Tin tức và Sự kiện

Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

Từng bước đưa ngành du lịch Phú Yên trở thành ngành kinh tế mũi nhọn

30/08/2023 | 11:30

Những năm qua, tỉnh Phú Yên đã huy động nhiều nguồn lực đầu tư phát triển hệ thống hạ tầng, thu hút nhiều dự án đầu tư phát triển du lịch để từng bước đưa ngành du lịch Phú Yên trở thành ngành kinh tế mũi nhọn vào năm 2030 theo Chương trình hành động số 09-CTr/TU, ngày 18/8/2021 của Tỉnh ủy. Nhờ vậy, ngành du lịch Phú Yên đã có bước tăng trưởng khá mạnh về cả quy mô du khách cũng như doanh thu từ các hoạt động du lịch, dịch vụ.

Từng bước đưa ngành du lịch Phú Yên trở thành ngành kinh tế mũi nhọn - Ảnh 1.

Hằng năm, Phú Yên tổ chức Lễ Chào cờ đầu năm mới và các hoạt động chào đón du khách đầu tiên đến Mũi Điện (Mũi Đại Lãnh) ở xã Hòa Tâm, TX Đông Hòa.

Qua 02 năm triển khai thực hiện Kế hoạch số 198/KH-UBND, ngày 08/11/2021 của UBND tỉnh thực hiện Chương trình hành động của Tỉnh ủy về đầu tư phát triển du lịch giai đoạn 2021-2025, phấn đấu trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh vào năm 2030, được sự quan tâm chỉ đạo của Tỉnh ủy, HĐND tỉnh, sự phối hợp của các sở, ban, ngành, địa phương, nỗ lực vượt qua khó khăn của các doanh nghiệp, hoạt động du lịch trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua đã có nhiều chuyển biến tích cực, góp phần phục hồi phát triển kinh tế - xã hội của địa phương sau khi dịch bệnh Covid-19 được kiểm soát.

Nhận thức của các cấp, các ngành, Nhân dân và các doanh nghiệp trong tỉnh về yêu cầu và tầm quan trọng trong việc phát triển ngành du lịch của tỉnh thời gian qua đã nâng cao một bước; công tác đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, xúc tiến đầu tư, quảng bá du lịch được chú trọng; cơ sở vật chất, kỹ thuật phục vụ du lịch có bước phát triển, chất lượng phục vụ được nâng lên.

Huy động các nguồn lực đầu tư cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch

UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì, phối hợp các ngành, địa phương tiếp tục triển khai quy hoạch phát triển du lịch tỉnh Phú Yên giai đoạn đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2025; đồng thời chỉ đạo các sở, ngành tập trung phối hợp đẩy nhanh tiến độ thực hiện lập quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; trong đó có việc định hướng phát triển du lịch tỉnh trong thời gian tới. Dự kiến tháng 10/2023 sẽ trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; đồng thời, triển khai xây dựng Đề án Công viên địa chất Phú Yên hướng tới danh hiệu UNESCO.

Đã thực hiện hoàn thành các quy hoạch sử dụng đất cấp huyện thời kỳ 2021-2030; tiếp tục triển khai lập quy hoạch theo Chương trình tổ chức lập quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2025 đã được duyệt; triển khai lập nhiệm vụ quy hoạch các di tích: kiến trúc nghệ thuật quốc gia đặc biệt Tháp Nhạn và danh lam thắng cảnh quốc gia đặc biệt Gành Đá Đĩa. Phê duyệt danh mục các dự án kêu gọi đầu tư trên địa bàn tỉnh Phú Yên giai đoạn 2021-2025 (đợt 1) gồm 23 dự án với tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 28.000 tỷ đồng; trong đó có 03 dự án kêu gọi đầu tư vào lĩnh vực dịch vụ du lịch: Khu du lịch hồ Suối Bùn, huyện Sơn Hòa; Khu du lịch sinh thái đầm Ông Kinh - núi Mái Nhà, huyện Tuy An; Khu Thương mại - Dịch vụ du lịch sinh thái Công viên Bầu Hà, thị xã Đông Hòa; cho phép một số nhà đầu tư tiếp cận, nghiên cứu tài trợ các sản phẩm quy hoạch như: Công ty Cổ phần Tập đoàn Đầu tư Địa ốc No Va, Công ty Cổ phần Tập đoàn T&T; Công ty Cổ phần Tập đoàn Everland; Công ty Cổ phần Tập đoàn TH; Liên danh Công ty Cổ phần Lã Vọng Group; Công ty Cổ phần Tập đoàn Đầu tư Tài chính Việt Nam...

Cùng với đó, tập trung nguồn lực đầu tư một số dự án đường đến các điểm di tích, danh thắng và khu vực có tiềm năng phát triển du lịch, trong đó đầu tư mở rộng, nâng cấp tuyến đường từ QL1A đến di tích quốc gia Thành An Thổ, huyện Tuy An; tuyến đường giao thông từ cảng Bãi Gốc kết nối QL1 đi Khu kinh tế Vân Phong…; đầu tư Tuyến đường ven Vịnh Xuân Đài, thị xã Sông Cầu (đoạn từ Bãi tắm Bàn Than đến Khu du lịch Nhất Tự Sơn) và dự án Tuyến đường dọc Vịnh Xuân Đài - Nhất Tự Sơn; triển khai các thủ tục đầu tư Tuyến đường bộ ven biển tỉnh Phú Yên đoạn từ Quốc lộ 1 (Miếu Ông Cọp) đến ngã ba Độc Lập - Lê Duẩn nối dài.

UBND tỉnh cũng kiến nghị Bộ Giao thông vận tải phê duyệt nhiệm vụ, phương án kỹ thuật khảo sát điều chỉnh quy hoạch Cảng hàng không Tuy Hòa thời kỳ 2021-2030, định hướng đến 2050; quan tâm và sớm cho triển khai đầu tư cảng biển Phú Yên theo quy hoạch được duyệt trong giai đoạn trước 2030, trong đó chú trọng đầu tư Khu bến Bãi Gốc; hỗ trợ đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng đường sắt Bắc - Nam đoạn qua địa bàn tỉnh. Đề xuất Bộ Khoa học và Công nghệ 02 nhiệm vụ cấp quốc gia làm cơ sở phục vụ cho phát triển du lịch của tỉnh gồm: Nghiên cứu, đánh giá giá trị di sản địa chất và các di sản khác làm cơ sở khoa học hướng tới thành lập Công viên địa chất toàn cầu UNESCO ở tỉnh Phú Yên; Cơ sở khoa học cho việc hoạch định chiến lược Marketing trong liên kết du lịch bốn tỉnh Phú Yên - Bình Định - Đắk Lắk - Gia Lai.

Thời gian qua, UBND tỉnh đã làm việc với các đoàn Lãnh sự, Đại sứ quán, tổ chức quốc tế tại Việt Nam (Ấn Độ, Úc, Cuba, Hungary, Phòng Công nghiệp và Thương mại Đức…) để xúc tiến đầu tư, trong đó có lĩnh vực du lịch; qua đó, đã cung cấp các thông tin về chính sách thu hút đầu tư, giới thiệu tiềm năng, thế mạnh của tỉnh. Trong năm 2022, tỉnh tổ chức Đoàn làm việc tại Pháp; Hội nghị “Gặp gỡ Phú Yên - Israel”; Hội nghị “Hợp tác quốc tế phát huy giá trị di sản Công viên địa chất và du lịch bền vững tỉnh Phú Yên”. Năm 2023, thành lập Đoàn công tác lãnh đạo tỉnh thăm và làm việc tại Nhật Bản.

Các huyện, thị xã, thành phố đầu tư xây dựng, đưa vào hoạt động các dự án, công trình góp phần hoàn thiện hạ tầng, phát triển kinh tế, tạo mỹ quan đô thị các địa phương trong tỉnh. Nhất là các công trình tại thành phố Tuy Hòa như: Tháp Nghinh Phong, hồ điều hòa Hồ Sơn, Công viên ven biển thành phố Tuy Hòa… góp phần kích thích đầu tư các dự án du lịch nghỉ dưỡng, cơ sở lưu trú, dịch vụ và làm phong phú, đa dạng các sản phẩm du lịch của tỉnh, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của du khách khi đến Phú Yên.

Đa dạng hóa, nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch

UBND tỉnh đã chỉ đạo xây dựng và triển khai kế hoạch thực hiện Đề án “Bảo tồn, phát huy trang phục truyền thống các dân tộc thiểu số Việt Nam trong giai đoạn hiện nay” trên địa bàn tỉnh; triển khai Đề án “Bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể Nghệ thuật bài chòi Trung Bộ Việt Nam trên địa bàn tỉnh Phú Yên giai đoạn 2021-2023”; duy trì hoạt động và nâng cao chất lượng của các nhóm nghệ nhân, các CLB đàn, hát dân ca, bài chòi, đội cồng chiêng... phục vụ du lịch.

Tiếp tục triển khai Đề án Chương trình mỗi xã một sản phẩm tỉnh Phú Yên năm 2023. Hiện toàn tỉnh đã công nhận 92 sản phẩm OCOP đạt từ 03 sao trở lên của 46 chủ thể; các ngành, địa phương hỗ trợ, tạo điều kiện cho các chủ thể tham gia các chương trình quảng bá, giới thiệu sản phẩm, xúc tiến thương mại trong và ngoài tỉnh; một số sản phẩm đang dần khẳng định vị thế trên thị trường và được nhiều du khách lựa chọn mua sắm. 

Đồng thời, từng bước khôi phục các làng nghề để trở thành điểm đến phục vụ du khách như: làng nghề nước mắm Gành Đỏ (thị xã Sông Cầu), làng nghề bánh tráng Hòa Đa, làng nghề thúng chai Phú Mỹ (huyện Tuy An), làng rau Ngọc Lãng (thành phố Tuy Hòa), làng văn hóa du lịch Lê Diêm (huyện Sông Hinh), Xí Thoại (huyện Đồng Xuân)…; nhiều doanh nghiệp chủ động liên kết với người dân đầu tư xây dựng mới nhiều sản phẩm du lịch gắn với nông nghiệp, nông thôn.

Công tác quản lý nhà nước về du lịch thời gian qua luôn được UBND tỉnh quan tâm chỉ đạo, đặc biệt là giải quyết tình trạng các cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch chưa đảm bảo theo quy định trên địa bàn tỉnh, việc vi phạm trật tự xây dựng, sử dụng đất không đúng mục đích, không phù hợp với quy hoạch xây dựng, quy hoạch sử dụng đất của địa phương của một số cơ sở, doanh nghiệp. Thực hiện tốt công tác quản lý nhà nước về an ninh, trật tự, đảm bảo quốc phòng an ninh, quản lý chặt chẽ tình hình địa bàn, đối tượng, các tình hình có liên quan trên khu vực biên giới biển… gắn với phát triển du lịch.

Nhờ đó, năm 2022, Phú Yên đón 2,2 triệu lượt du khách, tăng 491,4% so với năm 2021 và tăng 20,2% so với năm 2019 (thời điểm trước dịch COVID-19); tổng doanh thu du lịch đạt 2.760 tỷ đồng, tăng 620,2% so với năm 2021 và tăng 42,2% so với năm 2019. Trong 6 tháng đầu năm 2023, tổng lượt khách du lịch đến Phú Yên ước đạt 1,5 triệu lượt, gấp 2,7 lần so với cùng kỳ, trong đó khách quốc tế đạt 9.110 lượt, gấp 3,8 lần so với cùng kỳ; tổng doanh thu từ khách du lịch đạt 2.756 tỷ đồng, gấp 2,8 lần so với cùng kỳ. Thị trường khách du lịch nội địa chủ yếu đến từ TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội, Đà Nẵng, Bình Định, Khánh Hoà, các tỉnh Tây Nguyên. Đây là những tín hiệu tốt của du lịch Phú Yên, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Từng bước đưa ngành du lịch Phú Yên trở thành ngành kinh tế mũi nhọn - Ảnh 2.

Tiết mục nghệ thuật tại Tuần Văn hóa - Du lịch Phú Yên 2023 diễn ra từ 01-07/4/2023.

Hạn chế, khó khăn cần tháo gỡ

Bên cạnh những kết quả đạt được, việc đầu tư phát triển du lịch Phú Yên còn những hạn chế, khó khăn như: Công tác lập quy hoạch trên địa bàn tỉnh triển khai còn chậm, ảnh hưởng đến việc kêu gọi đầu tư các dự án du lịch lớn; chưa quy hoạch được các khu chức năng vui chơi giải trí, các khu dịch vụ du lịch về đêm tại trung tâm thành phố Tuy Hoà phục vụ khách. Công tác lập quy hoạch và quản lý sử dụng đất đai của một số địa phương chưa tốt, dẫn đến xuất hiện nhiều cơ sở kinh doanh dịch vụ, du lịch chưa đảm bảo điều kiện.

Một số dự án đã được cấp chủ trương đầu tư nhưng chậm triển khai thực hiện, ảnh hưởng đến việc đa dạng hoá sản phẩm du lịch, nhất là các dự án du lịch ven biển. Việc huy động nguồn lực xã hội hóa để đầu tư hạ tầng giao thông, bến cảng, phương tiện vận chuyển du lịch đường bộ, đường thủy, các dịch vụ thể thao giải trí biển… còn hạn chế.

Kết cấu hạ tầng du lịch của tỉnh còn hạn chế, nhất là hạ tầng giao thông đường bộ ven biển, giao thông đường thủy; đường giao thông đến các điểm di tích, danh thắng có quy mô nhỏ, cấp đường thấp, đi lại khó khăn; sân bay Tuy Hoà chỉ khai thác tuyến Hà Nội và TP.HCM, chưa khai thác các đường bay tại một số tỉnh thành phố khác trong nước như Cần Thơ, Đà Nẵng và các chuyến bay quốc tế. Nguồn nhân lực du lịch tuy được cải thiện, nhưng vẫn còn thiếu về số lượng và yếu về chuyên môn, nghiệp vụ, kỹ năng. Công tác quản lý tổng thể các khu, điểm du lịch chưa tốt; chưa khai thác, phát huy được hết giá trị các di tích, danh thắng trên địa bàn tỉnh để phục vụ phát triển du lịch...

Chỉ đạo nâng cao chất lượng lập, quản lý các quy hoạch

Để triển khai hiệu quả Kế hoạch số 198/KH-UBND và phát huy tiềm năng, lợi thế phát triển ngành du lịch tỉnh nhà, trong thời gian tới UBND tỉnh chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, địa phương tập trung hiện một cách đồng bộ các giải pháp sau:

Thứ nhất, tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về du lịch; có sự phân công, phân cấp rõ ràng giữa các cơ quan, đơn vị và địa phương trong công tác quản lý nhà nước về du lịch. Ban hành cơ chế chính sách khuyến khích thúc đẩy phát triển du lịch; ưu tiên bố trí kinh phí thỏa đáng đầu tư phát triển du lịch.

Thứ hai, nâng cao chất lượng công tác lập, quản lý và tổ chức thực hiện các quy hoạch; lập quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết tại một số khu vực trọng điểm, các khu di tích, danh thắng.

Thứ ba, tập trung nguồn ngân sách nhà nước và xã hội hóa để đầu tư phát triển kết cấu, hạ tầng đô thị, hạ tầng giao thông ven biển, đường hàng không, đường thủy, đường sắt. Tăng cường kêu gọi, thu hút các dự án đầu tư phát triển du lịch, ưu tiên thu hút đầu tư hình thành một số khu du lịch tạo điểm nhấn của Phú Yên mang tầm quốc gia và quốc tế tại Vịnh Xuân Đài, Gành Đá Đĩa, Vịnh Vũng Rô, Cao nguyên Vân Hòa...

Thứ tư, xây dựng sản phẩm du lịch mang đặc trưng của Phú Yên; tập trung phát triển du lịch biển đảo, du lịch sinh thái, du lịch văn hóa, du lịch thể thao, du lịch cộng đồng, lấy du lịch sinh thái, du lịch biển đảo làm mũi nhọn; kêu gọi các dự án đầu tư sản phẩm du lịch cao cấp (du lịch tàu biển, du lịch nghỉ dưỡng cao cấp…); phát triển các loại hình du lịch thể thao trên biển, trên cát…; thu hút đầu tư sân golf và đầu tư các dịch vụ du lịch ban đêm (kinh tế đêm).

Thứ năm, đẩy mạnh, nâng cao hiệu quả liên kết để hình thành chuỗi giá trị du lịch; đảm bảo hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, người dân và doanh nghiệp. Quan tâm công tác bảo tồn, phát huy giá trị di tích; kêu gọi xã hội hoá đầu tư dịch vụ tại các di tích để phục vụ phát triển du lịch.

Thứ sáu, tập trung xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm du lịch Phú Yên theo hướng đề cao văn hóa bản địa, phát huy tiềm năng, lợi thế tài nguyên thiên nhiên, văn hóa, truyền thống, vẻ đẹp của vùng đất, con người Phú Yên gắn với bảo vệ môi trường.

Thứ bảy, đẩy mạnh thực hiện chuyển đổi số, trong đó tập trung triển khai nền tảng số phục vụ du lịch, chuyển đổi số trong lĩnh vực du lịch, thúc đẩy phát triển và sử dụng nền tảng số quốc gia về quản trị và kinh doanh du lịch. Đổi mới công tác quảng bá xúc tiến du lịch theo hướng chuyên nghiệp và hiệu quả; tổ chức sự kiện có quy mô lớn hằng năm mang thương hiệu của tỉnh. Khuyến khích các doanh nghiệp thiết lập một số văn phòng đại diện tại các trung tâm du lịch lớn của cả nước.

Thứ tám, đẩy mạnh liên kết, hợp tác phát triển du lịch với các tỉnh, thành phố trong cả nước, nhất là Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, các tỉnh Duyên hải Nam Trung bộ, Tây Nam bộ và Tây Nguyên. Xúc tiến ký kết hợp tác phát triển du lịch với các địa phương ở nước ngoài kết nghĩa với Phú Yên; liên kết các ngành, lĩnh vực như hàng không, thương mại, thông tin truyền thông để xúc tiến, quảng bá du lịch…

“Những năm gần đây, sản phẩm du lịch Phú Yên ngày càng phong phú, chất lượng; từng bước xây dựng được thương hiệu “Phú Yên - Điểm đến hấp dẫn và thân thiện”. Tỉnh xác định du lịch đóng vai trò vô cùng quan trọng trong thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, góp phần gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống, từng bước đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn”. - Đồng chí Đào Mỹ - Phó Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu tại Tuần Văn hóa - Du lịch Phú Yên 2023./.

Theo phuyen.gov.vn

Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×