Tin tức và Sự kiện

Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

Tuyên Quang: Đầu tư hạ tầng tạo đà cho du lịch “cất cánh”

03/08/2018 | 15:22

Xác định phát triển du lịch là ngành kinh tế quan trọng của tỉnh, hiện các địa phương đã sử dụng hiệu quả nguồn ngân sách trung ương và địa phương, tập trung đầu tư xây dựng hạ tầng cho các khu, điểm du lịch nhằm thu hút thêm các nhà đầu tư và khách du lịch.

Trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang hiện đã hình thành một số khu, điểm du lịch thu hút khách, như: Khu di tích Quốc gia đặc biệt Tân Trào (Sơn Dương), Khu du lịch Suối khoáng Mỹ Lâm (Yên Sơn), Khu du lịch sinh thái Na Hang, Khu di tích thắng cảnh Động Tiên (Hàm Yên), Khu du lịch sinh thái Lâm Bình, Khu du lịch sinh thái Bản Ba (Chiêm Hóa)… Theo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, hạ tầng là điều kiện cần để đặt nền tảng cho khai thác một điểm du lịch. Để du lịch tỉnh nhà “cất cánh”, một trong những nội dung quan trọng của tỉnh giai đoạn này là tập trung phát triển hạ tầng du lịch, xây dựng các sản phẩm du lịch đặc thù, hấp dẫn. Từ mục tiêu  này, tỉnh đã cân đối nguồn ngân sách trung ương và địa phương, bố trí cho nhiều dự án trọng điểm về du lịch. 

Bà Nguyễn Thị Huế, Phó trưởng Phòng Du lịch, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Tuyên Quang cho biết, từ năm 2016 đến nay, tại các khu, điểm du lịch đã được đầu tư xây dựng đường nội bộ, cảnh quan như: Hạ tầng kỹ thuật Khu du lịch Suối khoáng Mỹ Lâm, hạ tầng khu du lịch sinh thái Na Hang, hạ tầng Khu du lịch sinh thái Lâm Bình, hạ tầng khu tái định cư Khu du lịch Suối khoáng Mỹ Lâm, hạ tầng khu di tích thắng cảnh Động Tiên, đường giao thông phân khu khu du lịch lâm viên Phiêng Bung thuộc Khu du lịch sinh thái Na Hang, Khu du lịch sinh thái Bản Ba; duy tu, bảo dưỡng đường Khu Khu di tích Kim Quan, đường vào Đồng Man, Lũng Tẩu, xã Tân Trào (Sơn Dương) và Quảng trường Nguyễn Tất Thành… với tổng vốn đầu tư trên 188 tỷ đồng. 

Tuyến đường giao thông theo tiêu chuẩn cấp V miền núi được mở vào phân khu Khu du lịch Lâm viên Phiêng Bung dài hơn 3,1 km đã hoàn thành góp phần tạo thành một hệ thống du lịch liên hoàn. Theo quy hoạch chi tiết thì tại đây có thể xây dựng sân bay, sân golf 18 lỗ, sân tennis, khu trượt cỏ, trường đua ngựa, khu nhà nghỉ bình dân và khu biệt thự cao cấp, nhà hàng ăn uống, khu vui chơi giải trí, đường giao thông nội bộ phục vụ du khách dạo chơi, thám hiểm rừng nguyên sinh, núi Pắc Tạ và tuyến cáp treo từ đỉnh Phiêng Bung đến khu vực công trình thủy điện Tuyên Quang. Dự án phát triển Khu lâm viên Phiêng Bung đang triển khai mời gọi các nhà đầu tư trong nước và quốc tế đầu tư tại đây, trong đó một số nhà đầu tư đã đến tìm hiểu như Doanh nghiệp tư nhân Xuân Trường. 

Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư, nguồn vốn cân đối ngân sách địa phương giai đoạn 2016 - 2020 của tỉnh được bố trí trên 32,3 tỷ đồng cho các công trình, dự án du lịch quan trọng của tỉnh như: Đầu tư công trình hạ tầng cho Khu du lịch suối khoáng Mỹ Lâm; Dự án phục hồi, bảo tồn, tôn tạo các di tích lịch sử cách mạng và kháng chiến trên địa bàn tỉnh; Dự án xây dựng hạ tầng khu di tích thắng cảnh Động Tiên; Dự án đường giao thông phân khu Khu du lịch Lâm viên Phiêng Bung thuộc Khu du lịch sinh thái Na Hang… Trước đó, giai đoạn 2016 - 2017, từ nguồn vốn trung ương đã bố trí 44,5 tỷ đồng đầu tư cho các công trình, dự án du lịch quan trọng của tỉnh như: Dự án Khu du lịch sinh thái Na Hang, đầu tư xây dựng công trình hạ tầng Khu du lịch suối khoáng Mỹ Lâm.

Hạ tầng du lịch bước đầu được đầu tư đồng bộ, tỉnh tập trung thu hút các nhà đầu tư chiến lược vào địa phương. Hiện nay, đã có một số dự án đầu tư hạ tầng phát triển dịch vụ du lịch trên địa bàn tỉnh như dự án Vinpearl Tuyên Quang của Tập đoàn Vingroup; dự án khách sạn Mường Thanh với tiêu chuẩn 4 sao của Tập đoàn Khách sạn Mường Thanh; dự án khu du lịch nghỉ dưỡng và tắm khoáng Mỹ Lâm của Công ty du lịch dịch vụ Hà Phú; Dự án trung tâm lữ hành và dịch vụ du lịch Tuyên Quang của Công ty TNHH Thành Tín… với tổng vốn đăng ký đầu tư của các dự án đạt trên 1.376 tỷ đồng. Ngoài ra, Sở Kế hoạch và Đầu tư cũng thường xuyên phối hợp với các cơ quan chức năng rà soát các dự án đầu tư kinh doanh du lịch để có giải pháp đẩy nhanh tiến độ các dự án và xử lý những dự án vi phạm quy định, cam kết đầu tư.  

Với mục tiêu đến năm 2020 toàn tỉnh thu hút trên 2,2 triệu lượt khách du lịch, hiện ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh đang chỉ đạo các đơn vị liên quan nâng cao chất lượng tour, tuyến, hình thành các tour du lịch khép kín trên địa bàn tỉnh; xây dựng được loại hình du lịch đặc trưng và chất lượng cao trên cơ sở phát huy giá trị tài nguyên du lịch độc đáo, đặc sắc, có lợi thế của tỉnh nhằm tăng thời gian lưu trú của du khách. Đồng thời, phát triển các sản phẩm nghề truyền thống, khuyến khích, tạo điều kiện để các doanh nghiệp đầu tư sản xuất một số mặt hàng lưu niệm của tỉnh để phục vụ du khách.                                     

Theo baotuyenquang.vn

Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×