Từng bước hình thành các lĩnh vực công nghiệp trong hoạt động văn hóa
02/06/2020 | 11:24Sau 3 năm triển khai thực hiện Quyết định số 1755/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn 2030, tỉnh Nghệ An đã bước đầu đạt những kết quả đáng khích lệ, từ đó thúc đẩy sáng tạo ra nhiều sản phẩm và dịch vụ văn hóa, góp phần nhất định vào sự phát triển kinh tế - xã hội nói chung.
Quảng bá các giá trị du lịch, văn hóa truyền thống
Nghệ An có tiềm năng du lịch dồi dào, bên cạnh các sản phẩm có thế mạnh như du lịch văn hóa lịch sử gắn với tâm linh, du lịch nghỉ dưỡng biển, thời gian gần đây du lịch sinh thái, du lịch hội nghị, hội thảo, du lịch cộng đồng đang có xu hướng gia tăng. Kết quả tăng trưởng lượng khách du lịch có lưu trú giai đoạn 2017 – 2019 đạt 7,05%/năm. Tổng thu du lịch tăng 13,05%/năm, doanh thu các dịch vụ du lịch tăng 14%/năm. Riêng năm 2019, toàn tỉnh đã đón và phục vụ trên 6,5 triệu lượt khách du lịch.
Để tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành ở địa phương, UBND tỉnh đã ban hành các văn bản chỉ đạo, triển khai thực hiện hiệu quả Chiến lược, qua đó công tác tuyên truyền được thực hiện thường xuyên, liên tục thông qua các phương tiện thông tin đại chúng hoặc thông qua các sự kiện, hội nghị, hội chợ, góp phần hiệu quả trong công tác quản lý, thúc đẩy sự phát triển du lịch ở địa phương. Bên cạnh đó, hàng năm mở các lớp tập huấn bồi dưỡng nghiệp vụ du lịch như: marketing du lịch, nghiệp vụ khách sạn, văn bản pháp luật du lịch, an ninh du lịch, văn hóa ứng xử cho đội ngũ cán bộ, công chức, lãnh đạo, quản lý, người lao động các doanh nghiệp trên địa bàn; phối hợp với dự án JICA tổ chức 02 lớp tập huấn về tổ chức dịch vụ homestay và chế biến món ăn cho 50 người dân làm du lịch cộng đồng tại huyện Con Cuông, tổ chức các Hội thi nghiệp vụ, hội nghị đối thoại với các doanh nghiệp và cơ sở đào tạo nghề du lịch…
Công tác hợp tác, liên kết phát triển du lịch với các địa phương, các tập đoàn, doanh nghiệp du lịch trong cả nước được quan tâm và triển khai khá tích cực, trong đó đã ký kết Biên bản hợp tác phát triển thị trường khách du lịch Trung Quốc với Hà Nội và các tỉnh phía Bắc, kế hoạch phối hợp quảng bá, xúc tiến du lịch với 7 tỉnh, thành phố miền Trung… Công tác thanh tra, kiểm tra được tăng cường, trọng tâm là việc chấp hành quy định pháp luật trong kinh doanh lưu trú du lịch, lữ hành, bảo vệ môi trường, duy trì tiêu chuẩn chất lượng các dịch vụ du lịch… góp phầm đảm bảo môi trường du lịch an toàn, lành mạnh.
Đa dạng các hoạt động điện ảnh và nghệ thuật biểu diễn
Trong những năm qua, UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở Văn hóa và Thể thao chủ động tuyên truyền, phổ biến nội dung của Luật Điện ảnh và các văn bản hướng dẫn thi hành dưới nhiều hình thức tới các cơ quan, ban ngành, tổ chức và cá nhân ở địa phương. Công tác tuyên truyền nhằm quán triệt nội dung co bản của Luật và các văn bản liên quan đến lĩnh vực điện ảnh, nâng cao ý thức thực hiện các chính sách phát triển điện ảnh và các quy định của Luật Điện ảnh, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi và thúc đẩy điện ảnh phát triển, đáp ứng được phần nào nhu cầu hưởng thụ đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân địa phương.
Giai đoạn 2011-2020, đã tổ chức được gần 3.000 buổi chiếu phim phục vụ đồng bào dân tộc, miền núi trong tỉnh, góp phần tuyên truyền các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến nhân dân trong tỉnh, nội dung phim đa dạng về đề tài, phong phú về thể loại, nhiều phim có nội dung phù hợp với nhu cầu giải trí và nhận thức của nhân dân, đặc biệt là đồng bào vùng sâu vùng xa, trong đó có lồng ghép công tác tuyên truyền các Chỉ thị, Nghị quyết của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, đáp ứng nhiệm vụ chính trị, nhu cầu hưởng thụ văn hóa tinh thần của nhân dân.
Nghệ An cũng là tỉnh có kho tàng văn hóa dân tộc phong phú, đa dạng, loại hình văn hóa truyền thống là tiềm năng sẵn có của tỉnh, giữ vai trò quan trọng đối với việc phát triển công nghiệp văn hóa trong lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn. Nhận thức được điều này, UBND tỉnh đã chỉ đạo các đơn vị, địa phương thường xuyên tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp, các ngành và cộng đồng, nhân dân trong việc gìn giữ, phát huy giá trị văn hóa truyền thống của địa phương. Công tác tuyên truyền được thực hiện thông qua nhiều hình thức như: tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng của tỉnh, tuyên truyền thông qua các buổi biểu diễn phục vụ nhân dân về định hướng phát triển công nghiệp văn hóa trong lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn của nhà nước và địa phương.
Bên cạnh đó, tỉnh đã tăng cường công tác tuyên truyền, khuyến khích thành lập các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực âm nhạc, nghệ thuật biểu diễn, tổ chức sự kiện. Nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ phục vụ nhiệm vụ chính trị, kỷ niệm các ngày lễ lớn của địa phương và đất nước diễn ra với nhiều nội dung và hình thức đa dạng, phong phú, chất lượng nghệ thuật của các tiết mục, chương trình biểu diễn từng bước được nâng cao. Đặc biệt, hoạt động nghệ thuật biểu diễn trên địa bàn toàn tỉnh có nhiều chuyển biến tích cực, nhất là sau khi dân ca Ví, Giặm được UNESCO vinh danh là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Các kế hoạch, chương trình hành động về bảo tồn, phát huy theo đó được xây dựng và triển khai đồng bộ, đưa dân ca Ví Giặm trở thành loại hình biểu diễn truyền thống được thực hành thường xuyên trong nhân dân.
Nhiều chuyển biến tích cực trong hoạt động mỹ thuật, nhiếp ảnh, triển làm và quảng cáo
Những năm qua, hoạt động mỹ thuật, nhiếp ảnh và triển lãm của tỉnh đã có những bước tiến cơ bản, các tác phẩm đi sâu khai thác, sáng tạo những đề tài lớn về lịch sử, công cuộc đổi mới. Nhiều nghệ sĩ đã bám sát thực tế cuộc sống, tác phẩm phản ánh những chuyển biến tích cực trong công cuộc xây dựng và bảo vệ tổ quốc, phát triển kinh tế xã hội tại địa phương. Nhờ đó, hiệu quả, chất lượng công tác quản lý nhà nước về văn hóa được nâng cao, quy hoạch hệ thống tuyên truyền, quảng cáo ngoài trời tại các địa phương được triển khai nghiêm túc, đồng bộ; Thực hiện tốt việc định hướng và duy trì tuyên truyền, cổ động trên báo, bản tin nội bộ; Hệ thống tượng đài, tranh hoành tráng được xây dựng theo đúng quy hoạch giai đoạn 2014 – 2030; định kỳ tổ chức tốt Giải thưởng mỹ thuật thiếu nhi tỉnh Nghệ An; phối kết hợp hoạt động mỹ thuật, nhiếp ảnh với phát triển du lịch để tuyên truyền, quảng bá hình ảnh đất nước, con người Nghệ An thông qua các cuộc triển lãm, xúc tiến du lịch trong và ngoài nước.
Hoạt động quảng cáo được thực hiện theo đúng quy định của pháp luật, góp phần hiệu quả trong công tác quản lý nhà nước, giữ gìn mỹ quan đô thị, bảo đảm an toàn giao thông, trật tự cộng đồng, bảo vệ môi trường, nâng cao hiệu lực và hỗ trợ đẩy mạnh các hoạt động thông tin, tuyên truyền, cổ động các nhiệm vụ chính trị.
Ngoài tập trung vào các lĩnh vực chính như trên thì các lĩnh vực khác như thủ công mỹ nghệ, truyền hình và phát thanh cũng là những lĩnh vực mang nhiều tiềm năng sẵn có. Nghệ An là địa bàn sinh sống của 6 dân tộc chính gồm: Kinh, Thái, Thổ, Mông, Khơ Mú và Ơ Đu. Đời sống văn hóa của các dân tộc đã tạo nên bức tranh đa sắc màu cho tỉnh. Việc phát triển thủ công mỹ nghệ của các dân tộc trong những năm gần đây được quan tâm nhiều hơn, các nghề thủ công giữ vai trò quan trọng trong hoạt động kinh tế và đời sống của người dân trong tỉnh. Các sản phẩm thủ công mỹ nghệ được đem đi quảng bá, giới thiệu tại các chương trình sự kiện văn hóa trên cả nước. Cùng với đó, tận dụng tối đa những lợi thế sẵn có về công nghệ thông tin, truyền hình và phát thanh để giới thiệu những nét đẹp văn hóa, thúc đẩy ngành du lịch văn hóa của tỉnh.