Tin tức và Sự kiện

Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

Từng bước xây dựng Hòa Bình thành điểm đến hấp dẫn

19/09/2022 | 09:06

Với mục tiêu xây dựng tỉnh Hòa Bình thành điểm đến hấp dẫn với các sản phẩm du lịch đặc trưng, là trung tâm du lịch lớn của khu vực trung du và miền núi phía Bắc, những năm qua, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách nhằm thúc đẩy phát triển du lịch. Thực hiện cơ cấu lại ngành theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại, phát triển bền vững, đáp ứng yêu cầu phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn.

Từng bước xây dựng Hòa Bình thành điểm đến hấp dẫn - Ảnh 1.

Với vẻ đẹp sơn thủy hữu tình, hồ Hòa Bình đang được đầu tư xây dựng là khu du lịch quốc gia.

Theo đó, tỉnh đã xây dựng cơ chế, chính sách hỗ trợ đầu tư phát triển du lịch; tăng cường xúc tiến, quảng bá, đào tạo phát triển nguồn nhân lực; tạo môi trường thuận lợi cho doanh nghiệp (DN) và cộng đồng phát triển du lịch. Tập trung đổi mới công tác QLNN theo hướng phục vụ DN, người dân. Chú trọng thực hiện CCHC; đẩy mạnh nội dung số hóa dữ liệu của các ngành để thuận lợi cho việc hỗ trợ cung cấp thông tin cho các DN…Tỉnh đã huy động nguồn lực đầu tư cơ sở hạ tầng du lịch có trọng tâm, trọng điểm, trong đó quan tâm nâng cấp và mở rộng một số tuyến đường đến các khu du lịch (KDL), nhất là các tuyến đường kết nối lên vùng lõi của KDL hồ Hòa Bình. Nhờ đó đã thu hút được các nhà đầu tư (NĐT) lớn đến tìm hiểu, nghiên cứu đầu tư, lập dự án phát triển du lịch, tiêu biểu như: Dự án cáp treo và khu phức hợp vui chơi giải trí sân golf tại TP Hòa Bình; KDL nghỉ dưỡng Mai Đà Resort và dự án trồng rừng kết hợp du lịch sinh thái và nghỉ dưỡng Hiền Lương (Đà Bắc); Khu nghỉ dưỡng và du lịch sinh thái hồ Hòa Bình… Trong năm 2022, tỉnh đã ban hành 4 Quyết định chấp thuận chủ trương đầu dự án có quy mô lớn, sản phẩm dịch vụ du lịch chất lượng cao gồm: Khu đô thị sinh thái, nghỉ dưỡng khoáng nóng cao cấp hồ Khả; Khu đô thị sinh thái, nghỉ dưỡng và vui chơi giải trí cao cấp Đồi Thung (Lạc Sơn); Quần thể khu đô thị sinh thái, vui chơi giải trí cao cấp và hệ thống cáp treo Cuối Hạ (Kim Bôi); Quần thể du lịch, nghỉ dưỡng và sân golf Yên Thủy.

Song song với đó, Hòa Bình đã khuyến khích các tổ chức, đơn vị, DN, hộ kinh doanh thường xuyên đổi mới, đa dạng hóa các loại hình, sản phẩm du lịch phù hợp với điều kiện tài nguyên và định hướng phát triển của tỉnh, như các loại hình du lịch văn hóa, sinh thái, tâm linh, thể thao… Từng bước xây dựng chiến lược phát triển sản phẩm, xây dựng thương hiệu du lịch tỉnh Hòa Bình gắn với hình ảnh đặc trưng, độc đáo mang bản sắc văn hóa các dân tộc, đặc biệt là bản sắc văn hóa dân tộc Mường. Những năm qua, tỉnh đã xây dựng mới 10 bản du lịch cộng đồng dân tộc Mường, dân tộc Mông tại các huyện: Đà Bắc, Mai Châu, Tân Lạc, thu hút được nhiều du khách đến trải nghiệm.

Hiện, toàn tỉnh có 67 dự án đầu tư lĩnh vực du lịch; 448 cơ sở lưu trú được thẩm định, trong đó có 9 khách sạn 3 sao; 26 khu nghỉ dưỡng và khách sạn 2 sao, 6 khách sạn 1 sao, 6 căn hộ đạt chuẩn; 401 nhà nghỉ, nhà sàn du lịch cộng đồng; có 9 điểm du lịch địa phương, 1 KDL cấp tỉnh đã công nhận…

Tuy đã có sự phát triển ấn tượng, song theo đánh giá của UBND tỉnh, Hòa Bình chưa thu hút được các tập đoàn du lịch có thương hiệu lớn để đầu tư các khu nghỉ dưỡng cao cấp với dịch vụ vui chơi giải trí chất lượng cao. Sản phẩm du lịch chưa thực sự hấp dẫn, chưa có khu nghỉ dưỡng tầm quốc tế hay khu vực được xếp hạng 4, 5 sao. Việc đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng còn hạn chế, nhất là các tuyến đường kết nối đến các tuyến, điểm du lịch trọng điểm… Nguyên nhân là do nguồn lực đầu tư từ tỉnh đến các địa phương còn hạn hẹp; thiếu cơ chế, chính sách đặc thù, ưu đãi để khuyến khích, tạo điều kiện cho các NĐT trong phát triển du lịch. Công tác tuyên truyền, quảng bá, xúc tiến du lịch chưa có tính chuyên nghiệp cao…

Để thực hiện nhiệm vụ theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII đề ra là: Khai thác tối đa tiềm năng, thế mạnh để phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn, trong thời gian tới, Tỉnh ủy, UBND tỉnh chủ trương bố trí ưu tiên nguồn lực từ ngân sách và huy động các nguồn lực của toàn xã hội đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch, đặc biệt là đầu tư hệ thống đường giao thông, bến thuyền kết nối các điểm du lịch và xây dựng các sản phẩm du lịch đặc sắc, hấp dẫn, chất lượng cao. Nâng cao nhận thức, đổi mới tư duy về vai trò của phát triển du lịch của các cấp, các ngành… Đổi mới công tác đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch về quản lý, quản trị DN và lao động nghề, đáp ứng nhu cầu cạnh tranh, hội nhập và phát triển trong cơ chế thị trường; thúc đẩy phát huy hiệu quả các chương trình liên kết, hợp tác phát triển du lịch trong nước và quốc tế.

Bên cạnh đó, Tỉnh ủy, UBND tỉnh tiếp tục chỉ đạo xây dựng và triển khai thực hiện các quy hoạch, kế hoạch, đề án của T.Ư và của tỉnh về phát triển du lịch. Trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quy hoạch tỉnh Hòa Bình thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, trong đó có phần tích hợp quy hoạch du lịch để nâng cao hiệu quả QLNN, thu hút đầu tư, phát triển du lịch; rà soát, bổ sung và ban hành cơ chế, chính sách đặc thù tạo cơ sở pháp lý để hỗ trợ các NĐT, cộng đồng đầu tư phát triển sản phẩm du lịch văn hóa, sinh thái, nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí, trải nghiệm cho khách tham quan du lịch…

Theo Báo Hòa Bình

Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×