số được giao lưu, thắt chặt tình đoàn kết dân tộc, góp phần bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống trong đời sống cộng đồng.
Thái Nguyên: Phát huy hiệu quả của các mô hình CLB phòng, chống bạo lực gia đình
Đây là một trong những giải pháp nhằm thực hiện hiệu quả Chỉ thị số 49-CT/TW, ngày 21/2/2005 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về "Xây dựng gia đình thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước" được Sở VHTTDL Thái Nguyên đưa ra.
Ngoài ra, đơn vị sẽ tiếp tục thực hiện có hiệu quả công tác quản lý nhà nước về lĩnh vực gia đình. Nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của các cấp ủy đảng, chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể và nhân dân đối với công tác gia đình.
Thực hiện tốt công tác phối hợp liên ngành trong tuyên truyền, tổ chức các hoạt động về gia đình. Phát huy vai trò của các ngành thành viên Ban Chỉ đạo Công tác gia đình trong việc nâng cao chất lượng đời sống gia đình. Tuyên truyền, tổ chức các hoạt động về gia đình phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương, đơn vị góp phần xây dựng gia đình văn hóa; hình thành quy tắc ứng xử văn hóa trong gia đình; gìn giữ phát huy các giá trị gia đình tốt đẹp; nâng cao chất lượng đời sống gia đình; chăm sóc và phát huy vai trò của người cao tuổi trong gia đình; thực hiện tốt công tác giáo dục, chăm sóc và bảo vệ trẻ em trong gia đình…
Phát huy hiệu quả của các mô hình CLB phòng, chống bạo lực gia đình/ CLB Gia đình phát triển bền vững và các CLB khác về gia đình. Từng bước tạo điều kiện cho mọi gia đình được tiếp cận các kiến thức pháp luật, đặc biệt là Luật Hôn nhân và gia đình, Luật Phòng, chống bạo lực gia đình, Luật Bình đẳng giới, Luật Người cao tuổi, Luật bảo vệ chăm sóc và giáo dục trẻ em, Pháp lệnh dân số.
Tổ chức tốt việc đào tạo nâng cao kiến thức, kỹ năng về công tác gia đình cho đội ngũ cán bộ làm công tác gia đình các cấp, nhất là cán bộ truyền thông cấp cơ sở. Đa dạng hóa các hình thức truyền thông và tài liệu truyền thông về công tác gia đình để cung cấp kiến thức cho các đối tượng khác nhau trong xã hội.
Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát về hoạt động gia đình tại cơ sở. Kịp thời khen thưởng, biểu dương các cá nhân, tập thể tiêu biểu có nhiều thành tích trong thực hiện công tác gia đình.
Lạng Sơn: Thực hiện 135 buổi tuyên truyền phòng, chống dịch Covid-19 trong tháng 4
Theo Báo cáo Công tác văn hoá, thể thao, du lịch và gia đình tháng 4, phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm tháng 5 năm 2020, trong tháng 4, Sở VHTTDL đã hoàn thiện hồ sơ dự thảo Chỉ thị của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về việc nâng cao chất lượng Phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa" trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2020 - 2025; biên soạn tài liệu tuyên truyền cấp phát cho các mô hình điểm về việc cưới, việc tang; Ban hành kế hoạch thực hiện thí điểm "Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình" trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn năm 2020; Kế hoạch thực hiện quy chế phối hợp liên ngành về phòng, chống bạo lực gia đình trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn năm 2020; …
Thực hiện nghiên cứu, sưu tầm tài liệu, hiện vật; khảo sát thực địa, thẩm định di tích Đình Đồng Bụt (xã Yên Bình, huyện Hữu Lũng) để chuẩn bị cho việc lập hồ sơ khoa học trình xếp hạng di tích cấp tỉnh; lập hồ sơ tài liệu hiện vật, đăng ký kiểm kê khoa học 135 hiện vật, lập 40 phiếu ảnh tư liệu; kiểm kê kho hiện vật.
Ngoài ra, hệ thống thư viện đã tiếp nhận và xử lý nghiệp vụ 125 tên sách, 586 bản sách từ nguồn bổ sung, 18 tên sách, 53 bản sách từ nguồn biếu tặng; phục vụ bạn đọc tại chỗ 500 lượt, luân chuyển 1.500 lượt sách,…
Thực hiện 135 buổi tuyên truyền phòng, chống dịch Covid-19, đến 120 lượt xã, phát hơn 5.000 tờ rơi; chỉ đạo Trung tâm Phát hành phim và Chiếu bóng tạm dừng chiếu phim tại rạp Đông Kinh từ ngày 27/3/2020 đến khi có chủ trương cho hoạt động trở lại.